NGẪM 10.5.2023
AI ĐỂ "PHÁT SINH HÀNG NGÀN THỦ TỤC?"
Kinh tế xuống tận đáy, nếu không vực dậy sớm thì không chỉ nhiều doanh nghiệp phải "bán gần hết tài sản với giá bằng 50% giá trị", như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mà "ổn định chính trị - xã hội" cũng đứng trước những đe dọa khôn lường.
Phần lớn tài sản mà các doanh nghiệp phải bán đi không chỉ là bất động sản mà còn là mặt bằng kinh doanh, đặc biệt là hệ thống bán lẻ. Khi người nước ngoài nắm thêm hệ thống bán lẻ thì hàng hóa của họ càng cũng cố thế thượng phong. Sản xuất trong nước lại phải đối đầu với một làn sóng xâm lăng mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết một tác nhân quan trọng khác, tác nhân chính làm suy thoái nền kinh tế: "Các thủ tục đầu tư hiện nay không làm, hoặc mất hai năm mới giải quyết được một vấn đề. Có thủ tục mất một năm, doanh nghiệp không làm gì được. Kinh tế khó khăn nhưng tinh thần giải quyết công việc như vậy". Đặc biệt, ông Dũng thừa nhận, "Hiện nay, thông qua các văn bản của bộ, ngành, địa phương cho thấy đã phát sinh hàng ngàn thủ tục".
Ai phải chịu trách nhiệm về vấn nạn này?
Thời Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ Kế hoạch Đầu tư là nơi canh cửa để ngăn các bộ ban hành các thủ tục. Nay thì Bộ Kế hoạch Đầu tư không những không đóng vai trò này mà cái Luật Quy hoạch của Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng là một trong những thủ phạm đẻ ra rất nhiều thủ tục [hành hạ doanh nghiệp và địa phương], tạo thêm không gian cho tham nhũng.
Hơn ai hết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nên lập ngay một "Task Force", mô hình giản dị như "Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp" thời Bộ trưởng Trần Xuân Giá. "Task Force" này sẽ tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội, "chém" ngay những điều kiện cản trở kinh doanh đang mọc ra như "đầu Phạm Nhan".
Nếu như giải ngân đầu tư công tốt chỉ tạo ra tăng trưởng rất nhất thời, dẹp những điều kiện kinh doanh vô lý này, "GDP" sẽ ngay lập tức tăng mấy % và kinh tế sẽ lấy đà để tăng bền vững.
Trong quý đầu của năm 2023, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ đạt 3,32%, tức là chỉ cao hơn một chút so với thời điểm bùng phát dịch Covid-19, dù Việt Nam hiện đang không chịu bất kỳ cú sốc nào.
Đầu tàu kinh tế TP.HCM ghi nhận mức tăng trưởng 0,7%, trong khi Bắc Ninh, một tỉnh trọng điểm công nghiệp, lần đầu tiên tăng trưởng âm tới 12%, những con số có thể xem là "đáng báo động".
Chuyên gia cảnh báo, những dấu hiệu trên cho thấy "kinh tế Việt Nam có vẻ đang lịm dần". Bởi lẽ, thông thường, đối với một nền kinh tế đang phát triển, khi tăng trưởng dưới 5% có thể xem là dấu hiệu suy thoái.
Năng lực hội nhập, cạnh tranh của Việt Nam còn thấp
Sáng ngày 2/4, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ 2, với chủ đề "Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế". Sự kiện do Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo đại diện cho các Bộ, ngành, cơ quan; các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu cùng 200 doanh nhân tiêu biểu.
Tại diễn đàn lần này, các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận nhằm đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, từ đó rút ra những bài học cần thiết cho chặng đường phát triển mới.
Phát biểu tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực cho biết, vừa qua Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết số 45 về Chương trình hành động của Chính phủ trong phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn mới.
Mục tiêu chương trình là phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam có 1,5 triệu doanh nghiệp; năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp và hình thành, phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Chương trình cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, kinh tế tư nhân đóng góp 55% GDP, đến năm 2030 chiếm 65% GDP nền kinh tế, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Chuyên gia cho rằng, hiện năng lực hội nhập và cạnh tranh kinh tế quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở mức thấp.
"Doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu là gia công, nhập khẩu để sản xuất, gia công rồi xuất khẩu - liên kết ngược. Năng lực quản trị của doanh nghiệp Việt hiện thấp nhất khu vực ASEAN. Đặc biệt, kinh tế tư nhân mới chỉ đóng góp khoảng 46% trong GDP, nên trong 2 năm tới để tăng lên 55% là rất thách thức", - ông Lực nhận định.
"Đám sương mù" mà Việt Nam đang gặp phải
Về phần mình, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, trước đây Việt Nam từng đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, đã là năm 2023 nhưng mới chỉ có khoảng 800.000 doanh nghiệp.
Đáng chú ý, trong quý I năm nay, cả nước ghi nhận khoảng 60.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Thậm chí, con số này còn nhiều hơn con số 57.000 doanh nghiệp được thành lập.
"Lần đầu tiên, số lượng doanh nghiệp biến mất lớn hơn số doanh nghiệp thành lập nên mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp ngày càng xa vời. Trong 2 năm tới mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp càng khó khăn hơn, thiếu thực tế", - ông Ánh cảnh báo.
Vị chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam đang gặp phải “đám sương mù" với nhiều hiện tượng lạ. Trong quý đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,32%, tức chỉ cao hơn thời điểm bùng phát dịch Covid-19 (khoảng 3,21%) một chút.
Đặc biệt, khu vực công nghiệp, xây dựng ghi nhận tình trạng tăng trưởng âm; xuất khẩu suy giảm. Đầu tàu kinh tế TP.HCM tăng trưởng 0,7%, trong khi tỉnh trọng điểm công nghiệp như Bắc Ninh lần đầu tiên âm tới 12%, những con số có thể xem là “đáng báo động”.
"Đây là những dấu hiệu cực kỳ đáng lo ngại trong khi hiện Việt Nam không chịu bất kỳ cú sốc nào. Kinh tế Việt Nam có vẻ đang lịm dần. Với nền kinh tế đang phát triển, nếu tăng trưởng dưới 5% có thể xem là dấu hiệu suy thoái", - chuyên gia Vũ Đình Ánh lo ngại.
Theo SputnikNews