Gần 100 năm sau khi Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh của Remarque được xuất bản, có vẻ như một lần nữa nhân loại vẫn chưa học được bài học của mình.
All quiet on the Western front hay Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh (Eric Maria Remarque, 1929), một trong những cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất và được đọc nhiều nhất của thế kỷ 20, cho đến nay chỉ có hai lần chuyển thể lên màn ảnh rộng. Lần đầu là ngay sau khi được xuất bản, lần hai là năm 2022. Và lần nào cũng thắng Oscar.
Năm 1930, đạo diễn Leib Milstein (tên khai sinh Lewis Milestone, một người Mỹ gốc Moldavia) đã thực hiện bộ phim bom tấn theo tiêu chuẩn Hollywood hiện nay và nhận được giải Oscar cho đạo diễn (giải thưởng danh giá này khi đó chỉ mới xuất hiện). Còn bản 2022 của đạo diễn Đức Edward Breger thì mới thắng lớn với bốn giải tại Oscar lần thứ 95 hôm 12-3.
Bộ phim của Leib Milstein thành công vang dội trên toàn thế giới, mặc dù nó không được thiện cảm của Chính phủ Đức khi đó bởi tính phản chiến. Sức mạnh nghệ thuật của bộ phim lớn đến nỗi kể từ đó không ai dám lặp lại trải nghiệm này, chẳng khác nào cố gắng làm một bộ phim Cuốn theo chiều gió khác vậy.
Năm 1979, bộ phim truyền hình hợp tác Anh, Mỹ của CBS All quiet on the Western front của Delbert Mann cũng được phát hành tại Mỹ, nhưng thành công của nó khiêm tốn hơn nhiều so với bộ phim đầu tiên, mặc dù phiên bản đó cũng đã nhận được Quả cầu vàng.
Còn với All quiet on the Western front của đạo diễn Breger, bộ phim là một tác phẩm nghệ thuật đầy tính biểu tượng: lần đầu tiên ở Đức chuyển thể thành phim một tiểu thuyết nặng nề như thế về đất nước, về chiến tranh qua góc nhìn của những cậu bé Đức 17 tuổi, của một thế hệ mất mát, không có tương lai.
Mùa xuân năm 1917, năm thứ ba của Thế chiến 1, Paul Bäumer 17 tuổi, cùng với những người bạn cùng trường Albert Kropp, Franz Müller và Ludwig Behm gia nhập quân đội đế chế Đức. Cái nhìn chiến tranh hừng hào, lãng mạn bị phá vỡ bởi chiến tranh chiến hào ở mặt trận phía Tây, Ludwig Behm bị giết bởi pháo ngay đêm đầu tiên.
Paul Bäumer trong All quiet on the Western front (2022).
Làm thế nào để nói về chiến tranh thật vang vọng, cho toàn thế giới? Kết tội ai, và đổ lỗi cho ai? Làm thế nào để nhận ra toàn bộ quy mô của thảm kịch từ khoảng cách cả thế kỷ? Những nhân vật trong phim không xem phim bom tấn chiến tranh, không dùng mạng xã hội, chúng ta sẽ không bao giờ có thể đặt mình vào vị trí của họ.
Nhưng các tác giả của bộ phim đã quyết định xử lý tình tiết của cuốn tiểu thuyết khá tự do để người xem quên rằng mọi thứ đã xảy ra cách đây rất lâu ở đâu đó trên thế giới, dù là một ngôi trường Đức hay một vùng chiếm đóng trên đất Pháp.
Đây là một bộ phim mà chỉ có quân phục và trang thiết bị một cách kín đáo cho biết rằng chúng ta đang nói về đầu thế kỷ 20, còn mọi thứ khác được trình bày hiện đại và phù hợp đến mức cứ như chúng ta đang nói về các cuộc chiến tranh hiện đại.
Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh những đứa trẻ chết như một sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt cả bộ phim. Những đứa trẻ chết vì đậu mùa, chết bởi một vụ nổ, một cuộc tấn công bằng khí độc hoặc một cú đánh bằng xẻng đặc công. Trong bộ phim về quá khứ, tương lai chết dần mòn trước mắt chúng ta, và hiệu ứng này vô cùng mạnh mẽ.
