Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Tổng thống Joe Biden sẽ thăm Việt Nam từ ngày 10- 11/9/2023, sau khi ông dự hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo G20 ở New Delhi (Ấn Độ).
Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Karine Jean-Pierre, tuyên bố: “Khi Hoa Kỳ tìm cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ với khu vực ASEAN, Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc thực hiện điều đó”.
Việt Nam và vai trò trong “Friendshoring”
Mối quan hệ mà Washington nhắm tới, theo các chuyên gia, không gì khác hơn là tăng cường hợp tác với các quốc gia có liên quan trong chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (friendshoring) của mình. Việt Nam đã được Mỹ nhắm tới là một phần trong tiến trình đó, được chính Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận.
Tại Hà Nội hồi tháng 7, bà Janet Yellen đã tuyên bố “friendshoring” là một cách tiếp cận mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang theo đuổi nhằm mục đích xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy. “Mục tiêu của chúng tôi là giảm tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế đối với cú sốc cung ứng trong sản xuất những loại hàng hóa quan trọng”, bà nói.
Trước đó, Mỹ đã liên tục thúc đẩy chiến lược này trong lúc quan hệ với Trung Quốc ngày càng băng giá. Tháng 6/2022, Hoa Kỳ và các đối tác G7 đã khởi động Quan hệ đối tác về đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu (PGII) để xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng sạch; Tiếp đến là ký kết thỏa thuận Đối tác An ninh Khoáng sản để sản xuất, xử lý và tái chế các khoáng sản quan trọng.
Việt Nam là một trong những nước sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm lớn trên thế giới. Các nghiên cứu từ năm 1958 đến nay đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng đất hiếm ở Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái). Các chuyên gia thế giới nhận định Việt Nam có trữ lượng thậm chí lên tới 22 triệu tấn, chỉ đứng sau Trung Quốc. Do đó, Việt Nam có thể sẽ có nhiều tiềm năng hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực này.
Nhưng thực tế còn nhiều gian truân
Tuy nhiên, bất chấp những tiềm năng đó, có nhiều rào cản đối với Việt Nam để có thể sớm trở thành một đối tác của Mỹ trong lĩnh vực đất hiếm.
Theo các nhà địa chất học, các mỏ khoáng sản lớn tại Việt Nam đã được phát hiện và nghiên cứu cho thấy chủ yếu là loại đất hiếm nhẹ. Đất hiếm nhẹ - là nhóm lantan - ceri có nguồn gốc nhiệt dịch - không “hiếm” như tên gọi của chúng. Trong khi đó, đất hiếm nặng “hiếm” hơn và được sử dụng chủ yếu trong các ngành công nghệ cao như quân sự...
Dù vậy, đất hiếm nhẹ vẫn có một số thành phần quan trọng như Neodymium hay Praseodymium đóng vai trò cốt lõi trong nam châm vĩnh cửu, xe điện, tua bin gió và các ứng dụng công nghệ cao ngày càng phổ biến khác…
Bên cạnh đó, các nghiên cứu về đất hiếm của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Ngoài những mỏ lớn ở các vùng Tây Bắc thì chưa có những nghiên cứu đầy đủ về những nguồn cung cấp khác hay tiềm năng của khoáng sản.
Chưa kể, khai thác và xử lý đất hiếm còn liên quan tới các nguyên tố phóng xạ. Do đó, để đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này, theo các chuyên gia, phải cân đối giữa lợi nhuận và “chi phí môi trường” cũng như các chi phí khác. Như sông Hoàng Hà ở Trung Quốc đã từng bị đe dọa nghiêm trọng bởi chất thải từ các mỏ đất hiếm. Hay ở tỉnh Quảng Đông, axit mạnh rò rỉ từ các điểm khai thác đất hiếm gần đó đã làm hư hại ruộng lúa, suối và kênh rạch.
Thách thức tiếp theo là năng lực khai thác và tinh chế của Việt Nam gần như ở mức thô sơ. Để so sánh, Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm khoảng 44 triệu tấn và sản lượng khai thác 140.000 tấn mỗi năm. Trong khi đó, Việt Nam được cho là có trữ lượng đất hiếm thứ 2 thế giới, nhưng sản lượng khai thác chỉ khoảng 1.000 tấn/năm.
Một vấn đề khác liên quan tới năng lực khai thác và xử lý đất hiếm – đặc biệt là tách từng nguyên tố trong đó - cũng là một điểm yếu của Việt Nam. Đây lại là một trong những chu trình phức tạp nhất quyết định tới giá trị gia tăng của nguồn đất hiếm, và cũng là nơi Trung Quốc giữ vai trò thống trị toàn cầu. Thậm chí, một cường quốc công nghệ như Mỹ cũng từng phải gửi quặng tới Trung Quốc để tiến hành tinh chế.
"Để phân tách từng kim loại trong đất hiếm thành từng nguyên tố đạt được độ sạch cao vô cùng phức tạp. Nếu không phân tách cẩn thận, kim loại hiếm trong đất có thể bay hơi theo oxy, nên chỉ có các nước tiên tiến mới có đủ khả năng để phân tách lấy các loại nguyên tố hiếm này trong đất hiếm", TS Nguyễn Văn Ban, một chuyên gia về địa chất từng nhận xét.
Chưa kể tới quá trình làm giàu các khoáng chất bên trong các quặng đất hiếm để đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu. Để đáp ứng nhu cầu thay đổi của từng khách hàng cũng là một vấn đề khó, đòi hỏi một cấp độ xử lý quy mô công nghiệp, theo các chuyên gia.
Với những thách thức như trên, rõ ràng lĩnh vực đất hiếm của Việt Nam mới chỉ dừng ở mức "tiềm năng". Để khai thác, chế biến và thu được giá trị cao từ xuất khẩu, cũng như bảo vệ môi trường, ngành đất hiếm của Việt Nam vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước, kể cả khi có nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ công nghệ tiên tiến của nước ngoài.
TRƯỜNG ĐẶNG - Theo DienDanDoanhNghiep