Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã chia sẻ tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9.2023 ngày 30.9. Phó thống đốc cho biết, đến 30.9, huy động vốn tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12,9 triệu tỉ đồng (cùng thời điểm năm ngoái huy động đạt khoảng 7,68%).
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Về cho vay, tính đến ngày 21.9, tín dụng tăng 5,91%, đến hết tháng 9 ước tăng khoảng 6,1-6,2% so với cuối năm 2022 (tổng dư nợ của nền kinh tế khoảng 12,63 triệu tỉ đồng). Tín dụng tăng nhưng chậm hơn năm ngoái, do những nguyên nhân khách quan, tác động từ bên ngoài cũng như khó khăn của doanh nghiệp trong nước. Có thể thấy tình trạng ngân hàng "thừa tiền” nhưng không cho vay được đã kéo dài nhiều tháng nay giữa ngân hàng và doanh nghiệp
Vấn đề tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp , Phó thống đốc cho biết, việc mở rộng tín dụng đã được NHNN đặt ra ngay từ đầu năm với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liêt.
"Nếu không đẩy mạnh tăng cường nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp gặp khó khăn, đóng cửa, giải thể, làm sao có sức mạnh khôi phục được nền kinh tế sau 2 năm đại dịch cộng với tác động kép từ tình hình thế giới và trong nước", Phó thống đốc khẳng định.
Theo đó, ngay từ đầu năm, ông Tú cho biết ngay từ đầu năm, NHNN đã tạo thanh khoản, tạo dư địa cho các tổ chức tín dụng, không còn chuyện ngân hàng thiếu room tín dụng, đảm bảo việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. NHNN cũng sử dụng các công cụ tạo nguồn lực có tính chất giá rẻ để ngân hàng thương mại có điều kiện hạ lãi suất đầu vào cho doanh nghiệp.
Trong điều hành lãi suất, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Thông điệp và chỉ đạo của NHNN đối với các ngân hàng thương mại là hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này đang diễn ra tích cực, nhiều ngân hàng thương mại đã liên tục hạ lãi suất.
NHNN cũng đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách khác, qua đó tạo nền tảng về mặt pháp lý cho các tổ chức tín dụng cung ứng sản phẩm, dịch vụ mới, tạo ra cơ chế cạnh tranh…
Chẳng hạn, tại Thông tư 06, trong đó bổ sung nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng như bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, quy trình thủ tục vay nhanh hơn, thuận tiện hơn; cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống để trả nợ trước hạn khoản vay tại tổ chức tín dụng khác; vay để trả khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm...
Ngân hàng và doanh nghiệp có mối quan hệ cộng sinh. Nếu doanh nghiệp khó khăn, phải đóng cửa, giải thể thì ngân hàng cũng bị ảnh hưởng, nền kinh tế cũng không thể hồi phục được sau hai năm đại dịch và chịu những tác động kép từ tình hình thế giới và trong nước. Thời gian qua, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ngành ngân hàng đã rất quyết liệt triển khai nhiều giải pháp.
Theo thông lệ, tín dụng sẽ tăng nhanh trong những tháng cuối năm. Ngành ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt cùng sự đồng hành của các địa phương, tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên, Phó thống đốc cũng lưu ý: "Việc tiếp cận tín dụng cần nhìn nhận, đánh giá từ nhiều phía. Ngành ngân hàng đã rất quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp trong cơ chế chính sách, chỉ đạo điều hành. Thời gian tới tiếp tục cần sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương và sự vươn lên của chính các doanh nghiệp".
Ông Tú nhấn mạnh, NHNN luôn xác định là đẩy mạnh việc tăng nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp khó khăn, doanh nghiệp đóng cửa, doanh nghiệp giải thể để giúp các doanh nghiệp sớm khôi phục kinh tế, nhất là sau mấy năm chống COVID-19 và đối mặt với tác động kép từ ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới và trong nước.
Ở góc độ các nhà băng, lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho biết, thời gian qua họ đã chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh dư tiền nhưng vốn tín dụng không ra được nền kinh tế nhưng các ngân hàng thương mại vẫn phải huy động vốn, trả lãi vay cho người gửi. Không ít ngân hàng đang rất "đau đầu" với áp lực tăng trưởng tín dụng rất lớn từ nay tới cuối năm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc ngân hàng Vietcombank cho biết từ đầu năm đến nay, huy động vốn của ngân hàng cao gấp 6 lần tốc độ tăng tín dụng, nhiều địa phương ghi nhận tín dụng tăng trưởng âm. Đơn cử, Hà Nội là địa bàn tập trung rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty lớn, song tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 8.2023 âm 2,2%. Riêng tín dụng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm mạnh 19,1%, cho vay bất động sản cũng giảm mạnh, cho vay với cá nhân mua bất động sản tại Hà Nội giảm tới 15%.
Tương tự, ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc ngân hàng BIDV cho hay tính tới cuối tháng 8.2023, tín dụng của ngân hàng mới tăng 5,72% dù chỉ tiêu cả năm lên tới 14%. Dư địa room tín dụng còn rất lớn, nhưng việc tìm kiếm khách hàng, đẩy mạnh cho vay hết sức khó khăn bởi cầu của doanh nghiệp rất yếu. Trong khi đó, theo lãnh đạo Agribank, tín dụng tại ngân hàng này đến ngày 31.8.2023 mới tăng 2,4% so với đầu năm.