Có được một dòng sông chảy qua là một điều may mắn cho vùng, cho người dân sinh sống ở nơi đó...
Dưới đây là toàn văn bài viết của GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân: SÔNG TIỀN TỪ CÙ LAO LONG KHÁNH ĐẾN CÙ LAO TÂY
Tóm tắt. Từ Vĩnh Xương qua Tân Châu đến Hồng Ngự, sông Tiền cho thấy sức sống mạnh mẽ của nó và những vấn đề đặt ra cho quản lý nhà nước để khai thác đoạn sông vì sự phát triển bền vững của hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp, và về phía hạ du [2]. Cũng không ngoài mục đích trên, bài viết này khảo sát đoạn sông Tiền kế tiếp, từ cuối Cù lao Long Khánh đến cuối Cù Lao Tây, một đoạn sông cũng rất biến động và gánh vác một nhiệm vụ kép: chuyển nước từ sông Tiền sang sông Hậu và tiếp tục nuôi dưỡng các nhánh sông ở hạ du.
1. Tuyến sông Tiền từ Cù lao Long Khánh đến ngã ba Chợ Vàm
Hai nhánh Bắc, Nam của sông Tiền sau khi chảy quanh Cù lao Long Khánh hợp nhất lại rồi xuôi về hạ du.
Đến ngã ba Chợ Vàm, nơi sông Cái Vừng trổ trở ra sông Tiền, đầu Cù lao Tây lại chia sông này ra hai nhánh Đông và Tây, chảy quanh Cù lao Tây.
Từ số liệu có được từ tỉnh Đồng Tháp, do Viện Kỹ thuật Biển đo đạc, Bảng 1 cung cấp một số thông tin về hai nhánh sông Tiền, Bắc và Nam Cù lao Long Khánh, khi chúng đi vào hợp nhất tại mặt cắt An Bình 01 với tư thế như sau.
Nhánh Bắc đi từ một địa bàn bể ngang sông hẹp (444 mét) rộng dần ra (861 mét), đáy sông từ sâu (-31.2 mét) cao dần lên (-6.5 mét) trước khi đổ về mặt cắt AB 01 hẹp hơn (810 mét) nhưng sâu hơn (-30.4 mét).
Nhánh Nam đi từ một địa bàn bể ngang sông hẹp (710 mét) mở rộng ra rồi hẹp lại, đáy từ sâu (-22.1 mét) cạn dần đến (-11.9 mét) trước khi đổ vào mặt cắt AB 01.
Bồi lở dọc hai bờ tuyến sông.
Trên Hình 1, hình chập hai ảnh vệ tinh Landsat 5 ngày 26/01/1979 và Landsat 8 ngày 07/02/2020, chỉ ra trong 41 năm, các địa bàn được bồi nằm dọc phía Nam xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, bên hữu ngạn sông Tiền, ở Chợ Vàm, Huyện Phú Tân, An Giang, và dọc xã An Hòa, bên tả ngạn.
Các địa bàn bị lở nằm dọc theo bờ xã An Bình và ở đầu Cù Lao Tây.
Các Hình 2 (a, b, c) nhìn cận cảnh bồi và lở trong 12 năm gần đây, từ 01/02/2007 đến 03/02/2019. Doi đất nhô ra cuối xã An Bình, đầu xã An Hòa trong Hình 2a (vị trí *4, *5 Hình 2c) hầu như chỉ còn phần cuối ở đầu xã An Hòa. Vị trí *7 đầu Cù Lao Tây cũng đã không còn. Ngược lại, dọc theo bờ sông xã Phú Thuận B và xã An Hòa đã được bồi trong thời gian này. Bề ngang sông Tiền bị bóp hẹp trước khi bung rộng ra ở đầu Cù lao Tây. Hình 2d.
Tuyến sông là địa bàn khai thác cát sôi động từ nhiều năm
Các Hình 3 (a, b, c) được trích ra từ ảnh vệ tinh Google Earth ngày 13/11/2020 vào mùa lũ, cho thấy trên đoạn sông chi chít những phương tiện khai thác và chuyên chở cát. Việc khai thác cát tập trung vào các địa bàn được bồi dọc xã Phú Thuận B, ở đầu Cù lao Tây nơi đang bị sạt lở. và thậm chí còn đi sâu vào sông Cái Vừng.
Việc khai thác cát trên tuyến sông không phải mới diễn ra gần đây mà đã rất sôi động và quy mô, từ khi cát sông trở thành mặt hàng rất có giá trên thị trường để phục vụ cho xây dựng không chỉ tại đồng bằng, với những tác hại dây chuyền và liên hoàn lên dòng chảy, lên sạt lở, lên truyền triều vào sâu trong châu thổ.
2. Cù lao Tây và sông Tiền
Đầu Cù lao Tây chia sông Tiền ra hai nhánh Đông và Tây chảy hai bên Cù lao (mà về mặt hành chính thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp).
Các Hình 4(a, b, c) là ảnh vệ tinh Landsat chụp Cù lao Tây lần lượt vào các thời điểm 26/01/1979 (mùa khô), 14/11/1994 (mùa lũ), và ngày 07/02/2020 (mùa khô).
Hình 4b cho thấy địa hình khá trũng ở giữa cù lao. ngập sâu hơn cả bên bờ trái nhánh Đông và bên bờ phải nhánh Tây (huyện Phú Tân, An Giang). Năm này chỉ có các đê ven sông là không bị ngập chìm trong lũ.
Hình 4d là hình chập hai ảnh vệ tinh trong 4a và 4c. Ở vị trí *1, bề ngang sông Tiền bị thu hẹp trước khi tỏa rộng ra và chia ra hai nhánh Đông, Tây. Ở vị trí *2, đầu Cù lao bị bào mòn, được hiển thị tại hai thời điểm trung gian 2007, 2014 (Hình 5).
Sông Tiền phân nhánh nhưng tại tọa độ nào thì không xác định được bởi lẽ đầu Cù lao Tây liên tục bị đẩy lùi.
Hình 5a là ảnh vệ tinh Google Earth GE 2007/02/01 (tháng 2, mùa khô). Hình 5b là ảnh vệ tinh GE 2014/11/21 (tháng 11, mùa lũ). Hình 5c là ảnh vệ tinh GE 2020/11/13 (tháng 11, mùa lũ). Hình 5d (chập (5b) lên (5a)) và Hình 5e (chập (5c) lên (5a) chỉ ra vùng đầu cù lao đã bị bào mòn và vùng Chợ Vàm đã được bồi trong hai thời đoạn 7 năm 10 tháng, và 13 năm 10 tháng.
Nhánh Đông sông Tiền
Hnh 6a, trích từ Hình 4d chỉ ra rằng bờ phải của nhánh Đông bị bào mòn từ đầu Cù lao, qua xã Tân Quới, Tân Bình đến Tân Long. Đầu vào của nhánh Đông năm 2020 có dạng phễu mà mặt cắt hẹp nhất ở ngay sau Kênh An Long (Hình 6b).
Hình 6b cung cấp số liệu, đo đạc tháng 1/2019, về bề rộng và đáy sâu nhất của 23 mặt cắt từ AL 01, xã An Long, đến AP 23, xã An Phong. Có những nơi diễn biến độ sâu nhất của mặt cắt không tương ứng với diễn biến về bề rộng của sông theo quy luật của dòng chảy.
Nhánh Tây sông Tiền
So với nhánh Đông, nhánh Tây diễn biến mạnh mẽ hơn nhiều. Nếu mỗi đê ven sông là biểu hiện dấu vết của bờ của nhánh sông thì Hình 7a minh chứng sự biến động mạnh mẽ này. Mặt khác Hình 7a cũng cho thấy bờ trái nhánh Tây có diện tích không bị ngập lũ cao hơn bờ phải và hai bờ của nhánh Đông.
Bờ phải của nhánh Tây bị sạt lở ở xã Phú An (Hình 4d vị trí *3) trong khi bên bờ trái xã Tân Hòa được bồi rất nhanh (Hình 4d vị trí *4). Điều này dẫn đến bề ngang của nhánh Tây bị thu hẹp.
Bên nhánh Tây chỉ có số liệu hai mặt cắt ∃T5 tại Phú an và ∃T6 tại Phú Mỹ từ năm 2016 đến 2019 (Hình 7c), và địa hình đáy sông Tiền nhánh Tây, đo năm 2009, trên nền Google Earth, Hình 7b [3].
Diễn biến phía Nam Cù lao Tây
Khảo sát diễn biến phía Nam Cù lao Tây là để trả lời câu hỏi: Hai nhánh sông Tiền Đông và Tây có tái hợp hay không và như thế nào, vì có liên quan đến việc chuyển nước từ sông Tiền sang sông Hậu và lượng nước chảy về Cao Lãnh và Mỹ Thuận.
Hình 8 nhìn cận cảnh phần phía Nam Cù lao Tây, các xã Tân Huề và Tân Long. Đối diện về phía Nam là các xã Kiến An và Long Điền Đông A của huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
![Sông Tiền từ Cù lao Long Khánh đến Cù lao Tây Song Tien tu Cu lao Long Khanh den Cu lao Tay](https://st.baodatviet.vn/staticFile/Subject/2021/02/18/302119/9_182039190.png) |
Ở vị trí (*1) xã Tân Huề được bồi. Tương tự với xã Tân Long ở các vị trí (*3, *4). Ở vị trí (*2) bị lở trong khi ở vị trí (*5) được bồi. |
Quá trình bồi lở này làm cho bề rộng dòng chảy phân cách một bên là các xã Tân Huề - Tân Long (Đồng Tháp) và một bên là các xã Kiến An – Long Điền Đông A (An Giang) ngày càng hẹp lại. Tại (∃T6 Kiến An) mặt cắt có chiều rộng là 160 mét. đáy sâu -9 mét, hẹp hơn và nông hơn mặt cắt (∃T6) tại xã Phú Mỹ (huyện Phú Tân) 660 mét và -12,5 mét, số liệu đo tháng 1/2020.
3. Nhận xét, thảo luận và đề xuất
(1) Trong tương lai, Cù lao Tây sẽ gắn vào Huyện Chợ Mới của An Giang?
Giống như Cù lao Long Khánh, Cù lao Tây phân nhánh sông Tiền, đầu cù lao nhọn và liên tục bị dòng chảy bào mòn và đẩy lùi. Nhưng khác thứ nhất là trong khi nhánh Đông ít thay đổi thì nhánh Tây biến động nhiều. Khác thứ hai là trong khi hai nhánh Bắc và Nam của Cù lao Long Khánh tái hợp, thì đường nước nối liền hai nhánh sông Tiền, Đông và Tây, ngày càng thu hẹp, lượng nước sông Tiền theo nhánh Tây phần lớn được chuyễn cho sông Hậu qua sông Vàm Nao [4] Màu nước trong ảnh vệ tinh Landsat 8 ngày 18/09/2014 (Hình 9) thể hiện thực tế này. Liệu trong tương lai, Cù lao Tây có gắn vào Huyện Chợ Mới của An Giang? Chúng ta sẽ trở lại dưới đây.
(2) Về nguyên nhân tập trung khai thác cát và xã Phú Thuận B được bồi
Bờ hữu ngạn sông Tiền dọc xã Phú Thuận B được bồi (Hình 2d) [5] , các phương tiện khai thác cát tập trung nhiều bên bờ này (Hình 3c, 3d). Ngoài độ cong của dòng sông Tiền áp sát các xã An Bình A, và An Hòa, theo tác giả còn có nguyên nhân cao trình mặt đất bên bờ trái sông Tiền cao hơn bên bờ phải. Hình 10.
![Sông Tiền từ Cù lao Long Khánh đến Cù lao Tây Song Tien tu Cu lao Long Khanh den Cu lao Tay](https://st.baodatviet.vn/staticFile/Subject/2021/02/18/302119/10_182043226.png) |
(3) Bồi lở ở Cù lao Tây trong 10 năm 2005 – 2015 |
Từ số liệu của Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp, diện tích của 5 xã thuộc Cù lao Tây được trình bày trong Bảng 2. Đúng như Hình 4d đã chỉ ra, diện tích tự nhiên các xã Tân Quới và Tân Bình dọc bờ phải nhánh Đông giảm. Ba xã còn lại ở bờ trái và Nam Cù lao diện tích tăng.
Trong 10 năm dọc nhánh Đông tổng diện tích giảm là -1,15 km2, dọc nhánh Tây và Nam tổng điện tích tăng là 2,16 km2 Cù lao. Tổng toàn Cù lao tăng 1,01 km2.
(4) Địa hình, lực đẩy của sông Tiền, sức hút của sông Hậu tạo nên dòng chảy và bồi lở trên nhánh Tây
Ảnh vệ tinh Landsat 5 chụp ngày 14/11/1994 có ưu điểm là làm rõ các đê ven sông của cù lao vào mùa nước nổi, qua đó phản ánh quá trình phát triển của Cù lao (Hình 7a1). Phân tích nhánh Tây có mấy nhận xét sau đây.
(a) Xem xét kỹ đầu Cù lao Tây, cho thấy đã có thời kỳ nhánh Tây có đầu vào rất rộng; (b) nhánh Tây biến động và bồi nhiều hơn nhánh Đông (xem Bảng 2); (c) ứng với đê ven sông được đánh dấu bằng các mũi tên, đã có lúc nhánh Tây tái hợp với nhánh Đông; (d) Trầm tích theo dòng chảy nhánh Tây đã bồi lắng tạo nên ngã ba Phú Mỹ, Tân Huề và Kiến An ngày nay.
Trong nhiều nguyên nhân, theo tác giả có hai, khiến việc tái hợp hai nhánh dần dần mất đi. Một là thế đất bên tả ngạn sông Tiền (như đã đề cập trên đây). Hai là cùng với thế đất, lực đẩy của sông Tiền cộng với sức hút của sông Hậu thông qua sông Vàm Nao đã đầy dòng chảy và trầm tích về phía Nam dọc theo nhánh Tây.
Hiểu theo phân tích này có thể dự báo trong tương lai Cù lao Tây sẽ không còn là cù lao nữa vì nó sẽ gắn vào huyện Chợ Mới của An Giang, và khi đó lượng nước từ sông Tiền chuyển sang sông Hậu sẽ không chuyển trở lại cho sông Tiền nhánh Đông.
(5) Địa bàn Cù lao Tây là một phép thử đối với việc liên kết giữa hai tỉnh
Địa bàn khảo sát của bài này, Cù lao Tây nằm giữa An Giang và Đồng Tháp, còn là một phép thử đối với sự phối hợp, liên kết giữa hai tỉnh trong việc quản lý sông Tiền vì sự phát triển bền vững của hai tỉnh và của đồng bằng sông Cửu long.
Khảo sát sông Tiền từ Vĩnh Xương đến Hồng Ngự và khảo sát lần này cho thấy:
(a) Cần liên kết, phối hợp với nhau tốt hơn trong quản lý nhà nước sông Tiền. Đây là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội để hai tỉnh vươn lên hiểu rõ dòng sông này, dự báo, đề phòng sạt lở và biết khai thác nó thế nào để cùng phát triển đồng thời có lợi cho hạ du. Sự tư vấn của các viện trường khi đó mới phát huy hiệu quả.
(b) Quan điểm tiếp cận hệ thống, thống nhất các bài toán cần giải quyết và số liệu là những vấn đề quan trọng và cấp bách. Các chuỗi số liệu có nhiều năm rất quý để thấy được diễn biến cho đến hôm nay và dự báo cho sắp tới. Các sở ban ngành cần kiểm kê lại các số liệu đã có thông báo cho nhau và hai tỉnh nên tiến đến một cơ sở dữ liệu dùng chung về sông Tiền.
(6) Quản lý nhà nước về khai thác cát tốt hơn là một nhiệm vụ không thể trì hoãn.
Việc khai thác cát trên sông Tiền trên địa bàn An Giang và Đồng Tháp đến nay đều do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý. Có giấy phép khai thác ghi rõ địa điểm, lượng cát được phép khai thác, …
Trong bài viết “Phòng ngừa sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long và quản lý nhà nước” [6] có đoạn:
“Không biết hàng năm có hay không một báo cáo, ở Trung ương và ở các tỉnh, thống kê bao nhiêu điểm bồi, ở đâu, diện tích bao nhiêu hecta. Cần nhớ rằng đất bồi là tài sản công cần được quy định và quản lý.
Cần được quản lý còn vì đất bồi (ven bờ hay cồn nổi lên giữa sông) làm thay đổi mặt cắt ướt của sông, theo thời gian sẽ thay đổi dòng chảy. Bồi, lở trên một dòng sông luôn đi liền với nhau, là sự thống nhất của hai mặt đối lập. Cần nhận thức điều này sâu sắc để từ đó quản lý đất bồi tốt hơn. Quản lý tốt đất bồi chính là phòng ngừa sạt lở.”
Nhìn cảnh chi chít các phương tiện khai thác và nhộn nhịp các xà lan chở cát đi ở những nơi đang bồi, kể cả ở ngay đầu cù lao nơi vừa bị xói mòn, không thể không đặt ra các câu hỏi: Cơ sở để cấp giấy phép khai thác là gì? Khai thác ở đâu, bao nhiêu, từ khi nào đến khi nào; có theo dõi, kiểm tra và nghiệm thu việc khai thác không; nghiệm thu như thế nào; có theo dõi tác động của việc khai thác và lòng sông “sau khai thác” hay không; và sự phối hợp giữa các Sở có liên quan như thế nào, …
Hỏi thì dễ, trả lời mới khó. Khó nhưng phải làm rõ vì trách nhiệm đối với dòng sông. Một vùng lãnh thổ có được một dòng sông chảy qua là một điều may mắn cho vùng, cho người dân sinh sống ở nơi đó, nhất là khi nó nặng trĩu phù sa và thủy sinh vật. Nhận thức này cần được nhấn mạnh, không thừa, để biết quý trọng dòng sông, giữ gìn và tôn tạo để nó có thể đóng góp cho sự phát triển bền vững của vùng lãnh thổ, đặc biệt là khi các đập thủy điện ở thượng nguồn đang đe dọa sự tồn tại của nó.
CHÚ THÍCH:
[1] Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước (1980-1992), Chủ nhiệm Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990), đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI (1992-2007).
[2] Nguyễn Ngọc Trân, Sông Tiền từ Vĩnh Xương qua Tân Châu đến Hồng Ngự, Đất Việt online, 01/02/2021,
https://datviet.trithuccuocsong.vn/dien-dan-tri-thuc/song-tien-tu-vinh-xuong-qua-tan-chau-den-hong-ngu-3426892
[3] Tư liệu từ Sở Tài nguyên và Môi Trường An Giang.
[4] Nguyễn Ngọc Trân, Về dòng chảy sông Hậu tại ngã ba Vàm Nao, Báo Đất Việt online, ngày 13/11/2020, https://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/ve-dong-chay-song-hau-tai-nga-ba-vam-nao-3422360/
[5] Theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Tháp, diện tích xã Phú Thuận B năm 2005 là 24,14 km2, năm 2015 là 24.17 km2.
[6] Nguyễn Ngọc Trân, Phòng ngừa sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long và quản lý nhà nước, DVO, 15/08/2019, https://datviet.trithuccuocsong.vn/dien-dan-tri-thuc/phong-ngua-sat-lo-o-dbscl-va-quan-ly-nha-nuoc-3385675/
Theo Trí Thức Cuộc Sống