Mục tiêu tăng trưởng 8-9%
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho nửa sau năm 2023.
Kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%; tăng trưởng quý III đạt 6,8%, quý IV đạt 9% (cao hơn lần lượt 0,3 điểm % và 1,9 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%.a
Kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%; tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3% (cao hơn lần lượt 0,9 điểm % và 3,2 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.
Hai kịch bản trên đây được đưa ra trên nền tảng GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra là 6,2% tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Tốc độ tăng GDP nay là thấp nhất trong giai đoạn 2011-2023, sau tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020, khi nền kinh tế thực hiện phong tỏa để chống Covid-19.
Như vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội, thì tốc độ tăng trưởng trong nửa cuối năm nay phải đạt từ 8-8,9%.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, tình hình thời gian tới khó có thể chuyển biến nhanh theo xu hướng tích cực, còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, cần ý thức được nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề và thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, phát huy hiệu quả mọi chính sách, nguồn lực, tận dụng tối đa các cơ hội, phấn đấu tối đa để kết quả cao nhất theo mục tiêu đã đề ra.
Nhận định của ông Dũng cho thấy, nền kinh tế phải vượt qua nhiều thách thức để đạt các kịch bản tăng trưởng như nêu trên.
Nhìn lại quá khứ, tốc độ tăng trưởng 8-8,9% đã từng xảy ra với nền kinh tế Việt Nam cách đây đã hơn 30 năm. Vào những năm đầu thập kỷ 90s của thế kỷ trước, nền kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng 8-9,5%, khi các động lực tăng trưởng trong dân đã bật dậy như lò xo nhờ những thành quả của Đổi mới và Hội nhập.
Nhưng kể từ đó đến nay, GDP đã không giữ được mức tăng trưởng. Các nhà kinh tế tính toán, trong giai đoạn 10 năm lần thức nhất (1991-2000) tốc độ tăng GDP bình quân là 7,56%; 10 năm thứ hai (2001-2010) 6,61%; 10 năm lần tshứ 3 (2011-2020) đạt 6%; và hiện nay 3 năm đầu của 10 năm lần thứ tư dự kiến 5,6%.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 1991-2023 (năm 2023 là dự kiến)
Nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 trung bình 7% mà Chiến lược đã đặt ra, thì tăng trưởng kinh tế năm 2024 và 2025 phải đạt trung bình 9%/năm. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn tại thời điểm hiện nay.
Tăng trưởng GDP cao là mục tiêu lâu nay của cả đất nước vì nó là thước đo để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển và bắt kịp với các nước trên thế giới.
Vượt qua các khó khăn ngắn hạn
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, mục tiêu tăng trưởng của nửa cuối năm này là rất thách thức mà nguyên nhân của nó được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra.
Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn, việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức.
Doanh nghiệp khó khăn là tác động ngay đến thu NSNN. Tổng thu NSNN trong 6 tháng ước giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước; thu nội địa giảm 4,7%, trong đó thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 21,6%, thu các loại phí, lệ phí giảm 11,7%, thu tiền sử dụng đất giảm 56,8%.
Các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về thị trường, dòng tiền, thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, tồn kho tăng mạnh (tỷ lệ tồn kho toàn ngành bình quân 6 tháng là 83,1%); xuất khẩu 6 tháng giảm 12,1%, nhất là các nhóm hàng chủ lực như xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 9,3%; dệt may giảm 15,3%; giày dép giảm 15,2%; thủy sản giảm 27,4%;...
Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải thu hẹp quy mô sản xuất, giảm sản lượng. Có tới 1/3 doanh nghiệp chế biến, chế tạo cho biết giảm khối lượng sản xuất trong quý II, gần 40% dự báo khối lượng sản xuất quý III giảm; 38,3% doanh nghiệp chế biến, chế tạo có đơn hàng xuất khẩu quý II giảm so với quý I, theo Tổng cục Thống kê.
Dư nợ tín dụng đến ngày 20/6 chỉ tăng 3,58%, thấp hơn nhiều so với tốc độ 8,11% cùng kỳ năm 2022; khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thấp; nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư khó khăn buộc phải điều chỉnh chiến lược, kế hoạch kinh doanh, dự án đầu tư.... trong bối cảnh thị trường mua bán sáp nhập (M&A) không thuận lợi.
Thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn bất cập. Một số quy định về phòng cháy chữa cháy, nước thải nuôi trồng thủy sản, cấp phép lao động... chậm được rà soát, điều chỉnh; trong một số trường hợp, chính sách, quy định mới ban hành lại xuất hiện rào cản mới, thủ tục mới.
Tình trạng cắt giảm lao động đã diễn ra, tập trung tại một số địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương,…
Sức ép về lao động, việc làm là rất lớn. Ảnh Tư liệu VNN.
Tới đây cần làm gì?
Tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, không xử lý hồ sơ của doanh nghiệp và người dân là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kinh tế đình trệ. Chính phủ và Quốc hội đã nhận thấy và đều ra văn bản thể hiện quyết tâm muốn bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Tới đây, Bộ Nội vụ nên khẩn trương đưa ra quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
Giải pháp nữa là cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa ngay các quy định, thủ tục hành chính gắn với tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian trái quy định hoặc không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân.
Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư (bao gồm khu vực tư nhân trong nước, DNNN, thu hút FDI và đầu tư công), xuất khẩu.
Tư Giang - Theo Vietnamnet