TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Rao bán hàng loạt khách sạn ở TPHCM với giá trên trời

Ngày càng nhiều khách sạn, đặc biệt là khách sạn nhỏ ở TPHCM rao bán vì vắng khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là giá bán rất cao và theo những người có kinh nghiệm, nếu người mua lại để kinh doanh dịch vụ khách sạn thì rất khó kiếm lời hoặc có lời thấp hơn lãi suất gửi ngân hàng.

Dù nhịp đập kinh tế của thành phố đông dân nhất nước đã "bình thường" trở lại nhưng sự sụt giảm lượng lớn khách du lịch khiến cho ngành dịch vụ khách sạn lao đao, kéo theo việc nhiều khách sạn phải rao bán. Ảnh minh họa: Thành Hoa

Đóng cửa, rao bán khách sạn

TPHCM là trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, đón hơn 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam cho nên khi Covid-19 làm suy giảm lượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế thì ngành công nghiệp không khói của thành phố bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM, tháng Tư rồi, TPHCM không có doanh thu từ dịch vụ lữ hành, doanh thu từ mảng lưu trú giảm đến 88,2%. Hiện các cơ sở lưu trú chỉ còn khách thuê theo giờ, một số khác ở khách sạn trong thời gian chữa bệnh tại TPHCM và khách quốc tế chưa thể về nước.

Doanh thu dịch vụ ăn uống cũng giảm đến 88,5% so với tháng 4-2019. Tổng cộng, trong tháng 4 đầu năm 2020, doanh thu của dịch vụ lưu trú và ăn uống chỉ còn 1.306 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái là 9.136 tỉ đồng.

Từ cuối tháng 4, trong khi một số khách sạn, resort ở những điểm du lịch gần các thành phố lớn đã có một ít khách vào cuối tuần thì các khách sạn ở TPHCM vẫn gần như "bất động" vì thị trường quốc tế chưa mở cửa trở lại, nhu cầu đi lại giao thương của khách nội địa đến thành phố vẫn rất thấp. Chính vì vậy, hàng loạt khách sạn vẫn chưa thể mở cửa. Với những khách sạn còn có thể hoạt động, công suất phòng rất thấp, nhiều nơi chưa thể đạt được công suất 15%, giá cho thuê phòng cũng giảm xuống mức thấp.

Có những khách sạn 5 sao hiện cho thuê phòng với giá của loại 4 sao; có khách sạn 4 sao trước đây tính 70-80 đô la Mỹ/phòng/đêm nay giá bán trên mạng chỉ còn 40 đô la Mỹ, giá bán cho các công ty du lịch còn thấp hơn.

Nhiều chủ khách sạn, trong đó có chủ của khách sạn nhỏ, loại từ 1-2 sao, thậm chí khách sạn 3 sao phải rao bán vì không chống chọi lại với khó khăn. Covid-19 càng kéo dài, danh sách khách sạn được rao bán ngày càng nhiều. Tuy nhiên, nhiều khách sạn được rao bán không đồng nghĩa với giá bán tốt.

Một số người có nhu cầu tìm mua các bất động sản này cho biết, giá hiện tại vẫn rất chưa hấp dẫn.

Số lượng cơ sở lưu trú tại TPHCM năm 2019. Đây là những cơ sở đã được Sở Du lịch xếp loại, ngoài ra còn một số khác cũng khá lớn, chủ yếu là khách sạn có tiêu chuẩn cỡ 1-3 sao không đăng ký xếp hạng nên không nằm trong danh sách này. Đồ họa: Đào Loan

Giá cao, người mua khó tìm được lợi nhuận tốt

Từ trước đến nay, nhiều ý kiến cho rằng, cơn sốt đầu tư khách sạn tại những vùng du lịch biển như Nha Trang, Đà Nẵng đã đẩy suất đầu tư tăng cao đến mức không hợp lý. Đặc biệt, sự bất hợp lý này càng tăng cao với những khách sạn nhỏ, vốn có cơ số phòng thấp, giá bán thấp, cần nhiều thời gian để chủ đầu tư hoàn vốn.

Khi tìm hiểu về thị trường khách sạn ở Nha Trang, một chuyên gia khách sạn từng cho rằng, nhà đầu tư khó "sống" với suất đầu quá cao cho các khách sạn nhỏ ở đây. Mức giá 33 tỉ đồng cho một khách sạn mini có 18 phòng ở đây là phi lý.

Tuy nhiên, nếu dạo quanh một số khách sạn ở TPHCM thì mới thấy, giá bán ở những địa phương khác "chưa là gì". Chẳng hạn, một khách sạn hơn 30 phòng ở khu vực Đông Du được chào bán đến 185 tỉ đồng. Khách sạn 36 phòng ở đường Trần Đình Xu, quận 1 giá 70 tỉ đồng.

Khách sạn là biệt thự kiểu Pháp có gần 30 phòng, trong một con hẻm ở đường Hồ Hảo Hớn, quận 1 có giá 60 tỉ đồng, được bán không lâu sau khi rao. Khách sạn gần 30 phòng đã xuống cấp ở đường Lương Hữu Khánh, quận 1 có giá 50 tỉ đồng...

Theo những người có kinh nghiệm trong ngành khách sạn, thông thường, nhiều chủ đầu tư khách sạn nhỏ kỳ vọng với số vốn bỏ ra có thể kiếm lợi nhuận cao hơn với mức lời từ tiền gửi ngân hàng một chút và phần khác (khá lớn) từ giá trị bất động sản tăng lên. 

Trong bối cảnh hiện nay, nếu chủ đầu tư có đủ tiền theo đuổi mục đích thứ hai thì có thể có cơ hội còn nếu đầu tư nhắm vào mục đích chính là làm dịch vụ khách sạn hoặc vay mượn để đầu tư là rất khó, phải cân nhắc kỹ càng nhằm tránh vòng xoáy nợ nần.

"Một khách sạn kiểu nhà ống tuy là ở quận 1 nhưng khá xa trung tâm, lại chỉ có 28 phòng đã xuống cấp mà bán 50 tỉ đồng là không thể mua để làm ăn", một người đi tìm mua khách sạn (không muốn nêu tên) nói.

Bà tính toán, muốn cho thuê phòng, sau khi bỏ 50 tỉ đồng mua khách sạn, phải chi thêm cỡ 10 tỉ đồng để làm lại. Vì khách sạn khá xa trung tâm nên giá bán không thể cao quá 50 đô la Mỹ/đêm phòng, cho dù có kinh doanh giỏi, thị trường tốt để đạt công suất 80% thì lợi tức chỉ đạt 4,5%/năm, thấp hơn lãi suất ngân hàng.

Một khách sạn khác có 23 phòng, tuy đẹp và ở gần sân bay Tân Sơn Nhất nhưng cũng không đáng mua vì khó kiếm lời tốt khi mua với giá 39 tỉ đồng.

"Nếu cho thuê, giá phòng ở đây chỉ chừng 600.000 - 700.000 đồng. Do gần sân bay nên khách chỉ ở lại ngắn hạn trước khi đi và không dùng các dịch vụ khác để khách sạn có thêm nguồn thu cho nên giá bán này là cao", bà nói.

Theo TheSaigonTimes

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness