Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quí 1-2023 so với cùng kỳ ước tính tăng 3,32%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quí 1-2020 xét trong giai đoạn 13 năm gần đây.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng tổng giá trị tăng thêm (Gross Value added – GVA) của nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Một số ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện nước có mức tăng trưởng âm (tương ứng là -0,1% và -0,01%).
Như vậy, tăng trưởng của quí 1-2023 dường như nhờ vào khu vực dịch vụ (do cơ cấu khu vực dịch vụ chiếm đến 43,65% trong tổng GDP) và phần nào là khu vực nông, lâm, thủy sản (cơ cấu khu vực này chỉ chiếm 11,66% trong tổng GDP).
Khu vực công nghiệp và xây dựng có mức độ lan tỏa đến giá trị gia tăng của nền kinh tế rất thấp so với khu vực nông, lâm, thủy sản và khu vực dịch vụ, do sản xuất của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cơ bản là gia công, nhưng tỷ trọng trong GDP lại khá cao (35,47% GDP) cũng là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP quí 1 tăng trưởng thấp.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Ảnh: T.L
Khu vực dịch vụ trong quí 1-2023 tăng trưởng cao thực chất là do nền của quí 1-2022 thấp khi chỉ tăng 4,52% so với cùng kỳ năm 2021. Những ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng về giá trị tăng thêm so với cùng kỳ năm trước cao như lưu trú và ăn uống tăng 25,98%, ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%, ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%…
Về phía cầu cuối cùng, tăng trưởng của tiêu dùng cuối cùng quí 1-2023 chỉ là 3,06%, thấp hơn cả quí 1-2022 (4,86%) và các năm bị dịch Covid-19 trước đó. Tiêu dùng cuối cùng trong nước không tăng nhiều nhưng xuất khẩu dịch vụ tăng rất cao, điều này phần nào lý giải việc tiêu dùng cuối cùng của dân cư không tăng nhiều nhưng giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ (từ phía cung) như dịch vụ lưu trú, ăn uống, thương mại… tăng rất ấn tượng.
Tích lũy tài sản cố định hầu như không tăng. Tích lũy tài sản lưu động giảm 2,94%, phần nào phản ánh đúng thực trạng các doanh nghiệp hiện nay trong trạng thái rất suy kiệt; không mở rộng sản xuất mà phải bán nguyên vật liệu để thu hồi vốn hoặc hầu như chỉ sản xuất cầm chừng, phá sản hoặc sắp phá sản. Bên cạnh đó, xuất, nhập khẩu hàng hóa của quí 1-2023 cũng giảm rất sâu tương ứng là -12,35% và -11,23%.
Chỉ số giá GDP (GDP deflector) và chỉ số giá CPI so với cùng kỳ năm trước tương ứng là 3,4% và 4,2%. Nếu tăng trưởng không hồi phục, suy thoái kinh tế có thể đến, chỉ số giá GDP và chỉ số CPI còn có thể giảm nữa và có thể dẫn đến thiểu phát.
Cùng với các chỉ số vĩ mô ở trên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 60.200 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quí 1-2023 cũng cho thấy số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn thấp hơn nhiều so với các quí năm 2022 (chỉ có 24,3%).
Đây là những chỉ dấu cho thấy doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế đang thực sự trong tình trạng rất khó khăn. Để doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế dần phục hồi, lãi suất ngân hàng cần được tiếp tục giảm, nhanh chóng giải ngân đầu tư công và giảm thuế, phí.
Bùi Trinh - Theo TheSaigonTimes