Con người chúng ta đang trải qua thời kỳ phát triển nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Chúng ta phải mất hàng triệu năm để các Homo Sapiens tiến hóa từ những cơ thể đơn bào, mất hàng ngàn năm tiếp theo để biết đến nông nghiệp, biết đến máy móc, nhưng chỉ mất vài chục năm để tạo ra những cỗ máy có khả năng chiến thắng cả trí tuệ của con người trong nhiều lĩnh vực. Chính sự biến đổi nhanh chóng này đã làm cuộc sống hiện đại của chúng ta đảo lộn và ẩn chứa quá nhiều mối lo ngại khiến chúng ta không thể yên giấc. Các Homo Sapiens trước đây chỉ phải đối mặt với những vấn đề lũ lụt, thời tiết, cái ăn, cái mặc, những vấn đề mà thường chỉ ảnh hưởng đến vài người hoặc nhóm người thì giờ phải đối mặt với hàng loạt các nguy cơ hủy diệt mang tính toàn cầu. Đó là chủ nghĩa khủng bố, là nguy cơ chiến tranh hạt nhân, biến đổi khí hậu và những đứt gãy của khoa học công nghệ. Vậy thì “Cho đến nay, đâu là những thách thức lớn nhất và những thay đổi quan trọng nhất? Chúng ta nên chú ý vào điều gì? Chúng ta nên dạy trẻ em điều gì?”. Đó là những câu hỏi được đặt ra và được tác giả Yuval Noah Harari trả lời trong cuốn sách mới nhất của ông với nhan đề “21 Lessons for the 21stCentury” hay bản dịch tiếng Việt là: “21 bài học cho thế kỷ 21”.
“21 bài học cho thế kỷ 21” là sự tiếp nối cho hai cuốn sách thuộc hàng kinh điển khác của chính Yuval Noah Harari. Nếu như “Sapiens” là cuốn sách đề cập đến quá khứ và “Homo Deus” đề cập đến tương lai thì tác phẩm mới nhất này của ông lại bàn về thực tại. Bàn về những vấn đề mà con người đang phải đối mặt. Nó đề cập trực diện những vấn đề có tính toàn cầu nhưng rất sát sườn với số đông người đọc.
Cú đánh vào ảo tưởng hòa bình, thịnh vượng
Mở đầu đập ngay vào mắt độc giả đó là một cú “đánh” như tát nước vào mặt của Harari. Có lẽ mới đọc tựa đề cuốn sách có lẽ chúng ta ai cũng nghĩ rằng chắc hẳn tác giả muốn khuyên bảo, dạy dỗ một điều gì đó đây. Nhưng thực sự lại không phải vậy, Harari chỉ đưa ra một cú đánh đầu tiên vào tỉnh thức của chúng ta. Cuộc sống êm ấm và sung túc của chúng ta ngày nay, cuộc sống có vẻ “an toàn, hòa bình, thịnh vượng” của chúng ta thực ra chỉ là một ảo giác và nó đang tràn đầy các nguy cơ. Sẽ ra sao nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân, chiến tranh sinh học, một vị lãnh đạo quốc gia nào đó nổi khùng hoặc muốn phân chia lại trật tự thế giới? Sẽ ra sao nếu khí hậu biến đổi đến mức con người bất khả lay chuyển, và càng ngày chúng ta càng không nhận thức rõ vấn đề. Và cuối cùng các đứt gãy (như dịch giả sử dụng) về công nghệ sẽ tác động như thế nào đến cuộc sống của từng cá thể, từng dân tộc trong thế kỷ này. Đó là 3 gáo nước lạnh buốt dội lên các tham vọng và ảo tưởng của con người.
Chiến tranh hạt nhân và biến đổi khí hậu có thể đã có những dấu hiệu rõ ràng tuy nhiên nó cũng đã được biết đến từ hàng chục năm trước và có lẽ vẫn còn quá xa vời với nhiều người, nhiều quốc gia. Có lẽ với người Việt Nam, người Ấn Độ hiện nay, những vấn đề đó cũng chẳng quan trọng bằng cái ăn, cái mặc. Nhưng những biến đổi đột ngột về công nghệ có lẽ đang tác động gần hơn bao giờ hết đối với hầu hết mọi người. Do đó 2 chương tiếp theo tác giả tập trung vào những vấn đề sống còn do những biến đổi về mặt công nghệ, đó là vấn đề việc làm và tự do với hai câu hỏi lớn: nếu máy móc thay thế được con người hiện tại thì con người làm gì? và liệu con người có thật sự có sự tự do khi lệ thuộc vào công nghệ hay không?
Thật vậy, con người hiện nay đang đối mặt với những vấn đề lớn khủng khiếp về việc làm. Ông cha ta đã từng mất những việc làm tay chân vào tay máy móc, nhưng vẫn sống tốt, vẫn có những công việc khác để làm, nhưng chúng ta và con cháu chúng ta thì sao? Với những bước tiến cực nhanh của công nghệ hiện nay, thậm chí gần như 90% số việc làm hiện tại sẽ biến mất trong khoảng 30 năm nữa. Sẽ có những việc làm khác sinh ra, nhưng liệu con người có kịp thích nghi để học hỏi làm những công việc khác hay không? Chúng ta đã từng phải mất 5 năm để học các kỹ năng của những nhân viên bán hàng, của luật sư, chuyên viên tư vấn tài chính, nhưng những công việc đó đang biến mất, và sẽ có thể mất thêm 5 năm để chuyển nghề học lập trình cho ra ngô ra khoai, nhưng sẽ ra sao khi chỉ chục năm tới, các thuật toán của chúng ta có thể tự động lập trình ra chương trình chỉ cần dựa trên mô tả mà không cần có bất cứ sự can thiệp nào của con người. Rõ ràng, con người càng ngày càng được đòi hỏi nhanh hơn, và liên tục phải thay đổi để học hỏi càng ngày càng nhiều các kỹ năng phức tạp. Giờ đây chúng ta không thể ổn định một công việc trong suốt cuộc đời được nữa. Có quá nhiều sự thay đổi đang thúc ép chúng ta phải liên tục học hỏi. Vậy thì liệu chúng ta có khả năng liên tục thay đổi, liên tục học hỏi những cái mới hay không? Và liệu thể chất cũng như tinh thần của chúng ta có chịu được cường độ thay đổi cao như vậy hay không?
Chưa kể đến việc, nếu chúng ta sống trong một quốc gia có chế độ giáo dục tốt như Phần Lan hay Thụy Điển, hoặc Đan Mạch thì nhiều khả năng chúng ta vẫn còn cơ hội học tập khi được đài thọ bởi thuế từ các công ty kiểm soát công nghệ trả để duy trì khả năng làm việc cho con người, để giúp con người trong quốc gia đó vẫn tiếp tục được học, được thay đổi một cách không tốn chi phí bổ sung ngoài sức lực. Nhưng ở những đất nước không được như vậy như Syria, Pakistan thì chuyện gì sẽ xảy ra? Trước đây những quốc gia như vậy sống nhờ nguồn sức lao động giá rẻ với kỹ năng chân tay, mà không nhiều nhân công các nước phát triển chịu làm, nhưng nay, họ có thể bị thay thế bằng máy móc. Và tất nhiên, chẳng có quốc gia nào chịu bỏ tiền cho công dân của những quốc gia khác học miễn phí cả. Vậy những quốc gia này sẽ làm gì? Công dân của họ liệu sẽ sống một cuộc sống dưới đáy, tự cung tự cấp hoặc trở thành những bộ lạc kỳ lạ ở rừng Amazon hiện nay hay không? Sự chênh lệch sẽ càng ngày càng lớn, đến mức những quốc gia tụt hậu sẽ là những loài tinh tinh trong mắt một loài người mới thượng đẳng hơn (do chỉnh sửa gen để trở lên khỏe hơn, đẹp hơn, thông minh hơn). Có lẽ, những Homo Sapiens xấu số đó sẽ như những tổ tiên trước đây của chính chúng ta, tự tiêu biến hoặc trở thành một loài thí nghiệm cho chính các loài thượng đẳng. Một viễn cảnh thực sự vô cùng khủng khiếp.
Con người chi phối công nghệ hay công nghệ thao túng con người?
Vậy còn tự do thì sao? Liệu những loài Homo Sapiens thượng đẳng hơn có tự do hay không? Câu trả lời của Harari là không. Trong hàng ngàn năm nay con người luôn đi tìm ý nghĩa của sự sống, của cuộc đời, của ý chí tự do tuyệt đối. Nhưng những bằng chứng khoa học hiện nay chỉ ra rằng, con người không hề có ý chí tự do tuyệt đối. Chúng ta là một thực thể sinh học chạy các thuật toán sinh hóa dưới tác động đầu vào của các yếu tố ngoại cảnh, các mẩu thông tin chúng ta thu thập được hàng ngày. Khi chúng ta đọc báo, lướt Facebook, chúng ta đang bị ảnh hưởng của chính những thông tin chúng ta thu được và do đó, chúng ta bị thao túng. Với kỷ nguyên thông tin bùng nổ hiện nay, thậm chí sẽ chẳng có chút thời gian để xem liệu những thông tin chúng ta thu được ấy có đáng tin hay không, có phục vụ cho mục đích của ý chí tự do của chúng ta hay không. Về cơ bản chúng ta bị chính các thuật toán thao túng. Chúng ta trao quyền cho nó để cuộc sống chúng ta tiện lợi hơn, tuy nhiên khi đã quá quen với nó, thậm chí chúng ta chẳng còn biết suy nghĩ. “Cái gì không biết ta tra Google”, câu nói này có quen thuộc không ạ? Chắc chắn rồi. Có lẽ hiện nay nếu hỏi chúng ta thủ đô của Ba Lan hay Italia là gì, chắc hẳn việc đầu tiên chúng ta làm là tra Google. Trước đây, hồi cấp 2, cấp 3 có lẽ chúng ta đều thuộc làu những cái này. Nhưng khi đã quá quen với sự tiện dụng, chúng ta loại bỏ việc học nó. Có lẽ con người đang ngày càng ngu dốt nhưng lại thiếu khiêm nhường. Chúng ta đánh giá quá cao bản thân, có nhiều thứ chúng ta thực sự không biết nhưng lại mang máng là biết vì chúng ta từng thấy ở đâu đó rồi. Nhưng hóa ra cuối cùng chúng ta không biết nhiều như chúng ta tưởng. Rồi đây chúng ta sẽ đối mặt với việc bị thao túng, bị theo dõi, bị giám sát bởi những nhà nước độc tài, bởi những tập đoàn siêu cường công nghệ,và một cách cực đoan hơn như bộ phim Ma trận, chúng ta sẽ bị thao túng tâm trí trong một cỗ máy mô phỏng mà không thể thoát ra được.
Cộng đồng, dân tộc, văn minh và tôn giáo
Vậy con người cần làm gì? Như cách giải quyết trước đây của tổ tiên chúng ta, chúng ta phải chung sức lại. Những tổ tiên Homo Sapiens của chúng ta đã liên hợp thành các bộ lạc để săn bắt được nhiều hơn, để chống thú dữ tấn công, và sau này là liên hợp thành nhà nước để giải quyết các vấn đề về lũ lụt, về thời tiết, hoặc khai hoang… Những vấn đề hiện nay cũng đòi hỏi con người phải chung sức thành một tập thể trung. Tuy nhiên, điều đó là không dễ hoặc thậm chí là bất khả thi, trừ khi những vấn đề đã xảy ra đến mức bất khả đảo ngược. Con người hiện nay vẫn đang dò dẫm trong các mô hình nhà nước cũ, các mô hình tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khi ai cũng coi mình là thượng đẳng, quốc gia, dân tộc mình là loài độc đáo nhất trên đời. Lấy Chúa trời để biện minh cho tôn giáo và công kích thậm chí gây xung đột với các cộng đồng khác. Con người đang trở lên ích kỷ trong những vấn đề nhỏ nhặt mà quên đi những vấn đề đe dọa to lớn phía trước. Chúng ta đang đi tìm ý nghĩa cuộc sống của mình qua dân tộc, qua tôn giáo, qua sùng tín, qua ảo tưởng của bản thân vào chính mình và dân tộc, tôn giáo của mình, nhưng lại quên đi ý nghĩa thực sự của cuộc đời.
Harari tin rằng thực ra con người tồn tại không vì một ý nghĩa gì mà chúng ta nghĩ ra. Chúng ta không tồn tại để bảo vệ một tôn giáo gì, không tồn tại bỏi vì một dân tộc nào, bởi không có nó, không có chúng ta thì thế giới vẫn thế thôi. Chúng ta cũng chẳng tồn tại vì mình, bởi chẳng có sự gì trên đời là vĩnh hằng. Lí do tồn tại duy nhất của chúng ta là sống cuộc sống của chúng ta ở thực tại mà thôi.
Con người cần làm gì?
Mặc dù tên của cuốn sách là 21 bài học tuy nhiên, thực chất nó đúng hơn là 19 lời cảnh tỉnh và 2 bài học mà thôi. Đó là những lời cảnh tỉnh về thế giới, về những mối nguy của nhân loại, những thứ xưa cũ chúng ta vẫn đang hiểu lầm hoặc cố tình lợi dụng. Và 2 bài học sâu sắc đó là cách thức giáo dục của chúng ta và ý nghĩa cuộc đời của chúng ta.
Thế kỷ mới đòi hỏi ở con người không chỉ là kiến thức mà là những kỹ năng mềm để nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi bao gồm: Tư duy phản biện (critical thinking), Giao tiếp (communication), Hợp tác (collaboration) và sáng tạo (creative). Việc giáo dục con người sẽ cần chuyển trọng tâm từ việc nhồi nhét kiến thức sang phát triển các kỹ năng thích nghi với sự học tập nhanh chóng của thời đại mới, kỹ năng chọn lọc những thông tin có ích mà chúng ta được tiếp cận. Đó là những gì con người cần để tìm được ý nghĩa cuộc sống của bản thân.
Một ý nghĩa của sự tồn tại chính là hiện tại. Là sự trải nghiệm hiện tại của chính bản thân mỗi chúng ta. Chúng ta không sống vì ai hết, không sống vì bất kỳ ý tưởng hay câu chuyện nào của người khác, kể cả chính chúng ta. Bởi thực ra, trong vũ trụ rộng lớn này, con người chỉ như tập hợp của những hạt phân tử luôn luôn biến động mà thôi. Các quốc gia rồi sẽ tiêu biến, các tôn giáo cũng không vĩnh hằng, ngay cả danh tiếng đóng góp của chúng ta chăng nữa. Chắc giờ này cũng chẳng ai nhận ra tên của người Homo Sapiens đầu tiên tạo ra lửa đâu. Thứ duy nhất thực sự tồn tại chính là vũ trụ, chính là khoảnh khắc hiện tại.
Có lẽ đôi chút lấn cấn có lẽ là tư tưởng quá hoài nghi và thiếu niềm tin của tác giả. Nhưng 21 bài học của thế kỷ 21 vẫn có thể coi là một siêu phẩm về lịch sử, chính trị. Noah Harari đã nhìn nhận bao quát những vấn đề lớn nhất và nóng nhất của nhân loại hiện nay. Ông biết những vấn đề đó đang ở đâu trên tấm bản đồ toàn cầu và những cơn bão, cơn đại hồng thủy đang rình rập ở đó. Harari trình bày những vấn đề ấy bằng phương pháp biện giải nhân quả, cùng với phân tích định lượng các biến cố xã hội đang xảy ra làm cho những điều đề cập hết sức thuyết phục đến người đọc. Trong ngồn ngộn dữ liệu với đan xen chằng chịt các mối quan hệ, bạn đọc vẫn tìm thấy được cảm giác thích thú và bị hấp dẫn với ngôn ngữ diễn đạt: trong sáng, logic và cả dí dỏm hồn nhiên với hàng loạt câu hỏi đanh thép, kiểu như: “sự nổi lên của Donald Trump nói lên điều gì? Ta có thể làm gì với vấn nạn “tin giả”? Tại sao nền dân chủ tự do lại lâm vào khủng hoảng? Chúa đã trở lại rồi chăng?” hay “Một cuộc thế chiến mới đang đến? Nền văn minh nào thống trị thế giới: Phương Tây, Trung Quốc hay Hồi giáo? Châu Âu có nên mở cửa cho người nhập cư? Chủ nghĩa dân tộc có giải quyết đươc các vấn đề bất bình đẳng và biến đổi khí hậu không? Ta nên làm gì với chủ nghĩa khủng bố”.
Hàng loạt các vấn đề của nhân loại, và với chính bản thân của mỗi chúng ta đều được nhìn nhận một cách thấu đáo và hết sức chi tiết, nhưng lại không thiếu phần gợi mở. Tác giả không đưa ra chính xác những bài học quá cụ thể cho tất cả chúng ta mà ông dừng lại ở mức gợi mở những gì mà con người nên suy nghĩ, nên đi đến. Một tác phẩm đáng để mỗi người chúng ta đều cần suy ngẫm. Chúng ta là ai, thế giới sẽ đến đâu?….