TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

Thế giới mới đáng sợ sau Covid-19 và cơ hội của con người

Thế giới hiện nay đang ở giai đoạn hệ quả của đại dịch Covid-19 - mới mẻ và đáng sợ. Cuộc khủng hoảng y tế làm gia tăng nhiều tình thế vốn đã cấp bách.

Chẳng có gì được định sẵn

Thế giới mới đáng sợ sau Covid-19 và cơ hội của con người

Ảnh: JAE C. HONG/AP PHOTO

Trong bộ phim sử thi Lawrence of Arabia (Lawrence xứ Ả Rập), sĩ quan trẻ tuổi người Anh T.E. Lawrence - do diễn viên Peter O'Toole thủ vai - đã thuyết phục một nhóm bộ lạc Ả Rập tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào Đế chế Ottoman. Lawrence dẫn một toán chiến binh Bedouin băng qua sa mạc trong cái nóng cháy da thịt và những trận bão cát điên cuồng.

Đang di chuyển thì họ phát hiện một chiến binh Ả Rập, Gasim, từ lúc nào đã ngã khỏi lạc đà. Lawrence lập tức quyết định quay trở lại để tìm người chiến binh bị lạc. Trong khi đó, Ali, thủ lĩnh người Ả Rập phản đối.

Một nhân vật khác nói với Lawrence rằng: "Lawrence à, thời gian của Gasim đã hết. Mọi chuyện đã được định sẵn rồi". Lawrence liền đáp: "Chẳng có gì được định sẵn hết!"

Nói rồi, anh quay lại, lùng sục giữa cơn bão cát và tìm thấy Gasim đang lảo đảo, dở sống dở chết. Lawrence đưa anh ta quay trở lại trại. Và khi nhận nước uống từ Ali, Lawrence nhìn vị thủ lĩnh, bình tĩnh lặp lại từng lời mình nói khi trước: "Chẳng có gì được định sẵn hết!"

Thế giới hiện nay đang ở giai đoạn hệ quả của đại dịch Covid-19 - mới mẻ và đáng sợ. Cuộc khủng hoảng y tế đã làm gia tăng nhiều tình thế vốn đã cấp bách.

Rõ ràng, sự phát triển con người như đang diễn ra hiện tại tạo nên những nguy cơ lớn hơn bao giờ hết. Phản ứng của thiên nhiên đang xảy ra quanh chúng ta, từ cháy rừng cho tới thiên tai, dịch bệnh, trong đó Covid-19 có lẽ đứng đầu bảng.

Đại dịch cũng khiến nhiều xu hướng khác tăng tiến. Do nhân khẩu học và một số nguyên nhân khác, các nước nhiều khả năng sẽ chứng kiến tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm chạp hơn. Bất bình đẳng sẽ gia tăng.

Học máy (Machine learning) đang diễn biến nhanh tới mức lần đầu tiên trong lịch sử, con người có thể để mất sự kiểm soát vào tay thứ mà mình tạo ra. Trong khi đó, Trung Quốc và Mỹ dần tiến tới một tình trạng đối đầu căng thẳng và kéo dài.

Đây là một khoảnh khắc hiểm nghèo. Tuy nhiên, cũng chính trong những thời điểm như thế này, ta có thể định hình và thay đổi những xu hướng ấy.

Con người có thể chọn lựa hướng thúc đẩy bản thân, chọn lựa xã hội, cũng như thế giới của mình. Trên thực tế, hiện giờ chúng ta tự do hơn. Tuy nhiên, Covid-19 đã khiến xã hội bị đảo lộn. Con người mất phương hướng. Mọi thứ đang dần biến chuyển và trong bầu không khí ấy, việc thay đổi trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Hãy nghĩ về những thay đổi chúng ta đã chấp nhận trong cuộc sống hiện tại để ứng phó với đại dịch. Chúng ta đã chấp nhận tự cô lập chính mình. Chúng ta đã làm việc, họp hành và thực hiện các cuộc hội thoại cá nhân bằng cách trò chuyện với laptop. Chúng ta đã tham gia các khóa học trực tuyến và khám bệnh từ xa.

Thế giới mới đáng sợ sau Covid-19 và cơ hội của con người - Ảnh 1.

Nhiều người làm việc tại nhà để phòng chống Covid-19. Ảnh: Reuters

Chỉ trong 1 tháng, nhiều công ty đã thay đổi những chính sách mà thông thường phải mất nhiều năm trời xem xét. Chỉ qua 1 đêm, nhiều thành phố đã biến các đại lộ thành đường đi bộ, còn vỉa hè thành quán cafe. Và các chính phủ đang mở hầu bao theo những cách mà trước đây không thể tưởng tượng nổi.

Những thay đổi ấy có thể là tạm thời - cũng có thể là khởi đầu của một điều gì mới mẻ. Chúng ta có thể tiếp tục với công việc như thường và mạo hiểm với những cuộc khủng hoảng không thể tránh khỏi từ biến đổi khí hậu và các đại dịch mới. Hoặc ta có thể nghiêm túc tính tới một chiến lược phát triển bền vững hơn.

Ta có thể hướng vào nội tại và đề cao dân tộc chủ nghĩa, cùng lợi ích cá nhân, hoặc nhìn những thách thức này như động lực để hành động và hợp tác toàn cầu. Chúng ta còn tương lai phía trước.

Cơ hội từ đại dịch

Trước đây chúng ta đã phải đối mặt với tình thế tương tự. Trong suốt những năm 1920, sau một cuộc thế chiến và một trận đại dịch, thế giới đứng trước ngã ba đường.

Sau xung đột, một số nhà lãnh đạo muốn tạo ra những cấu trúc hòa bình có khả năng ngăn chặn chiến tranh. Tuy nhiên Quốc hội Mỹ đã bác bỏ kế hoạch của Tổng thống Woodrow Wilson và nước Mỹ quay lưng với Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc) và những nỗ lực nhằm tạo một hệ thống phòng vệ tập thể ở châu Âu.

Các lãnh đạo châu Âu đã áp đặt những điều khoản trừng phạt hà khắc đối với Đức và đẩy nước này tới sụp đổ. Những quyết định ấy dẫn tới một thế giới vô cùng đen tối vào những năm 1930: siêu lạm phát, thất nghiệp tập thể, chủ nghĩa phát xít và một cuộc chiến tranh thế giới khác. Một loạt lựa chọn khác nhau có thể dẫn thế giới tới một con đường hoàn toàn khác.

Đại dịch hiện thời bày ra những lựa chọn tương tự.

Ta có thể an phận với một thế giới tăng trưởng chậm cùng hiểm họa thiên nhiên và bất bình đẳng gia tăng. Hoặc ta cũng có thể chọn cách hành động quyết liệt, với nguồn lực khổng lồ của chính phủ, để tiến hành những khoản đầu tư lớn nhằm trang bị cho con người những kỹ năng và sự đảm bảo mà họ cần trong một thời đại đổi thay bất định.

Có những người muốn cuộc khủng hoảng này là khởi sự cho một cuộc cách mạng. Nhưng chúng ta không cần vứt bỏ trật tự hiện có với hy vọng một thứ tốt đẹp hơn sẽ hình thành. Chúng ta đã gặt hái những thành công thực sự, cả về kinh tế lẫn chính trị. Thế giới hiện nay là một nơi tốt đẹp hơn cách đây 50 năm, dù đo đếm theo cách nào đi nữa.

Các quốc gia có thể thay đổi. Vào năm 1930, hầu hết các nước khắp thế giới đều có chính quyền rất nhỏ và không nghĩ việc thúc đẩy phúc lợi chung cho người dân là việc của mình. Tới năm 1950, hầu như các nước lớn đều để tâm tới điều đó. Đây không phải chuyện dễ dàng.

Hãy nhìn vào Liên minh Châu Âu. Ban đầu, đại dịch Covid-19 khiến các thành viên của khối này quyết định khép mình. Họ đóng cửa biên giới, cạnh tranh về vật phẩm y tế và cáo buộc lẫn nhau.

Tuy nhiên, sau cú sốc ban đầu, châu Âu bắt đầu xem xét lại cách xử lý hệ quả từ Covid-19. Họ nhận ra rằng đại dịch đã đặt một áp lực chưa từng có tiền lệ lên châu lục, đặc biệt là các thành viên yếu nhất, và cuối cùng đi tới quyết định ký một thỏa thuận phát hành trái phiếu châu Âu, cho phép các nước nghèo hơn tiếp cận nguồn quỹ do các nước giàu nhất đảm bảo.

Trận đại dịch ban đầu đẩy các nước cách xa có thể xúc tác giúp tăng cường đoàn kết.

Thế giới mới đáng sợ sau Covid-19 và cơ hội của con người - Ảnh 2.

Nhiều nước từng cạnh tranh để mua khẩu trang, vật phẩm y tế. Ảnh: DAVID BENITO/GETTY IMAGES

Căng thẳng tương tự giữa hợp tác và cô lập có thể nhìn thấy khắp thế giới. Đại dịch đang khiến các nước hướng vào nội tại. Nhưng các nhà lãnh đạo sẽ nhận ra rằng giải pháp thực sự duy nhất cho những vấn đề như đại dịch, thay đổi khí hậu, chiến tranh mạng là phải nhìn ra bên ngoài, hướng tới mối quan hệ hợp tác tốt đẹp hơn.

Giải pháp cho một Tổ chức Y tế Thế giới yếu kém và hạn chế ngân sách không phải rút lui mà là tài trợ để nó tốt hơn và độc lập hơn, để cơ quan này có thể đứng vững trước Trung Quốc - hoặc cả Mỹ - trong trường hợp cần thiết. Không một đất nước đơn lẻ nào có thể tổ chức toàn bộ thế giới được nữa.

Tính hợp tác là một trong những đặc điểm cơ bản nhất của con người, điều mà nhiều nhà sinh họ tin là ngọn nguồn sự tồn tại của chúng ta suốt nhiều thiên niên kỷ. Nếu ta vẫn sống sót tốt trong tương lai thì chắc chắn tính hợp tác sẽ có ích hơn là xung đột.

Đôi khi, các nước có thể đưa ra những quyết định tái định hình hướng đi của chúng ta. Vào tháng 5/1958, giữa cao điểm Chiến tranh Lạnh, có một thời khắc mang tính lựa chọn ở Minneapolis. Thứ trưởng Y tế của Liên Xô, Viktor Zhdanov, đã tham dự cuộc họp thường niên của cơ quan điều hành WHO - Hội đồng Y tế Thế giới.

Theo sử gia Harvard Erez Manela, đó là lần đầu tiên một phái đoàn Liên Xô tham dự kể từ khi WHO thành lập trước đó 1 thập kỷ. Zhdanov đã hối thúc cơ quan này tổ chức một chiến dịch toàn cầu nhằm xóa sổ đậu mùa. Trong bài phát biểu của mình, ông đã dẫn lá thư Thomas Jefferson viết cho Edward Jenner, người tiên phong phát triển vaccine đậu mùa:

"Các nước trong tương lai sẽ chỉ biết tới bởi lịch sử rằng căn bệnh đậu mùa đáng sợ từng tồn tại", Jefferson viết.

Đây là nỗ lực sơ khởi để áp dụng kế hoạch "cùng tồn tại hòa bình" với phương Tây của Liên Xô.

Ban đầu Mỹ cũng kháng cự, vì cho rằng đề xuất của Liên Xô sẽ làm xao nhãng sự chú ý trước nỗ lực xóa sổ bệnh sốt rét do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, khi Washington ủng hộ dự án, mối quan hệ hợp tác ấy đã gia tăng trong nhiệm kỳ của Johnson và trở thành ưu tiên cốt lõi của WHO.

Hai cường quốc ở thời điểm đó không chỉ hỗ trợ sản xuất vaccine hàng loạt mà còn thúc đẩy chương trình chủng ngừa cho người dân ở Thế giới thứ Ba. Tới năm 1980, đậu mùa đã chính thức bị xóa sổ. Manela cho rằng, đó "là ví dụ thành công nhất về hợp tác giữa siêu cường trong lịch sử Chiến tranh Lạnh". Và đó là bài học cho Bắc Kinh và Washington ở thời kỳ hậu Covid-19.

Đại dịch khiến cho nhiều - quốc gia và cá nhân - trở nên ích kỷ. Nhưng ngay cả một cuộc khủng hoảng lớn hơn cũng đem lại tác động ngược với những chính khách của thời đại.

Hai mươi năm sau ngày đổ bộ D-Day, CBS News đã mời cựu tư lệnh tối cao của quân Đồng minh, Dwight D. Eisenhower, tới thăm lại bãi biển Normandy cùng Walter Cronkite.

Khi cùng nhau trông ra những dãy mộ ở Normandy, Eisenhower nói với Cronkite rằng: "Những người này đã cho chúng ta một cơ hội, và họ đã kéo dài thời gian cho chúng ta, để chúng ta có thể làm tốt hơn trước đây".

Thế nên, trong thời đại của chúng ta, cuộc đại dịch xấu xí này đã tạo ra cơ hội cho sự lạc quan, sự thay đổi và sự cải tổ. Nó đã mở ra con đường dẫn tới một thế giới mới. Quyết định nắm lấy cơ hội hay bỏ phí nó thuộc về chúng ta. Chẳng có gì được định sẵn hết!

(*) Trên đây là lược dịch phần phóng tác của nhà báo Mỹ Fareed Zakaria theo cuốn sách của ông "Ten Lessons for a Post-Pandemic World" đăng trên Washington Post.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness