Hồng Phúc
“Sự bình thường” của tỷ giá được đánh đổi bằng sức ép lên lãi suất tiền đồng. Ảnh: Tuệ Dianh
(TBKTSG) - “Lãi suất tiền đồng chắc chắn sẽ tăng nữa, dù vài tháng qua đã tăng rồi”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nói. “Sự bình thường” của tỷ giá được đánh đổi bằng sức ép lên lãi suất tiền đồng.
Tuần cuối cùng của năm 2015, lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá luôn căng thẳng. Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục xoay quanh mức 5%/năm với kỳ hạn qua đêm đến một tuần, lãi suất các kỳ hạn dài hơn trên thị trường này đều cao hơn 5%/năm và được giới ngân hàng dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao trong vài tuần tới.
Mức trần của tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ đang là 22.547 đồng. Tỷ giá bán ra trên thị trường tự do có những ngày lên tới 22.800 đồng. Tỷ giá mua vào - bán ra tại các ngân hàng thương mại không còn chênh lệch và đều được niêm yết ở mức giá trần. Các yếu tố cộng hưởng khác như đồng đô la Mỹ mạnh lên trên thị trường thế giới, nhu cầu ngoại tệ cao vào thời điểm cuối năm, diễn biến yếu đi nhanh chóng của đồng nhân dân tệ (Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam) ngày càng gia tăng áp lực lên chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trao đổi với chúng tôi, các ngân hàng cho rằng ngoài yếu tố kìm giữ tỷ giá, còn ba nguyên nhân gây áp lực lớn lên lãi suất tiền đồng.
Thứ nhất, đó là tín dụng tăng cao tại các ngân hàng thương mại. Ở đây cần lưu ý là lạm phát và cung tiền năm nay không cao. Tổng cục Thống kê công bố năm 2015 CPI chỉ tăng 0,6% so với ngoái. Số liệu từ NHNN cho thấy tổng phương tiện thanh toán đến ngày 21-12-2015 tăng 13,55% so với cuối năm trước, thấp hơn con số mục tiêu hồi đầu năm 2015 của NHNN là 16-18%. Một yếu tố khác là huy động vốn vẫn tăng. Đến ngày 21-12-2015, huy động vốn tăng 13,59% so với cuối năm trước. Các yếu tố trên đã giúp lãi suất tiền đồng năm nay chưa bật quá cao nhưng điều này tạo ra sự hồi hộp cho năm tới.
NHNN, trong cuộc họp tổng kết cuối tuần rồi, cho biết tín dụng tính cả năm tăng khoảng 18%. Nhưng lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho rằng tín dụng thật sự đã tăng trên 20%. Thời gian qua, hàng chục ngân hàng đã bị NHNN nhắc nhở, cảnh cáo và có thể bị phạt vì đã bơm tín dụng ra cao hơn so với mức được cơ quan này cấp hồi giữa năm. Đó là lý do hai tháng cuối năm nay tín dụng gần như không tăng trong khi các năm trước tín dụng luôn tăng mạnh nhất ở giai đoạn nước rút cuối cùng của năm. Thông tin trong giới ngân hàng cho biết có ngân hàng gốc quốc doanh lớn trên thị trường đã tăng tín dụng tới 25%. “Đây là yếu tố ngầm tác động mạnh vào lãi suất tiền đồng vì các ngân hàng đều dự đoán với chỉ tiêu tăng GDP trên 6% trong năm 2016, sẽ cần một lượng lớn tín dụng”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại bình luận.
