TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Phóng viên từng đi 39 quốc gia nói về sự bất ổn trên vỉa hè TPHCM

Thái Lan có nhiều điểm tương đồng với TPHCM đặc biệt là đời sống vỉa hè. Quốc gia này đã thực hiện tính phí sử dụng vỉa hè từ gần 20 năm trước.

Trong chuyến đi công tác giữa tháng 2 vừa qua tại Malaysia, anh Phạm Vũ Hoàng Giang (phóng viên tự do từng công tác tại 39 quốc gia) bắt gặp khá nhiều cảnh hàng rong, nấu ăn trên vỉa hè. Giang bảo, hình ảnh này khiến anh cảm thấy quen thuộc như ở TPHCM, nơi mình sinh ra và lớn lên.

Anh cho biết, đây cũng là hình ảnh quen thuộc trên đường phố các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Thái Lan tính phí hàng rong sử dụng vỉa hè gần 20 năm trước

Theo quan sát, phóng viên Hoàng Giang cho rằng vỉa hè ở TPHCM so với các nước trong khu vực và kể cả phương Tây không thua kém về mặt xây dựng, thiết kế, có nhiều đoạn còn đẹp hơn. "Nhưng vỉa hè ở TPHCM bị thu hẹp bởi quá nhiều xe máy dừng đỗ, leo lề qua lại và hàng quán tự phát", anh nói.

Đi ngoài đường TPHCM, không khó để mọi người nhìn thấy cảnh vỉa hè nhếch nhác vì người dân bày bán nhiều loại mặt hàng, nhiều hàng quán ăn uống, người ăn xả rác ngay tại chỗ, người bán cọ rửa xong đổ nước tràn ra, tiện tay hắt ly nước thừa xuống khiến nền gạch vỉa hè loang lổ, cáu bẩn, đọng nước...

Phóng viên từng đi 39 quốc gia nói về sự bất ổn trên vỉa hè TPHCM - 1

Du khách tỏ vẻ ngán ngẩm phải đi bộ xuống lòng đường do phần vỉa hè trên đường Nguyễn Thái Học (quận 1, TPHCM) chứa đầy rác từ chợ tự phát (Ảnh: Nam Anh).

"Việc buôn bán kinh doanh trên vỉa hè ở đâu cũng có, chỉ khác là mỗi nước họ quản lý, quy hoạch ra sao thì cảnh quan sẽ thành đẹp hay xấu và công năng sử dụng có hiệu quả không", anh Giang nhận xét.

Từng sống tại Đan Mạch một năm, nam phóng viên có tìm hiểu về mô hình quản lý hoạt động kinh doanh vỉa hè ở quốc gia này.

Nếu là chủ cửa hàng, nhà hàng, quán cà phê ở mặt tiền đường phố, họ có thể đăng ký sử dụng một phần vỉa hè phía trước nếu điều kiện giao thông cho phép, để làm chỗ ngồi bên ngoài, treo bảng quảng cáo hoặc trưng bày sản phẩm.

Trước hết, chủ cơ sở phải xin giấy phép từ chính quyền thành phố, cần gửi kèm bản vẽ tỷ lệ khu vực kinh doanh, đồng thời trả một khoản phí hàng năm tùy vào diện tích hoặc hạng mục xuất hiện trên vỉa hè. Điều quan trọng là không được gây cản trở người đi bộ, phương tiện, không ảnh hưởng đến nhà cửa xung quanh và đảm bảo mỹ quan của khu vực. 

Cửa hàng không được gây ra bất kỳ mùi hương hoặc tiếng ồn nào làm phiền khu vực xung quanh, nhạc bên trong quán hầu như không thể nghe từ bên ngoài. Hành vi nấu nướng bị cấm trên vỉa hè.

Nhân viên phải giữ vệ sinh, dọn rác ngay cả khi không phải chất thải từ hàng quán của mình. Mùa đông đến, mỗi cửa hàng phải chịu trách nhiệm cào tuyết trên vỉa hè xung quanh để duy trì lối đi cho người đi bộ.

Theo anh Giang, ở Đan Mạch không có chuyện để dây điện nối từ trong nhà chằng chịt lộ thiên trên vỉa hè, chủ cơ sở phải bố trí âm dưới nền, theo thủ tục thì phải thuê một đơn vị thầu, xin giấy phép thi công và phải trả chi phí phục hồi mặt nền vỉa hè.

Hơn nữa, không chỉ thực hiện những quy định về kích thước, không gian kinh doanh vỉa hè phải đáp ứng yếu tố thẩm mỹ, được cơ quan chức năng đánh giá là phù hợp với cảnh quan và văn hóa địa phương từ biển quảng cáo đến bàn ghế cho khách ngồi.

Phóng viên từng đi 39 quốc gia nói về sự bất ổn trên vỉa hè TPHCM - 2

Một không gian trên vỉa hè của quán cà phê tại Aarhus - thành phố lớn thứ hai ở Đan Mạch (Ảnh: Giang Phạm).

Chính sách trên của Đan Mạch áp dụng cho hàng quán đã có cơ sở kinh doanh trong nhà. Còn đối với những quốc gia có hoạt động kinh doanh kiểu hàng rong, quán cóc mọc lên vỉa hè đã trở thành thói quen, văn hóa, kế sinh nhai của hàng triệu người dân như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia..., thì nam phóng viên cho rằng việc quy hoạch và quy định sử dụng không gian này cần linh hoạt.

"Tôi chứng kiến hàng rong ở Malaysia hay Thái Lan và các thành phố trong khu vực Đông Nam Á nhiều nhan nhản, nhưng dễ dàng nhìn thấy vỉa hè nước họ khá gọn gàng, một phần bởi bên ấy ít xe máy hơn ở bên mình nên thoáng được phần diện tích xe máy dừng đỗ; đồng thời hầu hết hàng rong phải đóng phí vệ sinh cho thành phố để được dọn dẹp thường xuyên, bản thân họ cũng phải cam kết tự giữ sạch chỗ mình", phóng viên Hoàng Giang chia sẻ.

Lấy ví dụ cụ thể ở Thái Lan có nhiều điểm tương đồng với TPHCM đặc biệt là đời sống vỉa hè, quốc gia này đã thực hiện tính phí hàng rong sử dụng vỉa hè gần 20 năm trước.

Năm 2005 nước Thái ban hành một bộ quy tắc về quy định và điều kiện bán hàng rong trên hè phố gồm: Quầy hàng không được rộng quá 2m2 và cao quá 1,5m; các xe, quầy bán hàng phải ở cùng một phía, chừa khoảng trống có chiều rộng không dưới 1m cho người đi bộ; được phép đặt tối đa 2 bộ bàn ăn (mỗi bộ gồm một bàn và 4 ghế); phân bổ thời gian bán hàng theo ca ngày và ca đêm.

Đáng chú ý, người bán hàng rong Thái Lan phải đăng ký hoạt động có giấy phép. Đối với các tiểu thương đủ điều kiện kinh doanh trên hè phố, chính quyền sẽ thu phí hàng năm 300 baht (khoảng 250.000 đồng), gồm tiền giấy phép và phí vệ sinh, hiện nay con số này là khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. Thậm chí, đối tượng này được coi là nhân lực lao động, họ có nghĩa vụ và có quyền được kiểm tra sức khỏe hàng năm với chi phí 300 baht.

Đối với những hàng quán không đăng ký bán trên vỉa hè nhưng vẫn chấp hành quy chuẩn sử dụng vỉa hè của địa phương thì chính quyền thu tiền "phạt nhẹ" vài trăm baht (vài trăm nghìn đồng) mỗi tháng. Còn trường hợp cố tình vi phạm, mức phạt lên đến 2.000-10.000 baht (vài triệu đồng) trực tiếp mỗi lần cơ quan chức năng bắt gặp.

Phóng viên từng đi 39 quốc gia nói về sự bất ổn trên vỉa hè TPHCM - 3

Khu vực bán hàng rong được giới hạn bởi vạch kẻ trên vỉa hè thủ đô Bangkok, Thái Lan (Ảnh: whattodobangkok.com)

TPHCM có thể tính phí hàng rong trên vỉa hè

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TPHCM, chuyện tính phí sử dụng vỉa hè như trên là phương án nhiều quốc gia đã làm, TPHCM đáng ra nên làm sớm hơn. 

Nói thêm về chính sách sử dụng vỉa hè ở Thái Lan nêu trên, theo tìm hiểu của ông Hòa, các địa phương quản lý hàng rong bằng số, bằng thẻ, như vậy họ có thể nắm được số lượng người, mặt hàng được bán và giới hạn số lượng hàng rong có mặt tại địa phương.

Hàng rong được bán trên vỉa hè bên Thái có quy chuẩn riêng, cụ thể là quầy hàng là xe đẩy lưu động. Trên vỉa hè kẻ các ô, mỗi xe chỉ được bán tại ô nào đó trong vòng một giờ rồi phải di chuyển chỗ khác, không được đứng cùng một vị trí từ sáng đến tối. Mỗi người bán được chuyển tối đa vài chỗ trong ngày để đảm bảo công bằng, ai cũng được bán hàng ở vị trí đông khách.

Nếu mặt hàng là ẩm thực thì người bán buộc phải mang tạp dề và học qua một khóa về vệ sinh an toàn thực phẩm do địa phương tổ chức.

"TPHCM hoàn toàn có thể áp dụng mô hình quản lý vỉa hè của Thái Lan", ông Nguyễn Minh Hòa đánh giá.

Hàng rong ở TPHCM tập trung chủ yếu ở các quận trung tâm và cũng đó là nơi xảy ra nhiều tình trạng phức tạp trên vỉa hè nhất. Dễ thấy nhất là hàng rong ở TPHCM đủ kiểu như quang gánh, thùng, hộp, giá kệ, xe hai bánh… tiện đâu đặt đó để bán, xả rác tại chỗ, gặp lực lượng chức năng thì chạy.

Vị chuyên gia đề xuất chính quyền địa phương trước hết phải nắm được lực lượng bán rong hay đứng trên vỉa hè, yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, khai báo mặt hàng, thậm chí thông qua trực tuyến có thể định vị họ đang ở đâu.

Sau đó, thành phố cần tính toán vị trí trên vỉa hè cho họ, ví dụ như chỗ có bóng cây, chỗ vỉa hè đủ rộng, không cản trở hoạt động khác...

"TPHCM muốn làm thì được thôi, vấn đề là có triệt để hay không, có nhắm mắt làm ngơ hay không", ông Hòa nói.

Phóng viên từng đi 39 quốc gia nói về sự bất ổn trên vỉa hè TPHCM - 4

Quầy bán hủ tiếu khiêm tốn trên vỉa hè quận 1 TPHCM với một cái tủ, một bàn và 4 ghế (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Hiện trên nhiều tuyến vỉa hè ở TPHCM, người dân đã chấp hành đậu xe máy, bán hàng trong phạm vi vạch kẻ, chừa đường cho người đi bộ; các bậc tam cấp, dốc xi măng trước cửa mỗi nhà đã bị đập bỏ. Đây là một tín hiệu đáng mừng về ý thức người dân.

Tuy nhiên vẫn có rất nhiều bài báo phản ánh câu chuyện vỉa hè TPHCM đã hẹp mà còn bị lấn chiếm bởi nhiều mục đích, ý thức một bộ phận tiểu thương tự phát và người dân còn hạn chế, thường vi phạm khi không có lực lượng chức năng kiểm tra, khiến dư luận nghĩ rằng thành phố chưa thực sự quan tâm, thậm chí bao che, bảo kê.

Quan điểm của TPHCM trong việc tổ chức lại trật tự lòng lề đường là kết hợp hài hòa giữa câu chuyện văn minh đô thị và đảm bảo đời sống người dân.

Cụ thể hóa chủ trương chính quyền thành phố, mô hình phố ẩm thực trên đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1) đã được hình thành, những người bán hàng rong được sắp xếp vào buôn bán tập trung ở dãy phố này.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND quận 1 (năm 2017) khi khảo sát dự án phố ẩm thực, kế hoạch này không thể đưa hết bà con bán hàng rong vào buôn bán vì nó không phù hợp với nhiều bà con đã buôn bán quen tại các phường, các xóm. Do đó, ở những khu vực ngoại vi của quận 1, chính quyền sẽ tạo điều kiện cho bà con được buôn bán nhưng phải là hộ nghèo, hộ khó khăn của quận 1 có quá trình buôn bán hàng rong nhiều năm, không có điều kiện chuyển đổi nghề.

Mặt khác, trong các cuộc họp giữa UBND TP cùng các địa phương, sở ngành về chấn chỉnh trật tự và mỹ quan đô thị trong tháng 2, chính quyền thành phố tính đến chuyện xử lý trách nhiệm người đứng đầu ra sao nếu để bất cập xảy ra. Cụ thể, thành phố dựa trên các quy chuẩn, quy định về quản lý vỉa hè tại từng nơi, nếu cơ quan quản lý không làm theo, áp dụng đúng sẽ xử lý.

"TPHCM sẽ làm đồng bộ giữa câu chuyện sắp xếp lại, quy hoạch và xem xét xử lý trách nhiệm", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nói.

Tâm Linh - Theo Dân Trí

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness