Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa gửi đến các quan chức nước này lời cảnh báo về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.
Trong lúc đưa ra chiến lược kinh tế mới cho Trung Quốc, ông Tập đã đưa ra lời cảnh báo về sức mạnh thực sự của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Theo ông, Trung Quốc vẫn đang đối mặt với tình trạng khó kiểm soát kinh tế, bị thổi phồng sức mạnh, và yếu đuối.
Ông Tập cũng chỉ ra “gót chân Achilles” của nền kinh tế Trung Quốc, mang danh là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhưng “chỉ lớn chứ không mạnh”, đó chính là khả năng đổi mới có giới hạn. Ông cho rằng việc cải cách cơ cấu nền kinh tế không phải chỉ xoay quanh cải cách thuế và thuế suất, mà phải bao gồm một loạt các cải cách khác để đem đến sự đổi mới, thịnh vượng và hạnh phúc.
Trong một bài phát biểu vào tháng 1.2016 trước các bộ trưởng và lãnh đạo các tỉnh, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh nền kinh tế Trung Quốc cần phải tiến hành những cải cách về cơ cấu theo hướng trọng cung, tuy nhiên chúng sẽ không giống như những biện pháp mà trường phái kinh tế trọng cung phương Tây đề cập.
Bài phát biểu này đã không được công bố rộng rãi, nhưng trước việc ngày càng có nhiều suy đoán sai lệch về việc cải cách kinh tế Trung Quốc, tờ Nhân dân Nhật báongày 10.5 đã phải đăng toàn văn để dẹp dư luận. Theo đánh giá của trangSouth China Morning Post, nội dung bài phát biểu dài gần 20.000 chữ chính là “bài tổng kết toàn diện nhất về suy nghĩ của ông Tập đối với quá khứ, hiện tại, tương lai của kinh tế Trung Quốc, cũng như vai trò của nó trong nền kinh tế toàn cầu kể từ khi ông trở thành lãnh đạo tối cao của nước này”.
Trong bài phát biểu, ông Tập đã khẳng định “phải ngăn chặn những người dùng cách diễn dịch của riêng họ nói về cải cách kinh tế nhằm mục đích thúc đẩy chủ nghĩa tân tự do”. Theo ông, những chính sách kinh tế của đất nước Đông Á này sẽ khác với những gì mà trường phái kinh tế trọng cung phương Tây, vốn được biết đến rộng rãi, đề cập.
Kinh tế học trọng cung (supply-side economics) là một học thuyết kinh tế vĩ mô được hình thành từ những năm 1970. Sau đó, học thuyết này đã được cựu Tổng thống Reagan và cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher áp dụng để phát triển đất nước trong những năm 1980. Trường phái này nhấn mạnh việc nâng cao năng suất lao động cũng như năng lực kinh tế nhằm nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng. Để thực hiện được việc này, chính phủ sẽ áp dụng các chính sách cơ bản như giảm thuế để kích thích đầu tư, tự do hóa kinh tế, cải cách các chương trình an sinh xã hội, giảm trợ cấp…
Chỉ rõ những vấn đề trong cơ cấu kinh tế
Để có thể thực hiện cải cách, ông Tập đã chỉ ra những vấn đề trong cơ cấu kinh tế Trung Quốc. Theo ông, nền kinh tế “không thể dựa vào việc kích thích nhu cầu trong nước để giải quyết các vấn đề như dư thừa hàng hóa”. Vấn đề của nước này không phải là phía cầu yếu, mà là phía cầu đã tăng nhưng phía cung không thay đổi tương ứng. Rất nhiều người Trung Quốc đã ra nước ngoài chỉ để mua những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như nồi cơm điện, bồn vệ sinh, sữa bột, thậm chí bình sữa trẻ em. Rõ ràng là nguồn cung trong nước không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Do đó, ông Tập kết luận vấn đề chính mà nền kinh tế Trung Quốc gặp phải chính là ở phía cung, và để giải quyết vấn đề này, ông yêu cầu phải “cắt giảm công suất, giảm hàng tồn kho, cắt giảm các đòn bẩy tài chính, giảm chi phí và cải thiện những mắt xích yếu”.
Ngoài ra, ông Tập đã cảnh báo các quan chức tránh lặp lại các sai lầm trong quản lý kinh tế. Theo ông, bất cứ sự lựa chọn thiếu thận trọng nào hay sự quản lý kinh tế lỏng lẻo sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng đến nỗi có thể đe dọa đến ổn định xã hội.
Ông Tập cũng lưu ý rằng trong những tháng gần đây có xuất hiện những vấn đề về an toàn sản xuất, thị trường chứng khoán và tài chính mạng. Đây là những vấn đề đáng báo động.
Cẩm Bình (theo IB Times/ Một thế giới)