Bán đi lượng tài sản lớn thu về hơn 1.600 tỷ nhưng ngay lập tức tiêu hết khoản tiền khổng lồ. Địa chỉ tiền đi và tiền đến khiến cho nhiều người ngạc nhiên và đặt câu hỏi về sự kỳ lạ của nó. Nhưng có lẽ câu trả lời hợp lý nhất: Bầu Đức vẫn luôn là người khác lạ và gây ‘sốc’.
Tiền về rồi tiền lại đi
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (HNG) - công ty con Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vừa tiêu toàn bộ hơn 1.650 tỷ đồng vừa có được trong 2 tuần qua.
HAGL Agrico của Bầu Đức đã chi số tiền trên để mua Công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương từ 2 đối tác chiến lược cũng chính là người vừa đóng góp khoản tiền trên cho HNG: Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh.
|
Bầu Đức chưa bao giờ hết gây sốc |
Hai đối tác chiến lược nói trên không ai khác chính là 2 đại gia lỗ hơn ngàn tỷ trong thương vụ HAGL Agrico gây xôn xao giới đầu tư thời gian vừa qua. Đây chính là 2 DN đã mua 59 triệu cổ phiếu phát hành thêm của HAGL Agrico.
Khi đó, giới đầu tư không hiểu tại sao 2 DN này lại chấp nhận mua cổ phiếu HNG (của HAGL Agrico) với giá 28.000 đồng/cp cho dù trong gần 2 tháng đầu năm, tính tới thời điểm mua, cổ phiếu này đã giả một mạch từ 28.800 đồng xuống khoảng 8.000 đồng/cp.
Thương vụ kỳ lạ bậc nhất trên TTCK Việt Nam trở nên khó hiểu hơn khi vụ lỗ ngàn tỷ này xảy ra với 2 DN có vốn chỉ ở mức 60 tỷ đồng.
Giới đầu tư trước đó cũng đã sốc với những diễn biến đi xuống liên tục của cổ phiếu HAGL Agrico. Chỉ trong nửa năm lên sàn, công ty con nhà bầu Đức đã mất khoảng 18 ngàn tỷ đồng. Từ mức giá 28 ngàn đồng/cp lên sàn hôm 20/7/2015 và sau đó tăng lên 33.500 đồng, HNG đã rớt xuống còn khoảng 8.000 đồng vào cuối tháng 2/2016. Với hơn 708 triệu cổ phiếu, vốn hóa HAGL Agrico đã giảm từ gần 24 ngàn tỷ đồng, xuống dưới 6 ngàn tỷ đồng.
Không chỉ các NĐT bị thổi bay hàng chục ngàn tỷ, chính bầu Đức cũng mất rất nhiều tiền trong khoảng thời gian khoảng thời gian từ đầu năm tới nay. Trước đó, bầu Đức cũng chứng kiến một năm 2015 vận hạn với túi tiền bốc hơi gần 4.500 tỷ đồng.
Doanh nhân này cũng lần lượt rớt khỏi vị trí thứ 2, rồi thứ 3 trong năm 2015 và rớt khỏi top 4 danh sách những người giàu nhất trên TTCK hồi năm 2015, thua cả chị em vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Cú sốc mới của Bầu Đức
Không chỉ gần đây, trước đó, bầu Đức cũng liên tục phải đối mặt với hàng loạt các cú sốc, từ những phát ngôn bất hủ của đại gia quyền lực trong giới kinh doanh cho tới những tin đồn, nghi ngờ gắn liền với những quyết định đi trước, khác người của HAGL.
Bầu Đức được xem là người đi đầu trong rất nhiều lĩnh vực: từ gỗ, BĐS, thủy điện và giờ đây là nông nghiệp. Ông được xem là ông trùm ngành BĐS ở khu vực phía Nam và cũng là người đâu tiên “phá giá” thị trường khi giảm giá căn hộ còn chỉ bằng khoảng 50% so với các dự án có vị trí và chất lượng tương đương.
|
Thời đi cày khổ ải của Bầu Đức. |
Ông làm thủy điện khá sớm và cũng đã rời bỏ lĩnh vực này khi quyết định bán đứt toàn bộ các dự án thủy điện đi làm nông nghiệp. Với nông nghiệp, giờ đây bầu Đức có 100 ngàn hecta cao su tại Lào và Việt Nam. Ông cũng là người trồng mía với diện tích cả chục ngàn ha, cung cấp đường giá rẻ và gây phản ứng khá mạnh trong cộng đồng DN mía đường trong nước. Gần đây, doanh nhân này cũng đã nuôi bò, với dự đàn bò thịt lên tới cả trăm ngàn còn bò sữa cũng vậy với ước mơ “ngồi ở Gia Lai bán sữa khắp Đông Nam Á”.
Gần đây, việc HAGL dự định lấy cổ phiếu công ty con (HAGL Agrico) để trả cổ tức cho công đông công ty mẹ HAGL cũng là một kế hoạch gây bão trong cộng đồng giới đầu tư. Họ lo ngại các DN khác sẽ bắt chước HAGL và biện pháp đó quá mới, chưa biết tốt hay không.
Trở lại vụ việc 2 đối tác thua lỗ ngàn tỷ ở HNG, với diễn biến mới, có thể thấy, kết quả là HAGL Agrico đã thâu tóm xong 100% cổ phần Cao su Đông Dương bằng chính khoản tiền hơn 1,6 ngàn tỷ từ ông chủ của DN cao su này. Đổi lại, Cao su An Thịnh và Cường Thịnh nắm tương ứng 4,11% và 3,58% cổ phần của HAGL Agrico.
Như vậy, cú sốc hay sự kỳ lạ gần đây phải chăng đều đã nằm trong tính toán của bầu Đức và đây là một vụ hợp tác giữa các ông chủ của An Thịnh và Cường Thịnh với bầu Đức.
Nó cũng giải thích tại sao, trong bối cảnh tín dụng NH luôn được NHNN kiểm soát chặt chẽ, lại có trường hợp 2 DN mới thành lập vốn 30 tỷ nhưng lại thành công với thương vụ ngàn tỷ. Cái giá hơn 1,6 ngàn tỷ đồng của Cao su Đông Dương trong thương vụ mới nhất có lẽ đã giải thích được cho điều bí ẩn mới của bầu Đức.
Nó có lẽ cũng minh chứng thêm cho chiến lược dồn sức vào nông nghiệp của doanh nhân này. Gần đây, bầu Đức cho bật mí, nông nghiệp đang là lợi thế chủ lực của HAGL, chiếm tới khoảng 80% tổng đầu tư của tập đoàn. Tuy vậy, khối nợ khá lớn của HAGL cũng khiến nhiều người lo ngại nếu doanh thu và nguồn vốn gặp vấn đề.
V.Hà