Không có gì là mãi mãi, và chỉ có sự thay đổi là không đổi. Chính vì vậy, Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (Thông tư 36) cũng cần được sửa đổi trong bối cảnh mới của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Một bối cảnh của sự ổn định tài chính, cụ thể là sắp xếp, tái cơ cấu theo hướng bền vững của hệ thống ngân hàng thương mại; dần áp chuẩn mực của Basel II theo thông lệ quốc tế; trả lại bản chất cho thị trường tiền tệ (nơi giao dịch các giấy tờ có giá ngắn hạn) và thị trường vốn (nơi giao dịch các giấy tờ trung và dài hạn), bởi lâu nay hệ thống ngân hàng thương mại đã phải nặng gánh khá nhiều cho nguồn vốn trung và dài hạn, mà đáng lẽ phải là trách nhiệm của các chủ thể tài chính trên thị trường vốn…
Chính vì vậy, NHNN đã tiến hành lấy ý kiến về bản dự thảo sửa đổiThông tư 36. Một động thái ban hành chính sách dựa trên sự quản trị chủ động để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường tài chính, và hướng đến sự ổn định tài chính quốc gia.
Trong đó, có những sửa đổi chính được dư luận khá quan tâm: thứ nhất, thay đổi về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn của các TCTD; thứ hai, thay đổi về tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi; thứ ba, tăng hệ số quy đổi rủi ro của “các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản”; thứ tư, TCTD không được cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư, kinh doanh trái phiếu chưa niêm yết của doanh nghiệp…
Trong đó, vấn đề thay đổi về tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) được cho là “món quà” lớn của khối NHTMCP mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Nhưng đó cũng là cái lợi lại bất cập hại, bởi có thể đây là món quà của các NH này, nhưng lại là "quả bom nổ chậm" của hệ thống tài chính Việt Nam.
Hai thay đổi lớn từ Thông tư 36 sửa đổi
Thứ nhất, dự thảo Thông tư 36 sẽ thay đổi tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn của các TCTD. Cụ thể: ngân hàng thương mại là 40% (quy định cũ là 60%); chi nhánh ngân hàng nước ngoài 40% (quy định cũ 60%); tổ chức tín dụng phi ngân hàng 80% (quy định cũ 200%); ngân hàng hợp tác xã 40% (quy định cũ 60%). Đồng thời, dự thảo cũng thay đổi hệ số quy đổi rủi ro của “các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản” từ 150% lên 250%.
Điều này làm giới hạn khả năng sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung dài hạn của các TCTD. Nhưng đây là quyết định đúng đắn nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của thị trường vốn vào hệ thống ngân hàng thương mại, và tạo sự cân đối hơn giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn.
Thứ hai, dự thảo quy định gia tăng tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Theo đó, các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, Vietinbank được xếp vào nhóm ngân hàng thương mại cổ phần trên và tỷ lệ LDR sẽ là 90% (quy định cũ là 80%). Đây là quy định tạo lợi thế nhưng cũng ẩn chứa nhiều điều lo lắng cho khối NHTMCP do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
Những điều cần lo lắng
Một ngân hàng có tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) cao hơn so với quy định có thể đối mặt với một tương lai phát triển không bền vững, và đối diện nhiều rủi ro về thanh khoản lẫn tín dụng. Do đó, quy định mới cho phép NHTMCP do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ gia tăng tỷ lệ LDR sẽ không tránh khỏi những điều cần lo lắng.
Thứ nhất, nợ xấu có quan hệ tỷ lệ thuận với tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR), nghĩa là, tỷ lệ LDR càng cao thì tỷ lệ nợ xấu càng gia tăng. Đồng thời, mối nguy cơ sẽ khuếch đại trong thời kỳ nền kinh tế suy thoái. Như vậy, nợ xấu ở hiện tại của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn chưa xử lý triệt để mà đang đẩy vào tương lai thông qua VAMC, và chắc gì nợ chưa xấu đã không xấu. Nên, tăng tỷ lệ LDR có thể làm tăng tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận cho ngân hàng ở hiện tại, nhưng sẽ đẩy bất ổn vào tương lai.
Thứ hai, quy định tỷ lệ LDR cho khối ngân hàng này gia tăng sẽ làm giảm sức ép thay đổi cơ cấu tổng lợi nhuận. Theo đó, một ngân hàng thương mại hiện đại và hướng đến mảng ngân hàng bán lẻ thì phải giảm bớt sự phụ thuộc tín dụng và gia tăng những dịch vụ tài chính khác trong cơ cấu lợi nhuận. Thông thường, thu nhập từ tín dụng chỉ chiếm trên dưới 60%, còn lại là thu từ dịch vụ.
Thứ ba, gia tăng tỷ lệ LDR có thể làm dấy lên mối quan tâm do sự liên hệ giữa tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này với thị trường trái phiếu chính phủ. Bởi thị trường trái phiếu chính phủ hiện đang phụ thuộc phần lớn nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại, đặc biệt là các NHTMCP do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Điều này, dòng tín dụng tăng thêm có thể đổ vào thị trường trái phiếu chính phủ với bối cảnh hạn chế vào bất động sản, và gặp khó khăn ở khu vực sản xuất – kinh doanh – công nghiệp phụ trợ…
Tóm lại, dự thảo Thông tư 36 sửa đổi là bước đi đúng đắn nhằm định hướng hệ thống ngân hàng trong bối cảnh mới. Ở đó, yếu tố rủi ro và kiểm soát rủi ro được đặt lên hàng đầu nhằm tạo sự ổn định của hệ thống tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, NHNN cũng cần xem xét lại tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi của khối NHTMCP do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
NCS Châu Đình Linh - Theo Trí thức trẻ