TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Năm chuyển mình của thế giới?

Liệu ta có ngộ ra được rằng đại dịch này thực sự là một nhát cắt lịch sử khả dĩ bắt ta soi chiếu lại các hình dung của chúng ta về nền văn minh nhân loại ở dạng biểu thức của nhân tính và cả trong mối liên quan tới trái đất mà ta đang sống?

Vì từng đi xe BMW mui trần mà tôi quan tâm đến mui xe bằng bạt. Quả nhiên phỏng đoán của tôi đã đúng: người Đức có thể làm ôtô tốt ở phần cơ, phần điện, phần máy, nhưng mấy việc chân tay vất vả thì họ đi thuê nhân công ở những xứ rẻ hơn. 

Để rồi một ngày, con virus nhỏ xíu từ Vũ Hán đi theo mui ôtô sang tận bang Bavaria để làm tê liệt đế chế BMW, khiến một cường quốc công nghệ như Đức hay thậm chí Hoa Kỳ không sản xuất nổi cái khẩu trang y tế khi chuỗi cung ứng do chính họ tạo ra bị đứt đoạn, dù họ nắm bằng sáng chế trong tay.

Một chuyến bay khứ hồi Hà Nội - Huế sẽ tạo ra 325kg CO2 tính theo mỗi hành khách, cần 26 cây xanh để khử số khí thải đó.

Sự cố ấy nói ra điều gì? Con virus ấy triệt hạ thế giới ở quy mô chưa từng có, nhưng nó cũng đánh thức vô số tiềm năng đang ngủ gật của nhân loại, nếu còn biết thích ứng để tiếp tục hy vọng.  

Mới đó mà tưởng đã xa lắm rồi: Tôi lên máy bay đến một hội chợ sách với tin báo trong điện thoại là có thể sự kiện bị hoãn vì một chứng bệnh lạ mà bệnh nhân nhiễm đầu tiên là nhân viên của Webasto, một công ty chuyên bọc bạt cho xe mui trần, sau khi anh ta tiếp xúc với một nữ đồng nghiệp từ Trung Quốc sang dự hội thảo. 

Bệnh nhân F0 của Đức may mắn chỉ bị sổ mũi vài hôm rồi khỏi, nhưng thế là đủ gây hậu quả bi thảm ở Đức, được ghi nhận cho đến khi tôi viết mấy dòng này: 7.417.995 người nhiễm bệnh, 113.632 người chết. Và toàn thế giới: 326 triệu người mắc Covid-19, và số người chết lớn hơn dân số Phần Lan: 5,6 triệu.

Sống chung với lũ

Ngày bệnh nhân F0 đầu tiên ở Đức đến Bệnh viện nhiệt đới Munich khám, Covid-19 còn chưa có tên, các đồng nghiệp phẩy tay không tin lời cảnh báo của nữ bác sĩ Camilla Rothe trực tiếp khám bệnh, rằng có một loại virus lạ được lan truyền ngay cả khi vật chủ không có biểu hiện lâm sàng nào. 

Trên đường phố châu Âu, dân châu Á với thói quen đeo khẩu trang bị lăng mạ hoặc hành hung.

Hôm nay “Covid” là từ cửa miệng của cả thế giới, và người ta có thể ra khỏi nhà mà quên đút túi điện thoại di động chứ không thể quên khẩu trang. Rõ ràng chất lượng sống giảm nhiều, nhưng nhìn về khía cạnh tích cực, con virus khốn nạn đó cũng có một dấu ấn sâu đậm trong nhân loại đầu thiên kỷ này.

Nhà hàng xóm của tôi đứng đợi ở bến xe buýt, tôi tình cờ đi ngang mời chở đi cùng đến cơ quan, tâm sự: 

“Lâu lâu không đi xe máy ra đường, giờ thấy ngại quá! Tính ra mỗi hôm mất toi 2 tiếng đồng hồ, chủ yếu là chôn chân trong dòng thác xe cộ và hít khói ống xả. Đúng là phú quý giật lùi, vì ngày xưa đi xe đạp đoạn đường ấy chỉ mất 20 phút”.

Không chỉ bố mẹ làm việc tại nhà, hai đứa con trai nhà họ cũng ôm laptop nghe giảng trực tuyến. Tạm chưa bàn đến mặt trái của dạy và học online mà chắc chắn là có, phải công nhận là bố mẹ đỡ hẳn lo lắng, không biết các con đạp xe đi lại trên đường ra sao, ăn vặt ngoài phố bẩn tưởi thế nào...

