- Điều gì đã tích hợp được chất linh thánh với tinh thần thế tục, giữa những giá trị thiêng với sức mạnh của chủ nghĩa vô thần, giữa chất sắt máu của chủ nghĩa toàn trị với tinh thần dân chủ và khai phóng? Cho đến nay, các nhà Nhật Bản học dường như vẫn chưa giải mã được chiếc cầu nối giữa Thiên giới và Nhân gian ấy trong con người quốc dân của đất nước Nhật.
- Những người đứng đầu nước Nhật không khư khư bám giữ lấy quyền lực của bản thân và phe nhóm, chỉ để chăm lo riêng cho những “bộ lông” của mình được óng mượt. Họ quyết liệt vứt bỏ mọi níu kéo của quá khứ, “dâng” nước Nhật của võ sĩ đạo cho một thế hệ mới, tìm mọi cách đưa đất nước đi trên con đường dân chủ hóa và hiện đại hóa. Ở mỗi khúc quanh của lịch sử ấy, giới lãnh đạo và tinh hoa xứ này bao giờ cũng hành động vì lợi ích của đất nước. Với họ, quyền lợi quốc gia-dân tộc là tối thượng, chính thể, đảng phải chính trị chỉ là nhất thời.
Không tính lần quá cảnh sân bay trước đây khá lâu, hai chuyến bay sang Nhật kế tiếp nhau vào tháng 9 và tháng 11 năm ngoái[1] rơi đúng vào dịp tiết trời ở đấy đang vào Thu. Trong vòng mấy tuần lễ đã được trở lại Tokyo, tôi may mắn có dịp thưởng lãm cái“đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” trong một không gian rộng mở, chuyển dịch từ đỏ rực, da cam rồi nhuộm màu vàng ươm bắt mắt. Tiếp theo các khu rừng phong đỏ ối, liền kề là các đồi chi thích (acer) bàng bạc và bao la là những dãy bạch quả (bingo biloba) rực rỡ, chập chùng suốt từ Tokyo xuống tận Kamakura. Mạn phép nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, tạm hoán chuyển mùa Xuân của thi nhân sang mùa Thu xứ Mặt trời mọc: “Lẵng Thu / Bờ giũ trái Thu sa…”. Những ngôi chùa và đền cổ được các bạn từ đại học Takushoku hướng dẫn tham quan dịp ấy đã găm lại những ấn tượng khó phai về một sắc màu không—thời gian Nhật Bản. Và một cách bất ngờ, Thu-Đông 2015-2016 này mang ý nghĩa thật đặc biệt. Với tôi, đấy là dịp tìm hiểu về cội nguồn và sức mạnh của chủ nghĩa ái quốc Nhật Bản, chứng kiến được trách nhiệm công dân của giới trí thức và cuối cùng là để cảm nhận được động lực đằng sau những quyết định vào các bước ngoặt lịch sử của nước Nhật chính là lợi ích quốc gia.
