(VTC News) - Nhìn sang các nước khác phát triển hơn mới thấy ở Việt Nam, việc quản lý, sử dụng xe công vẫn còn đang quá tốn kém và còn quá nhiều vấn đề.
Tốn kém, cồng kềnh và lãng phí
Sau cuộc họp báo về chính sách mới trong quản lý xe công do Bộ Tài chính tổ chức, những con số thống kê về số lượng xe công và chi phí vận hành hàng năm lượng xe này đã khiến cho dư luận "tá hỏa".
Theo thống kê của Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính, đến nay trên cả nước có gần 40.000 xe công, chưa bao gồm tới xe của các đơn vị vũ trang và xe của các doanh nghiệp nhà nước.
Trung bình giá trị của mỗi chiếc xe là 520 triệu đồng, nhân lên thì tổng giá trị của 40.000 xe công này rơi vào khoảng gần 22.500 tỷ đồng.
|
Tổng giá trị của 40.000 xe công này rơi vào khoảng gần 22.500 tỷ đồng, chi phí vận hành hết gần 13.000 tỷ đồng |
Theo như số liệu được công bố từ Bộ Tài chính thì bản thân giá trị của mỗi chiếc xe công trong khoảng thời gian từ năm 2012 - 2014 cũng đã tăng lên. Cụ thể năm 2012, giá trung bình của một chiếc xe công phục vụ chức danh là 850 triệu đồng, đến năm 2013 là 889 triệu đồng và cho tới năm 2014 đã tăng lên là 923 triệu đồng.
Như vậy đến năm 2014 giá trị của xe công phục vụ chức danh đã lên tới gần 1 tỷ đồng/chiếc, trong khi chưa kể tới các loại chi phí để vận hành xe hàng năm, bao gồm có tiền lương lái xe, tiền xăng xe, tiền bảo hiểm hay tiền sửa chữa, bảo dưỡng...
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra công bố về giá trị tài sản nhà nước trong năm 2014, trong tổng số giá trị tài sản nhà nước là gần 1 triệu tỷ đồng thì đã có hơn 20.600 tỷ đồng là ô tô. Riêng năm 2014, các Bộ, ngành, địa phương chi hơn 473 tỷ đồng mua mới 507 ôtô, dành hơn 2.100 tỷ đồng mua các tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên.
|
|
|
Tính rẻ ra thì cũng phải lên tới gần 400 triệu đồng/năm cho một chiếc xe công, bằng thu nhập của hàng mấy gia đình công nhân, viên chức gộp lại. |
|
Chuyên gia kinh tế |
|
|
Theo Bộ Tài chính, để duy trì vận hành thì số lượng xe công sẽ "ngốn" ngân sách một khoản lên tới 12.800 tỷ đồng, tính trung bình khoảng 320 triệu đồng/xe công/năm, chưa tính tới tiền mua xe mới hay cải tạo hoặc mua xe thay thế.
Tuy nhiên, tính toán một cách "sòng phẳng" hơn, một chuyên gia kinh tế cho hay: "Trung bình tuổi thọ của một chiếc ô tô là 10 năm, tính theo giá trị trung bình của mỗi xe hiện nay là 520 triệu đồng thì mỗi năm mất hơn 50 triệu cho tiền mua xe, không tính tới các loại biến động về tỷ giá hay giá cả thị trường hàng năm.
Gộp với các khoản chi phí vận hành, bảo hiểm các loại khác là 320 triệu đồng nữa thì có tính rẻ ra thì cũng phải lên tới gần 400 triệu đồng/năm cho một chiếc xe công, bằng thu nhập của hàng mấy gia đình công nhân, viên chức gộp lại".
Hầu hết theo các chuyên gia hiện nay thì giá trị của mỗi chiếc xe công cũng như chi phí để "nuôi" hàng năm là quá lớn, trong khi ngân sách nhà nước lại đang trong tình trạng eo hẹp, nợ công thì đang ngày một "phình to".
Như ở Trung Quốc, chi phí cho xe công còn bị xem như một nguồn tham nhũng, lãng phí chính với ngân sách quốc gia do số tiền bỏ ra quá lớn.
Trên tờ Wall Street Journal cho biết, theo thống kê của Bộ Tài chính Trung Quốc thì năm 2011, ngân sách Trung Quốc đã phải chi ra 5,92 tỷ NDT (tương đương 914,9 triệu USD) cho việc mua và bảo dưỡng xe công nhưng cũng đã còn thấp hơn 250 triệu NDT so với năm 2010.
Giữa năm 2014, quốc gia này đã công bố quy định cải tổ xe công, theo đó, xe công sẽ chỉ được dùng cho các hoạt động đặc biệt, như tình báo hay các trường hợp khẩn cấp, thay vì công việc bình thường trong Chính phủ.
Số xe có tài xế riêng cũng được yêu cầu giảm bớt. Quan chức Chính phủ sẽ được khoán một khoản chi phí phục vụ việc đi lại hàng tháng tùy theo từng cấp bậc. Còn những xe công nào đã không sử dụng đến nữa thì sẽ được cho "lên sàn" để đấu giá, bán được bao nhiêu sẽ đem về bổ sung vào ngân sách nhà nước.
Số tiền chi cho xe công tại Trung Quốc vì thế đã giảm đi rõ rệt theo hàng năm, thậm chí còn có thể thu hồi lại một khoản lớn từ số xe đã không còn sử dụng đển để trả lại cho ngân sách.
Tuy nhiên các quan chức Trung Quốc vẫn mong muốn có cơ chế và quy định cứng rắn hơn để đảm bảo việc cải tổ xe công có hiệu quả trong dài hạn.
Sử dụng xe công vào việc tư
Theo ông Trần Đức Thắng - cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, dù Chính phủ cũng đã có những quy định rất rõ ràng về việc mỗi chức danh sẽ sử dụng xe có đơn giá khác nhau, thế nhưng vẫn xảy ra hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức trong những năm vừa qua.
Còn việc sử dụng xe công vào việc tư, sử dụng xe sai đối tượng, đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với một số người không đủ tiêu chuẩn thì có lẽ đã là hiện tượng phổ biến trong khoảng thời gian gần đây.
|
Một trường hợp xe công dùng để đi... rước dâu - Ảnh: Internet
|
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, ở các quốc gia khác phát triển hơn và quan trọng hơn là họ có nhiều tiền hơn Việt Nam thì việc xe công, xe tư là hoàn toàn rạch ròi.
Kể cả những người làm trong bộ máy Nhà nước, Chính phủ cũng còn phải sử dụng phương tiện công cộng hoặc phương tiện của cá nhân, chứ không có chuyện sử dụng xe công vào việc tư, đơn cử như việc di chuyển từ nhà tới cơ quan.
TS Lê Đăng Doanh lấy ví dụ như ở Thụy Điển, Thụy Sĩ, ở đây không có chế độ xe công đưa đón như ở Việt Nam. Đến Thủ tướng Thụy Điển còn tự lái ô tô hoặc đi các phương tiện công cộng đi làm, chứ không có người đưa đón hay bảo vệ, đầu bếp riêng.
|
|
|
Ở nước ngoài, người ta muốn tiết kiệm ngân sách nên không dùng tới tài sản công ngay cả khi làm việc công, chứ không dùng tài sản công để làm việc tư một cách công khai, lộ liễu như vậy. |
|
Chuyên gia kinh tế |
|
|
Trong khi đó, ở nước ta, việc cấp và lạm dụng xe công quá nhiều. Đến cả chủ tịch một liên hiệp hợp tác xã kiêm chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa của 1 tỉnh cũng được phát một xe biển xanh, dùng chỉ để đưa đón ông hàng ngày từ nhà đến cơ quan.
Xe công đi ăn cưới, xe công đi chùa, xe công đi rước dâu hay thậm chí có cả xe công đi nhậu... những trường hợp này đều đã được báo chí phản ánh rất nhiều chứ không còn là hiếm. Từ đó đã làm dấy lên một loạt những câu hỏi lớn trong hiệu quả của việc quản lý, sử dụng xe công..
Chia sẻ với VTC News, một chuyên gia kinh tế còn nói: "Tôi còn nhớ cách đây gần 10 năm, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long dự Hội nghị APEC ở Việt Nam xong còn đi một chuyến bay của Hãng hàng không giá rẻ Tiger Airways để về nước, giá vé tính ra giá trị tiền Việt chỉ có 1 triệu đồng, trong khi ai cũng biết Chính phủ họ có hẳn một chuyên cơ Boeing 777 riêng.
Người ta muốn tiết kiệm ngân sách nên không dùng tới tài sản công ngay cả khi làm việc công, chứ không dùng tài sản công để làm việc tư một cách công khai, lộ liễu như vậy".