Ta mải lo về một ngày AI trở nên quá giống con người mà không nhận ra chính con người lại đang tự biến mình thành những cỗ máy.
Khi con người phải chứng minh mình là ...
Tự động hóa càng nhiều càng thúc đẩy con người phải cố gắng thích nghi với nhu cầu, tốc độ và quy trình làm việc của máy móc, cho đến một lúc ta không còn nhận ra sự khác biệt giữa mình và máy.
"Trong mắt họ, chúng tôi là robot"
Bị đối xử không khác gì máy móc là một trong những lý do mà các cuộc đình công và phong trào công đoàn của giới làm công ăn lương đang diễn ra ngày một thường xuyên ở các nước.
Cảm giác bị "vắt kiệt" tính người là điều mà một công nhân mô tả với báo The Guardian khi nói về điều kiện làm việc tại một cơ sở của Amazon ở Coventry (Anh), nơi khoảng 300 nhân viên làm ca đêm vừa đình công hồi đầu năm.
Khai trương vào năm 2018, BHX4 là một cơ sở hậu cần thuộc hàng tối tân của Amazon với hệ thống băng chuyền dài hơn 14km và diện tích sàn lên đến 120.000m2. Những nhân công như anh Zee (35 tuổi, tên đã được thay đổi) từng ví BHX4 như "thiên đường" khi lần đầu vào làm tại đây bởi hệ thống tự động hóa giúp giảm đáng kể thời gian di chuyển so với nhà kho truyền thống. "Nhưng rồi Covid ập đến" - Zee nói chua chát.
Bên trong những bức tường hầu như không có cửa sổ của BHX4, guồng quay thời Covid khác xa thiên đường. Đằng sau mức tăng lương thêm 2 bảng Anh/giờ là những ca làm việc ngày càng nặng nhọc với những chỉ tiêu khó hiểu và bị kiểm soát gắt gao đến mức nghẹt thở bằng các công cụ AI. Bất cứ thời gian nào được cho là "không dùng để làm việc" đều bị các thiết bị thông minh ghi nhận chính xác đến từng giây và gửi báo cáo tự động đến cấp trên.
"Những thay đổi về thời gian hay thói quen làm việc - do bệnh tật, tình huống khẩn cấp gia đình hoặc bất kỳ xáo trộn nào có thể xảy đến với một con người ngoài đời thực - đều được đánh giá bởi các chương trình máy tính cứng nhắc và vô cảm, mà giám sát chúng là những người quản lý có vẻ như cũng vô cảm và cứng nhắc không kém" - The Guardian nhận xét.
Robot phân loại và xếp thùng hàng tại một trung tâm xử lý đơn hàng của Amazon ở Eastvale (California, Mỹ).
Một công nhân giấu tên tiết lộ anh từng bị đe dọa kỷ luật khi trở lại làm việc sau nhiều tuần trải qua hóa trị vì căn bệnh ung thư. Mỗi ngày, phần mềm giám sát năng suất "cây nhà lá vườn" của Amazon sẽ tự động tạo ra các bảng xếp hạng nhân viên dựa theo mức độ đạt được các chỉ tiêu hằng ngày - những chỉ tiêu liên tục thay đổi mà các công nhân không bao giờ được biết chính xác chúng là gì. Những ai ở sát đáy bảng đều thuộc diện có thể được đặc biệt chú ý, và là bước đầu tiên trên con đường dẫn đến sa thải.
"Trong mắt họ, chúng tôi giống những con robot chứ không còn là con người. Bạn có thể cảm thấy những điều nhỏ bé làm nên một con người bị vắt kiệt khỏi bản thân mình" - một công nhân tại đây nói.
Tôn hành giả, giả hành tôn
Trong khi thế giới loay hoay đối phó với nạn tin giả và lừa đảo bằng thủ đoạn sử dụng AI đóng giả người thật, một hiện tượng mới đang trở thành xu hướng trên mạng xã hội TikTok là người thật… đóng giả bot (phần mềm tự động hóa) để câu tương tác.
Trong một video phát trực tiếp trên TikTok, người dùng có tài khoản Pinkydoll liên tục lặp lại các câu "yes yes yes" (vâng vâng vâng) và "ice cream so good" (kem ngon quá) kèm động tác liếm một que kem trong tưởng tượng với biểu cảm đơ cứng như một nhân vật trong game.
Tài khoản có gần 1 triệu người theo dõi này liên tục nhận được những phần quà ảo có thể quy đổi thành tiền từ người xem, và cứ mỗi lần như vậy cô lại thực hiện biểu cảm như máy của mình.
Pinkydoll là một trong số những người mà trang Daily Dot gọi là các "NPC streamer", chuyên kiếm tiền bằng việc đóng giả nhân vật máy tính (NPC) qua các video phát trực tiếp. "Đối với một streamer, định dạng nội dung lý tưởng là tìm một thứ gì đó tốn ít công sức mà bạn có thể thực hiện trong thời gian dài, chẳng hạn như một hoạt động lặp đi lặp lại hoặc chỉ đơn giản là phản ứng khi nhận được quà tặng ảo" - Daily Dot giải thích.
@pinkydoll - streamer theo phong cách NPC.
Đóng giả bot có vẻ là sự lựa chọn hoàn hảo khi vừa không phải suy nghĩ nội dung (chỉ lặp lại những mẫu câu đơn giản) vừa không phải rèn luyện biểu cảm (càng đơ càng tốt). Một số streamer còn sử dụng bộ lọc (filter) để biến khuôn mặt của mình trở nên giống một nhân vật hoạt hình. "Khi lần đầu xem buổi phát trực tiếp của Pinkydoll, tôi còn tưởng cô ta là AI" - một người dùng để lại bình luận bên dưới video.
"Đây cũng là một dấu chỉ cho thấy ranh giới giữa con người và máy tính đã trở nên mỏng manh đến mức nào, theo cả hai hướng" - nhà báo tự do Sayou Cooper viết cho Daily Dot. Những streamer nổi tiếng đi theo xu hướng này có thể kiếm 2.000 - 4.000 USD cho mỗi video phát trực tiếp.
Nếu là thỏ, cho xem tai
Năm 1950, nhà khoa học máy tính người Anh Alan Turing đề xuất "bài kiểm tra Turing" để xác định một con bot máy tính có thể đánh lừa người thật hay không khi hai bên trao đổi qua những mẩu giấy mà không hề nhìn thấy nhau.
"Ngày nay, chúng ta ít có khả năng yêu cầu máy móc chứng minh chúng là con người mà thay vào đó lại yêu cầu con người chứng minh họ không phải là máy" - trang Axios nhận xét.
Tháng 4-2022, Nicole (27 tuổi) đăng tải một video lên TikTok giãi bày về chuyện cảm thấy mệt mỏi với công việc hiện tại. Ngày hôm sau, Nicole đọc bình luận của người xem thì chưng hửng khi thấy hầu hết cuộc tranh luận đi theo chiều hướng không liên quan gì đến nội dung video. "Gớm, đây có phải người thật đâu" - một tài khoản viết. "Ê đúng vậy á, cô ấy là AI mà" - người dùng khác tiếp lời.
Nicole vốn mắc alopeica - một tình trạng khiến lông tóc trên cơ thể bị rụng từng mảng. Dù biết ngoại hình bản thân có phần khác biệt so với những người xung quanh và thường là nạn nhân của những ánh mắt dò xét khi ra đường, Nicole thừa nhận đây là lần đầu tiên cô bị kết luận là một sản phẩm được tạo ra bằng máy tính.
"Việc cáo buộc ai đó là bot máy tính đã trở thành một cuộc săn lùng phù thủy được khởi xướng bởi những người dùng mạng xã hội, được sử dụng để làm mất uy tín của những người mà họ không đồng tình bằng cách khẳng định quan điểm hoặc hành vi của họ không đủ chính đáng để nhận được sự ủng hộ thật sự" - trang The Verge nhận xét.
Ảnh: bustle.com
Hơn bao giờ hết, chúng ta không thể biết chắc liệu có thể tin vào những gì mình thấy trên Internet hay không, và những con người thật đang phải gánh chịu hậu quả. Với Danisha Carter - một TikToker chuyên chia sẻ các góc nhìn xã hội với hơn 1,8 triệu người theo dõi - sự hoài nghi rằng cô là bot máy tính bắt đầu nhen nhóm từ lúc tài khoản chỉ mới có 10.000 lượt theo dõi.
Điều này là do Carter luôn sử dụng góc máy chính diện duy nhất và chỉ thấy nửa thân trên, không khác gì chụp hình thẻ. Ngay cả quần áo và kiểu tóc cũng gần như thay đổi rất ít qua từng video.
Nicole đã cố gắng giải thích với người xem về tình trạng của mình và thậm chí chỉ cho mọi người thấy những yếu tố con người trên cơ thể như phần da bên dưới lớp tóc giả không bị rám nắng, nhưng không phải ai cũng bị thuyết phục, mà thậm chí còn có người soi tiếp sạn trong video của Nicole để chứng minh cô là AI.
Ngược lại, Carter chọn một hướng đi khác là nương theo những bình luận đó để xây dựng thương hiệu cho chính mình, đồng thời nâng cao nhận thức của người xem. "Điều thật sự quan trọng là mọi người nhìn vào những tài khoản như của tôi và đặt câu hỏi: 'Người này có thật không? Nếu không thật thì ai đang lập trình AI này? Ai đứng đằng sau nó? Họ có động cơ gì?" - Carter giải thích với The Verge. Hoặc cũng có thể đó chính xác là những gì mà AI mang tên Danisha Carter muốn chúng ta nghĩ.
Tự mình "máy hóa"
Năm 2018, tác giả Charles Seife của tạp chí Slate từng thực hiện một thống kê cá nhân nhỏ về tần suất cũng như thời gian đăng tải bài viết trên Twitter (nay là X) của một số tài khoản, trong đó bao gồm cả người thật lẫn bot máy tính.
"Đối tượng nghiên cứu" chính của ông là Cesar Sayoc, một người đàn ông sống ở Mỹ từng bị tình nghi là bot máy tính do Nga đứng sau để bôi nhọ các thành viên cấp cao Đảng Dân chủ. Seife nhận thấy so với các bot đời đầu dễ bị phát hiện vì chúng có thể đăng nội dung liên tục 24/7, các bot về sau đã biết mô phỏng việc ngủ của người thật bằng cách tạm ngưng trong khoảng vài tiếng mỗi ngày.
Trong khi đó, chu kỳ ngủ của Sayoc - dựa trên thống kê thời gian đăng bài của ông - hóa ra còn giống hơn cả bot khi ông hầu như không ngủ hoặc ngủ rất ngắn, thường lại rơi vào giữa ban ngày. Tốc độ ra bài của Sayoc cũng rất kinh khủng khi 8 giây là thời gian gián đoạn phổ biến nhất giữa hai bài đăng, so với 64 giây của một bot "thực thụ".
"Nói cách khác, không phải các bot máy tính ngày càng tinh vi hơn trong việc bắt chước giao tiếp của con người, mà là vì mạng xã hội mà giao tiếp của con người đang thay đổi theo cách khiến chúng ta dễ dàng bị bắt chước hơn - Seife kết luận - Máy tính cuối cùng đã bắt đầu vượt qua bài kiểm tra Turing vì lý do mà chính Alan Turing cũng không bao giờ tưởng tượng được: chúng ta đang trở nên giống máy tính hơn bao giờ hết".
HOA KIM - Theo Tuổi Trẻ