Một cảnh trong phim
Bộ phim được thực hiện trong vài năm. Và có thể hiểu tại sao đạo diễn Edward Berger lại bỏ qua nhiều phần quan trọng trong tiểu thuyết. Phần hậu phương còn lại rất ít.
Tuy nhiên, bộ phim lại được bổ sung một cốt truyện mới với người đứng đầu ủy ban đình chiến, Matthias Erzberger (Daniel Brühl thủ vai), đi đàm phán với người Pháp với hy vọng kết thúc chiến tranh.
Một mặt, có vẻ như những chi tiết này được dành riêng cho Brühl, nhà sản xuất phim và là một trong số ít diễn viên Đức nổi tiếng quốc tế (trong phim Marvel). Mặt khác, câu chuyện về các cuộc đàm phán cho phép Berger một lần nữa phát huy hiệu ứng những hình ảnh tương phản: trong khi những người lính phủ bụi dày đặc chết trên chiến trường, các đại biểu ăn bánh sừng bò và cảm thấy buồn chán trên chuyến tàu ấm áp.
Nó cũng đưa bộ phim ra khỏi trải nghiệm riêng tư của Bäumer và để đi đến một bối cảnh lịch sử hơn: các điều khoản nhục nhã của hiệp ước hòa bình sẽ gieo vào nước Đức những mầm mống của lòng căm thù dân tộc, sự căm phẫn với toàn thế giới và mong muốn trả thù.
Các tác giả bộ phim đặc biệt chú ý đến tư tưởng ủng hộ chiến tranh và tuyên truyền trong các trường học, đến các phát biểu trước tân binh. "Chiến tranh hiện đại giống như một ván cờ. Nó là về tổng thể. Không bao giờ là về cá nhân... Phân vân, do dự là phản bội…".
Những cậu bé 17 tuổi đâu biết họ chỉ là những quân cờ cho một viên tướng khát khao chiến thắng để tiếp nối truyền thống anh hùng của gia đình! Những đứa trẻ 17 tuổi bị ném thẳng vào họng pháo, dưới gầm tăng. Chiến tranh ở đây bẩn thỉu. Bùn đất khắp nơi: trong túi, trên mặt, trong mũ cối, trong miệng. Nó bay tới cùng những vụ nổ, trộn lẫn máu, và không có gì để rửa sạch bụi bẩn này.
Một cảnh trong phim.
Chiến tranh ở đây là cái lạnh mà bộ quân phục mỏng manh, cắt bỏ tên tuổi của người chủ trước để cấp lại cho các tân binh, không thể nào cứu vãn. Sương giá tràn qua khung hình, lấp lánh. Bàn tay lạnh cóng của những người lính được dạy làm ấm bằng cách cho chúng vào trong quần.
Chiến tranh là nạn đói, và điều đầu tiên mà các chiến binh làm khi xông vào chiến hào của địch là chạy vào kho và nhét mọi thứ ăn được vào miệng, đôi khi phải trả giá bằng mạng sống của mình. Sau đó, họ lê bước khắp cánh đồng để thu thập thẻ bài những đồng đội đã bỏ mình.
Chiến tranh là đi tìm quân tiếp viện để phát hiện 60 tân binh non nớt bỏ mạng chỉ vì vội bỏ mặt nạ chống độc… Là cái chết tức tưởi, tê điếng bởi một lưỡi lê bâng quơ từ sau lưng, bất ngờ, đúng vào giờ ngưng chiến, bởi "chúng ta ở đây, một nửa thế giới tàn sát lẫn nhau. Và Chúa đang dõi theo", như câu nói đắng cay của Kat với Paul trong những phút cuối cùng…
Mười năm sau khi cuốn tiểu thuyết của Remarque được xuất bản, Thế chiến II bắt đầu, thậm chí còn điên rồ và tàn khốc hơn. Và ngày nay, gần 100 năm sau, có vẻ như một lần nữa nhân loại vẫn chưa học được bài học của mình. Ta lại vẫn thấy, cũng những người trẻ ấy bị đẩy ra chiến trường… ■
Tại Oscar 2023, All quiet on the Western front đoạt bốn giải trên chín đề cử: phim quốc tế hay nhất, quay phim xuất sắc nhất (James Friend), nhạc nền (Volker Bertelmann) và thiết kế sản xuất (Christian M. Goldbeck, Ernestine Hipper).
TƯỜNG ANH - Theo Tuổi Trẻ