Bất ngờ về cội nguồn
Ấn tượng đầu tiên là cội nguồn phức hợp của chủ nghĩa ái quốc Nhật Bản. Điều ngạc nhiên nhất chính là chủ nghĩa ái quốc ấy lại từng gắn bó một thời với chủ nghĩa toàn trị vào đầu thế kỷ 20[2]. Và ngay cả trước đấy bao đời, thần dân Nhật Bản luôn coi mình có những chất liệu đặc biệt để tự chế tác thành một khối đồng nhất và gắn kết xung quanh các vị hoàng đế. Khác với các nhà nước toàn trị trên thế giới, ở Nhật, quyền lực tối thượng của hoàng đế từng được minh định qua hàng ngàn năm nên nó không có nhu cầu xác lập tính chính danh. Nhưng chủ nghĩa toàn trị ấy làm sao tồn tại được trong cùng một thế giới quan “hài hòa” giữa giữa thần dân với hoàng đế. Mặc dù có những thời điểm nhất định, vua chỉ giữ vai trò biểu tượng, nhưng từ bao đời, người Nhật vẫn dành một sự sùng bái khó cắt nghĩa đối với các hoàng đế của mình. Cho đến nay, các nhà Nhật Bản học dường như vẫn chưa giải mã được cái “Thiên Phù Kiều” (天浮橋), tức chiếc cầu nối giữa Thiên giới và Nhân gian trong con người quốc dân Nhật bản. Điều gì đã tích hợp được chất linh thánh với tinh thần thế tục, giữa những giá trị thiêng với sức mạnh của chủ nghĩa vô thần, giữa chất sắt máu của chủ nghĩa toàn trị với tinh thần dân chủ và khai phóng? Người Nhật coi vua Minh Trị là người đặt nền móng cho nước Nhật hiện đại. Bởi vì sau 45 năm trị vị của ngài, Nhật Bản từ một đất nước nằm bên lề của thế giới văn minh đã trở thành một quốc gia hùng cường. Chủ nghĩa ái quốc Nhật Bản còn sống nhờ vào các huyền thoại và ẩn dụ, nhằm biến người Nhật thành dân tộc kiên định và có lòng trung thành nổi tiếng. Đến cả súc vật xứ này cũng có chỗ trong đền thờ để tôn vinh lòng trung thành. Trước nhà ga Shibuya ở Tokyo đã có tượng con chó Hachiko, ngay từ khi nó còn sống. Rồi đến các yếu nhân, các công trình xây dựng, kể cả phong cảnh của thiên nhiên… tất cả đều tạo thành không—thời gian hết sức linh thiêng.
Vì những lẽ trên, cuộc viếng thăm Đền Minh Trị (Meiji Jingu), nơi thờ vị Thiên hoàng thứ 122 vào sáng 11/11/2015 là một kỷ niệm để đời trong chuyến sang Nhật lần thứ ba này. Có thể nói đây là một trong những ngôi đền nổi tiếng nhất của nước Nhật. Những ngày đầu năm như những ngày này, điện thờ thường xuyên chào đón hơn ba triệu du khách đến để cầu nguyện, nhiều hơn bất kỳ ngôi đền hoặc ngôi chùa nào khác trong cả nước. Thời gian còn lại trong năm, các đám cưới Shinto (Thần đạo) truyền thống thường được tổ chức ở đây. Đền Minh Trị tựa như một ốc đảo bình yên giữa lòng Tokyo hiện đại. Khuôn viên ngôi đền nằm trên 700.000m2 rừng do người dân đã quyên góp 100.000 cây từ khắp nước Nhật và từ nước ngoài để xây nên khu rừng nhân tạo luôn rợp bóng cây xanh. Đền được chia thành Khu vườn Bên Trong (Innner Garden) và Khu vườn Bên Ngoài (Outer Garden). Ban Tổ chức dành cho tôi một đặc ân, đón tiếp tôi ngay tại Khu vườn Bên Trong, nơi thường chỉ tiếp các quốc khách. Lướt nhanh những dòng lưu bút trên các trang Sổ vàng của Đền, trước tôi đã có các đoàn của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Tổng thống Mỹ George Bush, Ngoại trưởng Hillary Clinton, các vị nguyên thủ và những người đứng đầu chính phủ từ nhiều nước khác nhau… Và bất ngờ trên mọi bất ngờ, Ban Quản lý Đền đã tổ chức nửa giờ cầu nguyện cho riêng một mình tôi[3]…
Viếng Đền này, không thể không nhắc đến Fukuzawa Yukichi, bởi vì tên tuổi ông gắn với tư duy “thoát Á, nhập Âu” và công cuộc Duy Tân thời Minh Trị. Fukuzawa Yukichi là nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản thời cận đại. Ông được tôn vinh là “Voltaire của nước Nhật”, không chỉ vì tính triệt để trong tầm vóc tư tưởng vượt trội, mà còn vì vai trò của ông trong việc khai sáng ra “tinh thần quốc dân Nhật Bản”. Fukuzawa Yukichi đã đưa ra kế hoạch cải tổ Nhật Bản bằng cách thay đổi hoàn toàn hệ thống chính trị, bỏ những tư tưởng Á châu hủ lậu, dồn sức canh tân kỹ nghệ để theo kịp Tây phương, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng của Nhật đối với các nước láng giềng. Fukuzawa Yukichi thúc đẩy Nhật Bản đi vào đường lối chính trị thực tiễn, xa rời những tư tưởng có tính chất tình cảm hay lý tưởng không thực tế. Được đàm đạo với vị Trưởng ban và các thành viên Ban Quản lý, tôi cảm nhận đó là những con người có đầu óc thực tế, có trách nhiệm đối với đất nước như chính họ đã phát biểu trong cuộc mit-tinh trước đấy một ngày. Những điều ông Trưởng ban bộc bạch chính là hồn cốt của tư tưởng khai phóng mà Fukuzawa đã gieo trồng cách đây hàng thế kỷ. Rời Đền, tôi suy nghĩ miên man về những thành tố song trùng, tạo nên chủ nghĩa ái quốc Nhật Bản. Vẫn biết không phải tất cả ở đây đều thần kỳ: dân số bị già hóa, dân cư quá tải ở các đô thị lớn, quan hệ con người với nhau “mỏng dần”, sức mua suy giảm khiến kinh tế trì trệ... Nhưng chính chủ nghĩa yêu nước với lòng tự tôn dân tộc hiếm thấy sẽ là bệ đỡ để người Nhật vượt lên mọi thách thức.
Kẻ sĩ trước thời cuộc[4]
Ấn tượng thứ hai chính là trách nhiệm công dân của giới trí thức nước này. 10.000 là con số dự kiến ban đầu mà các đoàn thể dân sự muốn huy động số người tham gia cuộc mit-tinh do Đại hội quốc dân xây dựng Hiến pháp Nhật tổ chức. Thế nhưng theo thống kê của Ban tổ chức, Đại hội đã ghi nhận 11.321 con người từ khắp mọi vùng miền đất nước về tề tựu đông đủ tại Vũ đạo trường Nippon Budokan, Tokyo vào cái buổi chiều lịch sử ấy (14h, thứ ba, ngày 10/11/2015). Tổng Thư ký “Hội những người ủng hộ thay đổi Hiến pháp” Fumihiro Uchida nói với tôi:“Ở Nhật Bản, chúng tôi không coi là trí thức, nếu trước những vấn đề nóng bỏng của đất nước, trước những âm mưu và hành động nguy hại đến lợi ích cộng đồng, đến an ninh quốc gia mà anh làm ngơ. Nhất là những an nguy ấy lại đến từ ngoại bang. Vô hình trung, như vậy tức là anh đã tiếp tay cho cái xấu, cái ác, nên không thể nào coi anh là người lương thiện, chứ đừng nói đến danh hiệu người trí thức hay quốc sĩ”. “Chính vai trò “đầu tàu phản biện” của các trí thức và kẻ sĩ, của một số đại biểu quốc hội từ cả hai Viện, thông qua các đoàn thể dân sự trong cả nước, đã huy động được đông đảo số người tham gia nói trên”, Giáo sư Đại học Kyorin Tadae Takubo giải thích thêm như thế. Đại hội có tham vọng, sau cuộc giao lưu kỳ vĩ này, sẽ tiếp tục công cuộc vận động dư luận rộng khắp nước Nhật Bản để làm sao tập hợp đủ 10 triệu chữ ký của các công dân nhằm ủng hộ việc sửa đổi Hiếp pháp. Được mời phát biểu trước hơn cả vạn con người, tôi thông báo để cử tọa biết rằng, báo chí và truyền thông Việt Nam đã/đang ủng hộ việc điều chỉnh Hiến pháp của nước Nhật[5]; ủng hộ bước chuyển từ “chủ nghĩa hòa bình duy tâm” sang “chủ nghĩa hòa bình tích cực”. Rõ ràng, đấy là cả một sự thay đổi mang đầy tính minh triết của chính phủ Nhật Bản trước những kịch biến phức tạp trên cả Biển Hoa Đông lẫn Biển Đông.
Theo Giáo sư Akiko Takahara (đại học Kumamoto), vào cuối thời Mạc Phủ, trí thức Nhật Bản cũng từng trăn trở đi tìm hiểu về những bí mật đằng sau sức mạnh quân sự của các nước phương Tây. Chính các trí thức hàng đầu hồi ấy đã giúp nhà cầm quyền Nhật Bản bấy giờ đi đến kết luận: sức mạnh một quốc gia phải xuất phát từ việc sớm hiện đại hóa được guồng máy chính trị và kinh tế, đặc biệt là làm sao thoát khỏi các ảnh hưởng tiêu cực từ mô hình Trung Hoa Nho giáo, để lựa chọn ra một thể chế chính trị khác ưu việt hơn. Một trong “tam kiệt” Duy Tân là chính trị gia Okubo Toshimichi[6] đã nhiều lần cảnh báo: “Chừng nào nước Nhật chưa cải cách, chưa tìm ra được thể chế phù hợp, thì dù có tăng cường quân sự đến mấy cũng không thể nâng cao được thế và lực của đất nước”. Phải chăng từ truyền thống “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” thời ấy mà khi đi vào giai đoạn bước ngoặt hiện nay, trí thức và nhân sĩ Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu trong việc vận động quần chúng quán triệt ý nghĩa sâu xa của quá trình giải thích lại Điều 9 Hiến pháp. Với tư cách là một trong hai diễn giả từ châu Á, tôi không ngần ngại thay mặt những người Việt yêu quý nước Nhật cảm ơn Thủ tướng Shinzo Abe về tuyên bố của ông rằng, Nhật Bản sẽ hỗ trợ tối đa cho Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Thính giả đã vỗ tay 12 lần trong 30 phút phát biểu của tôi về mối bang giao Việt-Nhật, về“Liên minh của Hy vọng”[7], một biệt ngữ ngài Thủ tướng đã dùng để nói lên sứ mệnh thời đại mà cả Nhật Bản lẫn Hoa Kỳ đang đảm nhận hiện nay. Sau khi kết thúc, một số trong Chủ tịch đoàn đến bắt tay chúc mừng và cho biết, người Nhật ít khi tán thưởng diễn giả bằng vỗ tay với tần suất cao như vậy.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sinh năm 1954, tuổi Giáp Ngọ, ông là người nhậm chức trẻ nhất trong số các Thủ tướng Nhật sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và là Thủ tướng đầu tiên được sinh ra trong thời bình. Đúng như tính cách của tuổi Giáp Ngọ, ông có tư duy trực quan, quyết đoán. Từ khi tái nắm quyền, ông Shinzo Abe đã thổi một luồng sinh khí mới cho Nhật Bản. “Võ sĩ Samurai” là cách gọi ưu ái của những người ủng hộ và ngưỡng mộ ông. Với họ, Thủ tướng hiện nay đang hành động đúng tinh thần của một võ sĩ đạo để bảo vệ chủ quyền và sự hưng thịnh của xứ sở Mặt trời mọc. Tuy nhiên, thay đổi Hiến pháp vẫn còn là để tài tranh luận ở Nhật. Để có được một Hiến Pháp Nhật Bản xứng đáng với thế kỷ 21, ông Abe cổ võ những người ủng hộ phải xây dựng một “tinh thân đồng thuận quốc gia”. Cho đến mùa Hè này, số người ủng hộ việc thay đổi Hiến Pháp cần vượt qua con số quá bán trong một cuộc trưng cầu dân ý. Thượng viện nước này đã thông qua Dự luật Quốc phòng mà Thủ tướng Shinzo Abe mô tả đó mới chỉ là “bước đi đầu tiên trong một loạt những cải cách trong tương lai”. Những thay đổi này bao gồm cả việc chấm dứt lệnh kéo dài hàng thập kỷ qua, cấm quân đội Nhật hành động trong trường hợp đồng minh bị tấn công, mở đầu cho quyền phòng vệ tập thể.
Lợi ích quốc gia tối thượng
Ấn tượng thứ ba là cuộc chiêm bái Kamakura Daibutsu (Liêm Thương Đại Phật). Kamakura theo Hán tự là Liêm Thương, giống như Tokyo còn có tên là Đông Kinh. Daibutsu là một trong những tượng Phật bằng đồng đẹp nhất và to nhất cả nước, xưa kia nằm dưới một mái chùa, sau đó bão lớn và sóng thần đánh đổ mất mái chùa, nên nay thành tượng lộ thiên. Đấy là quốc bảo, là biểu tượng cho xứ “Mặt trời mọc”. Đến Tokyo mà không tới Kamakura thì cũng như thăm Paris mà không qua Versailles. Liêm Thương nổi tiếng không chỉ do lắm đền nhiều chùa, mà còn vì từ nơi ấy đã tạo nên “thời đại Kamakura”. Thời đại này (1192-1333) từng sản sinh ra tầng lớp quý tộc quân nhân chuyên nghiệp, chốn xưa của tinh thần samurai vang bóng một thời. Đức xả thân vì lý tưởng và tính kỷ luật cao của tầng lớp tinh hoa này từng được nâng lên thành đạo lý cho cả một dân tộc noi theo. Đấy còn là nơi khởi đầu của chế độ Mạc phủ kéo dài suốt 700 năm. Ấy vậy nhưng khi đại bác Anh, Mỹ từ các “hắc thuyền” gầm rú trên cảng Edo (Tokyo, tháng 7/1853), người Nhật, từ quốc dân đến vua quan, ngay lập tức “bừng tỉnh”. Họ không khư khư bám giữ lấy quyền lực của bản thân và phe nhóm, chỉ để chăm lo riêng cho những “bộ lông” của mình được óng mượt. Họ quyết liệt vứt bỏ mọi níu kéo của quá khứ, “dâng” nước Nhật của võ sĩ đạo cho một thế hệ mới biết tìm mọi cách đưa đất nước đi trên con đường dân chủ hóa và hiện đại hóa. Cũng với tinh thần quyết liệt như vậy, nước Nhật sau thế chiến thứ hai đã ngay lập tức, kết bạn đồng minh với cựu thù để tìm mọi cách trỗi dậy từ tro tàn của chiến tranh, vươn lên thành một cường quốc. Dường như ở mỗi khúc quanh của lịch sử ấy, giới lãnh đạo và tinh hoa xứ này bao giờ cũng hành động vì chính lợi ích của đất nước. Với họ, quyền lợi quốc gia-dân tộc là tối thượng, còn chính thể, đảng phải chính trị chỉ là nhất thời.
Còn nhớ vào tháng 3/2011, nước Nhật liên tiếp hứng chịu ba thảm họa kinh hoàng không chỉ trong lịch sử của mình mà cả lịch sử thế giới: trận động đất lớn nhất cho đến nay với cường độ 9,1 độ richter, sóng thần cao trên chục mét khiến gần ba vạn người chết, mất tích và ngay sau đó là thảm họa rò rỉ chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima[8]. Trong những thảm họa kinh thiên động địa ấy, văn hóa Nhật Bản lại một lần nữa hấp dẫn toàn thế giới. Quy mô sức mạnh tinh thần tiềm ẩn, những giá trị đạo đức, tinh hoa của dân tộc được bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử trong cơn nguy biến ấy đã tỏa sáng rực rỡ. Một lần nữa, người Nhật lại chinh phục thế giới bằng chính “sức mạnh mềm” từ những giá trị chiều sâu văn hóa và phẩm giá dân tộc của họ. Sức mạnh tinh thần ấy của người Nhật như một giá trị trường tồn, cho đến nay, vẫn luôn là đề tài hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu văn hóa. Phải chăng ở đây, cái không—thời gian đa chiều kích cùng chồng lấn lên các thang giá trị siêu—thực đã làm nên căn tính “nhị nguyên” có một không hai của người Nhật. Lời hiệu triệu của vua Nhật sau thảm họa động đất ấy như hàm chứa cái khí thiêng “thay trời hành đạo” của hoàng đế; cách hành xử của quốc dân Nhật thể hiện bản lĩnh siêu việt trong ý chí của người dân với tư cách là một dân tộc, một cộng đồng đoàn kết xung quanh vị thủ lĩnh của mình.
Cũng nhờ có sự giao đãi trước đây với nhà văn Hoàng Quốc Hải nên khi các bạn Nhật trao đổi về “thang giá trị Việt” và kẻ sĩ Việt Nam trước thời cuộc trong lịch sử, tôi đã giới thiệu hai bộ tiểu thuyết dầy hơn 6500 trang về đời Lý—Trần, như là hai thời đại huy hoàng của Việt tộc. Đấy là những triều đại cũng đã biết đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên hàng đầu, đặt niềm tin vào người dân, khiến cho kẻ sĩ biết tự trọng và kẻ sĩ đã đồng hành cùng dân tộc để hòa giải, bắt tay xây dựng và bảo vệ đất nước. Cuộc trao đổi với các thành viên trong Hội nghiên cứu về Phan Bội Châu đã sôi nổi đề cập tới tình bạn giữa Nguyễn Trường Tộ với Ito Hirobumi (người sau đó trở thành Thủ tướng nước Nhật), nhắc lại các cuộc tiếp xúc giữa Phan Bội Châu với Phan Chu Trinh để cùng nhau học hỏi từ công cuộc Duy Tân của Nhật Bản thời bấy giờ. Trong số các sỹ phu đương thời, hai Cụ là người thấy rõ nhất những nhược điểm của xã hội và con người Việt Nam. Các cụ chủ trương phải thay đổi tận gốc rễ bằng cách nâng cao dân trí, dân khí và dân sinh, tiếp thu tư tưởng tiến bộ của Phương Tây, từ bỏ Nho giáo chính thống vốn đã ăn sâu vào đầu óc dân ta, quan ta, vua ta hàng nghìn năm nay. Tiếc thay, “đất vàng một nắm, giấc mộng ngàn thu, sự nghiệp anh hùng, ngày nay hết cuộc”, đúng như lời điếu của cụ Huỳnh Thúc Kháng “khóc” cụ Phan Chu Trinh.
*
Phi cơ nâng độ cao rất nhanh, sân bay quốc tế Haneda biến dần qua màn sương Thu dày đặc trên bầu trời Tokyo. Để kết thúc bài viết này, xin trích một phát hiện trẻ trung từ nhật ký của một du khách từng post lên mạng… Tokyo giống như nàng công chúa bị lời nguyền hóa đá, đến khi đêm xuống được phù phép mới trở mình thức dậy, đẹp một cách lộng lẫy. Nhìn Đông Kinh từ lúc máy bay vừa cất cánh, nhận xét này quả là đúng. Tuy nhiên, tôi vẫn không thể nào thoát ra khỏi nỗi ám ảnh từ cuộc trao đổi với các bạn Nhật trước ngày về nước liên quan đến cuộc bút đàm bi tráng giữa Nguyễn Trường Tộ với Ito Hirobumi cách đây mấy thế kỷ[9]. Đặc biệt chua xót là sau đó, triều đình Tự Đức đã ngoảnh mặt làm ngơ với Bản điều trần “Thiên hạ phân hợp đại thế luận” (cùng với 30 bản điều trần khác) của giáo sĩ họ Nguyễn, trong đó đã tập hợp tầm nhìn rộng lớn của một nhà văn hoá lỗi lạc biết trước thời thế sẽ đi về đâu và nêu nhiều kiến nghị với nhà cầm quyền về một số giải pháp để tránh được cơn tai hoạ ập đến nay mai từ ngoại bang. Tinh thần của các Cụ thời bấy giờ là nếu ta ở trong thế yếu thì buộc phải nhu; nhu nhưng không nhược, thậm chí nếu buộc phải hòa thì thủ hòa để tìm cách chiến thắng! Thời nay mấy ai tiếp thụ, truyền bá được những phẩm chất ấy từ các bậc tiền bối Việt-Nhật để rồi đây có thể tấu trình lên các đấng tiên liệt như Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… rằng lịch sử quyết không lặp lại và hậu bối thời nay không chịu dưới cơ, rồi có ngày chắc chắn sẽ ngẩng cao đầu để nhìn vào di ảnh các Cụ…
Đ.H.T, Tokyo – Kamakura – Hà Nội, Thu Đông 2015-2016
[1] Từ ngày 15 đến 23/9/2015, chúng tôi được mời sang Nhật tham dự Hội thảo về Biển Đông do Đại học Takushoku và Viện Nghiên cứu Quốc tế (Tokyo) tổ chức (Có thể xem bài viết về Hội thảo này tại: https://vinhnv43.blogspot.de/2015/10/mot-cach-tiep-can-moi-ve-bien-ong-trong hoặc tìm đọc trên báo Văn Nghệ, số 42 (2904) ngày 17/10/2015). Sau đó mấy tuần lễ, từ ngày 9 đến 12/11/2015, chúng tôi lại tiếp tục được mời sang nước Nhật và lần này, tác giả đã thay mặt cho Viện Nghiên cứu các vấn đề phát triển (VIDS) phát biểu trước một cuộc mit-tinh lịch sử có hơn cả vạn người tham gia (ở Tokyo).
[2] A.N Mesheriakov: LÀ NGƯỜI NHẬT, Phạm Nguyên Trường dịch, NXB Tri thức, năm 2014, tr12-21 và tr563-564
[3] Buổi lễ này không được ghi hình hay chụp ảnh, khi có dịp người viết sẽ kể lại chi tiết để có thể thấy rõ thêm những huyền thoại hay ẩn dụ đã biến người Nhật thành một dân tộc độc đáo.
[4] “Kẻ sĩ trước thời cuộc” cũng là tên một Tạp văn của nhà văn Hoàng Quốc Hải, NXB Phụ Nữ, năm 2014
[5] https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-tri-viet-nam/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tra-loi-bao-chi-nhat-3285612/: Lãnh đạo 2 nước Việt, Nhật trong các năm 2014—2015 đều đánh giá cao việc việc thiết lập quan hệ "Đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á" năm 2009 và nay nâng cấp thành quan hệ "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á" năm 2014; quan hệ hợp tác giữa hai nước đã/đang phát triển nhanh chóng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
[6] Ở Nhật Bản, “Tam kiệt Duy Tân” là những người đóng vai trò quan trọng trong cuộc Minh Trị Duy Tân , đó là ba chí sĩ gồm: Ōkubo Toshimichi, Saigō Takamori và Kido Takayoshi.
[7] https://japan.kantei.go.jp/97_abe/statement/201504/uscongress: "Toward an Alliance of Hope" - Address to a Joint Meeting of the U.S. Congress by Prime Minister Shinzo Abe, Wednesday, April 29, 2015
[8] https://cjs.inas.gov.vn/index.php?newsid=570: Sức mạnh tinh thần của người Nhật Bản: Qua trường hợp đối phó với thảm hoạ 11-3-2011
[9] Thanh Đạm: NGUYỄN TRƯỜNG TỘ, NXB Nghệ An, năm 1991, tr.103-107