Trong khi thị trường bất động sản tăng trưởng chậm đầu năm, không ít nhà đầu tư nước ngoài vẫn đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội cho các thương vụ M&A giá hời.
Năm 2019, nhiều nhà đầu tư quốc tế có tên tuổi đã đến Việt Nam với chiến lược tiếp tục tìm mua dự án bất động sản hoặc hợp tác với các doanh nghiệp có uy tín trong nước cùng phát triển. Ngay trong giai đoạn dịch Covid-19, hoạt động M&A vẫn được tiến hành.
M&A bất động sản được chú ý ngay trong dịch
Theo lãnh đạo một đơn vị chuyên tư vấn chuyển nhượng các dự án bất động sản, khi thị trường bước vào giai đoạn khủng hoảng do dịch bệnh lại là lúc hoạt động M&A diễn ra khá sôi động. Hiện có nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng như các quỹ đầu tư đang tìm kiếm bất động sản văn phòng, khách sạn vừa và nhỏ, resort, nhà phố... với tổng giá trị đầu tư khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng.
Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, thị trường vốn trong thời gian gần đây ghi nhận ngày càng nhiều các giao dịch mua bán cổ phần từ 49-76%, không giới hạn việc cần phải mua toàn bộ dự án.
|
Vinhomes bán 80% giai đoạn 2 của dự án tại quận 9 cho 2 đối tác đến từ Nhật Bản. Ảnh: Quỳnh Danh.
|
Thị trường ghi nhận nhiều chủ đầu tư đã chào bán các khách sạn tại Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang... do gặp khó về tài chính trước tác động của dịch.
Ông Raymond Clement, Giám đốc điều hành Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cũng cho biết, dưới tác động của dịch Covid-19, các thương vụ M&A bất động sản nghỉ dưỡng được thúc đẩy nhanh hơn khi đàm phán để đưa ra mức giá phù hợp dễ dàng hơn trước.
Theo bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn tại Việt Nam của JLL, phần lớn thương vụ M&A thành công trong đầu năm nay đến từ những nhà đầu tư đã rất am hiểu biến động rủi ro và nhu cầu của thị trường, có nhu cầu tìm kiếm hiệu suất đầu tư tốt hoặc mong muốn mở rộng danh mục đầu tư trong khu vực.
Chuyên gia của JLL cũng nhận định nhóm đầu tư mới vào thị trường sẽ có một chiến lược khá bảo thủ, mặc dù sở hữu nguồn vốn mạnh.
"Với tâm lý 'tiền mặt là vua' hay 'làm khi lành để dành khi mưa' trong bối cảnh kinh tế bất ổn, các nhà đầu tư thường ưu tiên giữ nguồn vốn và chỉ tập trung vào các thị trường họ đã am hiểu", bà Vân Khanh nói.
Lựa chọn ưa thích của nhà đầu tư mới
Năm 2019 được đánh giá là một năm thành công của thị trường với dòng FDI đổ vào bất động sản đạt khoảng 3,31 tỷ USD, chủ yếu thông qua hình thức M&A. Hàng hoạt thương vụ M&A lớn, tiêu biểu như SK Group đầu tư 1 tỷ USD mua cổ phiếu Vingroup hay Công ty Bất động sản Sơn Kim huy động 121 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư ACA Investments, EXS Capital và Credit Suisse AG.
Tại một thị trường còn nhiều tiềm năng như Việt Nam, với các nhà đầu tư không rành về thủ tục pháp lý, kinh doanh bất động sản tại đây thì hình thức M&A là con đường ngắn nhất để có thể tham gia vào thị trường.
|
Nhiều doanh nghiệp đang bắt tay với các chủ đầu tư nước ngoài. Ảnh: Quỳnh Danh.
|
Trao đổi với Zing, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận đầu tư Savills Việt Nam, cho biết có 3 lý do quan trọng dẫn đến các thương vụ bắt tay giữa chủ đầu tư ngoại và các chủ đầu tư trong nước, bao gồm yếu tố tài chính, năng lực phát triển và sự uy tín về thương hiệu.
"Nhiều dự án của Nam Long gần đây kết hợp với đối tác Nhật Bản có tỷ lệ bán khá tích cực do chủ đầu tư ngoại đem thương hiệu và kinh nghiệm vào thị trường, làm tăng mức độ chuyên nghiệp và tin cậy của sản phẩm. Những thương hiệu ngoại lớn ở Việt Nam như Keppel Land, CapitaLand mặc dù hợp tác với các chủ đầu tư Việt Nam trong nhiều dự án nhưng vẫn buộc phải đảm bảo những tiêu chuẩn về xây dựng của Singapore", ông dẫn chứng.
Vị chuyên gia cho rằng khi kinh nghiệm và năng lực tài chính không bằng chủ đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư trong nước tỏ ra có lợi thế hơn trong việc tìm kiếm quỹ đất. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định ở một thị trường mới nổi như Việt Nam, hoạt động M&A trong bất động sản vẫn còn nhiều thách thức.
"Để thúc đẩy hoạt động M&A diễn ra mạnh mẽ hơn, Nhà nước cần phải cải thiện mức độ minh bạch cũng như quá trình phê duyệt pháp lý, nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài", bà Vân Khanh nói.
Theo Zing