Tháng 7.1993, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt sang thăm Cuba. Tôi là thành viên của đoàn. Từ sân bay về đến Nhà Khách Trung ương, Thủ tướng và đoàn đã thấy đồng chí Fidel đợi sẵn. Đón tiếp thân tình, không nghi thức, đồng chí nói ngay một yêu cầu: bên cạnh các cuộc gặp chính thức, đồng chí muốn làm việc riêng với Thủ tướng Võ Văn Kiệt tất cả các buổi tối về Đổi mới của Việt Nam.
Trong cuộc hội đàm chính thức, giữa rất nhiều thông tin về đất nước Cuba, tôi ghi vào sổ tay “giáo dục miễn phí ở tất cả các cấp; công nghệ sinh học áp dụng vào y học, hai trụ cột của chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh Cuba bị cấm vận”.
Từ lúc đó về sau, ngày tôi càng thấu hiểu ý nghĩa của chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ sinh học áp dụng vào y học. Mặc cho cấm vận ngặt nghèo, y học Cuba là một ngọn hải đăng, bảo đảm chăm lo cho sức khỏe của nhân dân Cuba, và là viện trợ quý báu và vô tư của Cuba cho nhân dân nhiều nước châu Phi, châu Mỹ Latin.
|
Lãnh tụ Fidel Castro với tác giả - Ảnh: TL |
Một buổi tối, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi tôi và nói chuẩn bị để ngày hôm sau tôi đến làm việc với các đồng chí Cuba về công tác vận động kiều dân (lúc này tôi là Trưởng ban Việt kiều Trung ương thuộc Chính phủ). Tôi trình bày nhanh đề cương báo cáo. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý và dặn tôi trình bày hết các phức tạp, khó khăn và những thuận lợi, thời cơ, và đừng quên nói rõ là Việt Nam đang đổi mới công tác vận động kiều bào, và đây chỉ là kinh nghiệm để các bạn tham khảo.
Trước khi rời Cuba, tôi nhận được một món quà cao quý mà tới nay tôi vẫn còn giữ nguyên vẹn: Một hộp cigar với danh thiếp của Fidel Castro Ruz, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba.
Tháng 4.2000, tôi trở lại Cuba trong đoàn của Chủ tịch Nước Trần Đức Lương sang tham dự Hội nghị cấp cao các nước đang phát triển tại La Habana.
Vào lúc này, Nhóm G77 đang đấu tranh mạnh mẽ chống những bất công trong quá trình toàn cầu hóa đang làm kiệt quệ các nước đang phát triển.
Tôi vẫn còn nhớ rõ phát biểu của Chủ tịch Fidel tại phiên khai mạc:
“Toàn cầu hóa là một thực tế khách quan, nói lên rằng chúng ta đều là hành khách trên cùng một con tàu. Nhưng các điều kiện không như nhau cho mọi hành khách. Một thiểu số, rất ít, sống trong những phòng đầy đủ tiện nghi, được nối mạng Internet, có điện thoại di động, dùng những bữa cơm thịnh soạn, có nước uống, có bác sĩ trên tàu chăm sóc, có phòng giải trí và được thưởng thức các loại hình văn hóa.
Tuyệt đại bộ phận hành khách, khoảng 85%, trên tàu sống trong những điều kiện gợi cho chúng ta nhớ lại các chuyến tàu khủng khiếp chở nô lệ từ châu Phi sang châu Mỹ trong thời kỳ thực dân: sống chen chúc trong những phòng dơ bẩn, chịu đói khát, bệnh tật, đau đớn và vô vọng.
Chuyến tàu vượt đại dương này mang theo quá nhiều bất công và phi lý để có thể không bị đắm, và đi theo một hành trình quá vô lý để có thể yên ổn cập bờ. Dường như nó sẽ đụng phải tảng băng. Và khi đó, tất cả chúng ta sẽ chết chìm.”
Cũng từ hội nghị này đồng chí Fidel đã khuyến nghị các nước đang phát triển xuất khẩu dầu thô nên sử dụng thận trọng “vũ khí giá dầu thô”, bởi lẽ không khéo, chính nền kinh tế các nước đang phát triển sẽ phải gánh chịu hậu quả chứ không phải nền kinh tế các nước đã phát triển.
Giá dầu thô quá cao, các nước xuất khẩu dầu có lợi, nhưng các nước đã phát triển có đủ sức để chịu đựng, trong khi đó các nước đang phát triển nói chung liệu sẽ chịu đựng được bao lâu khi phải trả giá cao cho dầu thô và cho các mặt hàng công nghệ phẩm theo đó tăng lên? Giá dầu thô quá thấp, các nước đã phát triển mặc tình sử dụng phung phí và mua để dự trữ trong khi các nước xuất khẩu dầu thô lại thất thu ngân sách những khoảng khổng lồ.
Bài phát biểu ở phiên bế mạc của đồng chí Fidel là một lời kêu gọi đoàn kết các nước đang phát triển.
“Chưa bao giờ tôi chứng kiến một trình độ nhận thức cao như thế về những bất công mà chúng ta đang gánh chịu. Giá mà chúng ta cũng nhận thức được như vậy về sức mạnh của chúng ta!
(…) Trong một quá khứ không xa, chúng ta đã chiến thắng chủ nghĩa thực dân để trở thành những nước độc lập, Gần đây hơn, nhân dân Nam Phi đã chiến thắng chủ nghĩa Apartheid với sự hỗ trợ của thế giới thứ ba.
Chỉ có với nhận thức như vậy, chúng ta mới lái được con tàu mà tôi đã nói ở phiên khai mạc, không va phải tảng băng và chìm đi mang theo tất cả chúng ta! Chỉ có như thế, chúng ta mới có quyền được sống, và không chết!”
Tôi trở lại Cuba lần thứ ba trong đoàn của Chủ tịch QH Nguyễn Văn An tháng 3.2006, năm đồng chí Fidel tròn tuổi 80.
Sau cuộc hội đàm với Chủ tịch QH Cuba, đoàn nhận được tin Chủ tịch Fidel sẽ tiếp đoàn vào lúc nửa đêm ngày 17.3.2006.
Vấn đề năng lượng toàn cầu và tại Cuba chiếm hầu hết thời gian của buổi tiếp, hơn 2 giờ thay vì 1 giờ như dự kiến. Đồng chí Fidel say sưa nói về vấn đề tiết kiệm năng lượng, năng lượng mới, và quy hoạch năng lượng cho các tỉnh và toàn Cuba.
Ở thời điểm 2006, Venezuela, với trữ lượng dầu mỏ rất lớn, rất hào phóng với Cuba và các nước Mỹ Latin. Nghe đồng chí nói, tôi bất giác nhớ lại phân tích liên quan đến “vũ khí giá dầu thô” của đồng chí năm 2000. Vào lúc giải lao, khi đồng chí bắt tay tôi, tôi đã nói lên suy nghĩ này. Đồng chí vỗ vai tôi và gật đầu.
Những kỷ niệm về đồng chí Fidel mà tôi nhắc lại trên đây rất thời sự trong tình hình thế giới hiện nay. Tình hình càng biến động khó lường, càng cần những con người có tầm nhìn bao quát, vượt thời gian. Chúng ta vừa tiễn biệt một con người như thế!