TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 13
  • Hôm nay: 423
  • Tháng: 4785
  • Tổng truy cập: 5150049
Chi tiết bài viết

Năm 1972, một nghiên cứu của MIT dự báo: Nền văn minh công nghiệp của loài người sẽ sụp đổ vào năm 2040

Chúng ta còn chưa đầy 20 năm để chuyển quỹ đạo nền kinh tế sang hướng phát triển bền vững.

Năm 1972, một nhóm các nhà khoa học MIT đã xuất bản một nghiên cứu khoa học dự báo rằng: Nền văn minh công nghiệp của loài người có thể đi tới sườn dốc sụp đổ vào năm 2040. Đó là kịch bản tồi tệ nhất trong số 12 kịch bản mà họ tính toán được dựa trên một khái niệm được gọi là "giới hạn tăng trưởng".

Dự báo cho thấy nếu các chính phủ và tập đoàn lớn trên thế giới tiếp tục theo đuổi sự tăng trưởng kinh tế bất chấp cái giá phải trả, họ sẽ chạm đến một sườn dốc sụp đổ khi tài nguyên trên hành tinh bị khai thác quá mức.

Và tại một điểm ngưỡng khi tài nguyên thiên nhiên đã trở nên cực kỳ khan hiếm, chúng ta sẽ không còn động lực nào có thể giúp kinh tế thế giới tăng trưởng thêm được nữa. Nền công nghiệp sau đó sẽ rơi vào suy thoái, kéo theo nguồn cung cấp lương thực, phúc lợi xã hội và dân số thế giới sẽ giảm mạnh.

Năm 1972, một nghiên cứu của MIT dự báo: Nền văn minh công nghiệp của loài người sẽ sụp đổ vào năm 2040 - Ảnh 1.

Một nửa thế kỷ trước, dự báo của các nhà khoa học MIT ít được mọi người chú ý đến. Nhưng mới đây, nó đã được đánh giá lại bởi một giám đốc cấp cao của KPMG, một trong bốn tập đoàn tài chính kế toán lớn nhất thế giới.

Kết quả cho thấy nhân loại đang đi đúng theo kịch bản đã được dự báo từ 50 năm về trước.

Nền văn minh công nghiệp sẽ sụp đổ vào năm 2040?

Phân tích mới về "giới hạn tăng trưởng" được thực hiện bởi Gaya Herrington, một giám đốc đồng thời là nhà phân tích hệ thống tăng trưởng bền vững tại công ty tư vấn KPMG tốt nghiệp từ Harvard. Nghiên cứu này đã được đăng trong ấn bản tháng 11 năm 2020 của Tạp chí Journal of Industrial Ecology và bây giờ có sẵn trên trang web của KPMG.

Trong đó, Herrington đã đưa các dữ liệu mới nhất để thay vào 10 biến số được các nhà khoa học MIT sử dụng để dự báo 12 kịch bản tăng trưởng của thế giới từ 50 năm về trước. Các biến số bao gồm dân số, tỷ lệ sinh sản, mức độ ô nhiễm, sản xuất lương thực và sản lượng công nghiệp…

Kết quả cho thấy quỹ đạo của nền văn minh chúng ta đang bám sát theo 2 kịch bản mà nhóm MIT đã dự báo. Một kịch bản như đã nói được gọi là Business as Usual (BAU), trong đó, nền văn minh toàn cầu đang hướng tới sự suy giảm và xã hội sẽ bắt đầu sụp đổ vào khoảng năm 2040.

Kịch bản thứ hai được gọi là Comprehensive Technology (CT), trong đó, các tiến bộ công nghệ có thể giúp giảm thiểu ô nhiễm và tăng nguồn cung cấp lương thực, ngay cả khi tài nguyên thiên nhiên của chúng ta đã cạn kiệt.

Năm 1972, một nghiên cứu của MIT dự báo: Nền văn minh công nghiệp của loài người sẽ sụp đổ vào năm 2040 - Ảnh 2.
Năm 1972, một nghiên cứu của MIT dự báo: Nền văn minh công nghiệp của loài người sẽ sụp đổ vào năm 2040 - Ảnh 3.

Trong khi kịch bản CT có vẻ sáng sủa hơn, Herrington cho biết tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên cuối cùng vẫn sẽ dẫn đến sự suy giảm kinh tế - hay nói cách khác là sự sụp đổ của toàn bộ xã hội công nghiệp.

"Đối với kịch bản CT, sự ngừng tăng trưởng có thể xảy ra trong vòng một thập kỷ hoặc lâu hơn", Herrington viết. "Nhưng cả hai kịch bản đều chỉ ra rằng chúng ta không thể tiếp tục đà phát triển và kinh doanh như hiện nay, tức là không thể theo đuổi sự tăng trưởng liên tục".

"Ngay cả khi kết hợp với sự phát triển và áp dụng những công nghệ chưa từng có, hoạt động kinh doanh theo mô hình thông thường chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm về vốn công nghiệp, sản lượng nông nghiệp và mức phúc lợi ngay trong thế kỷ này", nghiên cứu cho biết thêm.

Chúng ta có còn cơ hội để cứu vãn?

Có một tin tốt mà Herrington cho biết, đó là hiện vẫn chưa quá muộn để chúng ta thay đổi và điều chỉnh lại nền kinh tế của mình. Cô đề xuất một kịch bản được gọi là Stabilized World (SW) có thể thay thế cho hai kịch bản BAU và CT giúp xã hội tránh được sườn dốc sụp đổ vào năm 2040.

Theo kịch bản SW mà Herrington đề xuất, dân số thế giới, sự ô nhiễm và tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ đi theo đúng chiều hướng của BAU và CT khi tài nguyên thiên nhiên suy giảm. Nhưng sự khác biệt sẽ xuất hiện nếu con người quyết định hạn chế sự tăng trưởng của nền kinh tế một cách chủ động, trước khi sự thiếu hụt nguồn lực buộc họ phải làm vậy.

Năm 1972, một nghiên cứu của MIT dự báo: Nền văn minh công nghiệp của loài người sẽ sụp đổ vào năm 2040 - Ảnh 4.

Đầu tư công cho giáo dục, y tế và khoa học công nghệ sẽ giúp nhân loại thoát khỏi được sườn dốc sụp đổ. 

Herrington viết: "Kịch bản SW giả định rằng ngoài các giải pháp công nghệ, các ưu tiên xã hội toàn cầu cũng sẽ phải thay đổi. Thay đổi về giá trị và chính sách đồng nghĩa với việc giảm quy mô gia đình, tăng khả năng kiểm soát sinh đẻ đến mức hoàn hảo và sự lựa chọn có chủ đích để hạn chế sản lượng công nghiệp, ưu tiên cho các dịch vụ y tế và giáo dục".

Trên biểu đồ của kịch bản SW, tăng trưởng công nghiệp và dân số toàn cầu bắt đầu chững lại ngay sau khi sự thay đổi giá trị này xảy ra. Lương thực sẵn có tiếp tục tăng để đáp ứng nhu cầu của dân số toàn cầu, ô nhiễm cũng giảm và sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng bắt đầu được san lấp.

Sự sụp đổ của xã hội công nghiệp và toàn bộ nền văn mình là hoàn toàn có thể tránh được. Herrington nói: "Thực hiện những thay đổi cần thiết là điều không dễ dàng gì. Chúng đặt ra những thách thức trong quá trình chuyển đổi. Nhưng một tương lai trong đó nhân loại phát triển bền vững và toàn diện vẫn là điều khả thi".

Năm 1972, một nghiên cứu của MIT dự báo: Nền văn minh công nghiệp của loài người sẽ sụp đổ vào năm 2040 - Ảnh 5.

Nhưng liệu chúng ta có kịp không khi chỉ còn chưa đầy 20 năm để chuyển hướng quỹ đạo nền kinh tế?

"Hiện vẫn chưa quá muộn để tạo ra những thay đổi", Herrington nói. "Trên thực tế, chúng ta đã thấy những thay đổi đang xảy ra ngay lúc này. Chỉ cần nhân rộng những nỗ lực đó đã giúp thế giới có một cơ hội rộng mở để phát triển bền vững".

Cô lấy ví dụ về tốc độ phát triển vắc-xin nhanh chưa từng có và nỗ lực của cả thế giới trong việc đối phó với đại dịch COVID-19 chứng tỏ con người luôn có khả năng thích ứng nhanh chóng. Chúng ta cũng có tinh thần đoàn kết khi phải đứng trước những thách thức mang tính toàn cầu.

Đối phó với khủng hoảng khí hậu và môi trường tương tự như cách chúng ta đối phó với COVID-19 sẽ giúp loài người cứu được nền văn minh công nghiệp của mình khỏi bờ vực sụp đổ, Herrington nhận định.

Tham khảo Vice

Theo Pháp luật & Bạn đọc

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness