- Cái bắt tay duy nhất của Tập Cận Bình với một Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc sau phiên bế mạc “lưỡng hội” làm dấy lên những suy đoán về thế hệ lãnh đạo tiếp theo của nước này.
Từ trái qua: Tập Cận Bình, Vương Hộ Ninh, Lý Khắc Cường
Nhân vật duy nhất bắt tay với Tập Cận Bình
Trang Đa Chiều (Mỹ) cho biết, kết thúc phiên bế mạc kỳ họp “lưỡng hội” 2016 tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hôm 16/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ bắt tay với duy nhất một Ủy viên Bộ chính trị nước này là Tôn Chính Tài.
Ông Tôn được bổ nhiệm giữ chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh từ năm 2012, sau khi người tiền nhiệm Bạc Hy Lai bị Bắc Kinh xử lý.
Trang Tin tức Hồng Kông đưa tin, khi ông Tập Cận Bình rời phiên bế mạc “lưỡng hội”, Tôn Chính Tài – Ủy viên trẻ tuổi nhất trong Bộ chính trị Trung Quốc (BCT) – đã nhanh chóng tiếp cận phía sau và bắt tay với ông Tập.
Trong lúc này, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đang bận bắt tay với các Ủy viên Bộ chính trị khác.
Bí thư thành ủy Trùng Khánh, Trung Quốc, Tôn Chính Tài. Ảnh: Tân Hoa Xã
Đa chiều cho hay, vào đầu tháng 1/2016, Tập Cận Bình đã đến Trùng Khánh thị sát trong chuyến công tác thường lệ đầu năm.
Trong bối cảnh Đại hội ĐCSTQ khóa 19 diễn ra vào mùa thu năm 2017 sẽ có sự thay đổi nhân sự và quyền lực quy mô lớn trong giới lãnh đạo Trung Nam Hải, cái bắt tay của hai ông Tập, Tôn được cho là mang theo nhiều thông điệp chính trị.
Hiện nay, trong số 7 Ủy viên thường vụ BCT, ngoại trừ Tập Cận Bình (63 tuổi) và Lý Khắc Cường (61 tuổi) còn đủ điều kiện trong độ tuổi tham gia BCT khóa tới, 5 thành viên còn lại đều đến tuổi nghỉ hưu.
Đa chiều nhận định, nếu số lượng 7 ghế trong ban thường vụ BCT Trung Quốc không thay đổi thì sẽ còn trống 5 ghế ủy viên.
5 ủy viên thường vụ BCT đương nhiệm sẽ về hưu là Trương Đức Giang, Du Chính Thanh, Lưu Vân Sơn, Vương Kỳ Sơn và Trương Cao Lệ.
8 ủy viên khác gồm Mã Khải, Lưu Diên Đông, Hứa Kỳ Lượng, Tôn Xuân Lan, Tôn Kiến Quốc, Phạm Trường Long, Mạnh Kiến Trụ và Quách Kim Long cũng hết nhiệm kỳ vào năm tới.
10 ủy viên còn lại là Vương Hộ Ninh, Lưu Kỳ Bảo, Tôn Chính Tài, Lý Nguyên Triều, Uông Dương, Trương Xuân Hiền, Triệu Lạc Tế, Hồ Xuân Hoa, Lật Chiến Thư và Hàn Chính đều tham gia “tranh suất” vào 5 vị trí còn trống trong ban thường vụ BCT.
Trong đó, Tôn Chính Tài và Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa năm nay đều 53 tuổi nhưng nếu chính xác hơn, dựa trên tháng sinh thì Tôn là ủy viên trẻ nhất trong BCT. Ông Tôn sinh tháng 9/1963, còn Hồ Xuân Hoa sinh tháng 4.
Đa chiều nhấn mạnh thêm, chuyến khảo sát của ông Tập vào đầu tháng 1/2016 được coi là “kỳ sát hạch” đối với Tôn Chính Tài.
Đặc biệt, theo khảo sát, trong 31 tỉnh thành Trung Quốc, GDP Trùng Khánh đứng đầu bảng xếp hạng kinh tế nửa đầu năm 2015.
Giới truyền thông đánh giá, sự tăng trưởng cao của kinh tế Trùng Khánh trong năm 2015 phù hợp với tinh thần cuộc cải cách doanh nghiệp của Trung Nam Hải và là điểm sáng gây ấn tượng với ông Tập, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bị chững lại.
Trung Nam Hải bắt đầu quan tâm đến “lãnh đạo kế nhiệm”
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường chuẩn bị nhân sự và bồi dưỡng thế hệ lãnh đạo kế nhiệm trong thời gian dài nhưng cũng có khi phá lệ nếu “trường hợp đặc biệt” được lãnh đạo tối cao đề cử.
“Người kế nhiệm” của ĐCSTQ luôn là đề tài được giới truyền thông thảo luận sôi nổi.
Đặc biệt, trước thềm Đại hội 19 sắp tới – cũng là khởi đầu cho 5 năm cuối nhiệm kỳ của ông Tập, những nhân vật được mệnh danh “ngôi sao đang lên” càng được báo chí để mắt kỹ lưỡng.
Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường – nòng cốt lãnh đạo khóa 19 của Trung Quốc. Ảnh: Chinanews
Hai lãnh đạo thế hệ 6x (những người sinh trong thập niên 1960) của Trung Quốc là bí thư thành phố Trùng Khánh, Tôn Chính Tài và bí thư tỉnh Quảng Đông, Hồ Xuân Hoa được dự đoán sẽ “có chân” trong nhóm 7 người quyền lực vào khóa tới.
Theo Đa Chiều, có ý kiến cho rằng, truyền thông quốc tế còn còn đánh giá khả năng hai ông này sẽ được “bồi dưỡng” thành lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc giai đoạn sau 2022.
Đương nhiên, thời gian từ nay đến năm 2022 vẫn còn rất dài và bản danh sách “nhân tài” được Bắc Kinh chú ý vẫn chưa hề kết thúc.
Đa chiều tiết lộ, không chỉ dư luận mới quan tâm đến thế hệ lãnh đạo tiếp theo, mà chính giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cũng rất khắt khe trong việc lựa chọn đối tượng kế nhiệm.
Việc chọn ai, giữ chức nào sẽ ảnh hưởng đến tính duy trì và kế thừa các chiến lược, chính sách mà hiện tại ông Tập Cận Bình theo đuổi.
Về vấn đề “lãnh đạo kế nhiệm”, báo chí Trung Quốc gần đây lật lại bài xã luận “Nước Mỹ phản đối nước Mỹ” của Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương Trung Quốc Vương Hộ Ninh, một trong những “quân sư” thân cận hàng đầu của ông Tập.
Ông Vương chỉ ra: “Bất cứ chế độ chính trị nào thì một trong những vấn đề căn bản nhất là cách chuyển giao quyền lực như thế nào. Vấn đề này không được giải quyết thì trật tự ổn định của xã hội sẽ khó được duy trì…”
Dư luận Trung Quốc cho rằng, phát biểu này hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện tại của Trung Quốc.
Có ý kiến cho rằng, Trung Quốc đang thi hành chế độ theo dõi và bồi dưỡng nhân tài về dài hạn. Bắc Kinh tin rằng chính sách này giúp nâng cao năng lực chính trị của các tầng lớp quan chức cũng như bảo đảm được tính ổn định của đại cục chính trị.
Đồng thời, Trung Quốc e ngại việc đề cử vội vàng đội ngũ kế nhiệm có khả năng sẽ ảnh hưởng đến quá trình bồi dưỡng năng lực chính trị của các nhân vật này này.
Quá trình bồi dưỡng này cũng sẽ tạo áp lực, khiến cho lớp kế nhiệm càng đi theo chiều hướng chính trị bảo thủ.
Ngoài ra nhiều ý kiến cho rằng, nếu Trung Nam Hải không xử lý khéo léo hoặc không thống nhất ý kiến cũng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng trong nội bộ.
Đa chiều đã dẫn chứng quá trình ông Hồ Cẩm Đào chuyển giao quyền lực cho Tập Cận Bình và cho rằng, tuy lần cuộc chuyển giao này nhận được nhiều sự ủng hộ nhưng cũng gặp không ít rào cản.
(Theo Soha News)