Tóm tắt
Do Tp.HCM nằm ở cửa ngõ kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của khu vực, Việt Nam tham gia Hiệp định TPP cũng sẽ giúp thành phố này trở thành một trung tâm kho vận lớn của cả khu vực từ nay đến năm 2030.
Bản báo cáo cho biết các trung tâm kho vận toàn cầu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có những điểm tương đồng rõ rệt, trong khi việc cải tiến cơ sở hạ tầng, gia tăng dân số nhanh – đặc biệt ở Trung Quốc – và các hiệp định thương mại giữa các quốc gia đang giúp chuẩn hóa những khác biệt, tạo thế cân bằng hơn về tầm quan trọng của dịch vụ hậu cần giữa các trung tâm toàn cầu này.
Dựa trên mô hình của CBRE, hiện có 8 trung tâm kho vận tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được xếp hạng là trung tâm toàn cầu, bao gồm: Hồng Kông, Quảng Châu, Thượng Hải, Thâm Quyến, Thiên Tân của Trung Quốc đại lục; Tokyo, Osaka-Kobe của Nhật Bản; và Singapore.
Bản báo cáo nhận định những trung tâm này vẫn sẽ tiếp tục chiếm ưu thế đến năm 2030. Tuy nhiên, những trung tâm khu vực và địa phương mới nổi như Thành Đô, Phúc Châu, Hàng Châu, Ninh Ba của Trung Quốc; Deli, Mumbai của Ấn Độ; Busan của Hàn Quốc; và Tp.HCM của Việt Nam cũng đang dần trở nên quan trọng nhờ vào sự chuyển đổi trong sản xuất hàng bình dân, sức tiêu thụ tăng cao, cơ sở hạ tầng và các chính sách phát triển.
Ông Dennis Yeo, Giám đốc Bộ phận Bất động sản Công nghiệp và Hậu cần, CBRE Châu Á cho biết: “Chúng tôi cho rằng những trung tâm kho vận toàn cầu hiện nay vẫn tiếp tục chiếm ưu thế đến năm 2030. Sự phát triển cơ sở hạ tầng, nhu cầu thị trường và môi trường kinh doanh được kỳ vọng vẫn sẽ sôi động tại những trung tâm này. Đây là những trung tâm nằm dọc các hành lang thương mại trọng điểm, kết nối với mạng lưới giao thông quốc tế quan trọng, có lượng lớn không gian kho vận tốt và nhiều nhà khai thác dịch vụ hậu cần chuyên nghiệp.”
Theo đó, nằm ở vị trí chiến lược đến Côn Minh, Trung Quốc, và tiếp cận với hạ tầng hoàn thiện tại cảng Sài Gòn, Tp.HCM có tiềm năng lớn phát triển. Chẳng hạn, theo CBRE, dự án kho vận rộng 10ha tại Khu Công Nghệ Cao Tp.HCM sẽ giúp hoàn thiện chuỗi cung ứng xung quanh thành phố, nâng cao khả năng cạnh tranh trong khu vực.
Tại khu vực khác bên Thái Bình Dương, các trung tâm kho vận ở Úc vẫn giữ tầm quan trọng trong khu vực với vai trò là nhà cung ứng chủ lực vật tư và nông sản cho toàn bộ Châu Á. Trong khi Tây Úc tiếp tục là trung tâm hàng hóa chủ yếu thì Melbourne sẽ là cửa ngõ quốc tế quan trọng cho thị trường công nghiệp và tiêu dùng của Úc, được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư hạ tầng lớn. Bang Victoria có 17 dự án hạ tầng lớn được chính phủ ước tính nhu cầu vốn khoảng 7,7 tỉ USD đến năm 2019.
Gia Khang
Theo Trí thức trẻ