Mây vẫn trôi, nước vẫn chảy, lá vẫn xanh… mọi nơi chốn vẫn luôn cần cảm nhận đúng để hành xử được an yên trong phận người.
Ngẫm thế xưa nay, luận cuộc xoay vần
Theo thời gian, khái niệm “bình thường” đã bị đồng hóa với… thường thường bậc trung, với giậm chân tại chỗ, với tầm thường! Đó là do định kiến lâu ngày áp đặt lên suy nghĩ mọi người, khiến xã hội quy cho bình thường là không phát triển, như thấy con mình bình thường tức là kém hơn “con nhà người ta”…
Từ 1948 Tổ chức Y tế Thế giới đã định nghĩa “Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội, và không phải chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật”. Hiện nay, sức khỏe được nhìn với nhiều chiều kích khác nhau: thể chất, tinh thần/cảm xúc, môi trường… và một số cách nhìn mới nhất đặt sức khỏe trong nhiều mối tương quan hơn (như tâm linh, hướng nghiệp, quan hệ…). Chính sự đa dạng góc nhìn về vấn đề tưởng cũ mà mới này là chìa khóa xây dựng cách thức chăm sóc sức khỏe toàn diện hơn, “con người” hơn.
Mới nhất, hai nhà khoa học vừa được giải Nobel về Y Sinh học 2021, Julius và Patapoutian đã tìm giải đáp cho câu hỏi tưởng chừng căn bản: cách cơ thể phản ứng ra sao với nhiệt độ và áp suất. Nôm na là các vấn đề về cảm giác đau cần hiểu rõ thế nào, dù lâu nay ai cũng cho rằng đau là cơ chế bình thường, dẫn đến lạm dụng thuốc giảm đau, trong sâu xa là thiếu hiểu biết cặn kẽ về bản thể con người.
Thế giới cũng khẳng định khái niệm Reinvent là khám phá lại, định nghĩa lại(*) để sáng tạo cái mới, chứ không phải là hoài niệm hay bảo tồn cái đã qua. “Đổi mới cách nhìn về đổi mới” là phạm trù cần thấu hiểu, như câu “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, dù không gian (sông) vẫn vậy, con người và hành vi (ai, tắm) không khác, nhưng các biến động theo thời gian (lần tắm, thời điểm tắm) luôn làm nên khác biệt.
Yếu tố quan hệ Thời - Không cũng là cơ sở căn bản trong triết lý Phong thủy Huyền không, hiểu về vận hành của vũ trụ chi phối vận khí của nhà và người sống trong đó. Những ai tìm kiếm các “thầy phán” theo kiểu “Tuổi anh (chị) hợp với hướng này, màu kia, xoay bếp hướng nọ” sẽ chỉ nhận được các “chỉ định và chống chỉ định” hạn hẹp, hoàn toàn trở nên sai lệch, không thể thích ứng khi thời gian biến động.
Cho nên song song với những quy định, chiến lược phát triển chung của thế giới, quốc gia, địa phương về một thời kỳ “bình thường mới”, thiết nghĩ trong kiến trúc - xây dựng, lĩnh vực luôn gắn với nơi cư trú, ăn ở của người dân, cũng cần phải được dự báo và hoạch định trên cơ sở hiểu biết về triết lý Đông phương song hành với tri thức khoa học Tây phương. Ai và ở đâu mà hay, mà hợp, thì ta học.
“Về thu xếp lại, ngày trong nếp ngày…” sao cho không gian sống dù nhỏ gọn mà đủ là chốn an trú lâu dài, cho mình, cho người, không chút hối tiếc.
Vượt khó nhận thức để dễ trong xử lý
Một Ngày Bình Thường cho đúng nếp sống, nhịp sống, thời sống là điều cha ông đã thực hành, chiêm nghiệm từ bao năm qua. Mùa nào thức nấy, ăn ở theo thời, trước cau sau chuối, che chắn và đóng mở, ứng xứ ý nhị… đều có sẵn trong văn hóa truyền thống Việt, không thể đổ lỗi cho đô thị hóa, cho thời thế thế thời phải thế… để sống bừa bộn và vô ý thức sau bao biến cố, đại dịch đã nặng nề lắm rồi. Nhìn về quá khứ sẽ thấy bình thường (mới) giờ đây không phải là quay về… y như cũ!
Không thể và không nên vậy bởi nhiều lý do:
- Trước ngồi lề đường gào rống vạn người nghe, cà phê "chém gió" cách nhau vài tấc, muốn mát bật ngay điều hòa, muốn xả sà vào gốc cây!... Những cái xấu xí sai lệch ô nhiễm về nếp sống như vậy, không thể gọi là bình thường, không thể trở về y như cũ.
- Trước, từ nhà trọ bình dân đến chung cư cao tầng, hoặc bít kín không có lối gió vào gió ra, hoặc tuôn mở ra ngoài trúng ai thì trúng, thì nay không thể gọi là bình thường được nếu khi hết dịch vẫn tổ chức không gian, ứng xử quan hệ tùy tiện như thế.
- Trước, cứ nghĩ đến xây dựng nghĩa là đập cũ để làm mới, mà làm mới lại thích nhái theo kiểu cũ, vô căn vô duyên, vô cớ vô hồn. Giờ bình thường mới, hùng hục chơi vậy thì chơi với ai, trong khi thế giới người ta đi trước mình dăm ba chục năm người ta đã ngưng “xây cho nhà cao cao mãi” rồi. Các công trình nào “tiên tiến, đậm đà bản sắc” nhất bên họ đều là công trình cải tạo không xóa bỏ, biết nhìn trước ngó sau, là giảm tối đa di dời giải tỏa, là tận dụng vật liệu tại chỗ tái chế, và nói không với xà bần đập phá.
Còn nhiều nữa những ví dụ trước-sau mất bình thường như thế, cho dù chưa thống kê đánh giá chính xác, nhưng chỉ cần cảm nhận tổng quan sẽ thấy dung mạo đô thị, nhận dạng ngôi nhà đang lộ ra nét quen cũ vốn bị nhịp sống hối hả che lấp, nay có là dịp để khắc phục được không? Tất cả nằm ở nhận thức của con người.
Việc các trường học dự kiến ổn định cơ sở vật chất toàn diện rồi mới đón học sinh trở lại cũng là một hướng suy nghĩ tích cực và khoa học, vì vừa khó lường trước diễn biến dịch bệnh có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cả một thế hệ học sinh, vừa tạo cơ hội chỉnh sửa khuôn viên, lớp học, không gian… cho phù hợp, há chẳng phải tốt hơn sao. Nếu quay về với áp lực dạy học, thi cử, tổng kết rồi thi đua… thì cái bình thường đó không nên giữ mãi làm gì để thành nếp bất thường so với cả thế giới.
Các bệnh viện và cơ sở y tế cũng đang chuyển động để cập nhật, vận dụng các quy định và tiêu chuẩn thông gió, chống lan truyền lây nhiễm chéo trong môi trường khám chữa bệnh, để không chỉ đón nhận chữa trị bệnh nhân Covid, mà còn phải trở lại khám chữa bệnh cho biết bao người và bệnh “bình thường” khác.
Liên quan đến công trình, có nơi có lúc còn tranh cãi định nghĩa thế nào là người khuyết tật để bố trí tiện ích ramp dốc, phòng vệ sinh… tương ứng, mà không nhìn đến những khiếm khuyết tạm thời của bất kỳ ai cũng đều cần các tiện ích đó, không chờ đến khi thành người khuyết tật! Ví dụ như ramp dốc đâu phải chỉ xài cho người đi xe lăn, mà còn để bà bầu di chuyển, mẹ đẩy xe nôi, cha kéo vali, hay ông chống ba toong, con dắt xe đạp… cả nhà đều dùng vậy. Thiếu quan tâm đến bố trí tiện nghi tối thiểu cho mọi người nơi công cộng, đó mới là thói quen bất thường, khó chấp nhận mãi được.
Trở lại chuyện phong thủy nơi không gian sống, vấn đề “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” lâu nay có thể hiểu đơn giản là loại vùng (miền) nào có đặc trưng gì thì nhà cửa và con người ăn ở thuận hòa theo như vậy. Nếp sống không dễ áp đặt ngay trong ngày một ngày hai. Trạng thái bất thường kéo dài qua các đợt dịch (nhìn lại lịch sử, có khi nào thế giới bình thường mãi được đâu) luôn có sự thích ứng dần dần, thích ứng đến mức thành bình thường, thành kiểu nhà (ăn ở) hoặc kiểu quần áo (ăn mặc) riêng biệt từng vùng, mà người nơi khác mới đến hoặc sẽ bị sock, hoặc phải làm quen từ từ để hòa nhập.
Nên những tháng cuối năm, chuyện bình thường nhất cần làm cho không gian sống là tổng vệ sinh dọn dẹp, điều chỉnh cho cả một năm trì trệ hay xê dịch. Nhiều thì ngó lại cửa nẻo phòng ốc, thay mới đổi cũ, thông gió đón nắng, lọc lại Nội Khí. Còn ít thì dẹp đồ bừa bộn, sắp xếp tẩy rửa sao cho tiện dụng và an lành hơn.
Nên chú ý giải quyết từ các mối quan hệ đối nội và đối ngoại của mỗi nhà. Đối ngoại là các không gian thường xuyên tiếp khách, nhà xe… cộng với phần mái nhà, sân thượng chịu nắng mưa. Việc sơn phết, chống thấm, nứt, kịp thời định kỳ hàng năm rất quan trọng, tránh để rò rỉ ăn sâu vào phần kết cấu, dễ gây sự cố kỹ thuật, mất an toàn.
Đối nội là các không gian bếp ăn, phòng ngủ, vệ sinh… trong tình hình bệnh dịch vẫn còn diễn biến khó lường cần bố trí sao cho mỗi thành viên có không gian độc lập, dù nhỏ vẫn hơn là chung đụng, giảm khả năng lây nhiễm. Ví dụ, nhà phố dù chỉ có một bếp chung nhưng trên các tầng phòng ngủ cần sắp xếp thêm quầy pha chế nhỏ. Hoặc trong các phòng vệ sinh nên bố trí chỗ giặt và phơi để mỗi người có thể “hữu sự cách ly - tùy nghi sử dụng - không chung đụng nhau”.
Các khuyến cáo này đã được chứng minh hiệu quả thực tế, không quá tốn kém, góp phần thay đổi quan niệm, cách thức bố trí không gian thích ứng điều kiện bệnh tật, giúp phòng và giảm lây lan, hỗ trợ chữa trị F0 tại nhà tốt hơn thay vì dồn vào khu cách ly tập trung. Với nhà bình thường mà có người bệnh, trẻ sơ sinh hoặc người già đi lên đi xuống khó khăn, bố trí tiện nghi khép kín cho từng phòng là tiền đề sắp xếp cơ bản, rất bình thường không có gì ghê gớm tốn kém, thế giới văn minh làm vậy đã lâu lắm rồi.
Mùa bình thường mùa vui nay đã về…
Khi Văn Cao thốt lên tha thiết trong Mùa Xuân đầu tiên, mùa bình thường ấy dù đến hẹn lại đến, Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân, mà sao không dễ ai cũng có thể đón nhận và hưởng được những điều “bình thường” ấy. Như giấc mộng chờ mong, không phải là mới hay cũ, ai đúng ai sai, mà là chuyện xoay vòng luân chuyển vô cùng, chưa bao giờ ngừng nghỉ của cõi thế gian.
Bài: ThS-KTS Hà Anh Tuấn - Ảnh: Khánh Phương
_____________
(*) Reinventing the ware house, tác giả Roy. L. Harmon: Khám phá lại kho hàng: góc nhìn mới về tồn kho trong sản xuất, và Reinventing the Influence: sáng tạo lại uy tín ảnh hưởng, cơ bản là sự nhìn nhận, nâng tầm, biến đổi, lược giản để tốt hơn… những điều tưởng đã biết rồi, đã tốt rồi hoặc đã từng là một thời tốt đẹp.
Theo Người Đô Thị