Cứ vài hôm lại nghe một nhóm chuyên gia tuyên bố chúng ta sẽ tránh khỏi suy thoái kinh tế, sau đó vài ngày lại nghe một vài chuyên gia khác tuyên bố chúng ta có thể đi vào suy thoái. Nay lại có một vài ý kiến về "suy thoái nhẹ".
Đó là chưa kể quan điểm "hạ cánh cứng", "hạ cánh mềm", "không hạ cánh"...
Sự hỗn loạn trong dự báo kinh tế. Hình ảnh được thực hiện qua Kandinsky 2.1 AI, Đào Trung Thành tạo.
Nàng Mona Lisa cười hay không cười?
Hiệu ứng nụ cười của Mona Lisa đang diễn ra đối với các nhà phân tích vĩ mô. Nhiều bạn làm truyền thông đã bối rối hỏi người viết về tình hình "loạn thuật ngữ" khi nói về tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay.
Hàng loạt thuật ngữ như "hạ cánh cứng", "hạ cánh mềm", "tăng trưởng chậm" (slowdown), "suy thoái" (recession), "suy thoái nhẹ" (mild recession) xuất hiện trên khắp các bài bình luận, phân tích, thậm chí biên bản họp của các ngân hàng trung ương.
Thị trường tài chính thì lật mặt nhanh hơn cả người yêu cũ, khi mà lợi suất trái phiếu và dự đoán về xác suất tăng lãi suất của ngân hàng trung ương cứ vài ngày lại đảo chiều.
Số liệu kinh tế thì mới hôm trước cho thấy lạm phát bắt đầu giảm, ngay hôm sau lại có số liệu công bố cho thấy thị trường việc làm vẫn khá mạnh, nghĩa là khả năng vòng xoáy lương tăng dẫn đến giá tăng vẫn có thể tiếp tục ở Mỹ và một số nền kinh tế châu Âu, dẫn đến lạm phát sẽ có thể tăng lại.
Buổi sáng tôi vừa đọc được là kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao hơn dự đoán - đến 4,5% so với 4% dự kiến, buổi chiều đã nhận được báo cáo Mỹ có thể đi vào "suy thoái nhẹ" trong nửa cuối năm nay và tăng trưởng có thể âm tới 1%.
Không chỉ có thế, làm việc với chuyên gia đang chạy mô hình dự báo kinh tế, tôi càng hiểu rõ tình thế khó khăn của việc đưa ra đánh giá tình hình chung hiện nay.
Độ biến động của các nhân tố đầu vào hiện nay vô cùng cao, ví dụ số liệu về niềm tin tiêu dùng, chi tiêu đầu tư có thể đang có độ biến động cao hơn bình quân dài hạn tới 30 - 40%, nên chỉ cần thử nghiệm các tình huống bi quan và lạc quan lệch nhau cao như vậy, bạn dễ dàng có một kết quả tăng trưởng GDP từ dương thành âm, thậm chí là từ dương 1% thành âm gần 1%.
Dạng các tình huống nhận được các đồ thị kiểu "may thì mình tăng trưởng 1%", "không may thì mình bị âm 1%" như vậy hiện rất phổ biến.
Độ biến động cao dẫn đến các kịch bản kinh tế về tăng trưởng khác nhau một trời một vực, chung quy vì chúng ta ở quá gần mức tăng trưởng 0% mà ra.
Dự báo mới nhất của IMF nói rằng khu vực các nước phát triển chỉ còn tăng trưởng 1,3% trong năm 2023, chưa bằng một nửa mức tăng trưởng của năm ngoái, với rất nhiều nền kinh tế tăng trưởng chỉ hơn 0% một chút. Vậy thì từ đó mà chuyển sang âm cũng dễ lắm.
Bởi thế mà ngày nay bạn đọc báo cứ vài hôm lại nghe một nhóm chuyên gia tuyên bố chúng ta sẽ tránh khỏi suy thoái kinh tế, rồi sau đó vài ngày lại nghe một vài chuyên gia khác tuyên bố chúng ta có thể đi vào suy thoái.
Nay lại có một vài ý kiến về "suy thoái nhẹ". Đó là chưa kể quan điểm "hạ cánh cứng", "hạ cánh mềm", "không hạ cánh" (hiểu nôm na là kinh tế rất khó khăn, chỉ khó khăn nhẹ, hoặc vẫn tăng trưởng tốt).
Những câu hỏi thiết thực
Với tôi và nhiều bạn bè làm phân tích thị trường, đưa ra đề xuất đầu tư hay hành động cho các tổ chức, chúng tôi không quan tâm nhiều lắm với những thuật ngữ như vậy mà quan tâm cụ thể: Nếu kịch bản xảy ra xấu, ta có thể làm gì, nếu tốt thì đâu là cơ hội?
Có ba vấn đề chủ chốt cần quan tâm lúc này.
Thứ nhất, liệu lãi suất toàn cầu sẽ tăng đến bao nhiêu và giữ ở mức bao lâu? Điều này đặc biệt quan trọng. Trong tuần này, Ngân hàng Trung ương Canada đã khẳng định lại quan điểm cần giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn (higher for longer).
Quan điểm này cũng giống quan điểm của lãnh đạo Ngân hàng JP Morgan và công ty quản lý quỹ hàng đầu thế giới BlackRock. Nhiều quan chức tham gia quyết định lãi suất Mỹ cũng có cùng quan điểm. Nhưng quan trọng là "dài hơn" là bao lâu thì không ai nói rõ!
Một điểm khác cũng đáng chú ý là quan điểm lãi suất Mỹ có thể cần phải tăng đến 6% lại được một số người nhắc lại.
Tuy tôi không nghĩ Fed có thể tăng lãi suất đến mức cao như vậy, nhưng giờ khả năng Fed phải tăng lãi suất lên 5,5% là có thể xảy ra, và mức lãi suất đó có thể duy trì hết năm 2023. Lãi suất cần phải cao như vậy và giữ lâu như vậy là điều mà cách đây mấy tháng không ai nghĩ tới.
Lãi suất Fed nếu đạt 5,5% và duy trì đến hết 2023 sẽ tạo ra sức ép rất lớn lên thị trường trái phiếu Mỹ và các nước khác. Nhiều ngân hàng sẽ phải tiếp tục trong trạng thái "gồng lỗ" danh mục đầu tư trái phiếu của Mỹ.
Lãi suất cho vay mua nhà vẫn sẽ cao, lãi suất cho vay mới với các khoản vay đáo hạn có thể tăng lên từ 1,5 - 2 lần với các doanh nghiệp. Lãi suất thả nổi với một số khoản vay mua nhà và mua cao ốc văn phòng cũng sẽ duy trì ở mức cao một thời gian dài nữa.
Các quỹ đầu cơ (hedge funds) và quỹ đầu tư tư nhân (private equity) vay tiền để thực hiện các "phi vụ" đầu tư rủi ro cao cũng đứng trước nguy cơ phải "gồng". Rồi còn các khoản nợ của các quốc gia kém phát triển nữa.
Thứ hai, đồng USD liệu có còn mất giá? Từ đầu năm tới nay, đồng USD đã mất giá so với nhiều đồng tiền chính trên thế giới, góp phần không nhỏ giảm bớt áp lực cho nhóm thị trường mới nổi.
Một phần nó xuất phát từ dự đoán rằng chu kỳ tăng lãi suất của USD đã sắp kết thúc, một số nhà phân tích còn dự đoán Fed phải cắt lãi suất ngay trong năm nay.
Tuy nhiên, với những số liệu cho thấy lạm phát Mỹ vẫn đang rất "cứng đầu", đặc biệt là chỉ số lạm phát lõi, khả năng lãi suất chạm đỉnh đâu đó trên 5% rồi đi ngang suốt 2023 là không nhỏ như đã nói ở trên.
Trong tình huống đó, không loại trừ khả năng đồng USD sẽ quật khởi và tăng giá trở lại. Xác suất cho tình huống USD tiếp tục mất giá hoặc bật trở lại hiện tại là 50 - 50, và chỉ số USD đang ở ngưỡng hỗ trợ quan trọng, hoặc là bật lại, hoặc là "gãy" luôn xuống.
Thị trường tài chính hiện tại đang bình ổn một cách "bất thường" là nhận xét của một đàn anh nhiều kinh nghiệm của người viết. Anh đang hàm ý một sự bình lặng trước một đợt biến động lớn, không rõ theo chiều tích cực hay tiêu cực.
Thứ ba, vậy liệu những nền kinh tế đang phát triển, nhất là Việt Nam, sẽ chống chọi ra sao? Đầu tiên, nhóm này, đặc biệt là ở châu Á, sẽ vẫn tăng trưởng dẫn đầu thế giới mặc dù sẽ không bằng so với chính mình mấy năm trước dịch.
Tăng trưởng của Trung Quốc, dẫu tốt hơn dự đoán, chỉ bằng một nửa so với xu thế trước COVID-19. Xu thế cạnh tranh hơn là hợp tác giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước đồng minh đang thể hiện ngày một rõ. Vì vậy những lợi ích do toàn cầu hóa, thương mại toàn cầu sẽ dần giảm.
Điều này không có lợi cho các nền kinh tế đang phát triển nói chung khi mà sản xuất của một số nước phát triển chạy về các quốc gia bạn bè (friendshoring), chứ không chạy về nơi sản xuất hiệu quả và rẻ nhất nữa. Trong bối cảnh ấy, rất cần một chính sách ngoại giao khôn ngoan để giúp một quốc gia trở thành miếng đệm cho cả hai phe.
Khóc cười tùy tâm
Đó là về xu thế thương mại quốc tế nói chung. Chính sách nội địa cũng quan trọng không kém để chống chọi với rủi ro hạ cánh cứng của kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhờ nhiều nguyên nhân - bao gồm bỏ qua chính sách Zero Covid, giảm siết chặt khu vực bất động sản và tài chính, bớt kìm kẹp khu vực kinh tế tư nhân, nhất là công ty công nghệ, đặc biệt là nới lỏng chính sách tiền tệ.
Không thể bỏ qua nhân tố là tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc từ cuối 2022 tới nay khá mạnh (tùy thước đo và ước tính mà có số liệu khác nhau, nhưng đa số thước đo đều tăng trưởng ở mức hai con số).
Trong khi đó, ước tính quý 1-2023 tín dụng Việt Nam chỉ tăng hơn 2%. Đây là một sự khác biệt rất đáng chú ý.
Chúng ta sẽ không thể chống chọi với rủi ro suy thoái hay hạ cánh cứng với tăng trưởng tín dụng 2% và chi tiêu công quá chậm. Hết quý 1-2023, có 30 bộ và cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn đầu tư công.
Vì vậy, với câu hỏi "Việt Nam suy thoái hay không suy thoái, và làm sao để đương đầu với khó khăn từ bên ngoài?", chỉ có thể nói là "khóc cười tùy tâm". Ta chắc chắn sẽ không tăng trưởng âm cho cả năm, về kỹ thuật là không suy thoái, nhưng như vậy đáng mừng hay không thì tùy góc nhìn.
Giống như nhìn vào bức tranh nàng Mona Lisa, nụ cười của nàng biến hóa theo từng góc nhìn và tâm trạng. Người diễn dịch số thống kê mà lạc quan thì luôn nhìn thấy nụ cười, nhưng một nhà phân tích kinh tế khắt khe thì có thể không đồng ý.■
HỒ QUỐC TUẤN (GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC BRISTOL, ANH) - Theo Tuổi Trẻ