TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Những tranh luận về lạm phát

Lạm phát có lẽ sẽ là từ khóa được quan tâm nhất và tập trung chú ý theo dõi nhiều nhất trong năm 2022 này. Với mức độ tác động lên nhiều biến số kinh tế vĩ mô khác, trong khi chính chỉ số này hiện cũng đang chịu nhiều áp lực và ảnh hưởng từ các yếu tố khác, dự báo về lạm phát trong thời gian tới đang gây nhiều tranh cãi, ngay cả giữa các chuyên gia kinh tế và giới phân tích.

Lo ngại và lạc quan

Trong báo cáo về kinh tế Việt Nam được công bố mới đây, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam đạt 6,7% và nâng dự báo cho năm 2023 lên 7%. Đi cùng với tăng trưởng phục hồi, tổ chức này cũng cho rằng lạm phát có thể sẽ trở thành một mối quan ngại đối với Việt Nam trong năm 2022, với lạm phát dự báo năm 2022 và năm 2023 lần lượt ở mức 4,2% và 5,5%.

Tin tưởng vào triển vọng kinh tế phục hồi vững vàng từ năm 2022 cũng là quan điểm trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC, khi tổ chức này dự báo GDP năm 2022 của Việt Nam sẽ tăng lên mức 6,5% cùng với các điều kiện cơ bản cải thiện. Tuy nhiên, không như Standard Charterd, HSBC lại kỳ vọng áp lực về giá dù sẽ bắt đầu có tác động khi các hoạt động kinh tế trở lại bình thường, nhưng mức độ vẫn trong tầm kiểm soát. Theo đó, HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng 2,7% vào năm 2022, thấp hơn mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nếu đọc qua các báo cáo đánh giá và dự báo tình hình kinh tế Việt Nam năm 2022, có thể thấy trong khi hầu hết các tổ chức khá đồng thuận về xu hướng tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, thì ngược lại có khá nhiều quan điểm trái chiều về xu hướng lạm phát, mà sự khác biệt giữa HSBC và Standard Chartered là hai đại diện tiêu biểu nhất.

Đối với các tổ chức trong nước, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra hai kịch bản lạm phát tương ứng ở 4,5% và 3% dựa trên các điều kiện về giá dầu, thực phẩm như thịt heo và giá các dịch vụ công như điện và y tế. Còn Công ty Chứng khoán Vietcombank dự báo lạm phát có thể tăng 4-4,5% trong năm 2022, nhưng vẫn tin rằng sẽ nằm trong khả năng kiểm soát khi nhà điều hành vẫn có trong tay các công cụ và thể hiện quyết tâm ổn định mặt bằng giá.

Ngược lại, Công ty Chứng khoán VNDirect dù nhận thấy áp lực lạm phát sẽ tăng lên vào năm 2022 nhưng cho rằng không cần quá lo lắng về rủi ro này, với dự báo CPI bình quân là 3,45%, thấp hơn mục tiêu 4% của Chính phủ. Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo lạm phát trung bình của Việt Nam năm 2022 chỉ ở mức 3,8%, chủ yếu do tác động tăng giá của nhóm thực phẩm và xây dựng/nhà ở. Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng kỳ vọng lạm phát vẫn được kiểm soát ổn định dưới mức 4%.

Cầu kéo và chi phí đẩy

Về cơ bản, kinh tế học Keynes chia lạm phát ra làm ba loại, gồm (i) lạm phát cầu kéo do nhu cầu vượt mức cung mà các doanh nghiệp có thể đáp ứng; (ii) lạm phát chi phí đẩy, còn gọi là lạm phát sốc cung, do giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng vọt, doanh nghiệp phá sản nhiều làm tổng cung sụt giảm; (iii) lạm phát vốn có khi người lao động cố gắng giữ tiền lương theo kịp mức lạm phát và doanh nghiệp chuyển chi phí lao động tăng thêm này vào giá sản phẩm dẫn đến hiệu ứng “vòng xoáy giá/lương”.

Trong khi hầu hết các tổ chức khá đồng thuận về xu hướng tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, thì ngược lại có khá nhiều quan điểm trái chiều về xu hướng lạm phát.

Trong khi đó, từ quan điểm của chủ nghĩa tiền tệ, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến lạm phát hay giảm phát là tốc độ cung tiền tăng lên hoặc co lại, cũng như tác động bởi vòng quay của tiền. Những người theo chủ nghĩa tiền tệ cũng tin rằng chính sách tài khóa, hoặc chi tiêu chính phủ và thuế, là không hiệu quả trong việc kiểm soát lạm phát.

Quay lại với các dự báo lạm phát năm 2022, phần lớn các quan điểm đưa ra góc nhìn tiêu cực đều cho rằng lạm phát có thể chịu ảnh hưởng từ cả phía cung lẫn phía cầu, tức kết hợp giữa cầu kéo và chi phí đẩy, nhất là khi so sánh với mức nền thấp của năm 2021 vừa qua.

Cụ thể, nếu nguy cơ dịch bệnh kéo dài sẽ khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn trì trệ và chưa thể phục hồi về mức tiềm năng, cộng thêm tình trạng chuỗi cung ứng đứt gãy, giá vận tải leo thang cùng với giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục ở mức cao càng đẩy chi phí đầu vào sản xuất tăng lên, buộc doanh nghiệp phải chuyển chi phí này sang cho người tiêu dùng hoặc đứng trước nguy cơ phá sản.

Nhìn vào số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh có thời hạn trong hai năm vừa qua lên đến 101.552 doanh nghiệp (số liệu từ Tổng cục Thống kê), trong đó riêng năm 2020 là 46.592, gấp 1,6 lần so với năm 2019, còn năm 2021 là 54.960, tiếp tục tăng 18% so với năm 2020, có thể thấy đại dịch Covid-19 đã tàn phá hoạt động của các doanh nghiệp đến mức nào. Bên cạnh đó, đã có 34.205 doanh nghiệp hoàn tất giải thể trong hai năm qua, cho thấy nếu cộng đồng doanh nghiệp còn lại không được hỗ trợ sớm để phục hồi, hoặc nền kinh tế không quay lại đà tăng trưởng ổn định trở lại để thu hút lượng doanh nghiệp đăng ký mới thay thế, rủi ro thiếu hụt nguồn cung trong tương lai không phải là thiếu cơ sở.

Ở phía cầu, với triển vọng kinh tế hồi phục và tăng trưởng trở lại, với chính sách tiền tệ của Việt Nam được kỳ vọng duy trì nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế, thông qua giữ lãi suất ở mức thấp và tăng trưởng tín dụng cao, cộng thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, cầu tiêu dùng từ khu vực tư nhân được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trở lại từ năm 2022.

Quan điểm trái chiều

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, giới phân tích cũng có cơ sở để tin rằng lạm phát dù chịu áp lực nhưng sẽ không phải là rủi ro quá lớn trong năm nay. Đầu tiên là giá hàng hóa có thể hạ nhiệt trở lại khi sự đứt gãy chuỗi cung ứng được khắc phục, khi dịch bệnh không còn là mối nguy lớn và vaccine được phủ rộng tại nhiều quốc gia. Thực tế cho thấy nhiều ý kiến gần đây cho rằng biến chủng Omicron với độc lực thấp hơn sẽ giúp đạt miễn dịch cộng đồng và biến Covid-19 thành bệnh thông thường.

Ngoài ra, với việc các ngân hàng trung ương toàn cầu đang dần thắt chặt chính sách trở lại, đại diện là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất ít nhất ba lần trong năm 2022, thì có thể thúc đẩy đô la Mỹ đi lên mạnh mẽ và đẩy giá nhiều loại hàng hóa niêm yết theo đô la Mỹ chịu áp lực đi xuống. Số liệu công bố mới đây cho thấy lạm phát giá tiêu dùng ở Mỹ tháng 12 tăng 7%, mức cao nhất kể từ tháng 6-1982, khiến thị trường đang đặt cược tới 85% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất ngay từ tháng 3 tới.

Trong khi đó, tiền đồng trong năm nay được kỳ vọng sẽ vẫn giữ giá trị ổn định so với đô la Mỹ, cũng sẽ giúp giảm áp lực nhập khẩu lạm phát và hạn chế tác động từ giá cả hàng hóa thế giới leo thang. Trước xu hướng thắt chặt chính sách trên toàn cầu, Việt Nam cũng có thể chịu ảnh hưởng và do đó sẽ hạn chế nới lỏng thêm chính sách tiền tệ để tránh gây áp lực lên lạm phát, mà thay bằng chính sách tài khóa mở rộng.

Cuối cùng, với cuộc khủng hoảng lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thu nhập người lao động giảm sút, giới phân tích cũng cho rằng cầu tiêu dùng có thể vẫn ở mức thấp và chưa thể sớm phục hồi nhanh, khi người dân sẽ vẫn ưu tiên thắt chặt chi tiêu vì lo ngại những rủi ro tiềm ẩn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương năm 2021 là 6,6 triệu đồng, giảm 45.000 đồng so với năm 2020. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 203.700 người so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54 điểm phần trăm so với năm trước.

Thụy Lê - Theo TheSaigonTimes

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness