Sáng 19 tháng 4 năm 2023, Ủy ban Nhân dân quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh đã làm lễ ra quân lập lại trật tự đô thị, quyết tâm lấy lại vỉa hè, xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm, lấn chiếm.
Buôn bán trên vỉa hè ở Hà Nội. Ảnh minh họa.
Hồi tháng 2/2017, chiến dịch dọn dẹp vỉa hè gây xôn xao công luận khi ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 lúc đó, phát động chiến dịch xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Ông Đoàn Ngọc Hải nổi tiếng với tuyên bố “không lấy lại được vỉa hè sẽ cởi áo từ quan”. Chủ trương của ông Hải là dẹp tất cả những gì bị coi là lấn chiếm vỉa hè, xử phạt các quán nhậu bày bàn ghế trên vỉa hè, cho cẩu xe đậu ở nơi cấm, phá dỡ các bệ dắt xe lấn chiếm vỉa hè, dỡ phông bạt vươn ra vỉa hè…
Hành động của ông Hải nhận không ít ý kiến phản đối từ phía người dân nên chỉ mấy tháng sau, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 1 và Quận ủy Quận 1 đã ra văn bản yêu cầu ông Hải phải ngưng chiến dịch dọn dẹp vỉa hè do ông dẫn đầu.
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nêu quan điểm của ông với RFA:
“Trước đây ở quận 1 có một ông phó chủ tịch đi nhắc nhở, dọn dẹp nhưng sau một thời gian vẫn hồi phục lại vì công ăn việc làm cho số người đó chưa giải quyết được và chưa đào tạo nghề cho họ. Nếu muốn giải quyết vấn đề này đòi hỏi một khoảng thời gian và đầu tư, cơ bản giảm bớt số người kiếm ăn ở khu vực phi hình thức, tạo điều kiện cho người ta có trình độ, chuyên môn, và đặc biệt là có số vốn nhất định để người ta có thể kinh doanh, có cửa hàng hoặc chỗ cố định để sản xuất hoặc dịch vụ.”
Những năm qua, nhiều chiến dịch lập lại trật tự, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ được các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thực hiện, nhưng rồi thất bại. Trao đổi với truyền thông Nhà nước, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa lý giải sự thất bại là do sự thiếu quyết tâm của chính quyền; sự thiếu chấp hành của người dân và thiếu tính toán trong vấn đề an sinh xã hội khi người dân không còn được buôn bán ở vỉa hè.
Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định với RFA:
“Những phong trào rộ lên ra quân rồi đầu voi đuôi chuột đã xảy ra lâu nay. Cũng có cái thành công, có cái thất bại. Nhưng riêng chuyện dọn dẹp vỉa hè, đường phố cho trật tự thì luôn luôn thất bại. Nó phản ánh cái tư duy làm việc, cái phong cách làm việc của cán bộ nhà nước Việt Nam không nhất quán; không kiên trì và không có đôn đốc đến nơi đến chốn từ cấp trên với cấp dưới.
Khách quan mà nói, bà con mình cũng nghèo phải mưu sinh ở vỉa hè. Bây giờ mà dẹp hoàn toàn thì khác gì đẩy họ vào chỗ chết. Cho nên nó rất khó. Có một số địa phương người ta có những giải pháp, tuy không hoàn toàn nhưng cũng giải quyết được tương đối với điều kiện lãnh đạo địa phương phải thật sự cùng quan điểm với nhau và lo lắng đến đời sống người dân.”
Ngày 10 tháng 1 năm 2023, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông tin về tình hình lao động việc làm cả năm 2022. Theo đó, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước trong năm 2022 là 65,6%. Lao động phi chính thức là những lao động không có hợp đồng cố định, không có bảo hiểm, một trong những hình thức đó là bán hàng vỉa hè. Với số dân mưu sinh vỉa hè lớn như ở Hà Nội và TP.HCM, chuyện lấy lại vỉa hè cho người đi bộ là chuyện dường như không thể.
Buôn bán trên vỉa hè. AFP
Phát biểu tại lễ ra quân dọn dẹp vỉa hè quận 3 hôm 19 tháng 4, ông Trần Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND quận này thừa nhận việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán diễn ra nhiều nơi. Ngoài ra, tình trạng dừng đậu xe không đúng quy định, việc xả rác, quảng cáo, rao vặt vẫn phổ biến.
Chị Thủy, một người dân quận 3, TPHCM, nói với RFA suy nghĩ của chị:
“Cái chuyện dẹp lòng lề đường là đã từ xưa rồi chứ không phải bây giờ mới làm, bởi vì họ muốn lề đường thông thoáng sạch sẽ. Nhưng vì họ không giải quyết từ gốc, tức vấn đề mưu sinh của người dân, mà cứ giải quyết từ ngọn. Đó là lý do cứ dọn chỗ này thì họ chạy qua chỗ khác. Qua chiến dịch thì đâu lại vào đó.”
Theo chị Thủy, việc dọn dẹp vỉa hè theo chủ trương của lãnh đạo các quận, huyện nên có có hoạch cụ thể, từng bước. Không nên mở chiến dịch ồ ạt ở khắp nơi khiến dân lao động ‘mất nồi cơm’ mà không có sự chuẩn bị. Nếu làm thì phải thí điểm từ phường lên quận và làm đến nơi đến chốn.
Luật sư Đặng Trọng Dũng thì cho rằng:
“Cái vấn đề lấy lại vỉa hè cho người đi bộ gần như là bất khả thi. Giành giật vỉa hè với người dân là chuyện bất khả thi. Tôi nghĩ, nếu giải quyết vấn đề vỉa hè thì phải có một cuộc hội thảo chuyên về lĩnh vực này và phải làm đến nơi đến chốn. Nếu được như thế thì mới lấy lại vỉa hè thông thoáng, sạch đẹp được.”
Vị luật sư này nói thêm, cách làm đúng của chính quyền là làm sao cho dân ủng hộ. Tránh đối đầu với dân. Ai cũng muốn sống trong một đô thị sạch sẽ, người đi bộ được đi trên vỉa hè, nhưng phải hài hòa với câu chuyện kinh tế vỉa hè của người dân.
Thực tế cho thấy khi lực lượng chức năng chuyển sang giải tỏa khu khác thì chỉ vài ngày sau, nhiều đoạn vỉa hè vừa giải tỏa xong lại bị người buôn bán nhỏ tái chiếm. Cơ quan chức năng không thể đủ người để ngày nào cũng canh chừng tất cả vỉa hè. Ngay tại quận 1, những chỗ bị đập phá từ năm 2017 vẫn không được xây lại trông càng nhếch nhác, nham nhở hơn trước.
Tại Hà Nội, chính quyền thủ đô cũng đã năm lần phát động chiến dịch “giành lại vỉa hè”; thậm chí thành lập “Ban Chỉ đạo” với nhiệm vụ gọi là xóa bỏ việc lấn vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh trái phép. Vừa qua lại có đề xuất “cho thuê vỉa hè”. Mọi giải pháp hầu như đều vấp phải phản ứng tiêu cực từ phía người dân.’
Nhiều người cho rằng, kinh tế vỉa hè đã trở thành nét văn hóa đặc thù của nhiều thành phố lớn tại Việt Nam. Nếu lãnh đạo thành phố tổ chức lấy ý kiến người dân để quy hoạch một cách hợp lý thì vừa giữ được môi trường buôn bán cho dân nghèo, vừa đưa kinh tế vỉa hè thu hút khách du lịch, phát huy nét đẹp văn hóa đô thị.
Theo RFA