TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 3
  • Hôm nay: 861
  • Tháng: 8700
  • Tổng truy cập: 5153964
Chi tiết bài viết

NHỮNG THÀNH PHỐ VÔ HÌNH TRÊN MỌI TẤM BẢN ĐỒ LIÊN XÔ

Dưới thời Liên Xô, khoảng hơn 100 thành phố bí mật ra đời và tồn tại suốt nhiều thập niên, nhưng lại không xuất hiện trên bất cứ tấm bản đồ nào được lưu hành trên thế giới.

Khái niệm "thành phố khép kín" bắt đầu xuất hiện ở Liên Xô từ những năm 1940. Đây có thể là nơi đặt các căn cứ quân sự, nhà máy vũ khí và các cơ sở nghiên cứu bí mật. Chúng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những ngành công nghiệp nguyên tử, luyện kim, hóa chất và quân sự của Liên Xô.

Việc định vị những thành phố này không hề dễ dàng bởi chúng không xuất hiện trên bất cứ bản đồ thông thường nào suốt thời gian dài. Thông tin về "thành phố khép kín" được giữ kín cho đến tận khi Liên Xô tan rã.

Những thành phố này đều có cả "điểm cộng" và "điểm trừ. Về cơ bản, chúng có đặc điểm chung là tọa lạc ở các khu vực xa xôi hẻo lánh, không có đường đi chính thức dẫn đến đó, khiến chúng trở thành nơi gần như "nội bất xuất, ngoại bất nhập", khép kín với thế giới bên ngoài. Công dân Nga muốn ra vào phải có giấy phép đặc biệt của giới chức trách.

Trong một số trường hợp, người sống ở các thành phố này được phép ra vào, nhưng họ phải giữ bí mật về cuộc sống bên trong thành phố giống những điệp viên KGB. Họ không được phép tiết lộ địa chỉ nơi sinh sống với họ hàng, không được kể về những điều xảy ra bên trong thành phố.

Đổi lại, người dân ở các thành phố khép kín, kể cả quân nhân, nhân viên doanh nghiệp quốc phòng hay công dân thông thường, được hưởng chế độ phúc lợi đặc biệt, ví dụ như thu nhập cao hơn, dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục tốt hơn. Ngoài ra, do việc ra vào thành phố bị hạn chế nên tỷ lệ tội phạm cũng thấp hơn.

Sau khi Liên Xô tan rã, các thành phố này không còn bí mật, nhưng cũng không phải mở cửa hoàn toàn. Một số thành phố vẫn duy trì những quy định an ninh, bảo mật nghiêm ngặt, việc ra vào thành phố phải được sự cho phép của giới chức trách.

Hiện nay, Nga vẫn còn khoảng 40 thành phố khép kín với khoảng 1,5 triệu người đang sinh sống, tuy không còn bí mật trên bản đồ nhưng vẫn giữ những quy định nghiêm ngặt về việc ra vào.

THÀNH PHỐ NORILSK

Những thành phố vô hình trên mọi tấm bản đồ Liên Xô - 1

Norilsk có khí hậu vô cùng khắc nghiệt và môi trường ô nhiễm (Ảnh: Sputnik).

Nằm phía trên Vòng Bắc Cực, phía Đông sông Yenisei và phía Nam bán đảo Taymyr, Norilsk là một trong những thành phố của Liên Xô không có tên trong mọi tấm bản đồ được lưu hành trên thế giới. Trong suốt nhiều thập niên, công chúng không biết đến sự tồn tại của thành phố Norilsk.

Norilsk được thành lập vào những năm 1920, khi chính phủ Liên Xô quyết định khai phá và tận dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú trong khu vực.

Khi đi vào hoạt động, Norilsk trở thành trung tâm khai thác công nghiệp luyện kim và về sau là trung tâm của hệ thống trại cải tạo lao động dưới thời Liên Xô. Norilsk là thành phố tách rời với phần còn lại của Nga.

Dân số Norilsk khoảng 170.000 người và họ gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Những người sống ở Norilsk thường coi thành phố của họ là "hòn đảo" và phần còn lại của Nga là "đất liền".

Đến tận năm 2017, người dân thành phố mới có quyền truy cập internet. Vào mùa hè, nhiệt độ trung bình ở đây khoảng 9 độ C. Trong những ngày lạnh nhất, nhiệt độ có thể xuống dưới âm 70 độ C. Số ngày giá rét ở đây kéo dài tới 280 ngày mỗi năm, trong đó hơn 130 ngày có bão tuyết.

Trong suốt các tháng mùa đông, mặt trời thậm chí không xuất hiện, khiến Norilsk chìm trong bóng tối.

Ngoài khí hậu khắc nghiệt, Norilsk cũng là nơi ô nhiễm nặng do hoạt động chính của thành phố là khai thác quặng, luyện kim. Tuổi thọ trung bình của người Norilsk vì thế thấp hơn rất nhiều so với bình thường, chỉ 59 tuổi so với 69 tuổi của toàn nước Nga.

Điều kiện sống ở Norilsk tuy vô cùng khắc nghiệt, nhưng nhiều người vẫn lựa chọn sống ở đây bởi được đảm bảo việc làm và thu nhập cao hơn mức trung bình. Theo đó, mỗi công nhân ở Norilsk có thể kiếm được hơn 1400 USD/tháng, cao hơn 350 USD so với mức trung bình ở Nga.

Do nằm ở gần Bắc Cực nên việc di chuyển bằng đường bộ tới thành phố Norilsk gần như không thể. Chỉ có một tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa duy nhất ra biển và cảng Dudinka.

Cách tốt nhất để tới Norilsk là đi bằng máy bay và tàu thủy. Tuy nhiên, những phương thức di chuyển này không phải lúc nào cũng thuận lợi do tình trạng đóng băng trong suốt 9 tháng mùa đông.

Ngày nay, du khách vẫn không thể đến thăm Norilsk một cách tự do trừ khi xin được giấy phép đặc biệt từ chính phủ Nga. Chính điều này khiến thành phố Norilsk trở thành một trong những địa điểm bí ẩn nhất thế giới.

THÀNH PHỐ OZERSK 

Những thành phố vô hình trên mọi tấm bản đồ Liên Xô - 2

Ozersk từng bị gọi là Thành phố chết (Ảnh: DIG).

Sau Thế chiến II, Mỹ và Liên Xô chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân. Do vậy, năm 1947, Liên Xô đã quyết định xây dựng Ozersk thành một thành phố bí mật, nơi họ có thể sản xuất nguyên tố phóng xạ plutonium để phát triển vũ khí hạt nhân ở giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh. Thời điểm đó, nơi này còn được gọi là "Thành phố 40" hay Thành phố chết và là nơi quả bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô ra đời.

Ozersk được cho là từng xảy ra sự cố hạt nhân vào năm 1957, thậm chí tồi tệ hơn thảm kịch Chernobyl ở Ukraine. Bề ngoài, Ozersk trông giống bất cứ thành phố hiện đại nào của châu Âu với những quảng trường lớn, công viên cây xanh và kiến trúc độc đáo.

Hàng nghìn người đã được đưa đến đây, bao gồm các nhà khoa học và kỹ thuật viên làm việc tại nhà máy hạt nhân Mayak. Họ được trả công nhiều hơn bất kì người Nga nào vào thời điểm đó, được cung cấp nhà ở, đảm bảo an ninh. Đổi lại, họ phải từ bỏ sự tự do và sự kết nối với thế giới bên ngoài khi đến Thành phố 40.

Trong suốt nhiều thập niên, thành phố Ozersk không có tên trên bất cứ tấm bản đồ nào được lưu hành rộng rãi. Thậm chí, những người sống và làm việc tại Ozersk phải giữ bí mật tuyệt đối về Ozersk.

Danh tính người dân nơi đây cũng bị xóa khỏi các cuộc điều tra dân số. Từ năm 1947 đến 1954, toàn bộ cư dân Ozersk bị cấm rời khỏi thành phố hạt nhân hay tiếp xúc với bất cứ ai bên ngoài, kể cả người thân trong gia đình hay bạn bè. Từ năm 1954 cho đến nay, lệnh cấm tuy không còn nhưng việc ra vào thành phố vẫn luôn được kiểm soát chặt chẽ.

Ngày nay, có khoảng hơn 90.000 vẫn sinh sống ở Ozersk, tách biệt với thế giới bên ngoài. Họ được phép rời khỏi thành phố nếu có giấy phép ra vào thường xuyên hoặc có quyền lựa chọn rời khỏi thành phố vĩnh viễn nếu muốn.

ZARECHNY

Những thành phố vô hình trên mọi tấm bản đồ Liên Xô - 3

Ngày nay, Zarechny vẫn còn nhiều nơi bị hạn chế ra vào (Ảnh: Guardian).

Thành phố Zarechny ở vùng Sverdlovsk, cách thủ đô Moscow khoảng 660 km từng có tên gọi là Penza-19. Dưới thời Liên Xô, nơi đây có nhà máy chế tạo một số bộ phận vũ khí hạt nhân. Sự tồn tại của thành phố Zarechny được giữ bí mật nghiêm ngặt. Giới chức Liên Xô thiết lập nhiều biện pháp an ninh nhằm tránh rò rỉ thông tin ra bên ngoài.

Zarechny có biệt danh là "hộp bưu điện", xuất phát từ việc thư gửi đến cho người dân thành phố sẽ được gửi đến các hộp bưu điện đặc biệt ở các thị trấn lân cận thay vì trực tiếp như các địa điểm khác. Dù có quyền lựa chọn ra vào thành phố, người dân Zarechny vẫn sống sau các hàng rào thép gai và người ngoài chỉ được phép vào đây khi có thư mời từ các cư dân Zarechny.

Tuy nhiên, sống tại một thành phố khép kín như Zarechny có khá nhiều lợi ích như các chương trình phúc lợi xã hội, y tế, an ninh được đảm bảo.

Hoạt động ở Zarechny gần như xoay quanh nhà máy chế tạo vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Zarechny cũng phát triển một số ngành như điện tử, phần mềm.

Ksenia Yurkova, một nhiếp ảnh gia người Nga từng có dịp vào thành phố để chụp ảnh tư liệu, cho biết: "Cuộc sống ở Zarechny không thể so sánh với ở một thành phố lớn... Đa số người dân ở đây làm việc tại nhà máy. Cả vùng có một nền kinh tế và hệ thống thị trường riêng biệt, rất khác với những thành phố lân cận".

"Mọi thứ ở đây đều rất rẻ, thu nhập bình quân của người dân cũng thấp. Do vậy, người dân khó có thể trang trải chi tiêu nếu sống ở nơi nào khác. Một số người dân vẫn chờ cơ hội rời khỏi thành phố, tìm kiếm việc làm cho thu nhập cao hơn ở nơi khác", Yurkova nói.

Ngày nay dù đã mở cửa, nhưng Zarechny vẫn còn những khu vực cấm vào, đáng chú ý nhất là Rosatom, một tập đoàn quốc doanh chuyên sản xuất các bộ phận vũ khí hạt nhân.

ARZAMAS-16

Những thành phố vô hình trên mọi tấm bản đồ Liên Xô - 4

Tuy không còn bí mật về vị trí, nhưng việc ra vào thành phố Arzamas-16 (nay là Sarov) vẫn được kiểm soát nghiêm ngặt (Ảnh: Soviet Postcard)

Năm 1946, theo chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, tại một thị trấn nằm cách thủ đô Moscow khoảng 450km về phía Tây Nam, Viện Nghiên cứu khoa học và thí nghiệm vật lý chính thức thành lập Trung tâm hạt nhân, gọi đơn giản là KB-11.

KB-11 bắt đầu đi vào quá trình nghiên cứu và thiết kế từ năm 1947. Quy mô thị trấn bí mật được giới hạn trong khu vực hình lục giác có diện tích khoảng 232km². Trong năm 1947, mọi dấu vết liên quan đến khu vực này bị xóa khỏi tất cả các bản đồ chính thức và tài liệu thống kê của Liên Xô. Quá trình cô lập khu vực hoàn tất vào năm 1948.

KB-11 hoàn thành việc phát triển và thử nghiệm thành công quả bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô vào tháng 8/1949, phát triển và thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch vào năm 1953.

Thành phố quy tụ rất nhiều nhà khoa học xuất sắc, các nhà thiết kế, kỹ sư, kỹ thuật viên và nhà quản lý được đào tạo từ các trường đại học danh tiếng và từng trải Chiến tranh Vệ quốc.

Do tầm quan trọng của mình, thị trấn KB-11 được nâng cấp lên thành phố với tên gọi Arzamas-16. Thực tế, Arzamas-16 nằm cách Arzamas, thành phố lớn nhất trong khu vực, khoảng 75km. Liên Xô thường đặt tên các khu vực bí mật giống tên thành phố lân cận để đánh lạc hướng. Qua một số lần đổi tên, tên gọi Arzamas-16 chính thức được giới lãnh đạo cấp cao Liên Xô chấp thuận.

Thành phố khép kín có 2 cơ sở hạt nhân, một viện thiết kế lắp ráp và tháo gỡ đầu đạn hạt nhân. Quân đội hình thành một vòng cung bảo vệ với chu vi 40km từ bên ngoài thành phố và được giám sát rất chặt chẽ. Trong thời gian Chiến tranh Lạnh, vòng ngoài được bảo vệ bởi một trung đoàn tên lửa phòng không và các đơn vị khác. 

Một số khu vực bên trong bị hạn chế ra vào, đặc biệt, khu vực chứa vật liệu hạt nhân được bao bọc bởi nhiều bức tường và hai lớp hàng rào thép gai, hệ thống cảm biến được lắp dày đặc. Thành phố cũng có một sân bay nhỏ nhưng đường băng lại rộng khác thường.

Theo trang mạng quân sự Military Today, những năm 1990, Arzamas-16 có dân số khoảng 83.000 người, trong đó khoảng 20.000 người làm việc tại các cơ sở nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân. Khoảng 10.000 người làm việc tại các nhà máy sản xuất linh kiện, lắp ráp đầu đạn hạt nhân.

Người dân ở đây không được phép rời khỏi thành phố, kể cả trong những kỳ nghỉ. Nơi duy nhất họ được đến trong các kỳ nghỉ là Arzamas hoặc một thành phố khác nhưng các chuyến "xuất ngoại" này đều được đặt dưới sự giám sát của cơ quan mật vụ Liên Xô.

Mãi đến những năm đầu thập niên 80, hạn chế này mới được dỡ bỏ. Cư dân đặc biệt Arzamas-16 khi ấy có thể đi đến thành phố chính Arzamas hay các thành phố lớn khác, nhưng phải đi thành nhóm trên một chiếc xe buýt đặc biệt.

Ngược lại, Arzamas-16 bị coi là "vùng cấm" đối với người nước ngoài. Những người bên ngoài muốn vào thăm thân nhân ở Arzamas-16 phải trải qua quy trình thẩm định và cấp phép đặc biệt. Những người mới đến luôn phải chấp hành các quy định nghiêm ngặt: ký cam kết không được tiết lộ về địa điểm, trang thiết bị nghiên cứu, sản xuất trong thành phố. 

Trong những năm Chiến tranh Lạnh, Arzamas-16 luôn được cung cấp đầy đủ mọi nhu yếu phẩm và hàng tiêu dùng với giá đặc biệt, dù ở những khu vực khác có thể khan hiếm.
Mặc dù Arzamas-16 tồn tại và vận hành suốt hàng chục năm, nhưng tình báo phương Tây vẫn không hề hay biết. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Arzamas-16 mới xuất hiện trên các bản đồ chính thức từ năm 1994 và được đổi tên thành thành phố Sarov vào năm 1995.

Hiện tại đây vẫn là một trong những nơi nghiên cứu vũ khí hạt nhân của Nga, nhưng với quy mô nhỏ hơn nhiều so với thời Liên Xô. Nó vẫn được coi là một trong những trung tâm quan trọng nhất của Nga trong các lĩnh vực từ vũ khí hạt nhân, vũ khí công nghệ cao đến công nghệ thông tin. 

Tuy không còn bí mật về vị trí, nhưng việc ra vào thành phố vẫn được kiểm soát nghiêm ngặt.

Minh Phương - Theo Guardian, RBTH, Kz09, Military Today

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness