Trong rất nhiều vấn đề với nền kinh tế Trung Quốc, nợ công vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả dẫn đến tình trạng giảm phát, suy giảm tăng trưởng GDP. Hàng loạt quả “bom nợ” đang treo lơ lửng tại các địa phương.
Theo Goldman Sachs, tổng khối nợ công tại Trung Quốc ước tính khoảng 23.000 tỷ USD, bao gồm cả trái phiếu chính phủ, trái phiếu địa phương và khoản vay ngầm của các công ty tài chính do chính quyền địa phương lập ra.
Chính quyền Trung ương cấp quyền cho địa phương được phát hành trái phiếu huy động vốn xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, rất nhiều công trình không phát huy công năng kinh tế, sự sai lầm trong tính toán nguồn thu dẫn đến thâm hụt chi tiêu, một số địa phương trống rỗng ngân khố.
Bên cạnh đó, chính sách chống dịch quá khắt khe kéo dài của Chính phủ đã khiến ngân sách nhiều tỉnh thành của nước này cạn kiệt, do phải chi hàng tỷ USD để phong tỏa liên tục, xét nghiệm hàng loạt và cách ly tập trung, khiến kinh tế Trung Quốc trì trệ kéo dài.
Thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều công ty lớn liên tục phá sản, khiến các địa phương mất đi nguồn thu từ bán đất, thu thuế dự án nhà ở. Vân Nam hiện là một trong những tỉnh nặng nợ nhất nước này, với tỷ lệ nợ trên thu ngân sách năm ngoái hơn 1.000%.
Với nhà nước toàn năng và sự lãnh đạo triệt để của Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc vay nợ tại các địa phương đều nằm trong chương trình tổng thể do Trung ương điều tiết, do vậy khả năng vỡ nợ địa phương là rất thấp.
Nhưng mối lo ngại lớn hơn là chính quyền địa phương sẽ phải cắt giảm mạnh chi tiêu hoặc rút tiền ra khỏi các dự án để trả nợ. Vì vậy, nó sẽ đe dọa mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở nước này.
Nợ công được vay trên khả năng đóng thuế của người dân và doanh nghiệp. Nhưng kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng giảm phát, già hóa dân số, các động lực tăng trưởng không còn dồi dào như trước. Nhiều địa phương không thể duy trì tốc độ tăng trưởng để có thể trả nợ và chi tiêu thường xuyên.
Phép cộng của các vấn đề tương tự tại các địa phương chính là vấn đề của Trung ương. Trước mắt, Trung ương có thể giữ ổn định bằng cách yêu cầu các ngân hàng đảo nợ cho chính quyền địa phương. Khi vượt quá ngưỡng này mới là vấn đề nghiêm trọng.
Một số địa phương nghèo ở phía Tây đại lục tìm cách khai thác khoáng sản, bán tài sản công, hạ giá bất động sản cũng kích cầu du lịch và mở mang một số ngành kinh tế mới. Nhưng điều đó không dễ dàng trong bối cảnh hiện nay.
Công ty tài chính địa phương (LGFV) là thiết chế kỳ lạ, giúp huy động tiền bạc thông qua phát hành trái phiếu; đã trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, giúp xây dựng cầu, nhà và đường. Hiện núi nợ gây ra từ các LGFV khoảng 8.300 tỷ USD.
Chưa có LGFV nào bị vỡ nợ trái phiếu. Nhưng nhiều nhà quan sát, như Larry Hu tại ngân hàng Macquarie, tin rằng đó chỉ là vấn đề thời gian. Ngân hàng Nomura tính toán các LGFV sẽ phải hoàn trả 32,2 tỷ USD trái phiếu nước ngoài vào năm 2022, tăng từ 26,9 tỷ USD năm 2021.
TRƯƠNG KHẮC TRÀ - Theo DienDanDoanhNghiep