Nhu cầu khí đốt vẫn giảm nhiều so với mức trước khủng hoảng nhưng bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung mới nào hoặc mùa đông rất lạnh vẫn có thể gây ra nguy cơ thiếu hụt khí đốt.
Phản ứng của thị trường trong mùa hè này trước mối đe dọa đình công trong lĩnh vực LNG của Australia và thời gian bảo trì kéo dài đối với các tài sản của Na Uy là tín hiệu cho thấy mối lo ngại về nguồn cung vẫn tiếp tục.
Giá khí đốt vẫn nhảy múa do nguồn cung còn nhiều khó khăn. Ảnh: Internet.
Trong khi đó, lịch trình bảo trì dày đặc vào cuối mùa hè tại các mỏ khí đốt Na Uy đang sản xuất đã đẩy giá lên tương đối cao.
Ngoài ra, giá khí đốt cũng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, một mùa đông lạnh giá có khả năng dẫn đến nhu cầu bổ sung trong khu vực dân cư và thương mại ở châu Âu lên tới 30 Bcm, theo ước tính từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Ngoài vấn đề thời tiết, châu Âu vẫn sẽ cần LNG tiếp tục đến để bù đắp lượng khí đốt bị mất của Nga, mặc dù nhập khẩu có thể sẽ thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
S&P Global dự báo nhập khẩu LNG vào EU và Anh trong quý 4 đạt tổng cộng 36,6 Bcm, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cạnh tranh về hàng hóa với châu Á cũng có thể gay gắt hơn, với giá LNG giao ngay tại lục địa này hiện ở mức cao hơn so với giá khí đốt chuẩn châu Âu.
"Lục địa già" đã triển khai cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG nổi mới kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra và nhiều cơ sở ở Đức và các kho cảng ở Pháp và Hy Lạp chuẩn bị sẵn sàng hoạt động vào cuối năm 2023.
Nhưng mức cầu tổng thể sẽ là yếu tố then chốt trong quý 4. S&P Global dự báo nhu cầu EU27 + Vương quốc Anh đạt khoảng 118,3 Bcm trong quý, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù so với mức cơ sở rất thấp của năm 2022.
Cuối cùng, cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu vẫn phụ thuộc vào rất nhiều nguồn cung của Nga và động thái cắt giảm xuất khẩu của nước này - và vẫn còn khả năng lượng giao hàng sẽ giảm hơn nữa.
Khoảng 42 triệu m3 khí đốt/ngày của Nga vẫn được cung cấp cho châu Âu thông qua một điểm nhập khẩu ở biên giới với Ukraine tại Sudzha và bất kỳ sự leo thang nào trong chiến tranh vẫn có thể khiến hoạt động xuất khẩu đó bị gián đoạn.
Tuy nhiên, dòng chảy còn lại qua TurkStream vào Nam Âu - đạt mức cao kỷ lục trong tháng 8 - có khả năng tiếp tục trong quý 4, nhất là vì khối lượng đó chủ yếu được tiêu thụ ở Hungary và Serbia, cả hai đều giữ mối quan hệ tương đối chặt chẽ với Moscow.
Người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng của Đức, Klaus Muller, cho biết ngày 21 tháng 9 rằng Đức đã “chuẩn bị tốt hơn nhiều” cho mùa đông năm nay so với năm ngoái, nhưng cảnh báo quốc gia này không nên quá tự mãn.
Điệp Nguyễn (Theo RT)