Qua nửa năm đầu đầy chật vật, bước sang nửa cuối năm 2023, nền kinh tế trong nước đã bắt đầu phát đi những tín hiệu khởi sắc, tích cực hơn với điểm nhấn là khó khăn của doanh nghiệp đang được tháo gỡ. Từng cơ hội dù là nhỏ nhất đều đang được “chắt chiu” để phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Nhiều ĐIỂM “sáng”
Bức tranh kinh tế tháng 7 đã xuất hiện nhiều hơn nhưng mảng sáng. Ba trụ cột tăng trưởng xuất khẩu , đầu tư và tiêu dùng có sự cải thiện, sau đà giảm mạnh từ cuối năm ngoái.
Ba tháng qua, tăng trưởng của tháng sau cao hơn tháng trước, sự khởi sắc này giúp tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 7 tháng đạt 374,3 tỷ USD, chỉ còn giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa trong 7 tháng ước tính xuất siêu 15,2 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,3 tỷ USD).
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây công bố điều chỉnh dự báo tăng trưởng Việt Nam năm nay xuống 5,8%, từ mức 6,5% đưa ra trước đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, GDP Việt Nam năm nay dự kiến tăng khoảng 4,7% (thấp hơn 1,1% so với dự báo trước đó), do nửa đầu năm chịu áp lực lớn từ tổng cầu bên ngoài giảm mạnh, tác động đến xuất khẩu.
Về đầu tư, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư công thực hiện ước đạt 41,3% kế hoạch, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam giải ngân vốn tăng mạnh.
Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đạt gần 16,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 11,5 tỷ USD.
Tháng 7, Đồng Nai vừa thu hút thêm 30 triệu USD vốn đăng ký đầu tư từ 2 dự án FDI lớn từ Đức, Trung Quốc. Yên Bái khởi công nhà máy trị giá 20 triệu USD chuyên sản xuất nhiên liệu xanh.
Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, Nghệ An vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhà máy hợp kim nhôm 165 triệu USD. Dự án có thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư nhanh nhất, từ khi khảo sát đến lúc cấp giấy chứng nhận chỉ gần 2 tháng. Từ lúc nộp hồ sơ đến khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký, doanh nghiệp chỉ mất 5 ngày làm việc.
Tháng 7, kinh tế trong nước ghi nhận một số dấu hiệu tích cực. Ảnh: Như Ý
Tiêu dùng cũng đang đứng trước kỳ vọng khởi sắc, chi tiêu của người dân cao hơn khi mặt bằng lãi suất, thuế giá trị gia tăng giảm. Khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam gia tăng, cũng giúp cải thiện tiêu dùng trong nước. Bảy tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4%.
Những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế đã phản ánh vào thị trường chứng khoán. VN-Index vượt 1.225 điểm và tiếp tục lập đỉnh mới, thanh khoản thị trường thường xuyên vượt ngưỡng tỷ USD (trên 23.500 tỷ đồng).
Dòng tiền mạnh mẽ chảy vào thị trường cho thấy nhà đầu tư đặt niềm tin rất lớn vào sự hồi phục của doanh nghiệp, nền kinh tế. Kênh dẫn vốn khác là trái phiếu đang cho thấy nỗ lực “phá băng” mạnh mẽ, khi sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ chính thức vận hành trong tháng 7.
Dù thanh khoản bước đầu không cao, nhưng Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho rằng đây là bước tiến quan trọng của thị trường vốn, tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Sau hàng loạt chỉ đạo của Thủ tướng, sự ra đời của các chính sách gỡ vướng, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp bất động sản đã “thoát đáy” trong quý 2, ghi nhận tăng trưởng trở lại, khi các chính sách gỡ vướng thẩm thấu. Các tên tuổi lớn như Vinhomes, Novaland, Nam Long báo cáo lợi nhuận được cải thiện.
Ngày 3/8, Thủ tướng vừa chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhấn mạnh tinh thần khó khăn ở đâu, tháo gỡ ở đó. Báo cáo Thủ tướng, Bộ Xây dựng cho biết, gần 500 dự án bất động sản tại Hà Nội và TPHCM được gỡ vướng.
Chắt chiu cơ hội nửa cuối năm
Bên cạnh một số tín hiệu lạc quan thì nhìn vào bức bức tranh kinh tế 7 tháng qua, GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, tính từ đầu năm và so sánh với cùng kỳ năm trước, khó khăn của nền kinh tế vẫn còn lớn. Số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường gia tăng, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, đầu tư công cải thiện nhưng giải ngân còn chậm so với kế hoạch.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Thành cho rằng, đầu tư công cần được chú trọng nhiều hơn như là một trụ cột cho tăng trưởng. Hiện tại, mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào đầu tư, nhưng khu vực đầu tư tư nhân đang dần thu hẹp, do đó thời gian tới cần dựa rất nhiều vào đầu tư công.
Nửa cuối năm, chuyên gia kỳ vọng, động lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh sẽ mạnh mẽ hơn, khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105. Qua đó, đà hồi phục có thể nối dài, kinh tế khởi sắc hơn. TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, để môi trường kinh doanh thực sự cải thiện, cần dứt khoát phá bỏ quan điểm sợ sai, không dám quyết, phá bỏ sự cố thủ của các rào cản kinh doanh.
Cũng tại Nghị quyết 105, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
“Đầu mối xử lý các vướng mắc về môi trường đầu tư kinh doanh đã được nêu rõ. Bộ Công Thương phải xử lý vướng mắc về môi trường đầu tư phát triển năng lượng tái tạo ngay trong tháng 7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phải đưa ra các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc và khó khăn trong việc triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phải giải quyết được tình trạng khó khăn và chi phí cao trong tiếp cận tín dụng, cũng như uyển chuyển hơn trong chính sách tiền tệ, phối hợp hiệu quả với chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế”, ông Việt nói.
Kết quả tăng trưởng GDP vừa qua còn cách khá xa mục tiêu 6,5% của năm nay. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, điều này đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề trong những tháng cuối năm. Để đạt mức bình quân cả năm 2023 là 6,5% thì 2 quý cuối năm phải tăng trưởng xấp xỉ 9%.
Ông Phương nhấn mạnh: “Để đạt được mục tiêu tốt nhất có thể, chúng ta phải chắt chiu từng cơ hội. Tôi nhận thấy xu thế chung của cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng chắt chiu từng đơn hàng, dù rất nhỏ, cố gắng duy trì, từng bước phục hồi”.
Việt Linh - Theo Tiền phong