TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Singapore tổn thương nặng vì thương chiến Mỹ-Trung

Với nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, Singapore sẽ chịu tổn thương nặng nhất trong số các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á do các tác động của cuộc chiến thuế Mỹ-Trung, theo một báo cáo chung của Công ty dự báo tài chính Oxford Economics và Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW).

Tăng trưởng GDP của Singapore được dự báo giảm về mức 1,9% trong năm nay. Ảnh: supplychainasia.org

Hôm 4-6, Oxford Economics và ICAEW công bố báo cáo cho biết, do các tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, GDP của Singapore sẽ giảm tốc từ mức 3,1% vào năm ngoái xuống mức 1,9% trong năm nay trước khi phục hồi nhẹ lên mức 2,2% vào năm 2020.

Mức sụt giảm tăng trưởng GDP của Singapore là mạnh nhất khi so sánh với 5 nền kinh tế lớn khác của Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Vietnam.

Báo cáo cho biết: “Là một nền kinh tế mở, quy mô nhỏ, phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, tăng trưởng của Singapore có khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực nhất”.

Hồi tháng trước, Bộ Công thương Singapore cũng dự báo tăng trưởng GDP của Singapore trong năm nay nằm trong khoảng 1,5-2,5%.

Mark Billington, Giám đốc khu vực Trung Quốc mở rộng và Đông Nam Á của ICAEW nói: “Với các mối liên kết kinh tế với Trung Quốc và sự phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu, chúng tôi dự báo Singapore sẽ chứng kiến mức giảm tốc tăng trưởng GDP mạnh nhất trong khu vực và nền kinh tế nước này có khả năng rơi vào suy thoái vào năm 2020 nếu như các điều kiện bên ngoài xấu thêm”.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Singapore đang giảm tốc vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Trong quí 1 năm nay, GDP của Singapore chỉ tăng trưởng 1,2%, mức thấp nhất trong 10 năm qua và thấp hơn mức dự báo của chính phủ Singapore và các nhà kinh tế.

Báo cáo của Oxford Economics và ICAEW cho biết có nhiều lý do khiến mức tăng trưởng của Singapore sẽ trì trệ trong năm nay.

Thứ nhất, chủ nghĩa bảo hộ thương mại trên toàn cầu, vốn đang gia tăng trong năm qua, đã tác động mạnh đến Singapore vì nước này có nền kinh tế mở và phụ thuộc vào thương mại. Báo cáo cho biết thương mại toàn cầu suy yếu khiến xuất khẩu của Singapore trong quí 1 tăng trưởng chậm hơn 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ hai, triển vọng xuất khẩu của Singapore vẫn đang u ám và chịu áp lực suy giảm bởi các lời đe dọa áp thuế thêm của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc trong những tháng tới. Singapore bị ảnh hưởng do nhu cầu nhập khẩu đang yếu đi của Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc đang trong chu kỳ giảm tốc kể từ năm 2016 và đà giảm tốc này càng nhanh hơn do tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Cả hai nước đều nằm trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Singapore.

Thứ ba, chu kỳ tăng trưởng công nghệ thông tin toàn cầu đang suy yếu và điều này sẽ tác động đến các hoạt động sản xuất hàng điện tử ở Singapore. Đầu tư vào thiết bị và máy móc ở Singapore đang suy giảm và các công ty ở nước này đang chọn giải pháp giảm hàng tồn kho.

Trong khi đó, nhu cầu trong nước của Singapore bao gồm chi tiêu của các hộ gia đình và ngành xây dựng vẫn đang tích cực và có thể bù đắp phần nào các suy giảm thương mại. Ngành xây dựng của Singapore sẽ tăng trưởng vững vàng nhờ các dự án hạ tầng đang thực hiện chẳng hạn tuyến cao tốc Nam - Bắc dài 21,5 km do Cơ quan Quản lý giao thông đường bộ Singapore thực hiện. Tuy nhiên, các hoạt động xây dựng nhà ở đang yếu đi và nhu cầu hàng hóa bền chẳng hạn như ô tô cũng đang suy yếu.

Theo báo cáo của Oxford Economics và ICAEW, tất cả 6 nền kinh tế lớn của Đông Nam Á đều tăng trưởng chậm lại trong năm nay. Nền kinh tế Việt Nam được dự báo đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm nay, mức cao nhất trong khu vực.

Báo cáo kỳ vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ ở Việt Nam và hoạt động sản xuất sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý trong khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể giúp Việt Nam tạm thời hưởng lợi, Việt Nam vẫn chịu rủi ro cao khi kinh tế Trung Quốc chậm lại.

Báo cáo dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm tốc và rơi về mức 6,1% trong năm 2020.

Ông Mark Billington cho biết căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang trở lại giữa lúc tăng trưởng xuất khẩu khắp khu vực Đông Nam Á đang đối mặt với môi trường khó khăn bên ngoài.

Sian Fenner, cố vấn kinh tế của ICAEW và nhà kinh tế châu Á của Oxford Economics, nói: “Chúng tôi dự báo xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế nói chung của Đông Nam Á tiếp tục chịu áp lực hơn nữa do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, ít có khả năng hạ nhiệt sớm”.

Theo Today, Straits Times - Chánh Tài

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness