Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc SSI.
DUY CƯỜNG
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng nếu kinh tế Trung Quốc gặp khủng hoảng thì sẽ gây ra hậu quả nặng nề tới kinh tế thế giới.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Duy Hưng nói:
- Tôi sợ nhất khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc, nếu điều đó xảy ra chẳng dám dự đoán gì. Những tín hiệu khủng hoảng nguy hiểm hơn những gì diễn ra ở cuộc khủng hoảng tại Mỹ năm 2008. Mỹ có thể tự điều chỉnh nền kinh tế bằng chính sách và khả năng phục hồi là tốt hơn, nhưng Trung Quốc thì khó.
Và nếu điều đó xảy ra, Việt Nam sẽ chịu tác động.
Nguy cơ nền kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng” từ lâu đã được nhiều chuyên gia nhận định. Mọi người đừng nhìn giá dầu giảm là nguyên nhân, mà nên nhìn là hệ quả của giảm phát.
Ai nhìn giá dầu là nguyên nhân, là sai vì không ai tạo ra được năng lượng thay thế những năng lượng hiện tại, không ai làm chủ được giá dầu khi chưa có loại năng lượng mới thay thế.
Khó khăn, nhưng nhiều điểm sáng
Ông dự báo gì về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016?
2016 là một năm dự báo nhiều khó khăn nhưng vẫn có những điểm sáng nhất định.
Chúng ta đỡ tệ hơn so với những nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines. Việt Nam có cơ hội huy động vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, duy trì tăng trưởng và thu hút nguồn vốn đầu tư.
Nhìn vào kinh tế vĩ mô, GDP tăng là tín hiệu mừng, khi dòng tiền luân chuyển, ai cũng thấy vui khi có phần của mình trong dòng chảy đó.
Tôi cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ hội cho một số doanh nghiệp nhưng là thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Trong đó những doanh nghiệp muốn hưởng lợi từ TPP phải nói không với nguyên liệu từ các nước thứ ba như Trung Quốc.
Ông dự báo gì về diễn biến thị trường vốn năm 2016?
Tất cả các nhà đầu tư, ai xây vốn cứ xây, đừng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ. Tôi cho rằng không ai đoán trước được quy mô ra chính sách để thu hút nguồn vốn, điều cần là làm sao cho người dân tin rút tiền tiết kiệm để mang đi đầu tư.
Các nhà đầu tư đều đáng trân trọng, đáng quý như nhau, họ đầu tư vì mục đích gì đều tốt cả. Họ đều là người dẫn vốn, cá nhân tôi đánh giá cao họ.
Năm nay, Việt Nam cần tìm đường đi riêng, bởi nếu nền kinh tế Trung Quốc "hạ cánh cứng" thì sẽ gây ra khủng hoảng kinh tế. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tìm ra đường đi cho mình, không nên tự hào mãi về chi phí lao động rẻ.
Ông đánh giá thế nào về kỳ vọng của một lãnh đạo khi phát biểu mới đây về việc phấn đấu Việt Nam có 5 triệu doanh nghiệp vào năm 2020?
Khi chúng ta chấp nhận hội nhập kinh tế toàn cầu, chúng ta cũng phải chấp nhận khái niệm doanh nghiệp toàn cầu, Samsung gốc Hàn Quốc nhưng là thương hiệu toàn cầu, nhưng sang Việt Nam là Samsung Việt Nam. Coca-Cola gốc Mỹ nhưng sang Việt Nam là Coca-Cola Việt Nam.
Tôi không quan tâm đến bao nhiêu doanh nghiệp, mà quan tâm đến tổng số tiền đầu tư, tiền đóng thuế và tổng số người có công ăn việc làm hàng năm mà doanh nghiệp tại Việt Nam tạo ra.
Tôi nghĩ rằng, trong 5 triệu doanh nghiệp mà chúng ta hướng tới có đến 4,9 triệu là cạnh tranh lẫn nhau trong số những ngành nghề kinh doanh.
Nhìn vào câu chuyện doanh nghiệp Việt ở Mỹ sẽ thấy, sang Mỹ người Việt lại tự hại nhau khi cạnh tranh bằng cách bán rẻ sản phẩm phá giá nhau. Câu chuyện về giá cá tra - cá basa của Việt Nam, ngon hơn nhưng bán rẻ hơn cá cùng chủng loại ở Mỹ là một ví dụ.
Cá nhân tôi kỳ vọng về tổng số tiền doanh nghiệp đầu tư là bao nhiêu hơn là số lượng doanh nghiệp, và tôi thích một Vingroup hơn 100 doanh nghiệp làm giống Vingroup.
Minh bạch với nhà đầu tư
Ông nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng nhận định của các công ty chứng khoán còn non kém và bi quan gây nên tác động xấu tới thị trường? Và cần làm gì để việc cổ phần hóa đi vào thực chất, tác động tích cực tới thị trường chứng khoán?
Nhận định thế nào là tốt, theo ý người nào đó mới là tốt?
Như ở SSI, tôi không can thiệp vào nhận định thị trường của SSI Research, mặc dù cũng có lúc nhận định SSI Research đưa ra trái ngược với nhận định của tôi.
Hơn nữa, trong các bản tin nhận định, các công ty chứng khoán có khuyến nghị người đọc phải tự phân tích để tìm hiểu thị trường, công ty chứng khoán không chịu trách nhiệm.
Tôi cho rằng thị trường có mua, có bán, cái cần làm nhất để thị trường lớn là minh bạch. Có minh bạch, tự thị trường sẽ phát triển.
Về tiêu chí cổ đông chiến lược thì theo tôi không nên đặt ra. Khi nhà đầu tư rót tiền vào một doanh nghiệp, không bao giờ có trách nhiệm hay cam kết hỗ trợ bằng văn bản cả. Mọi hỗ trợ, cam kết hợp tác đều có thể tính bằng tiền. Việc đưa ra tiêu chí về cổ đông chiến lược vô hình chung đã loại bỏ những nhà đầu tư tiềm năng.
Theo tôi nếu không đưa ra tiêu chuẩn cổ đông chiến lược thì tiến trình cổ phần hóa sẽ hiệu quả hơn, bán được giá cao hơn. Không có ai bỏ tiền vào một công ty để phá cả.
Theo tôi, điều cần làm cho thị trường chứng khoán để phát triển là minh bạch, nhưng nhiều khi tôi thấy có sự thiếu trách nhiệm với sự minh bạch. Nếu tôi có quyền tôi truy đến cùng vụ công bố thông tin về Vinamilk (công bố thông tin liên quan tới một nhà đầu tư nước ngoài định mua cổ phần VNM - PV).
Theo ông, năm 2016 nếu có tiền thì nên đầu tư gì?
2016 là năm cơ hội của các nhà đầu tư. Tôi có ngày hôm nay là biết chọn đúng thời cơ và mua được nhiều cổ phiếu có giá trị. Đầu tư phải nhìn vào giá trị của doanh nghiệp.
Tôi cho rằng năm nay thực sự là cơ hội cho nhà đầu tư chứng khoán có tiền đi tìm những cổ phiếu để đầu tư dài hạn.