Bước sang năm 1975, trên đà phát triển nhanh của tình hình chiến trường, lãnh đạo Bộ Công an đã gấp rút chỉ đạo Ban nghiên cứu tổng kết và Phòng công tác miền Nam (B90) nghiên cứu, đề xuất Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 218/CT-TW ngày 14-4-1975 về công tác đối với tù binh, hàng binh; Chỉ thị 219/CT-TW (cùng ngày) về công tác đấu tranh chống phản cách mạng và bảo vệ an ninh, trật tự vùng mới giải phóng.
Ðây là hai văn bản cơ bản quán triệt quan điểm, chính sách của Ðảng và Nhà nước ta, cũng như những kinh nghiệm nóng hổi bảo vệ an ninh, trật tự ở vùng mới giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh miền trung.
Ðầu tháng 4-1975, để chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng, qua rút kinh nghiệm công tác chiếm lĩnh và quản lý an ninh, trật tự (AN, TT) các vùng mới giải phóng miền trung, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cử một đoàn cán bộ gồm lãnh đạo các ngành nghiệp vụ: tình báo, phản gián, công an vũ trang và cảnh sát do Thứ trưởng Bộ Công an Viễn Chi dẫn đầu, vào công tác tại Ban An ninh Trung ương Cục (lúc này đang đóng tại căn cứ Bảy Bàu, Bắc Tây Ninh). Ðoàn làm việc với Ban An ninh Trung ương Cục, phổ biến kinh nghiệm về chiếm lĩnh và quản lý AN, TT vùng mới giải phóng, từ thực tế chiến trường qua chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Ðà Nẵng.
Ở miền nam, thực hiện quyết định ngày 1-4-1975 về "mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất"... Ngày 10-4-1975, Thường vụ Trung ương Cục ra chỉ thị về việc chiếm lĩnh và tiếp quản Sài Gòn - Gia Ðịnh. Chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, Ban An ninh Trung ương Cục đã lập một kế hoạch toàn diện về tiến công, chiếm lĩnh các mục tiêu, lập hồ sơ các đối tượng phản cách mạng nguy hiểm. Ðể phục vụ kế hoạch tiến công, chiếm lĩnh các cơ quan, công sở của địch, lực lượng điệp báo, trinh sát vũ trang, an ninh Sài Gòn - Gia Ðịnh phối hợp các cơ sở bí mật gấp rút điều tra, lập hồ sơ hệ thống bố phòng của địch, dựng lại sơ đồ tổ chức các cơ quan tình báo gián điệp, cảnh sát, hệ thống kìm kẹp và tổ chức phản cách mạng; lập hồ sơ, phân loại các đối tượng nguy hiểm cần trấn áp; chuẩn bị các thông cáo, lệnh, thư, khẩu hiệu để phát động khí thế cách mạng của quần chúng, tiến công chính trị vào hàng ngũ địch.
Lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm vấn đề chi viện cho an ninh miền nam về con người, về nghiệp vụ, phương tiện và hậu cần. Hàng nghìn cán bộ thuộc tất cả các ngành nghiệp vụ, các lực lượng trực tiếp chiến đấu ở cơ quan Bộ và các Sở, Ty được tổ chức tập huấn các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ cơ quan an ninh trong tiến công, chiếm lĩnh và quản lý vùng mới giải phóng trước khi điều động vào chiến trường. Nhiều lớp sinh viên tốt nghiệp đại học an ninh, đại học cảnh sát đã được huy động chi viện cho chiến dịch. Bộ đã điều động chi viện cho Cơ quan An ninh Trung ương Cục 103 đồng chí, An ninh Sài Gòn - Gia Ðịnh 1.515 đồng chí, trong tổng số 4.217 đồng chí được bổ sung cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Nhiều đơn vị ở cơ quan Bộ và địa phương có đến một phần ba, thậm chí một nửa quân số được điều động cấp tốc phục vụ chiến dịch.
Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch, cán bộ điệp báo nội thành Sài Gòn đã nhanh nhạy bám sát sự phát triển của tình hình, có nhiều đóng góp quan trọng tác động trực tiếp, góp phần thúc đẩy sự tan rã nhanh chóng của ngụy quyền Sài Gòn.
Nhóm điệp báo an ninh A10 hoạt động trong giới ký giả, trí thức, sinh viên đã gây được quan hệ tốt với nhóm ký giả thân Dương Văn Minh và quan hệ trực tiếp với bản thân tướng Minh, dựa vào thế lực của nhóm này để mở rộng phạm vi hoạt động; kích động văn phòng báo chí của Dương Văn Minh họp báo với sự tham gia của 40 đoàn thể, báo chí, phân phát tuyên cáo in ba thứ tiếng (Anh - Pháp - Việt) đòi Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức.
Sau khi Thiệu buộc phải từ chức, Trần Văn Hương lên thay. Nhóm này lại dựa vào văn phòng báo chí tướng Minh phát động cuộc đấu tranh trong giới báo chí "chống chính phủ Thiệu không có Thiệu". Ðoạt diễn đàn, biến buổi ra mắt của Trần Văn Hương thành buổi chỉ trích, đòi Hương phải từ chức, trong hai ngày Dương Văn Minh làm tổng thống, điệp báo an ninh T4 đã có ba người luôn hiện diện tại văn phòng và tư dinh Dương Văn Minh, một người trong vai cố vấn của Dương Văn Minh, một là ký giả thân cận từng cộng tác nhiều năm. Mỗi người đều tìm cách tác động trực tiếp đến tướng Minh, khuyên ông ta án binh bất động, đơn phương ngừng bắn chờ "bàn giao có trật tự"... Một người trong số họ đã tham gia tổ chức ghi âm lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh (vào chiều 29-4), tổ chức phát trên đài Sài Gòn vào sáng 30-4. Họ đã có mặt tại Dinh Ðộc lập trong giờ phút Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, và một trong số họ là người đã dẫn đường cho bộ đội ta lên treo cờ chiến thắng trên nóc Dinh Ðộc lập...
Sáng sớm 29-4 từ hậu cứ Bắc Tây Ninh, cuộc hành quân của Ủy ban quân quản Sài Gòn - Gia Ðịnh được lệnh xuất phát. Toàn đoàn đi trên 100 chiếc xe quân sự. Ði đầu là đơn vị An ninh vũ trang có nhiệm vụ vừa trinh sát, vừa mở đường. Tiếp đó là Ban An ninh, rồi đến các cơ quan, ban, ngành khác. Trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, đoàn được lệnh tiến về Sài Gòn trong đội hình phối hợp với Quân đoàn 3 do Thiếu tướng Vũ Lăng chỉ huy.
Lực lượng an ninh Sài Gòn - Gia Ðịnh (ANT4) hình thành cánh quân, được phân công tiến công chiếm lĩnh các mục tiêu: Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia, Bộ chỉ huy cảnh sát đô thành, Ty cảnh sát Gia Ðịnh và Ty cảnh sát các quận nội thành.
Trên các hướng và mũi bộ đội ta tiến công vào dinh lũy cuối cùng của chế độ Sài Gòn, lực lượng an ninh đều có mặt và tham gia tích cực trong nhiệm vụ mở đường, dẫn đường, kết hợp tiến công từ bên ngoài với sự nổi dậy từ bên trong, góp phần đập tan sự phản kháng của bọn phản cách mạng, nhanh chóng chiếm lĩnh các mục tiêu được phân công, chốt giữ vị trí trọng yếu...
13 giờ ngày 30-4, lực lượng của An ninh T4 tiến vào Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia ngụy. Ðịch đã tháo chạy hết. Một cơ sở bí mật của An ninh T4 là nhân viên cảnh sát đặc biệt làm trong Ban thẩm vấn, chờ sẵn để dẫn lực lượng ta đến chốt giữ các khu: Hồ sơ, cảnh sát đặc biệt, truyền tin, căn cước và các kho...
Tại Bộ Tổng tham mưu quân đội ngụy, Biệt đoàn Lôi Hổ, Tổng Liên đoàn Lao động Trần Quốc Bửu, Ban tiếp liệu sân bay... cán bộ điệp báo và cơ sở bí mật của An ninh T4 đã tác động để bọn sĩ quan binh lính địch "án binh bất động" giữ gìn hồ sơ tài liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng vũ trang ta tiến công, chiếm lĩnh trọn vẹn các mục tiêu, bảo vệ tốt các hồ sơ tài liệu của địch.
Trong hai ngày 29 và 30-4-1975, cán bộ An ninh T4 hoạt động ở cơ sở đã bám sát địa bàn, phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, làm chủ tình hình ở 26 phường, xã trong thành phố.
Sài Gòn - Gia Ðịnh đã giải phóng, miền nam được giải phóng, toàn bộ công tác tiến công chiếm lĩnh được hoàn thành. Bước sang thời kỳ mới - thời kỳ sau giải phóng, nhiệm vụ bảo vệ AN, TT rất nặng nề và phức tạp. Một loại công tác bảo vệ AN, TT được khẩn trương triển khai. Ðó là các công tác đăng ký trình diện, thu hồi bảo vệ hồ sơ tài liệu địch, thu hồi quản lý vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc; quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, phòng ngừa và đập tan mọi hành động phá hoại cách mạng, duy trì trật tự an toàn giao thông... Những công việc này vừa mang tính chất củng cố thành quả của cuộc chiến tranh cách mạng, đồng thời là sự bắt đầu của công tác bảo vệ AN, TT thời kỳ sau chiến tranh.
TS NGUYỄN ÐÌNH TẬP