Hãy làm thêm một con tính đơn giản từ không gian hẹp quanh cá nhân tôi: Ở cái thời hồng hoang “tiền Covid”, tức là cho đến đầu năm 2020, trung bình mỗi tháng tôi làm dịch vụ ở hai hội thảo hoặc khóa đào tạo. 

Mỗi lần như vậy có hai chuyên gia Đức bay sang Hà Nội, dĩ nhiên họ ngồi khoang hạng thương gia và ở khách sạn 5 sao, đi kèm một trợ lý. Thường là họ còn bay một chuyến nội địa đi giảng bài ở Đà Nẵng hay Cần Thơ rồi mới về nước, dĩ nhiên toàn sinh hoạt 5 sao, chưa kể tiệc tùng đưa đón chia tay đủ kiểu. 

Và chưa kể đến những thứ tai không nghe mắt không thấy, tức là ít khi được đo đếm: mỗi chuyên gia bay khứ hồi giữa Frankfurt và Hà Nội tạo ra 5,5 tấn CO2, góp phần tăng hiệu ứng nhà kính bởi hàng tấn hơi nước và khí methane ở tầng cao khí quyển...

Hôm nay tôi may mắn vẫn còn việc làm cũ, nhưng các chuyên gia ngồi thuyết trình ở văn phòng của họ bên Đức, tôi ngồi ở Hà Nội, mở laptop trong bếp để vừa thông ngôn vừa nấu nước pha trà. 

Thoải mái đến mức đôi khi tôi tự hỏi: các phương tiện kỹ thuật để làm việc trực tuyến đã có từ lâu, tại sao ta phải đợi có dịch corona rồi mới tận dụng nó? Sức mạnh của thói quen thật khủng khiếp. 

Có lúc, khi nhìn ra đường vắng xe cộ thời đại dịch, tôi lại thấy “Ơn trời, dạo này không bị mỗi đêm thức dậy vài bận bởi vô số xe container đi qua đường lớn gần nhà để trốn phí quốc lộ và - hầu như vô cớ - nhấn còi inh ỏi trước ngã tư đường không một bóng người!!!”.

Khi đại dịch diễn ra dữ dội, đa số máy bay nằm lại trên mặt đất, ôtô trong bãi đỗ, nhà máy bị đóng cửa và tàu thủy viễn du không còn được phép hoạt động. Nhưng những gì gây ra thiệt hại khủng khiếp cho nền kinh tế đôi khi lại có tác động tích cực đến tự nhiên.

Chỉ sau vài tuần vắng bóng du khách và các con tàu nhả khói mù mịt, những làn nước trong xanh đã trở lại với nhiều dòng sông. 

Ở Trung Quốc và Ấn Độ, đã có bằng chứng về sự giảm đáng kể ô nhiễm không khí, nhất là khí nitơ dioxide ở các khu công nghiệp Trung Quốc, khiến hình ảnh vệ tinh của NASA trở nên trong trẻo lạ thường.

Cư dân bang Punjab miền Bắc Ấn Độ lần đầu tiên trong đời tận hưởng bầu không khí trong lành chưa từng có, cho phép họ nhìn thấy những đỉnh núi của dãy Himalaya. 

“Không tin nổi, nhưng đúng là tôi chưa bao giờ nhìn thấy chuỗi Dhauladar từ mái nhà của tôi ở Jalandhar”, cựu vận động viên cricket Harbhajan Singh viết trên Twitter. 

Trớ trêu thay, “Dhaula” nghĩa là hoàn toàn tinh khiết, trong sáng, và “dhar” nghĩa là không gian. Chỉ sau 2 tuần cấm túc, chỉ số chất lượng không khí trên cả nước đã cải thiện 33%, theo báo cáo SBS Hindi trích dẫn từ India Today Data Intelligence Unit.

Hy vọng sau lũ

Hôm nay còn quá sớm để dự tính đến tương lai sáng sủa hơn, nhưng chắc chắn sẽ có ngày, kể cả khi các nhà khoa học không tin là Covid sẽ bị tuyệt diệt, đại dịch này sẽ qua đi hay chỉ còn như một mùa cúm đầu xuân. 

Thay vì mất nhiều năm như xưa, bây giờ chỉ sau mấy tháng, thế giới đã có hàng chục loại vắc xin chích ngừa và thuốc trị Covid ít nhiều hữu hiệu.

Một con virus cho chúng ta thấy cuộc sống toàn cầu của chúng ta được kết mạng chặt chẽ ra sao, cũng mong manh đến mức nào. Đại dịch này có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi chúng ta và đối với xã hội? Loài người có đủ tỉnh táo để rút ra nhiều bài học từ sự cố bi thảm này?

Khi quay về Hà Nội, vừa vặn một hôm trước khi phi trường Nội Bài đóng cửa, tôi đọc được và rất tâm đắc một bài phỏng vấn bà Romila Thapar, nguyên giáo sư sử học tại Đại học Jawaharlal Nehru (New Delhi): 

“Virus Covid-19 tất nhiên sẽ không biến mất, nhưng trong các thập kỷ tới nó sẽ từng bước bị khoanh vùng và sau đó trở thành một trong nhiều căn bệnh khác hành hạ thế giới này. Lúc này lúc khác nó sẽ thò cái mặt xấu xí của nó ra". 

"Liệu chúng ta có ngộ ra được rằng đại dịch này thực sự là một nhát cắt lịch sử khả dĩ bắt ta soi chiếu lại các hình dung của chúng ta về nền văn minh nhân loại ở dạng biểu thức của nhân tính và cả trong mối liên quan tới trái đất mà ta đang sống?" 

"Và phải chăng, trong khi suy tư những điều trên, chúng ta nên phát triển một nhu cầu tất yếu là làm cho bản thể của con người trở nên con người hơn?”.

Thật vậy, kinh nghiệm cần rút ra không chỉ là nên đẩy mạnh làm việc tại gia, cho trẻ con học online, dịch chuyển vận tải từ đường bộ lên đường sắt hay tăng cường mua hàng qua shipper... 

Hãy nhìn vấn đề từ góc độ lớn hơn: Chẳng phải những năm qua có một triệu người Syria liều mình vượt Địa Trung Hải để trốn khỏi cuộc nội chiến ở quê hương, chẳng phải mấy tuần qua vùng đất Kazakhstan chao đảo trong một “âm mưu đảo chính”, chẳng phải dư luận nhắm mắt làm như không biết đến hàng ngàn nhân viên người địa phương bị Hoa Kỳ và phương Tây bỏ rơi trong cuộc tháo chạy tán loạn khỏi Afghanistan, khiến họ thành mồi ngon cho chính quyền Taliban đang ngùn ngụt khí phục thù?

Tôi vốn không ưa giọng dạy đời được gói vào truyện ngụ ngôn, nhưng đây là chuyện có thật: Một công nhân bất cẩn làm sập cửa kho lạnh vào cuối giờ tan tầm. 

Anh ta biết rằng sẽ không có ai đến trước sáng hôm sau và không hy vọng sống sót qua đêm trong cái lạnh khắc nghiệt, nên viết một bức thư từ biệt gia đình. 

Sáng hôm sau người ta tìm thấy anh ta đã chết. Tuy nhiên, kết cục bi thảm đó là điều không thể hiểu được, vì hệ thống làm lạnh bị mất điện trong đêm, anh ta lẽ ra đã sống sót. Anh ta chết vì tin rằng mình không còn cơ hội sống sót. Anh ta đã từ bỏ hy vọng.■

Chúng ta may mắn có thể thở phào khi đại dịch corona có vẻ chùng xuống vào cuối năm, ai cũng ngóng đợi tình trạng “bình thường mới”. 

Tôi mượn lời Oleg Nikiforov, tổng biên tập nhóm nhà xuất bản LOGOS ở Matxcơva, để nói ra mong đợi của mình: 

“Tôi đặt hy vọng vào sự đồng tâm mới giữa mọi người, bỏ qua mọi quá khứ dị biệt giữa hàng trăm dân tộc, tẩy chay sự phân bạch hình thức giữa các chủng tộc, giai cấp, quốc gia và điều kiện lịch sử. Chẳng phải đối thủ của chúng ta, bây giờ có tên Covid-19, cũng không hề đếm xỉa đến các biên giới nói trên đó sao?”.

LÊ QUANG - Theo Tuổi Trẻ

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness