Nguồn: Jessica Chen Weiss, “Even China Isn’t Convinced It Can Replace the U.S.,” New York Times, 04/05/2023. Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Hiện nay, ở Washington đang có một quan điểm ngày càng vững chắc cho rằng Trung Quốc đang tìm cách thay thế Mỹ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới và tái tạo hệ thống quốc tế theo hình ảnh phi tự do của mình.
Tất nhiên, Trung Quốc đã thúc đẩy những nỗi sợ này qua việc phát triển quân đội, hợp tác với một nước Nga theo chủ nghĩa phục thù, thúc đẩy các yêu sách tranh chấp lãnh thổ, và dựa vào những luận điệu của riêng mình. Chủ tịch Tập Cận Bình đã thề sẽ chặn đứng những gì ông coi là nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm “ngăn chặn, bao vây, và đàn áp” Trung Quốc, và đã tuyên bố rằng “chủ nghĩa tư bản chắc chắn sẽ diệt vong và chủ nghĩa xã hội chắc chắn sẽ chiến thắng”.
Nhưng các tuyên bố về ý thức hệ như vậy thường một phần được thúc đẩy bởi sự bất an – hầu hết các quốc gia Cộng sản đã sụp đổ, và giới lãnh đạo Trung Quốc lo sợ mình sẽ là người tiếp theo. Những tuyên bố đó cũng nhằm mục đích củng cố niềm tin và lòng trung thành trong nước đối với đảng, hơn là phản ánh chính sách hoặc niềm tin thực tế.
Ý thức hệ ở Trung Quốc là một khái niệm linh hoạt, chứ không phải là một bộ khung cứng nhắc với các chính sách rõ ràng, và nó đã liên tục được điều chỉnh để biện minh cho việc duy trì chế độ độc đảng qua những thay đổi lớn sau nhiều thập niên. Ví dụ, dưới thời Mao Trạch Đông, các nhà tư bản bị lên án là “bọn phản cách mạng.” Nhưng dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã từ bỏ niềm tin cốt lõi của chủ nghĩa Marx vào năm 2001, khi họ chấp nhận các doanh nhân tư nhân làm đảng viên. Nền kinh tế Trung Quốc ngày nay mang tính tư bản hơn là Marxist, và cực kỳ phụ thuộc vào khả năng tiếp cận thị trường thế giới.
Đánh giá về Trung Quốc dựa trên ngôn từ có chủ ý của chương trình tuyên truyền của đảng đã bỏ qua khoảng cách giữa lời nói và hiện thực. Chẳng hạn, vào năm 2018, Trung Quốc đã đàn áp các nhóm sinh viên Marxist và các tổ chức lao động, nhiều khả năng là vì – như nhà lao động học và xã hội học Eli Friedman lưu ý – các nhà hoạt động trẻ tuổi này là hiện thân cho “các nguyên tắc của chủ nghĩa Marx mà ĐCSTQ thực tế đã từ bỏ từ rất lâu.” Tương tự, suốt nhiều năm, Bắc Kinh đã nhấn mạnh đến sự tôn nghiêm của chủ quyền quốc gia và việc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, nhưng lại cung cấp sự hỗ trợ ngoại giao cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Các trí thức hàng đầu Trung Quốc công khai thừa nhận khó khăn trong việc dung hòa những gì Trung Quốc nói với những gì họ làm. “Ngay cả chúng tôi cũng không tin nhiều vào những gì mình nói,” nhà kinh tế học Trung Quốc Diêu Dương (Yao Yang), người nổi tiếng với quan điểm thực dụng, từng nói. “Mục tiêu của chúng tôi không phải là đánh bại chủ nghĩa tự do, mà thay vào đó nói rằng những gì chúng tôi đang có cũng tốt như những gì các vị đang có.” Giang Thế Công (Jiang Shigong), một học giả chuyên về pháp lý và là người biện hộ cho triết lý chính trị của Tập, đã viết rằng “‘chủ nghĩa xã hội’ không phải là một loại tư tưởng cứng nhắc, mà là một khái niệm mở, đang chờ được khám phá và định nghĩa.”
Rất khó để xác định chắc chắn tham vọng lâu dài của Trung Quốc, và những tham vọng đó cũng có thể thay đổi. Nhưng nhìn chung nước này không thể – thậm chí không tìm cách – thay thế Mỹ trở thành cường quốc thống trị thế giới.
Tập và ĐCSTQ rõ ràng cho rằng Mỹ đang cố gắng giữ cho Trung Quốc luôn bị phụ thuộc và dễ bị tổn thương, phản đối bất cứ điều gì Trung Quốc khởi xướng hoặc ủng hộ trong một hệ thống quốc tế mà Bắc Kinh tin là thiên vị Mỹ và các nền dân chủ phát triển. Nhưng ở mức tối thiểu, ý định của Trung Quốc dường như chỉ là sửa đổi các khía cạnh của một hệ thống mà nhờ nó họ đã phát triển thịnh vượng – làm cho nó an toàn hơn cho chế độ chuyên chế – chứ không phải thay thế nó hoàn toàn.
Tập thường nói về nỗ lực này trong các khẩu hiệu chính trị của mình như “giấc mơ Trung Hoa” và “tương lai chung cho nhân loại.” Tuy nhiên, người ta vẫn đang tiếp tục tranh luận ở Trung Quốc về ý nghĩa thực sự của những tầm nhìn này, cũng như các chi phí và rủi ro mà Trung Quốc cần chấp nhận trong hành trình tìm kiếm vị trí lãnh đạo toàn cầu. Ví dụ, nghiên cứu của học giả Diệp Mẫn (Min Ye) đã chỉ ra rằng quy mô phát triển ở nước ngoài của Trung Quốc bị giới hạn bởi sự cấp bách, bắt buộc phải giải quyết các nhu cầu phát triển ở trong nước. Các chiến lược quan trọng khác của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng của họ cũng gặp khó khăn tương tự: Nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và giảm sự thống trị của đồng đô la bị hạn chế bởi sự kiểm soát chặt chẽ giá trị của đồng nhân dân tệ, cũng như nhiều biện pháp kiểm soát vốn khác. Các chính sách này tuy giúp ổn định nền kinh tế và ngăn chặn tình trạng tháo vốn, nhưng lại hạn chế sức hấp dẫn toàn cầu của đồng nhân dân tệ.
Trong khi đó, quan ngại của người Mỹ thường tập trung vào nỗi sợ hãi chính đáng rằng Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan. Nhưng bất chấp các cuộc tập trận quân sự hung hăng của Trung Quốc nhằm ngăn chặn hòn đảo tự trị tiến gần hơn đến nền độc lập chính thức, nhiều chuyên gia tin rằng Bắc Kinh vẫn muốn đạt được mục tiêu lâu dài là “thống nhất trong hòa bình” thông qua các biện pháp khác, ngoài chiến tranh. Trung Quốc có thể thua trong một cuộc chiến quân sự và phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt quốc tế và sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Kết cục đó là rất nguy hiểm về kinh tế và chính trị, đe dọa các mục tiêu hàng đầu của Tập về an ninh chế độ, ổn định trong nước, và phục hưng quốc gia.
Ngày càng có nhiều nghi ngờ về việc Trung Quốc, với khó khăn về kinh tế và dân số sụt giảm, có thể đạt được mục tiêu vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới hay không, chứ chưa nói đến các chỉ số lãnh đạo toàn cầu khác. Hiện vẫn có một sự thừa nhận rộng rãi ở Trung Quốc rằng nước này vẫn còn yếu hơn về quân sự, kinh tế, và công nghệ so với Mỹ, và việc hiện đại hóa đất nước phụ thuộc vào khả năng duy trì tiếp cận công nghệ, vốn, và thị trường quốc tế trong một trật tự kinh tế ổn định. “Mỹ không thể kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc,” học giả Trung Quốc nổi tiếng Hoàng Nhân Vỹ (Huang Renwei) đã lưu ý, “nhưng Trung Quốc cũng không thể nhanh chóng vượt qua Mỹ.”
Luận điệu của Trung Quốc về cải cách quản trị toàn cầu đã gây được tiếng vang ở nhiều nước đang phát triển, nơi cũng cho rằng các thể chế quốc tế đang chống lại họ. Nhưng có rất ít lý do để tin rằng ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa, tư lợi của ĐCSTQ sẽ thu hút được sự chú ý trên toàn thế giới, đặc biệt là khi Tập đã gây mất lòng tin vì cai trị bằng đường lối độc đoán, áp dụng các chiến thuật cưỡng chế đối với các doanh nghiệp và đối tác thương mại nước ngoài, và triển khai các chính sách ngày càng hoang tưởng. Trung Quốc đúng là có xu hướng được nhìn nhận tích cực hơn ở các nước đang phát triển. Nhưng nguyên nhân chủ yếu đến từ kinh tế chứ không phải ý thức hệ, và các khoản đầu tư ra nước ngoài của nước này thường bị chỉ trích là thiếu minh bạch, gây nợ nần cho các nước nghèo, gây tác động lên môi trường và nhiều các vấn đề khác.
Mỹ phải tiếp tục ngăn cản và chống lại các hành vi hung hăng của Trung Quốc, bao gồm cả việc củng cố khả năng chống xâm lược của Đài Loan. Nhưng Washington cần tránh để mình bị hướng dẫn chỉ bởi nỗi sợ, theo đó cản trở tư duy cởi mở và năng động vốn là cơ sở cho vai trò lãnh đạo khoa học và công nghệ của Mỹ. Các nhà hoạch định chính sách nên kết hợp các biện pháp răn đe với những nỗ lực mạnh mẽ hơn nhằm tìm kiếm mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc, đồng thời bảo vệ các giá trị và lợi ích cốt lõi của một trật tự quốc tế mang tính bao trùm, cũng như kêu gọi Bắc Kinh đưa ra những cam kết đáng tin cậy hơn về ý định thực sự của họ.
Rõ ràng là Trung Quốc – bất kể ý định của họ là gì – đang đặt ra một thách thức chính sách to lớn và phức tạp đối với Mỹ. Nhưng việc phóng đại nỗi sợ về “cuộc đối đầu một mất một còn” sẽ làm tăng khả năng xảy ra xung đột, lấn át nỗ lực giải quyết những thách thức chung như biến đổi khí hậu, và tạo ra một khuôn khổ ‘hoặc ủng hộ hoặc chống lại chúng tôi’ vốn có thể khiến Mỹ bị cô lập khỏi các đồng minh và phần còn lại của thế giới.
Tồi tệ hơn, hành động theo bản năng để vượt qua hoặc ngăn chặn Trung Quốc chỉ khiến những người theo đường lối cứng rắn ở Bắc Kinh tin rằng Mỹ là kẻ thù không đội trời chung và phản ứng duy nhất là phải làm suy yếu nước Mỹ.
Bằng cách tiếp tục đi trên con đường đó, hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới có thể sẽ biến nước còn lại thành chính thứ kẻ thù mà họ vẫn luôn sợ hãi.
Jessica Chen Weiss là giáo sư về quản trị chính quyền tại Đại học Cornell và là nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc của Viện Chính sách Xã hội Châu Á. Bà là tác giả của cuốn sách “Powerful Patriots: Nationalist Protest in China’s Foreign Relations.”
Theo Nghiên Cứu Quốc Tế