Các ngân hàng cho rằng ngoài yếu tố kìm giữ tỷ giá, còn ba nguyên nhân gây áp lực lớn lên lãi suất tiền đồng là tăng trưởng tín dụng, lạm phát tiềm tàng và việc thực thi các tiêu chuẩn cao của Ủy ban An toàn vốn Basel 2. |
Yếu tố thứ hai gây áp lực lên lãi suất tiền đồng là từ năm 2016, theo lộ trình tiệm cận với các tiêu chuẩn của Ủy ban An toàn vốn Basel 2, các ngân hàng thương mại sẽ phải đáp ứng các chỉ số an toàn về vốn và thanh khoản ở mức cao hơn. Ví dụ, trước huy động 10 đồng được cho vay 9 đồng nay chỉ được cho vay 7-8 đồng. Cơ quan quản lý hơn một lần tuyên bố sẽ theo dõi và giám sát chặt chẽ việc này nên các ngân hàng cho biết họ đã chuẩn bị tinh thần để làm ăn trong một môi trường mà các quy định thắt chặt hơn. Các ngân hàng sẽ cần huy động lượng vốn vào nhiều hơn, gây sức ép tăng lãi suất gián tiếp.
Yếu tố khác có thể tác động lên lãi suất năm tới là lạm phát tiềm tàng.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại phân tích: “Thời gian qua Việt Nam tạm yên tâm với lạm phát vì giá các mặt hàng cơ bản giảm xuống đáy, nhưng xăng dầu, lương thực là các mặt hàng thiết yếu, ai cũng phải dùng, thậm chí những nước ép nó xuống thấp nhất là những quốc gia có nhu cầu với mặt hàng đó cao nhất. Cái gì bị nén thì cũng sẽ có lúc bật lên như lò xo, đến ngày xấu trời nào đó giá các mặt hàng này sẽ bật trở lại, tạo khả năng gia tăng đột biến giá hàng hóa và ép ngược lên lạm phát, tỷ giá. Thế giới nói chung và Việt Nam chắc chắn phải đối đầu với cơn lạm phát mới mà chúng tôi dự báo sớm muộn gì nó cũng sẽ bung trở lại, nhiều ý kiến cho rằng vào năm tới”.
Một vị khác cùng quan điểm. Theo ông này, các ngân hàng khi xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm 2016 đều tính đến yếu tố lạm phát chực chờ này và coi nó như một yếu tố tiềm ẩn khiến khả năng lãi suất bị đẩy lên. “Chúng tôi mới họp bàn với nhau và thống nhất trong ngân hàng rằng lãi suất huy động tiền đồng sang đầu năm 2016 sẽ phải tăng ít nhất một điểm phần trăm, điều này khó mà bàn cãi”, ông tiết lộ.
Nhìn về năm 2016, trong một số thông điệp không chính thức, NHNN cho rằng nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ tương đương năm nay, tức 16-18% và chưa đưa ra cam kết về tỷ giá và lãi suất. Song, theo một số ngân hàng, nếu tỷ giá 2016 tăng quá 3% và lạm phát tăng quá 5% thì thị trường sẽ khó yên ổn.
Vậy thì câu chuyện tiếp theo đây sẽ ra sao? Lãi suất huy động (và cho vay) tiền đồng khó mà giảm, thậm chí khó duy trì ở mức hiện nay. Điều đó cũng có nghĩa người dân và doanh nghiệp vẫn chưa thấy một cơ hội tiếp cận vốn với giá rẻ hơn và vì thế, việc hoạch định chiến lược kinh doanh năm tới của các doanh nghiệp phải trên một nền tảng vốn mới, đắt hơn. Liệu họ có đáng phải chịu cái giá này?
Khó khăn đó đến từ đâu? Vẫn là từ những vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết. Nên nhớ chính sách tiền tệ chỉ có tác động trong ngắn hạn, chính sách tài khóa mới tác động lâu dài giúp thay đổi cục diện nền kinh tế. Chính sách tài khóa là một bài toán khác, tùy thuộc vào quyết tâm giải đến đâu. Còn trước mắt, “chính sách tiền tệ với các biện pháp hành chính cứng nhắc như hiện nay tất yếu phải trả giá, đắt hay rẻ, theo từng giai đoạn là khác nhau”, một lãnh đạo ngân hàng bình luận.
Vị này thừa nhận chỉ có một yếu tố có thể kéo đầu ra của lãi suất năm 2016 xuống là cạnh tranh đầu ra giữa các ngân hàng thương mại phải tốt hơn.