TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 223
  • Hôm nay: 198
  • Tháng: 1621
  • Tổng truy cập: 5245625
Chi tiết bài viết

TQ họp Hội nghị TƯ4 sau thời gian dài gián đoạn

Hội nghị Trung ương lần thứ tư của Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào tháng Mười tại Bắc Kinh, Tân Hoa Xã loan tin.

Getty Images

Quyết định được đưa ra tại phiên họp của Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc hôm thứ Sáu 30/8, dưới sự chủ tọa của Tổng Bí thư Tập Cận Bình.

Hiện thời gian đích xác diễn ra hội nghị vẫn chưa được công bố.

Lẽ ra, Hội nghị Trung ương 4 theo thông lệ được tổ chức vào mùa thu năm ngoái.

Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra, khiến có những đồn đoán có bất đồng trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng về việc hoạch định hướng đi của đất nước, Reuters nói.

Đó cũng là lúc Trung Quốc đang phải đương đầu với cuộc thương chiến với Hoa Kỳ, còn mức tăng trưởng kinh tế thì phát triển chậm lại.

Thời điểm quan trọng

Tháng diễn ra Hội nghị Trung ương 4 cũng là lúc Trung Quốc kỷ niệm quốc khánh lần thứ 70, sự kiện được trông đợi là sẽ được tổ chức ăn mừng ở quy mô rất lớn vào ngày 1/10 tới đây.

Đây là kỳ họp kín với sự tham dự của khoảng 370 đảng viên ưu tú nhất, và là cơ hội để giới tinh hoa trong Đảng đưa ra những chính sách ưu tiên cho năm tới.

Trong hội nghị tới đây, các quan chức cao cấp hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thảo luận về việc quản trị và "hoàn thiện" hệ thống xã hội chủ nghĩa ở nước này, hơn một năm rưỡi sau khi diễn ra hội nghị lần thứ ba.

Getty Images

Hội nghị 4 sẽ "nghiên cứu một số vấn đề quan trọng trong việc giữ vững và hoàn thiện hệ thống xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc và thúc đẩy việc hiện đại hóa quản trị nhà nước," Tân Hoa Xã tường thuật.

"Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc" là khái niệm được dùng để chỉ việc duy trì chủ nghĩa cộng sản trong tên gọi của Đảng, và duy trì quyền kiểm soát chính trị độc đảng, nhưng về kinh tế thì chủ yếu tuân theo các nguyên tắc kinh tế thị trường.

Hội nghị trung ương 3 hồi 2/2018 đã thảo luận về các vấn đề nhân sự và chương trình cải tổ đối với các cơ quan nhà nước, nhằm trao cho đảng quyền kiểm soát thậm chí còn lớn hơn trước.

Hội nghị trung ương 2 trước đó nữa là sự kiện thông qua kế hoạch xóa bỏ thời hạn nắm vị trí chủ tịch nước. Điều này đồng nghĩa với việc ông Tập có thể tại nhiệm bao lâu tùy ý.

Thách thức cho ông Tập Cận Bình

Trung Quốc hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề, cả về kinh tế lẫn chính trị, ngoại giao.

Cuộc thương chiến Mỹ-Trung vốn bắt đầu từ hơn một năm trước đang diễn ra không những không có dấu hiệu hạ nhiệt mà ngày càng trở nên gay gắt, trong lúc tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại.

Ảnh hưởng của cuộc thương chiến dường như đã thể hiện rõ tới đời sống của người dân chứ không còn ở tầm mức quốc gia, vĩ mô xa xôi hay chỉ các công ty, doanh nghiệp, tuy giới chức Trung Quốc không thừa nhận điều này.

Quan hệ Trung - Mỹ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản hôm 29/6/2019

"Ở các thành phố lớn của Trung Quốc thì có lẽ không tệ lắm, nhưng ở các thành phố bậc hai, tức là các thành phố bên ngoài, họ đang bắt đầu lo ngại về việc mất việc làm, và giá thịt gà, thịt heo đã tăng lên," nhà báo Howard Zhang, Trưởng ban BBC News Tiếng Trung, nhận xét.

"Tổng thống Donald Trump [hồi đầu tháng Tám] nói rằng hàng ngàn công ty đang rời khỏi Trung Quốc. Tiền Trung Quốc đang bị bao vây, đang rất khó khăn."

"Nhưng phía Trung Quốc lại nói đang ở trong quá trình chuyển đối, tái cơ cấu. Chúng ta đang đi lên mô hình mới hơn, không có vấn đề gì," nhà báo Zhang nói.

Gần đây, Quốc hội Mỹ chuẩn thuận việc bán vũ khí, khí tài cho Đài Bắc với giá trị hợp đồng lớn nhất từ trước tới nay, 8 tỷ đô la.

Quyết định của Hoa Kỳ khiến Bắc Kinh giận dữ.

Trung Quốc đòi Hoa Kỳ phải chấm dứt liên lạc quân sự với Đài Bắc, và đe dọa trừng phạt các công ty Mỹ làm ăn với Đài Loan,.

Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và cần phải thống nhất với đại lục, kể cả bằng việc sử dụng vũ lực, nếu cần.

Việc Trung Quốc từ hồi đầu tháng Bảy đưa nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam khiến tình hình ở vùng Biển Đông có tranh chấp càng trở nên căng thẳng.

Độ 'nóng' ở Biển Đông khiến nhiều cường quốc tỏ thái độ. Bên cạnh việc Mỹ cho tàu hải quân áp sát các vị trí trên biển do Trung Quốc kiểm soát, thì Anh, Pháp, Đức và Úc đều lên tiếng tỏ ý 'quan ngại' về nguy cơ ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định trong khu vực.

Getty Images

Các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ, về sau mở rộng thành đòi dân chủ, đã diễn ra từ hơn hai tháng qua tại Hong Kong

Tuy nhiên, vấn đề được cho là thách thức không mong muốn nhất đối với quyền lực của ông Tập lại nằm ở chuyện trong nước.

Bắc Kinh từ hơn hai tháng nay đã phải chứng kiến các cuộc biểu tình đòi dân chủ rầm rộ tại Hong Kong, thách thức quyền lực của Trung Quốc tại vùng đặc khu hành chính này.

Tình hình căng thẳng ở Hong Kong đã khiến nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Canada lên tiếng. Tuy nhiên, Bắc Kinh nói đây là công việc nội bộ của Trung Quốc và yêu cầu các nước không can thiệp.

Theo BBC

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness