Người trả lời phỏng vấn: TS Tô Văn Trường - Chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường
1/Nguyên nhân do đâu TP HCM tái diễn tình trạng ngập trong nhiều năm mà chưa xử lý dứt điểm?
Trả lời
Bài toán chống ngập cho các thành phố lớn ở Việt Nam hay trên thế giới hoàn toàn tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên như địa hình, triều, mưa, lũ. Nhận thức như vậy là cái gốc cơ bản nhất để tiến hành xây dựng các phương án chống ngập cho các thành phố.
TP Hồ Chí Minh đã từ bỏ ý tưởng phát triển theo hướng bắc, tây bắc, đông bắc có trước ngày 30/4/1975 là các khu vực địa hình cao, ảnh hưởng lũ-triều-mưa dễ giải quyết ổn thỏa và bền vững lâu dài,.. để chọn hướng phát triển thành phố ra phía biển tức là hướng đông và đông nam là những khu vực có đất thấp trũng chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ, triều, mưa. Trong khi đó, lại không giữ được hệ thống ao, kênh, hồ, đầm lầy tự nhiên để hỗ trợ đắc lực cho chống ngập nên đến hôm nay phải trả cái giá quá đắt.
Do đặt sai mục tiêu 75% diện tích thành phố là vùng đất thấp ảnh hưởng triều nhưng quy hoạch đô thị về thoát nước (752/QĐ-TTg ngày 9/6/2001 và Quyết định số 24/QĐ-TTG ngày 06/01/2010) đều quy định cốt nền từ +2,00 m trở lên. Như vậy, lẽ ra mục tiêu phải là thoát nước thì lại thành ra là chống ngập.
Sau thấy không thể chống ngập nổi thì lại đổi thành giảm ngập.
- Năm 2008 UBND TP.HCM có Quyết định số 1121/QĐ-UBND ngày 05/8/2008 thành lập "Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố".
- Đến năm 2011, UBND TP.HCM có Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND ngày 14/5/20117 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đảng bộ thành phố lần thứ IX về thực hiện Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011 - 2015.
- Năm 2016 UBND TP.HCM có Quyết định số 6261/QĐ-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2016 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình Giảm ngập nước giai đoạn 20162020.
Mục tiêu sai dẫn tới giải pháp sai. Muc tiêu là chống ngập nên giải pháp là nâng nền. Không đủ tiền để nâng nền toàn đô thị dẫn tới giải pháp cục bộ là nâng nền đường. Đường không ngập thì nhà dân biến thành hầm. Thành quả đường hết ngập thì ngành giao thông hưởng. Hậu quả nhà ngập thì dân gánh chịu.
Mục tiêu không phải là thoát nước nên kể cả ở vùng cao không bị ảnh hưởng triều thì vẫn hễ cứ ngập là nâng nền đường mà không xem xét hệ thống thoát nước có hay không, hoặc có rồi thì đủ hay chưa đủ.
Kết quả quan trắc ngập nhiều năm cho thấy rằng hệ thống cống chưa được nâng cấp chỉ có thể chịu đựng được các trận mưa có vũ lượng
2/ Ngoài yếu tố hạ tầng còn yếu tố nào khác khiến tình trạng ngập ngày một nặng hơn?
Trả lời:
Với bài toán chống ngập hiện tại cho thành phố Hồ Chí Minh “hướng biển Đông” thì các yếu tố gây ra ngập úng phải chịu tác động tổng hợp của các yếu tố:
-Triều mạnh nhất ở Việt Nam từ biển Đông theo sông, ngòi, kênh, rạch truyền vào quanh năm suốt tháng với chế độ bán nhật triều đều.
-Lũ thượng nguồn truyền về tổ hợp từ các hệ thống sông: Vàm Cỏ, Đồng Nai, Sài Gòn,..
-Lượng mưa tại chỗ theo chế độ mùa mưa châu Á ( 6 tháng mùa mưa theo mùa gió tây nam và 6 tháng mùa khô theo mùa gió đông bắc và đông nam).
Nếu không kể các yếu tố tự nhiên (mưa, triều, lũ, địa hình, biến đổi khí hậu nước biển dâng) thì còn lại là do con người: San lấp nền xây đô thị làm co hẹp diện tích vùng trũng có tác dụng điều tiết. Làm đường giao thông để phát triển kinh tế nhưng không có chính sách đồng bộ: Chia cắt, cản trở đường thoát nước hoặc để mặc tình trạng hình thành đô thị tự phát dọc các con lộ trong khi cơ sở hạ tầng thoát nước chưa có.
Còn có một số nguyên nhân chủ quan khác như kênh Tân Hóa-Lò Gốm bình thường đã bị lẫn chiếm, bồi lấp chứa đầy rác thải bị ném xuống vô tội vạ. Trong khi dẫn dòng cải tạo thi công, theo tôi hiểu người ta đã làm theo quy trình ngược. Cải tạo cống cấp 4 trước, rồi đến cống cấp 2 & 3, rồi mới đến kênh. Mỗi khâu thực hiện đều gây ngập úng dưới nguồn. Con kênh Tân Hóa -Lò Gốm bình thường đã không đủ khả năng thoát nước, bây giờ lại bị chặn dòng để cải tạo kênh, lại đón nhận lượng nước cao hơn trước kia do cống đã được cải tạo, thì không thể nào ngăn chặn được lũ lụt. Đáng lẽ ra phải làm theo quy trình ngược lại: Cải tạo kênh trước nhất từ hạ nguồn đi lên, rồi cống cấp 2, 3, rồi mới đến cống cấp 4.
3. Hệ quả mà tình trạng này mang lại đối với người dân và sự phát triển của Thành phố trong tương lai ?
Trả lời
Tình trang ngập lụt đô thị ở TPHCM đã bắt đầu xuất hiện từ cuối những năm 1990 và ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các khu vực đang đô thị hóa mạnh như Bình Chánh, Thủ Đức, Quận 7 và Quận 12 vv... Do việc đô thị hóa đã không được phát triển đồng bộ với hệ thống thoát nước đô thị, trong lúc đó vũ lượng mưa trận đã ngày càng có xu thế gia tăng rõ nét nên việc ngập lụt như bài ca “đến hẹn lại lên”!
Nước không thoát được thì ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường sống, mất văn minh đô thị. Báo chí đã phản hầu hết cư dân thành phố ít nhiều đều từng là nạn nhân của ngập úng. Nhẹ thì bị trễ giờ, quần áo ướt sũng, phải đẩy xe vào dịch vụ lau rửa cấp tốc vv. Nặng thì bị nước tràn vào nhà, đồ đạc hư hỏng, ô nhiễm môi trường, người bị mất ăn mất ngủ tâm lý hết sức bức xúc.
Tình trạng này xảy ra thường xuyên hàng năm, lặp đi lặp lại, xem chừng không có cải thiện nào trong tương lai gần. Cư dân chỉ biết than thở cùng nhau, chịu đựng điệp khúc mưa to là ngập. Các cuộc họp của chính quyền cũng dành nhiều thời gian thảo luận, không ai có thể hứa hẹn một lộ trình giảm ngập cụ thể.
Cụ thể là như dự án chống ngập mà TP HCM đã chọn và đang triển khai thực hiện (hiện đang gặp khó khăn về tài chính, nên có nguy cơ dở dang) bao gồm các hạng mục công trình chính:
-Xây dựng hệ thống cống điều khiển lũ và triều từ các sông-kênh-rạch lớn không cho nước tràn vào TPHCM trong mùa mưa lũ, đồng thời đảm bảo giao thông thủy thông suốt trong mùa khô.
-Xây dựng hệ thống đê ven các sông, kênh, rạch chính đảm bảo nước từ sông, kênh, rạch này không tràn bờ chảy vào làm ngập TP.
-Xây dựng hệ thống cống hộp các cấp đủ sức chuyển tải nước mưa trên địa bàn TP từ các tuyền đường cấp IV ra cấp III, ra cấp II, ra cấp I, gom dồn vào các cửa cống lớn đầu mối để bơm trực tiếp ra sông.
Lưu ý khi xây dựng và triền khai thực hiện phương án này, cần thận trọng, nên căn cứ vào yếu tố địa hình và hệ thống sông ngòi, kênh, rạch mà phân chia TP thành các lưu vực “hứng nước tự nhiên” thật đúng, làm căn cứ khoa học chuẩn xác để xây dựng hệ thống các công trình trên cho từng lưu vực cụ thể. Bên cạnh đó cần nghiêm cấm lấp sông, kênh, rạch ao, hồ, đầm lầy tự nhiên làm đất xây dựng. Nghiêm cấm xả rác xuống hệ thống cống thoát nước mưa
4. Thành phố HCM cần làm gì để giải quyết tình trạng này?
Trả lời:
Thay đổi tư duy hành động, xác định mục tiêu thoát nước thay cho giảm ngập, đầu tư đồng bộ trước mắt theo lưu vực nhỏ, sử dụng bơm tiêu để giải quyết triệt để vấn đề thoát nước và kết hợp giải quyết thoát nước với xử lý nước thải. Làm đến đâu hiệu quả đến đấy.
Để giải quyết bài toán chống ngập cần thực hiện song song cả giải pháp trước mắt và lâu dài. Cụ thể cần rà soát, bổ sung hệ thống cống đã có, kể cả hơn 600 cửa van ngăn triều, nạo vét hệ thống cống rãnh, các cửa thoát nước. Phân các khu tiêu cục bộ, đồng thời với các trạm bơm nhỏ di động giải quyết nhanh việc tiêu thoát nước bằng động lực.
Ngoài ra, khi quy hoạch và thiết kế các giải pháp công trình cần lưu ý các bất cập hiện nay có độ chênh về độ cao giữa mốc các trạm thủy văn và mốc địa hình quốc gia. Tại trạm thủy văn Phú An mức chênh này là 20,6 cm. Như vậy, khi Trạm Khí tượng thủy văn Nam bộ thông báo đỉnh triều lúc 18h ngày 20/10/2013 là 1,68 m thì có nghĩa nó bằng với mức 1,886 m theo độ cao mốc (địa hình) quốc gia hiện hành (áp dụng từ năm 2008). Trong khi đó, cấp báo động theo mực nước ở TPHCM được quy định cấp 3 là 1,30 m; Cấp 2 là 1,40 m và Cấp 1 là 1,50m.
Nhất thiết phải có bản đồ ấn định cao độ nền cho toàn TP. Tuy nhiên, bản đồ này chỉ có thể xây dựng được dựa trên bản đồ rủi ro về ngập lụt cùng với quy hoạch tổng hợp giảm thiểu rủi ro (SUFRM). Không có SUFRM, sẽ dẫn đến tình trạng mỗi quận huyện, mọi gia đình đều tự lo tôn nền nhà, nền đường cho mình, vừa tốn kém, vừa gây ngập lụt cục bộ, đưa đến tình trạng luẩn quẩn không lối thóat như thời gian vừa qua.
Công tác nghiên cứu khoa học vẫn cần được tiếp tục để có cơ sở khoa học cho việc kết nối vận hành hệ thống một cách tổng thể và khoa học nhất, bao gồm cả việc nâng cao khả năng dự báo mưa trận trong phạm vi thành phố trước một vài giờ của ngành khí tượng.
Vấn đề hiện nay thuộc về bản lĩnh cũa người ra quyết định tức là vai trò của “nhạc trưởng” cần phải:
(1) Khẳng định quy hoạch phát triển TP.HCM trong vòng 50 năm tới? Các vùng đất thấp (chủ yếu ở nam Sài gòn có nên phát triển đô thị hay điều chỉnh quy hoạch sang các vùng cao như Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi?. Đây là câu hỏi quan trọng nhất để quyết định lựa chọn chiến lược chống ngập hay sống thích nghi?
(2) Trong trường hợp lựa chọn phát triển cả các vùng đất thấp thì TP.HCM phải lựa chọn chiến lược nào để chống ngập lụt cho trung hạn và dài hạn. Từ đây, câu hỏi có phải kiểm soát triều trên diện lớn hay chỉ cục bộ. Nhiều người hiện nay cứ cho rằng xây dựng các cửa ngăn triều ngay tại cửa xả cũng đủ chống ngập do triều?. Giai pháp này chỉ có tác dụng trong ngắn hạn nhưng khi mực nước ngoài sông cao thì tiêu thoát của các hệ thống cống ngầm sẽ bị suy giảm nhanh chóng.
(3) Việc lựa chọn một chiến lược cần kinh phí và thời gian, cho nên cần hoạch định một lộ trình hợp lý để sao cho các đầu tư từng bước phát huy hiệu quả.
“Nhạc trưởng” ở đâu xem ra vẫn còn là bài toán thách đố đối với những người có trách nhiệm quản lý thành phố Hồ Chí Minh.