Sự sụp đổ đột ngột của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) gây ra hiệu ứng rúng động đến các công ty khởi nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là những công ty được hỗ trợ bởi các quỹ bằng đồng đô la. Họ lần lượt đưa ra các tuyên bố, cố gắng xoa dịu sự hoảng loạn của các nhà đầu tư. Theo những người trong ngành, so với các ngân hàng truyền thống, SVB có 2 đặc điểm khiến ngân hàng này được các công ty khởi nghiệp Trung Quốc ưa chuộng hơn.
SVB sụp đổ khiến hàng tỷ USD mắc kẹt là vụ lớn nhất kể từ khủng hoảng 2008
SVB đã sụp đổ vào thứ Sáu tuần trước (10/3). Hoạt động kinh doanh của ngân hàng này được xây dựng dựa trên việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ, bao gồm cả những công ty đến từ Trung Quốc.
Vì sao SVB thu hút nhiều công ty khởi nghiệp Trung Quốc?
Vào cuối những năm 1990, khi Trung Quốc vẫn còn lạ lẫm đối với đầu tư mạo hiểm, SVB là một trong những tổ chức tài chính đầu tiên bắt đầu phục vụ các công ty khởi nghiệp Trung Quốc, trong khi các ngân hàng truyền thống ngại rủi ro né tránh các công ty khởi nghiệp này.
Trang web tài chính CNBC của Mỹ đưa tin, theo người sáng lập một công ty công nghệ mới thành lập của Trung Quốc, hệ thống trực tuyến để mở tài khoản tại SVB cho phép sử dụng số điện thoại di động của Trung Quốc để xác minh. Nguồn tin này nhấn mạnh rằng họ từng có hàng chục triệu đô la trong SVB.
Kể từ đó, ông đã chuyển phần lớn số tiền ra ngoài, nhưng ông nói rằng ông vẫn còn hơn 250.000 đô la trong SVB.
Nguồn tin cho biết, với sự hậu thuẫn của một nhà đầu tư mạo hiểm chính thống, một công ty khởi nghiệp có thể mở tài khoản tại SVB trong vòng một tuần.
“Các ngân hàng truyền thống chính thống, chẳng hạn như Standard Chartered, HSBC và Citigroup có các quy định nghiêm ngặt và phải mất nhiều thời gian để mở tài khoản ngân hàng.” Ông nói, “Có thể phải cần 3 – 6 tháng.”
Người nắm được thông tin này là người đã thành lập một công ty công nghệ tài chính và hai công ty công nghệ khác, cũng cho biết rằng các nhà đầu tư mạo hiểm thích làm việc với SVB vì ngân hàng này cho phép họ xem được và phê duyệt cách các công ty khởi nghiệp sử dụng tiền của họ.
Nguồn tin cho biết, “Không có ngân hàng nào khác cung cấp hai tính năng này”. Ông đang đề cập đến việc mở tài khoản nhanh chóng cho các công ty khởi nghiệp và cho phép các nhà đầu tư mạo hiểm xem các quỹ đầu tư đang được chi tiêu như thế nào.
Sau khi mở tài khoản ngân hàng tại SVB, các công ty khởi nghiệp Trung Quốc có thể nhận được tài trợ từ các nhà đầu tư ở Mỹ, với mục đích niêm yết cổ phiếu ở Mỹ.
Hiện không rõ có bao nhiêu công ty khởi nghiệp Trung Quốc có tài khoản tại SVB. Tuy nhiên, các nguồn tin của CNBC lưu ý rằng nhiều công ty khởi nghiệp Trung Quốc nhận được vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ có xu hướng mở tài khoản ngân hàng SVB ngay từ đầu.
Những công ty Trung Quốc nào là khách hàng của SVB?
Với tầm ảnh hưởng của SVB đối với các công ty mới thành lập ở Trung Quốc, sự sụp đổ của ngân hàng này đương nhiên đã thu hút sự chú ý rộng rãi ở Trung Quốc. Điều đó đã khiến các công ty khởi nghiệp Trung Quốc khẩn trương đưa ra các tuyên bố nhằm cố gắng làm giảm bớt hậu quả có thể xảy ra từ sự sụp đổ của SVB, để trấn an các nhà đầu tư.
Zai Lab, một công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết, tính đến cuối tháng 12, khoảng 2,3% trong số khoảng 1,01 tỷ đô la tiền mặt và các khoản tương đương tiền của họ là ở SVB. Trong một tuyên bố chính thức, Zai Lab cho biết phần lớn tiền mặt nằm ở JPMorgan Chase, Citigroup và Bank of China (Hồng Kông).
Công ty công nghệ sinh học Everest Medicines cho biết, họ có chưa đến 1% tiền mặt tại SVB, và dự tính sẽ thu hồi được phần lớn tiền gửi của mình tại ngân hàng này thông qua Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang MỸ (FDIC).
Trước khi chính phủ tiếp quản, SVB đã hợp tác với gần một nửa số công ty công nghệ và chăm sóc sức khỏe được hỗ trợ bởi đầu tư mạo hiểm của Mỹ. Ngân hàng này có một liên doanh Trung Quốc là SPD Silicon Valley Bank được thành lập vào năm 2012.
“SPD Silicon Valley Bank” do Silicon Valley Bank nắm giữ 50% cổ phần và đối tác Trung Quốc “Shanghai Pudong Development Bank” nắm giữ 50% cổ phần. “SPD Silicon Valley Bank” cho biết hôm thứ Bảy (ngày 11/3) rằng hoạt động của họ là “vững chắc”.
Hiện vẫn chưa rõ SVB sẽ xử lý thế nào đối với với quyền sở hữu liên doanh.
Theo dữ liệu từ cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Tianyancha tại Trung Quốc Đại Lục, SVB Financial Group, công ty mẹ của SVB cũng sở hữu hai công ty tư vấn kinh doanh và một công ty dịch vụ tài chính ở Trung Quốc Đại Lục.
Tại Trung Quốc, kể từ khi SVB sụp đổ đến nay, ít nhất mười mấy công ty (chủ yếu là công nghệ sinh học) đã đưa ra các tuyên bố cố gắng trấn an các nhà đầu tư hoặc khách hàng.
BeiGene, một trong những công ty dược phẩm tập trung vào ung thư lớn nhất của Trung Quốc, cho biết hôm thứ Hai (ngày 13/3) rằng họ có hơn 175 triệu đô la tiền gửi không được bảo hiểm tại SVB, tương đương khoảng 3,9% tiền mặt, các khoản tương đương tiền và các khoản đầu tư ngắn hạn.
Công ty này cho biết: “Sự phát triển trong thời gian gần đây của SVB dự kiến sẽ không có tác động đáng kể đến hoạt động của công ty”.
CNN cho biết, các công ty khác đã công khai trấn an các nhà đầu tư sau sự sụp đổ của SVB bao gồm Andon Health, Sirnaomics, Broncus Medical, Jacobio Pharmaceuticals, Brii Bioscatics, CStone Pharmaceuticals, Genor Biopharma và CANbridge Pharmaceuticals, v.v
Công ty công nghệ quảng cáo di động Mobvista và nhà quản lý tài sản Noah Holdings cho biết lượng tiền mặt mà họ nắm giữ tại SVB là “ít” hoặc “không đáng kể.”
Ứng dụng selfie nổi tiếng Meitu cho biết, họ không có bất kỳ tài khoản ngân hàng nào tại SVB kể từ năm 2020. Công ty đã đưa ra một tuyên bố “để tránh bất kỳ sự hiểu lầm tiềm ẩn nào của công chúng”.
Pan Shiyi (Phan Thạch Ngật), đồng sáng lập và cựu chủ tịch của Soho China, một nhà phát triển bất động sản lớn ở Bắc Kinh, đã phủ nhận việc ông có bất kỳ khoản tiền nào tại SVB. Trước đó có báo cáo nói rằng ông đã mất hàng tỷ nhân dân tệ tại ngân hàng này.
“Chúng tôi chưa bao giờ mở tài khoản với SVB và cũng không gửi tiền tại đó,” ông nói trên tài khoản Weibo của mình vào tối Chủ nhật (12/3).
Theo Trương Đình, Epoch Times