TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Thế giới bước vào kỷ nguyên toàn cầu sôi lên vì nắng nóng cực đoan

Thế giới đã bước qua tháng 6 rồi tháng 7 nóng nhất trong lịch sử, nhưng trong khi đỉnh của hình thái khí hậu El Nino sớm nhất phải đến tháng 11/2023 mới tới thì “kỷ nguyên toàn cầu sôi lên” đã bắt đầu.

Chú thích ảnh

Nhiệt kế điện tử hiển thị nhiệt độ 52 độ C tại Seville, Tây Ban Nha ngày 10/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện thực đáng sợ

Theo cơ quan phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus Climate Change Service, trong tháng 6 vừa qua, nhiệt độ trung bình trên thế giới cao hơn 0,5 độ C so với giai đoạn 1991-2020, phá vỡ kỷ lục cũ thiết lập tháng 6/2019 với một khoảng cách khá lớn. Tuy nhiên, sóng nhiệt vẫn tiếp tục tăng. Vào ngày 3/7, nhiệt độ bình quân toàn cầu được ghi nhận ở mức 17,01 độ C, vượt ngưỡng 17 độ C lần đầu tiên kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được thu thập cách đây 44 năm. Kỷ lục mới này đã bị phá vỡ ngay hôm sau khi nhiệt độ bình quân toàn cầu đạt 17,18 độ C rồi tiếp tục bị phá vỡ trong ngày 6/7 với nhiệt độ bình quân toàn cầu đạt 17,23 độ C. Và số liệu mới nhất của Copernicus cho hay nhiệt độ trung bình trong 23 ngày đầu tiên của tháng 7 đạt 16,95 độ C, cao hơn nhiều so với kỷ lục trước đó là 16,63 độ C, được thiết lập vào tháng 7/2019. Thậm chí, nhiều nhà khoa học cho rằng đây sẽ là mức nhiệt độ cao nhất mà hành tinh của chúng ta từng trải qua trong ít nhất 120.000 năm.

Nắng nóng cực đoan lan tràn khắp các châu lục và để lại những hệ luỵ nghiêm trọng. Ở châu Âu, những đợt nắng nóng liên tiếp đã “thiêu đốt” Italy và phần còn lại của Nam Âu, buộc những người đủ điều kiện phải tìm nơi trú ẩn trong những ngôi nhà và văn phòng có máy lạnh hoặc những nơi nghỉ dưỡng bên bờ biển. Nhưng đối với nhiều người cao tuổi, nắng nóng được ví như đại dịch COVID-19 mới bởi nó đã cô lập họ trong những căn phòng máy lạnh, thúc đẩy chính phủ nhiều nước phải áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ sức khoẻ cho nhóm đối tượng này.

Sức nóng khủng khiếp trong mùa hè năm nay còn khiến các nhà chức trách Hy Lạp phải đóng cửa khu thành cổ nổi tiếng Acropolis, sơ tán du khách khỏi đảo Rhodes vì cháy rừng do nắng nóng; buộc du khách trên đảo Sardinia ở Italy phải ở trong nhà vì rủi ro ra đường dưới nắng nóng. Trước tác động của nắng nóng, nhiều du khách đã lựa chọn tới nơi mát mẻ hơn thay vì đến địa điểm nổi tiếng nhưng lại bỏng rát dưới ánh Mặt Trời. Đây được coi là một sự thay đổi chấn động đối với ngành du lịch và lữ hành của châu Âu, vốn đóng góp 1.900 tỉ euro (2.100 tỉ USD) cho nền kinh tế khu vực vào năm ngoái, đồng thời có thể khiến các hành trình du lịch thông thường thay đổi theo cách có thể gây tổn thương lớn cho một số quốc gia ở Nam Âu bởi điểm đến và độ dài của kỳ nghỉ sẽ được du khách quyết định dựa trên yếu tố thời thiết.

Chú thích ảnh

Nắng chói chang tại Las Vegas, bang Nevada (Mỹ), ngày 12/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Ở Mỹ, 30 ngày qua, hơn 5.000 kỷ lục nhiệt độ đã bị phá vỡ. Tại hạt Maricopa, bang Arizona, thời tiết nóng đến mức mọi người được đưa vào phòng cấp cứu với những vết bỏng nặng, đôi khi đe dọa đến tính mạng. Nguyên nhân có khi chỉ là do ngã xuống mặt đường hầm hập dưới cái nắng. Một số bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân vì nắng nóng kỷ lục.

Tại châu Á, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã trải qua chuỗi ngày nắng nóng dài kỷ lục còn Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) mới đây cảnh báo về nguy cơ nhiệt độ cao chưa từng có trong một thập kỷ trên khắp lãnh thổ nước này từ ngày 26/7 đến ngày 3/8. Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng quốc gia Hàn Quốc (KMA) thông báo duy trì cảnh báo sóng nhiệt ở hầu hết các vùng trên cả nước trong bối cảnh số ca tử vong vì các nguyên nhân liên quan nắng nóng tăng mạnh ở miền Nam và các khu vực khác trong cuối tuần qua kết thúc vào ngày 30/7 vửa qua.

Chú thích ảnh

Người dân di chuyển trên đường phố dưới trời nắng nóng tại Bhopal, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ, ngày 6/7/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Những cảnh báo không thể bỏ qua

Khi đề cập tới tình trạng nắng nóng cực đoan đang diễn ra trên thế giới trong một cuộc họp báo tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) hôm 27/7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông António Guterres cho rằng đó là do biến đổi khí hậu và “nó thật đáng sợ”. Tuy nhiên, theo người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu, đây mới chỉ là bắt đầu. “Kỷ nguyên Trái Đất nóng lên đã chấm dứt, kỷ nguyên toàn cầu sôi lên đã đến”, ông Guterres nhấn mạnh.

Trước đó, vào ngày 21/7, khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, cố vấn cấp cao về nắng nóng cực đoan của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), ông John Nairn, cảnh báo nắng nóng khắc nghiệt sẽ xảy ra thường xuyên hơn và rải rác trong tất cả các mùa. Theo ông Nairn, nhiệt độ toàn cầu ngày càng có xu hướng gia tăng khiến các đợt nắng nóng xảy ra với tần suất dày hơn và cường độ mạnh hơn. Đây cũng là nhận định của nhóm nhà khoa học quốc tế thuộc World Weather Attribution (một tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới) đưa ra ngày 25/7. Theo các nhà khoa học, nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, những đợt nắng nóng cực đoan kéo dài có thể sẽ xảy ra 2 - 5 năm một lần.

Về nguyên nhân, các nhà khoa học thuộc World Weather Attribution cho rằng El Nino có thể là nguyên nhân gây ra nắng nóng gay gắt ở khắp Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, nhưng nhân tố chính vẫn là sự gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các nhà khoa học ước tính sự gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã khiến nền nhiệt ở Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc tăng thêm lần lượt là 2 độ C; 2,5 độ C và 1 độ C.

Chú thích ảnh

Khói thải bốc lên từ một nhà máy điện ở Winfield, West Virginia, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Thế giới chung tay hạ nhiệt cho Trái Đất

Để hạ nhiệt cho Trái Đất, hiện nay chỉ có một giải pháp duy nhất là giảm lượng khí thải nhà kính, trong đó trực tiếp nhất là giảm sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Bởi hiện nay, nhiên liệu hoá thạch vẫn chiếm khoảng 82% nguồn cung năng lượng, trong khi đó nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy quá trình sử dụng năng lượng tạo ra phát thải khí nhà kính chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 60% lượng khí gây hiệu ứng nhà toàn cầu hằng năm.

Tuy nhiên, để giảm lượng khí thải nhà kính, then chốt là phải kết hợp hành động giữa chính phủ và cá nhân. Trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post ngày 29/7, Giáo sư Suraje Dessai chuyên về thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đại học Leeds (Anh) cho rằng các quốc gia trên khắp thế giới không sẵn sàng cho biến đổi khí hậu, gồm tình trạng sóng nhiệt, nước biển dâng cao… Vì thế, các chính phủ cần phải tăng cường đầu tư để làm cho toàn xã hội chuẩn bị tốt hơn cho việc đối phó với biến đổi khí hậu. Trên phương diện cá nhân, theo Giáo sư Sonia I.Seneviratne thuộc Viện Công nghệ liên bang Thuỵ Sỹ ở Zurich (ETH Zurich), khả năng giảm lượng khí thải của các cá nhân có thể khác nhau giữa các khu vực. Ví dụ, người dân ở Mỹ có thể khó sống mà không có ô tô hơn là ở nhiều nước châu Âu. Nhưng dù như thế nào cũng cần hành động cả ở hai phía. Có những quyết định giảm phát thải khí nhà kính được đưa ra bởi các cá nhân riêng lẻ, nhưng phần lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính là ở cấp độ toàn cầu, thông qua việc thay đổi luật lệ, thay đổi cơ sở hạ tầng…

Hà Ngọc/Báo Tin tức

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness