Các quốc gia lớn trên thế giới đi đầu trong việc loại bỏ dần điện hạt nhân hiện đang đấu tranh để mở rộng sản xuất nguồn điện này. Điều này là do dựa trên hiệp định hợp tác về khí hậu, áp lực để đạt được “trung hòa carbon” ngày càng tăng lên và cuộc tranh luận ngày càng tăng về vai trò của “Điện hạt nhân - Nguồn điện không thải ra carbon và có hiệu quả cao về chi phí”. Hơn nữa, cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đã gây mất ổn định cho cung, cầu năng lượng, các quốc gia đã tuyên bố loại bỏ năng lượng hạt nhân hiện đang quay trở lại sử dụng.
Động thái quay trở lại với điện hạt nhân nổi bật ở châu Âu. Dẫn đầu là Vương quốc Anh, Thụy Điển và Na Uy có các kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới. Đức đã đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân của mình, nhưng dư luận ở châu Âu (trong đó có Đức) ngày càng ủng hộ điện hạt nhân.
Yves Debaseil - Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hạt nhân châu Âu cho biết: “Chính phủ Thụy Điển và Hà Lan đã thay đổi chính sách điện hạt nhân của họ và Ý cũng có thể chuyển sang thúc đẩy nguồn năng lượng này”. Ngoài biến đổi khí hậu, những lo ngại về tình hình cung, cầu năng lượng bị thắt chặt sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine đã dẫn đến giá cả tăng cao cũng là những nguyên nhân chính cho sự thay đổi này.
Đặc biệt, Thụy Điển đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới sau 43 năm. Hồi đầu tháng này, Chính phủ Thụy Điển - quốc gia đi đầu trong việc loại bỏ năng lượng hạt nhân sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1980 cho biết: “Nhu cầu điện sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu” và “để đáp ứng nhu cầu này, đến năm 2045 ít nhất phải có 10 tổ máy điện hạt nhân quy mô lớn và một số các nhà máy điện hạt nhân mô-đun nhỏ (SMR) được xây dựng”.
Trong khi đó, Thụy Điển theo chính sách loại bỏ dần điện hạt nhân đã đóng cửa 6 trong số 12 lò phản ứng của mình, chỉ còn đang vận hành 6 lò phản ứng. Các nhà máy điện hạt nhân này cung cấp 30% tổng sản lượng điện của Thụy Điển, nhưng hầu hết trong số đó đều sắp 40 năm vận hành và đến thời kỳ cần được xây dựng lại. Thụy Điển đã phải vật lộn để tìm nguồn năng lượng thay thế khả thi và vào tháng 10 năm ngoái, sau 8 năm Chính phủ liên minh cánh hữu đã lên nắm quyền và chuyển hướng sang mở rộng sản xuất điện hạt nhân. Trong mục tiêu chính sách khí hậu, ban đầu được đặt là “100% năng lượng tái tạo”, vào năm ngoái cũng đã được đổi thành “100% năng lượng phi hóa thạch”.
Chính phủ Bỉ cũng đã quyết định tiếp tục vận hành nhà máy điện hạt nhân trong 10 năm tới. Năm 2003, Bỉ cũng tuyên bố sẽ loại bỏ dần năng lượng hạt nhân, nhưng Bỉ đã quyết định tạm dừng khi cuộc khủng hoảng năng lượng nổ ra khắp châu Âu sau khi chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ.
Ở châu Á, tiếng nói phản đối loại bỏ phát điện hạt nhân đang gia tăng ở Đài Loan - nơi sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống vào tháng 1 năm sau. Kể từ khi Tổng thống Tsai Ing-wen (Thái Anh Văn) - người thuộc Đảng Tiến bộ Dân chủ, nhậm chức vào tháng 5 năm 2016, Đài Loan đã thúc đẩy kế hoạch “ngôi nhà không có hạt nhân” nhằm xóa bỏ tất cả sáu lò phản ứng hạt nhân vào năm 2025, nhưng từ năm 2018 đến năm 2022 đã xảy ra 3 lần mất điện trên diện rộng và tình trạng cung cầu điện không ổn định vẫn tiếp tục tiếp diễn. Mặt khác, các đảng đối lập đang chủ trương nên khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân.
Bang Ontario của Canada đã công bố vào tháng trước rằng: Sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới sau 30 năm để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng và đạt được chính sách khử carbon theo kế hoạch vào năm 2035. Chính quyền bang đang xúc tiến xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới với quy mô 4,8 gigawatt (GW).
Pháp - quốc gia từng có dấu hiệu từ bỏ điện hạt nhân, cũng thay đổi quan điểm và công bố kế hoạch xây dựng thêm 6 nhà máy điện hạt nhân đến năm 2035, trong khi Anh tuyên bố sẽ xây dựng tối đa 8 nhà máy điện hạt nhân vào năm 2050.
Cháy rừng quy mô lớn đang xảy ra thường xuyên trên toàn thế giới do biến đổi khí hậu và hy vọng việc quay trở lại sử dụng điện hạt nhân sẽ là một biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.
(Đón đọc kỳ tới...)
NGUYỄN HOÀNG YẾN (TỔNG HỢP, BIÊN DỊCH) - Theo Nangluongvietnam.vn