"Điều này sẽ gây ra những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng".
Sự nóng lên toàn cầu bắt đầu vào giữa những năm 1970 khi nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu tăng vượt quá mức biến thiên tự nhiên. Mỗi thập kỷ sau những năm 1960 đều ấm hơn thập kỷ trước và những năm 2010 giữ kỷ lục ấm nhất. Nhưng có thể có rất nhiều thay đổi theo cấp độ từ năm này sang năm khác.
Cơ quan khí tượng WMO của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo nhiệt độ toàn cầu có khả năng tăng cao kỷ lục trong vòng 5 năm tới.
Hiện tại đang là năm 2023, và tất cả các loại kỷ lục liên quan đến nhiệt đều bị phá vỡ. Nhiệt độ hàng ngày cao nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu xảy ra vào đầu tháng 7/2023, cùng với sự bất thường về nhiệt độ mặt nước biển lớn nhất từ trước đến nay.
Một nông dân đi trên lớp đất nứt nẻ trên cánh đồng khô cằn ở Nueva Ecija, Philippines. Ảnh: Krizjohn Rosales/The Philippine Star
Theo phân tích sơ bộ, tháng 6/2023 có nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu cao nhất. Mức độ hiện diện băng biển của Nam Cực đã ở mức thấp kỷ lục. Trong khi đó, nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển tiếp tục tăng với tốc độ không có dấu hiệu chậm lại.
Những hậu quả rõ ràng bao gồm những trận mưa như trút nước ở một số nơi trên thế giới trái ngược với những đợt nắng nóng quá mức và cháy rừng ở những địa điểm khác, đặc biệt là gần đây ở Canada.
1/ Điều gì gây ra sự gia tăng nhiệt độ này?
8 năm nóng nhất được ghi nhận đều là từ năm 2015 trở đi. Ngoài hiệu ứng El Nino, khí thải nhà kính (từ hoạt động của con người) là nguyên nhân chính làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Hãy cùng phân tích:
- Biến đổi khí hậu nhân tạo
Nồng độ carbon dioxide trong khí quyển tiếp tục tăng lên không ngừng bất chấp Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu (nhằm giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C);
Trong khi nhiều quốc gia và tổ chức (thành phố, công ty) đã thực hiện tốt các cam kết cắt giảm khí thải thì thật không may, một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, đang tiếp tục đốt than và lắp đặt các nhà máy nhiệt điện than với lượng khí thải nhiều hơn!
Biến đổi khí hậu do con người gây ra là không ngừng và phần lớn có thể dự đoán được. Nhưng bất cứ lúc nào, và đặc biệt là tại địa phương, nó có thể bị che lấp bởi các sự kiện thời tiết và sự biến đổi tự nhiên theo thang thời gian giữa các năm hoặc theo thập kỷ.
- Hiệu ứng El Nino
Theo phân tích của các nhà khoa học, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu tiếp tục tăng lên. Sự gia tăng lớn nhất và những năm ấm nhất có xu hướng xảy ra ở giai đoạn sau của sự kiện El Nino.
Sự kết hợp của sự thay đổi theo thập kỷ và xu hướng nóng lên do phát thải khí nhà kính ngày càng tăng làm cho kỷ lục nhiệt độ toàn cầu leo thang.
Năm ấm nhất trong thế kỷ 20 là năm 1998, sau khi xảy ra hiện tượng El Nino năm 1997-1998. Sau đó, quá trình nóng lên tạm dừng và cái gọi là "sự gián đoạn" trong quá trình nóng lên toàn cầu từ năm 2001 đến năm 2014 đã khiến những người phủ nhận biến đổi khí hậu trở nên lớn tiếng khi tuyên bố sự nóng lên toàn cầu là một huyền thoại
Sự kiện El Nino trong năm 2015-2016 đã thay đổi điều đó. Năm 2015 trở thành năm nóng nhất được ghi nhận, chấm dứt thời gian gián đoạn, chỉ bị vượt qua bởi năm 2016 - vẫn là năm ấm nhất tính cho đến nay.
Rất nhiều sự thay đổi hàng năm có liên quan đến các sự kiện El Nino. Phân tích sâu hơn cho thấy sự biến thiên của thập kỷ Thái Bình Dương (PDO), đôi khi được gọi là Dao động thập kỷ Thái Bình Dương hoặc Dao động Thái Bình Dương giữa các thập kỷ, dẫn đến những thay đổi về lượng nhiệt ở các độ sâu đại dương khác nhau.
Mỗi khi diễn ra El Nino, nhiệt được lưu trữ ở độ sâu trong vùng nhiệt đới phía tây Thái Bình Dương di chuyển xung quanh và quay trở lại bầu khí quyển, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu nhỏ.
2/ Năm 2024 sẽ chứng kiến mức nhiệt nóng mới?
Nghiên cứu cho thấy rằng hàm lượng nhiệt trong đại dương tăng đều đặn hơn so với sự nóng lên của không khí trên bề mặt và là thước đo tốt hơn để chỉ ra rằng sự nóng lên toàn cầu vẫn tiếp tục.
Mực nước biển dâng đến từ cả sự mở rộng của đại dương khi nó ấm lên và sự tan chảy của băng trên đất liền (sông băng và các tảng băng ở Greenland và Nam Cực). Điều này đưa thêm nước vào các đại dương. Biến động xảy ra khi lượng mưa được phân chia khác nhau giữa đất liền và đại dương, với lượng mưa trên đất liền nhiều hơn trong các sự kiện La Nina.
Ảnh chụp Russ Wilson té nước lên mặt từ một đài phun nước ở New York, Mỹ vào ngày 17 tháng 7 năm 2019. Ảnh: Seth Wenig / AP
Với một hiện tượng El Nino mới xuất hiện, liệu chúng ta có sắp phải trải nghiệm cấp độ nóng hoàn toàn mới hay không?
Ngay từ năm 2023, nhiệt độ bề mặt nước biển vào tháng 4 ở mức cao nhất được ghi nhận và các số liệu đang cao hơn 0,2℃ so với mức cao trước đó.
Điều này làm cho tháng 6/2023 có nhiệt độ không khí bề mặt cao kỷ lục trên toàn cầu. Vào đầu tháng 7/2023, chúng đạt giá trị cao nhất từng được ghi nhận.
Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nói rằng hiện tượng El Nino sẽ phát triển trong những tháng tới và điều này sẽ kết hợp với biến đổi khí hậu nhân tạo gây ra để đẩy nhiệt độ toàn cầu đến một mức chưa từng thấy.
El Nino thường làm tăng nhiệt độ toàn cầu trong năm sau khi nó phát triển. Điều đó có nghĩa là nếu nó phát triển trong năm 2023, thì năm 2024 sẽ là năm nóng nhất từ trước đến nay. Năm nóng nhất hiện nay được ghi nhận là năm 2016, cũng xảy ra sau sự kiện El Nino.
Các nhà khoa học giải thích: Nhiệt độ bề mặt nước biển trong các sự kiện El Nino có xu hướng đạt đỉnh vào khoảng tháng 12 và có ảnh hưởng lớn nhất trong hai tháng tiếp theo của năm mới.
Điều đó tạo tiền đề cho năm 2024 nhảy vọt lên nấc thang tiếp theo, có lẽ cao hơn 1,4℃ so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, với khả năng nhiệt độ có thể vượt quá 1,5℃. Và khiến cho 2024 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) dự đoán 66% khả năng từ năm 2023 đến năm 2027, hành tinh này sẽ có một năm ấm hơn trung bình 1,5 độ C so với giữa thế kỷ 19.
3/ Nhiệt độ tăng liên tục và hậu quả của nó
Trong 50 năm qua, nhiệt độ toàn cầu đã trải qua một xu hướng tăng rõ rệt và nhất quán. Nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 0,13 độ C mỗi thập kỷ kể từ những năm 1970. Điều này có nghĩa là bề mặt Trái Đất đã nóng lên khoảng 0,65 độ C trong 50 năm qua.
Lũ lụt tại miền Bắc Ấn Độ. Ảnh: BBC
Theo dữ liệu được biên soạn bởi các tổ chức khí hậu khác nhau, bao gồm NASA và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), nhiều năm nóng nhất được ghi nhận đã xảy ra trong những thập kỷ gần đây, với những năm 2020 là một trong những năm nóng nhất.
Nhiệt độ toàn cầu tăng lên đã góp phần làm thay đổi mô hình thời tiết và gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan. Các đợt nắng nóng sẽ trở nên thường xuyên và dữ dội hơn ở nhiều nơi trên thế giới, với thời gian kéo dài hơn và nhiệt độ cao nhất cao hơn. Các trận mưa lớn và lũ lụt đã trở nên phổ biến hơn ở một số vùng. Cháy rừng diễn ra ở nhiều nơi....
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết: "Điều này sẽ gây ra những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng".
Nguồn: Science Alert, WMO - Theo Soha