Nguồn: Chính phủ Nhật Bản - Dữ liệu: Duy Linh - Đồ họa; T.ĐẠT
Ngày 20-3, ông Kishida đã đến Ấn Độ, nơi ông công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Nhật Bản. Vài ngày trước đó, ông đã có cuộc gặp nhằm khép lại các bất đồng lịch sử với Hàn Quốc.
Tập trung Ấn Độ, ASEAN
Những động thái của ông Kishida không chỉ nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào tháng 5 tới tại Hiroshima mà còn đặt viên đá nền tảng cho di sản nhiều năm tới.
"Tăng cường quan hệ đối tác này không chỉ quan trọng đối với hai nước chúng ta mà còn thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Kishida tại New Delhi ngày 20-3.
Ở chiều ngược lại, ông Kishida khẳng định Ấn Độ là "đối tác không thể thiếu của Nhật Bản trong việc hiện thực hóa tự do và an ninh khu vực" thông qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chuyến đi của ông Kishida tới Ấn Độ diễn ra vài tuần sau khi Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa không đến cuộc họp ngoại trưởng G20 hồi đầu tháng này tại New Delhi. Sự vắng mặt của ông Hayashi đã gây ra phản ứng dữ dội từ truyền thông Ấn Độ, với một số cho rằng điều đó có thể phủ bóng đen lên quan hệ song phương.
Do đó, trước thềm chuyến thăm Ấn Độ của ông Kishida, Tokyo đã phát đi các thông điệp nhấn mạnh chuyến thăm đánh dấu cái bắt tay giữa nước chủ nhà G20 với nước chủ nhà G7.
Tầm nhìn của Nhật Bản, trên thực tế, vượt ra ngoài hai hội nghị ấy. Ấn Độ, một thành viên của bộ tứ kim cương QUAD - khuôn khổ an ninh bốn bên gồm: Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Úc - đã nổi lên như một thành viên chủ chốt của "phía Nam toàn cầu" (Global South).
Đây là một thuật ngữ chỉ chung các quốc gia đang phát triển và kém phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin. Thuật ngữ này gần đây đã được sử dụng thay cho "thế giới thứ ba", dùng để chỉ các quốc gia không đứng về phía nào trong chiến tranh lạnh.
Giữa tuần trước, Nhật Bản đã công bố sách trắng về "phía Nam toàn cầu", trong đó khẳng định Tokyo sẽ ưu tiên phát triển quan hệ và hỗ trợ những nước này. Các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vốn là một phần trong khu vực này, sẽ nhận được nhiều thiết bị phi quân sự và sự hỗ trợ cơ sở hạ tầng từ Tokyo, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Gắn kết bằng "sự đồng điệu"
Ấn Độ đã xác định họ sẽ là tiếng nói đi đầu của các nước "phía Nam toàn cầu" và xem đây là một trụ cột trong chương trình nghị sự của năm chủ tịch G20. Vào tháng 1 năm nay, New Delhi đã tổ chức một hội nghị quy tụ đại diện của hơn 120 nước "phía Nam toàn cầu".
Trong đó Thủ tướng Modi khẳng định phần lớn những thách thức hiện nay của các nước này lại không phải do chính họ tạo ra. Ông nhấn mạnh với 3/4 dân số toàn cầu, các quốc gia này phải có tiếng nói tương đương và được tính đến trong việc tìm ra các giải pháp cho khủng hoảng.
Việc Nhật Bản đẩy mạnh chính sách "phía Nam toàn cầu" vào thời điểm hiện tại cho thấy Tokyo đang tìm kiếm "sự đồng điệu" với các nước như Ấn Độ và ASEAN thông qua chia sẻ lợi ích và tầm nhìn chung.
Phó giáo sư Ryo Sahashi (Đại học Tokyo) nhận định Nhật Bản sẽ cố gắng cho thấy họ tiếp cận vấn đề khác với châu Âu, Mỹ và tìm cách kéo các nước từng chút về phía mình bằng "sự đồng điệu" thay vì ép buộc.
Những động thái hiện tại của Tokyo cũng phản ánh nỗ lực tạo dấu ấn cá nhân của Thủ tướng Kishida, hướng tới việc tạo dựng được một di sản sẽ định hình chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong nhiều năm tới.
Nhật Bản đã có hàng chục năm theo đuổi chính sách "ngoại giao toàn cảnh" hay "ngoại giao đa hướng" và ông Kishida đã kế thừa điều đó, nâng thành "ngoại giao chủ nghĩa hiện thực cho một kỷ nguyên mới".
Định hướng tổng thể vẫn không thay đổi, song Nhật Bản dưới thời ông Kishida đang theo một cách tiếp cận mới khi tập trung vào một số nước và nhóm nước có vai trò nổi bật thay vì cả khu vực rộng lớn.
Trong bối cảnh đã có nhiều nghi ngờ về việc Nhật Bản sẽ trở lại vai trò "người đi sau" thời hậu Abe Shinzo, giới quan sát cho rằng để tạo được sự khác biệt và để lại di sản, Chính phủ của ông Kishida cần phải đề ra thêm nhiều sáng kiến ngoại giao hơn nữa.
Với những gì đang diễn ra, 2023 được cho sẽ là năm tiền đề cho những ý tưởng tiên phong của Nhật Bản, giống như cách họ đã làm khi đề ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sử dụng thuật ngữ này trước cả Mỹ vào năm 2016.
Cạnh tranh với Trung Quốc
Mặc dù Trung Quốc vẫn thường được xếp vào nhóm "phía Nam toàn cầu", giới quan sát tin rằng mục tiêu của Tokyo là cạnh tranh ảnh hưởng với Bắc Kinh tại khu vực này hơn là hỗ trợ.
Sự cạnh tranh sẽ được thể hiện rõ ràng nhất tại ASEAN. Đây là khu vực gần Trung Quốc và có Biển Đông, nơi hơn 40% giao thương hàng hải của Nhật Bản đi qua.
Tokyo vừa trở thành nước đối tác đầu tiên thiết lập đường dây nóng quốc phòng với ASEAN trong tháng này và đang đặt mục tiêu trở thành đối tác chiến lược toàn diện thứ năm của ASEAN sau khi Trung Quốc đã đạt được điều này năm 2021.
DUY LINH - Theo Tuổi Trẻ