TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Thế giới hậu COVID-19 sẽ như thế nào?

Trong thế giới hậu COVID-19, làm việc từ xa sẽ đóng vai trò lớn hơn trong cuộc sống thường nhật của người dân. Và như lịch sử đã chứng minh, những lựa chọn được đưa ra trong các cuộc khủng hoảng có thể định hình thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Điều quan trọng là cần phải hành động chung để mang lại tăng trưởng kinh tế toàn diện, thịnh vượng và an toàn cho tất cả mọi người.

Khi trăn trở với câu hỏi “Thế giới hậu COVID-19 sẽ như thế nào?”, học giả Haruaki Deguchi, Hiệu trưởng Trường Đại học châu Á-Thái Bình Dương Ritsumeikan (APU) nhấn mạnh, điều cần thiết là phải phân định rõ ràng thời kỳ dịch bệnh bùng phát với hậu quả mà dịch bệnh này để lại về sau. Với các mục đích thực tế, giả sử rằng 2 giai đoạn được phân tách nhờ quá trình nghiên cứu và ứng dụng thành công vaccine ngừa COVID-19.

Trong thời kỳ dịch bệnh, phương thức phòng ngừa cơ bản là ở nguyên tại chỗ. Nhưng phương thức này cũng có những hạn chế riêng, chủ yếu liên quan đến lý do kinh tế. Vì vậy, việc đúng đắn cần làm là chấp nhận một lối sống “bình thường mới”, miễn là tỷ lệ lây nhiễm giảm. Lối sống mới bao gồm các biện pháp như: Đeo khẩu trang, thực hành giãn cách xã hội, đo thân nhiệt, rửa tay và khử trùng nhà cửa, trường sở cũng như trang thiết bị làm việc. Nếu tỷ lệ lây nhiễm lại tăng lần nữa, cả xã hội sẽ quay trở lại thời kỳ ở nguyên tại chỗ. Tóm lại, trong thời kỳ dịch bệnh, không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc thích nghi, thay đổi mô hình xã hội và điều chỉnh lối sống sang cách “bình thường mới”.

Ngoài ra, trong thời kỳ hậu COVID-19, virus corona sẽ ít nguy hiểm hơn, và cuối cùng trở nên phổ biến như bệnh cúm mùa thông thường. Vì vậy, về lý thuyết, các khái niệm như “ở nguyên tại chỗ” sẽ không còn cần thiết nữa và diện mạo bình thường sẽ trở lại. Nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc sống sẽ hoàn toàn bình thường như trước. Kể từ khi đại dịch bùng phát, làm việc từ xa và họp trực tuyến đã trở nên phổ biến. Làm việc từ xa đã giải phóng con người khỏi các phương thức làm việc trên giấy tờ.

Và khả năng làm việc tại bất cứ đâu đã giải phóng con người khỏi những hạn chế về mặt không gian. Khó có thể tưởng tượng mọi người sẽ bỏ qua những thay đổi tích cực này. Thế giới hậu COVID-19 sẽ là một xã hội lai tạp, nơi mà làm việc từ xa sẽ đóng vai trò lớn hơn trong cuộc sống thường nhật của người dân.

COVID-19 đẩy mạnh nhiều xu hướng mới như kinh tế số, với sự gia tăng của các hoạt động số như làm việc từ xa, học từ xa, khám bệnh từ xa và dịch vụ giao hàng.

Một câu hỏi khác là điều gì sẽ xảy ra với toàn cầu hóa. Nhìn lại lịch sử có thể giúp hiểu thêm cách toàn cầu hóa bộc lộ thời hậu COVID-19. “Cái Chết Đen”, tên gọi của bệnh dịch hạch - một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại xảy ra trong thế kỷ XIV - đã cướp đi 1/3 dân số châu Âu lúc bấy giờ. Tất nhiên, hành động đầu tiên khi đó là ở nguyên tại chỗ.

Như tác giả Giovanni Boccaccio đã minh họa trong cuốn tiểu thuyết “The Decameron” (1353), nhiều người tin rằng dịch hạch là sự trừng phạt vì tội báng bổ Đức Chúa Trời. Họ quay sang nương tựa vào tôn giáo, ẩn náu trong các nhà thờ để cầu mong sự giải thoát. Nhưng bất chấp lời cầu nguyện của họ, dịch bệnh tiếp tục hoành hành. Điều này đã khiến nhiều người quay lưng lại với nhà thờ và Đức Chúa Trời.

Tâm trạng lúc đó được thể hiện trong những cụm từ như “carpe diem” (thành ngữ Latinh có nghĩa là “Hãy sống với ngày hôm nay”), một thái độ mà nhiều người cho là để đối phó với những thời điểm khó khăn. Các nhìn mới về cuộc sống này cuối cùng đã mở ra thời kỳ Phục hưng của Italy, sau đó lan rộng khắp châu Âu. Nói một cách dễ hiểu, dịch bệnh đã khơi mào cho thời kỳ Phục hưng và theo một cách nào đó đã thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa.

Đại dịch lớn tiếp theo xảy ra sau vào thời kỳ Giao lưu Colombo (Columbian Exchange) hồi thế kỷ XV, khi người châu Âu lần đầu tiên vượt Đại Tây Dương và bắt đầu thuộc địa hóa châu Mỹ. Người ta nói rằng khoảng 90% các dân tộc bản địa của Tân Thế giới đã chết do các mầm bệnh như bệnh đậu mùa từ châu Âu sang. Tuy nhiên, đại dịch đã không ngăn cản việc di cư sang thế giới mới, với tốc độ toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra.

Đại dịch đáng chú ý thứ 3 là sự bùng phát của dịch cúm Tây Ban Nha đã hoành hành khắp thế giới từ năm 1918 đến 1920. Dân số toàn cầu vào thời điểm này vào khoảng 2 tỷ người, trong đó 50 triệu người được cho là chết vì dịch cúm. Số người tử vong do dịch bệnh càng khiến người dân đang sống trong thời kỳ chiến tranh thêm mệt mỏi, nhờ đó góp phần trở thành một trong những động lực thúc đẩy Chiến tranh Thế giới thứ nhất đi đến hồi kết. Sau đó, Hội Quốc Liên, Hiệp ước Hải quân Washington (còn được gọi là Hiệp ước 5 cường quốc) và Thỏa ước Locarno ra đời, đưa thế giới tiến tới hòa giải và đẩy mạnh toàn cầu hóa bằng con đường hợp tác quốc tế.

Nói cách khác, đại dịch đã giúp đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa. Nhìn nhận lịch sử theo cách này và bất chấp việc các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy đặt hạnh phúc của đất nước họ lên trên hết - tạo ra diện mạo của một thế giới chia rẽ, hy vọng rằng toàn cầu hóa sẽ tăng tốc khi cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay kết thúc.

Trong khi đó, theo ông James Manyika, Chủ tịch Viện Toàn cầu McKinsey (McKinsey Global Institute - MGI), sau COVID-19, thế giới khó có thể trở lại như trước đây. Nền kinh tế số đang được đẩy mạnh với sự gia tăng của các hoạt động số như làm việc từ, học từ xa, khám bệnh từ xa và dịch vụ giao hàng. Xu hướng công việc trong tương lai cũng đang diễn ra nhanh hơn cùng với những thách thức của nó, trong đó nhiều thách thức đang tăng lên theo cấp số nhân như sự phân cực về thu nhập, tính dễ bị tổn thương của người lao động, hay nhu cầu thích ứng với việc chuyển đổi nghề nghiệp…

Sự tăng tốc này không chỉ là kết quả của những tiến bộ công nghệ mà còn là của sự cân nhắc về sức khỏe và sự an toàn. Chủ tịch MGI kết luận, như lịch sử đã chứng minh, những lựa chọn được đưa ra trong các cuộc khủng hoảng có thể định hình thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Điều quan trọng là cần hành động chung để mang lại tăng trưởng kinh tế toàn diện, thịnh vượng và an toàn cho tất cả mọi người.

Bà Jean Saldanha, Giám đốc Mạng lưới châu Âu về nợ và phát triển (Eurodad), chỉ ra rằng, đại dịch COVID-19 đã và đang kiểm tra các giới hạn của hợp tác toàn cầu. Việc hỗ trợ cho các nền kinh tế đang phát triển vẫn còn nhiều bất cập. Đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II, các nền kinh tế này đang phải chịu áp lực chưa từng có về khả năng tài khóa vốn đã hạn chế để giải quyết các nhu cầu cấp thiết về sức khỏe cộng đồng và xã hội. Do đó, một chương trình cải cách phù hợp do Liên hợp quốc lãnh đạo phải có sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Một chủ nghĩa đa phương mới là cần thiết ngay bây giờ và phải được phát triển dựa trên việc đặt quyền con người, bình đẳng giới và khí hậu làm trung tâm. Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn Quốc tế (WFTU) Sharan Burrow thì cho rằng, thế giới sau đại dịch COVID-19 phải hòa nhập hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn. Sự thịnh vượng chung là thành quả của một thế giới hậu COVID-19 đạt được sau những tham vọng chung và sự đoàn kết toàn cầu.

Minh Hải (tổng hợp) - Theo Công An Nhân Dân

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness