Với mục tiêu lợi nhuận hàng đầu, doanh nghiệp FDI sẵn sàng thải loại lao động quá tuổi, thay thế bằng lao động trẻ khỏe, nhanh nhẹn hơn.
Đại dịch Covid-19 khiến thị trường lao động Việt Nam gặp nhiều sóng gió với hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực do mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các lao động tuổi xế chiều. Doanh nghiệp cắt giảm nhân sự khiến họ bị mất việc, đồng thời cũng khó xin được việc mới, bởi ai cũng ngại giới thiệu việc làm cho người lớn tuổi.
Nhìn vào hiện tượng xảy ra phổ biến thời đại dịch, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, Covid-19 chỉ là nhân tố thúc đẩy việc thải loại những lao động giản đơn lớn tuổi diễn ra nhanh hơn mà thôi, lý do chính vẫn nằm ở mối quan hệ giữa cung và cầu lao động ở Việt Nam.
Theo đó, tại Việt Nam, cung lao động vẫn cao, cầu thì có nhưng đa phần nằm ở phía các doanh nghiệp FDI, mà FDI đầu tư ở Việt Nam không phải công nghệ cao nên họ sử dụng rất nhiều lao động.
"Khi doanh nghiệp mở ra, có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động, kể cả lao động giản đơn. Và những lao động này giúp cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo được doanh thu và lợi nhuận. Các lao động ấy rất cần, nhưng khi phát triển đến mức độ nhất định thì theo quy định, lương của họ phải cao lên, chế độ bảo hiểm, đãi ngộ cũng tăng lên trong khi thực chất đó vẫn là lao động giản đơn, trình độ nghiệp vụ, tay về vẫn như cũ, dù có thể có kinh nghiệm hơn một chút nhưng cũng không đáng bao nhiêu.
Vấn đề ở chỗ, doanh nghiệp muốn phát triển, tăng lợi nhuận, trong khi thị trường lao động bên ngoài rất dồi dào, có những tầng lớp lao động trẻ năng động, nhanh nhẹn hơn, sức khỏe bền bỉ hơn. Chính vì vậy, doanh nghiệp sẵn sàng thay thế, thải loại lao động đã quá tuổi.
Họ viện nhiều lý do, như sức khỏe người lao động kém hơn, độ nhanh nhạy không đáp ứng được yêu cầu của dây chuyển sản xuất... để thay thế lao động lớn tuổi bằng lao động trẻ, mặc dù cũng chỉ lao động giản đơn nhưng chắc chắn vẫn tốt hơn lao động quá tuổi. Lao động trẻ sẵn sàng tăng ca, ít bệnh tật và quan trọng là lương của chắc chắn là thấp hơn lao động quá tuổi làm lâu năm", PGS.TS Nguyễn Văn Nam phân tích.
|
Thất nghiệp tuổi xế chiều khiến người lao động khó tìm được việc làm mới. Ảnh minh họa |
Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, Việt Nam không tránh khỏi quá trình này bởi tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI đầu tư ở đâu thì mục tiêu lợi nhuận bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Họ chuyển sang Việt Nam đa phần là công nghệ thấp, nếu không muốn nói là lạc hậu. Chính vì vậy, họ sẵn sàng thay thế, thải loại lao động đã quá tuổi.
"Tất nhiên vẫn có một bộ phận lớn lao động khác làm ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này cũng sử dụng nhiều lao động, nhưng họ không phải lấy lợi nhuận làm mục tiêu sống còn, khi khó khăn, họ sẵn sàng hy sinh một phần lợi nhuận, dung hòa lợi ích các bên để cùng tồn tại.
Nhưng như đã nói, với doanh nghiệp FDI thì không có chuyện ấy. Mục tiêu kinh doanh, lợi nhuận được doanh nghiệp FDI đặt lên hàng đầu. Đại dịch Covid-19 lại gây thêm khó khăn, công việc không ổn định, đơn hàng không đầy đủ, doanh nghiệp có cớ để thải loại lao động, mà đối tượng đầu tiên bị loại là lao động lớn tuổi, vốn làm việc lâu năm, lương cao hơn để cắt giảm chi phí.
Rõ ràng, dịch bệnh chỉ là cơ hội để doanh nghiệp FDI đẩy mạnh quá trình này, còn nguyên tắc lợi nhuận trên hết của họ vẫn vậy. Đó là quá trình do thị trường lao động Việt Nam đã hình thành như thế, không như ở một số thị trường khác như Nhật, EU vốn thiếu lao động thì không có chuyện này", vị chuyên gia cho biết và cho rằng, Việt Nam sẽ còn phải đối diện với thực trạng này lâu dài và nặng hơn, nhất là khi kỹ năng của người lao động thấp vẫn là điểm yếu cố hữu lâu năm của kinh tế Việt Nam.
Muốn cải thiện tình trạng này, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Nhà nước cần có hệ thống đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng cho người lao động, nhất là lao động đã lớn tuổi.
Việc này, theo ông, doanh nghiệp FDI thường không muốn làm vì tốn chi phí, dù họ cũng thấy đó là một tiềm năng. Trong lúc thị trường lao động đang dồi dào thì doanh nghiệp không việc gì phải đào tạo lại lao động, trong khi nếu tuyển mới thì lợi đơn lợi kép, vừa chỉ phải trả lương thấp vừa không phải đào tạo.
"Đây là vấn đề các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn, nghề nghiệp cần nhìn thấy để chú ý đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động để họ có thể đáp ứng được yêu cầu của các chủ doanh nghiệp trong giai đoạn cao hơn. Nếu không làm được việc này, nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế dài hạn của Việt Nam và thể hiện phúc lợi của người lao động chưa được tốt", ông Nam nói.
Một việc cần làm khác, theo ông, là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, bởi khi khối doanh nghiệp này phát triển có thể giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, trong đó có một bộ phận người lao động bị doanh nghiệp FDI thải loại. Bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tận dụng kinh nghiệm sẵn có của bộ phận lao động quá tuổi này.
"Nếu cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp, công đoàn quan tâm đến vấn đề này, có chính sách cụ thể thì sẽ mở ra nhiều cách giải quyết cho hiện tượng lao động thất nghiệp ở tuổi xế chiều", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý IV và năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến tháng 12 năm 2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.
Theo Tổng cục Thống kê, đại dịch Covid đã tước đi cơ hội có việc làm chính thức của người lao động, khiến một phần trong số họ không tìm được việc làm mới, một số khác phải chuyển sang làm các công việc phi chính thức không ổn định, thiếu bền vững.
Thống kê cho thấy, thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật.
"Đây là hạn chế lớn của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch vẫn đang lan rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Chất lượng nguồn lao động chưa cao sẽ là rào cản ngăn cách cơ hội thích ứng và bắt kịp với các xu hướng công nghệ mới, các phương thức kinh doanh mới của thế giới.
Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tích cực đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế", Tổng cục Thống kê nhận xét.
|
Thành Luân - Theo Đất Việt