Nhà đầu tư tiếp tục chứng kiến một "thứ 2 đen tối" khi thị trường sập sâu 43 điểm về mốc 1.452 điểm – mức giảm mạnh nhất trong 5 tháng qua. Hiện tượng "vỡ bong bóng" cổ phiếu đầu cơ đã khiến các blue-chips bị "vạ lây", hơn 185 mã giảm sàn trong khi sàn HoSE có đến 125 mã nằm sàn.
Có thể thấy, hiện tượng giải chấp tài khoản xuất hiện ở nhiều công ty chứng khoán đã châm ngòi cho đà bán tống bán tháo lan toả trên diện rộng. Tâm lý bi quan trùm lên toàn bộ thị trường với sắc đỏ cùng màu xanh lơ u ám phủ bóng lên toàn bộ các nhóm ngành.
Áp lực bán tháo mạnh mẽ ở nhóm cổ phiếu bất động sản không có gì lạ, song nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng bất ngờ lao dốc trong sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư, hàng loạt mã giảm sâu, thậm chí nằm sàn la liệt. Nhóm này đang bị điều chỉnh lại kỳ vọng, nhất là khi gắn với hoạt động margin ở nhiều cổ phiếu đầu cơ nóng thời gian qua
Bàn về đà giảm sốc của thị trường trong phiên vừa qua, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng có hai nguyên nhân chính:
Thứ nhất, những thông tin tiêu cực đã kích hoạt tâm lý hoảng loạn của nhiều nhà đầu tư. Thông thường, nhà đầu tư thường có tâm lý rút tiền về trước khi nghỉ Tết Nguyên Đán để bảo toàn tài sản. Do đó, những thông tin "đầy sóng gió" đến từ họ cổ phiếu FLC hay thông tin bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh lại càng khiến nhà đầu tư có lý do để bán. Qua quan sát có thể thấy, những thông tin này khiến tâm lý nhà đầu tư thất vọng, cộng thêm hiệu ứng domino đã dẫn đến áp lực bán tống bán tháo bung ra mạnh mẽ.
Thứ hai, việc mất thanh khoản của dòng đầu cơ khiến các nhóm ngành khác bị ảnh hưởng. Theo đó, một phần các cổ phiếu cơ bản bị bán do ảnh hưởng bởi hoạt động giải chấp margin ở các tài khoản căng margin khi các cổ phiếu đầu cơ giảm sâu mất thanh khoản. Cụ thể, khi các công ty chứng khoán hoặc các tổ chức không bán được những cổ phiếu nằm sàn hàng loạt thì việc giải chấp hoặc bán chủ động sẽ là ở các mã khác trong danh mục nhằm mục đích thu hồi vốn.
Bên cạnh đó, có thể thấy ngành bất động sản là nhóm "lên ngôi" giúp duy trì đà tăng cho thị trường trong suốt thời gian dài. Do đó, khi nhóm này sụp đổ, tâm lý nhà đầu tư nhanh chóng chuyển biến xấu khi chưa nhìn thấy dòng dẫn dắt mới.
Thứ ba, nhóm chứng khoán - một trong những nhóm "trụ" của thị trường cũng diễn biến tiêu cực. Lý giải về nguyên nhân giảm mạnh của nhóm cổ phiếu chứng khoán, vị chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính đến từ việc phát hành của các công ty chứng khoán. Cụ thể, trong quý 1/2022 các công ty sẽ thực hiện phát hành và tăng vốn mạnh tạo áp lực cung lớn trên thị trường. Soi chiếu từ thực tế trong 2 năm vừa qua, "con sóng" của nhóm cổ phiếu thường kết thúc bằng đợt phát hành hoặc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu lớn. Đến thời điểm cận kề tăng vốn, nhóm cổ phiếu chứng khoán có xu hướng đi ngang hoặc giảm nhẹ cho thấy nhà đầu tư đã có tâm lý lo ngại từ trước đó.
Bên cạnh đó, hiệu ứng domino bán tháo mạnh đến từ những lo ngại về tình hình kinh doanh của các công ty chứng khoán khi thị trường biến động mạnh. Cụ thể, ba nguồn thu chính của công ty chứng khoán là doanh thu từ tiền môi giới, doanh thu tự danh và hoạt động cho vay margin đều gặp rủi ro lớn khi thị trường chung lao dốc.
Theo vị chuyên gia, cộng hưởng những yếu tố này là nguyên nhân khiến thị trường sập sâu trong phiên hôm nay.
Bàn về diễn biến thị trường trong thời gian tới, vị chuyên gia cho rằng kịch bản tiếp theo có thể sẽ giảm nhẹ, nhưng đà giảm không kéo dài và thị trường có thể cân bằng lại tại vùng 1.449 điểm. Tuy lực cầu bắt đáy có thể quay lại, nhưng không có nghĩa rủi ro đã kết thúc.
Do đó, nếu nhà đầu tư muốn tìm nhóm cổ phiếu "trú ẩn" thì nên tìm đến những dòng cổ phiếu Bluechips đã được chiết khấu mạnh, không nên cố "bắt đáy" những dòng đầu cơ đã tăng quá nóng. Riêng nhóm chứng khoán, vị chuyên gia cho rằng xu hướng giảm có thể vẫn sẽ tiếp tục và rủi ro vẫn rất cao.
Minh Minh - Theo Trí thức trẻ