Nguồn: Gideon Rachman, “How China broke the Asian model”, Financial Times, 21/06/2021.
Biên dịch: Phan Nguyên
“Ông thấy mô hình Trung Quốc có gì độc đáo?” Đó là câu hỏi mà một phóng viên truyền hình hỏi tôi trong chuyến thăm lần trước của tôi tới Bắc Kinh. Câu trả lời của tôi là tôi không nghĩ rằng có một mô hình kinh tế cụ thể nào của riêng Trung Quốc.
Có một mô hình phát triển Đông Á dựa trên công nghiệp hóa nhanh chóng và hướng vào xuất khẩu, được thực hiện tiên phong bởi Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Những gì Trung Quốc đã làm là theo đuổi mô hình tương tự – nhưng trên quy mô lớn. Tôi nói thêm rằng một trong những đổi mới thực sự của Trung Quốc là đất nước này đã không tự do hóa về mặt chính trị dù đã trở nên giàu có hơn. Điều này khiến Trung Quốc trở nên khác biệt so với Hàn Quốc và Đài Loan.
Sau khi chúng tôi nói chuyện xong, tôi hỏi phóng viên liệu cô ấy có thể sử dụng được câu trả lời nào của tôi hay không. “Không, tôi không nghĩ vậy,” cô ấy trả lời. “Nhưng thật tuyệt khi ông có thể nói ra những gì ông nghĩ.”
Tôi suy nghĩ về cuộc trao đổi đó trong tuần này khi Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản. Trọng tâm trong tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình là dưới sự dẫn dắt khôn ngoan của Đảng, Trung Quốc đã khám phá ra một con đường phát triển độc đáo mà phần còn lại của thế giới có thể học hỏi. Trong một bài phát biểu trước đại hội đảng vào năm 2017, ông Tập tuyên bố rằng Trung Quốc đang “mở ra một con đường mới cho các nước đang phát triển khác để đạt được hiện đại hóa”.
Việc nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố đã khám phá ra một con đường mới mang lại tăng trưởng kinh tế là một điều đáng nghi ngờ. Những giai đoạn đầu của cải cách kinh tế Trung Quốc thời hậu Mao tuân theo một công thức mà bất kỳ ai có kiến thức về “phép màu” kinh tế Đông Á trước đây đều có thể nhận ra.
Nhiều nhà máy đầu tiên ở miền nam Trung Quốc được thành lập bởi các nhà đầu tư Hoa kiều từ Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan và các nơi khác. Họ đang chuyển một mô hình đã hoạt động hiệu quả ở những quốc gia này sang một môi trường mới với chi phí thấp. Thực tế rằng Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng với tốc độ hai con số trong nhiều thập niên là điều đáng chú ý. Nhưng đó không phải là điều chưa từng xảy ra. Nhật Bản đã đạt được thành tích tương tự trong nhiều năm sau Thế chiến II. Hàn Quốc nghèo hơn cả các khu vực châu Phi cận Sahara vào những năm 1950, nhưng ngày nay họ là một quốc gia giàu có.
Nhưng trong khi khía cạnh kinh tế của mô hình Trung Quốc không mới, thì khía cạnh chính trị lại mới. Không giống như Đài Loan hay Hàn Quốc, những nơi đã chuyển từ các chế độ độc đảng sang dân chủ khi họ trở nên giàu có hơn, Trung Quốc dưới thời ông Tập càng củng cố hơn sự thống trị của đảng Cộng sản.
Khi các nhà bình luận Trung Quốc nói về việc đưa ra một mô hình mới cho thế giới đang phát triển, họ cũng nghĩ đến khía cạnh chính trị. Tại sao không đón nhận sự trật tự dưới chủ nghĩa chuyên chế kiểu Trung Quốc thay vì sự hỗn loạn của nền dân chủ kiểu phương Tây?
Trung Quốc cũng đã thách thức môi trường địa chính trị vốn tạo nền tảng cho sự trỗi dậy của châu Á. Những con hổ châu Á ban đầu đều là đồng minh của Mỹ. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh với Liên Xô, Mỹ nhận thấy lợi thế của việc mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu từ các đồng minh Đông Á. Washington cũng sẵn sàng chấp nhận các chính sách bảo hộ của các nước này lâu hơn.
Sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh kinh tế đến từ châu Á không bao giờ là một vấn đề dễ dàng đối với người Mỹ. Có một sự hoang mang ở Mỹ về sự trỗi dậy của Nhật Bản trong những năm 1980. Nhưng phản ứng dữ dội là có thể tránh được vì Nhật Bản là đồng minh và là một nền dân chủ giống Mỹ.
Trung Quốc sẽ không bao giờ là đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, cho đến gần đây, Trung Quốc đã hết sức thận trọng không muốn thách thức công khai quyền lực của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Điều đó đã thay đổi dưới thời ông Tập khi Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự trên Biển Đông.
Là một quốc gia độc tài ngày càng công khai tham vọng thách thức sức mạnh quân sự, chính trị và kinh tế của Mỹ, Trung Quốc đã sớm gây ra phản ứng dữ dội ở Washington. Chính quyền Trump tập trung phần lớn vào vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, dưới thời Joe Biden, phản ứng dữ dội đã trở nên rõ ràng hơn về mặt tư tưởng. Vị tổng thống mới thường xuyên nói rằng Mỹ và Trung Quốc đang tham gia vào một cuộc đấu tranh về ý thức hệ và chính trị để đưa ra mô hình cho thế kỷ 21 – dân chủ hay độc tài.
Chính phủ Trung Quốc có lý do để hy vọng rằng Hoa Kỳ nhận ra giờ đã quá muộn để xem xét lại sự ủng hộ của họ đối với mô hình tăng trưởng châu Á vốn đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành nhà chế tạo và xuất khẩu lớn nhất thế giới. Quốc gia này hiện có nền kinh tế tiêu dùng nội địa khổng lồ, mang lại nguồn tăng trưởng thay thế cho các thị trường xuất khẩu vốn rất quan trọng đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong những thập niên ban đầu.
Trung Quốc cũng vừa trở thành nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu thế giới. Các công ty Trung Quốc đang mở rộng khắp nơi trên thế giới. Nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau đến mức việc tách rời thực sự sẽ cực kỳ khó khăn – chưa nói là không được ủng hộ bởi nhiều doanh nghiệp của cả hai bên.
Mặc dù vậy, ông Tập đã chấp nhận rủi ro lớn khi công khai thách thức quyền lực của Mỹ. Trong những thập niên đầu tiên khi Trung Quốc trỗi dậy, sự đồng thuận ở Washington là Trung Quốc cũng sẽ tự do hóa về mặt chính trị khi nước này ngày càng trở nên giàu có. Vì vậy, Mỹ đã có một thái độ khuyến khích và dễ dãi đối với sự vươn lên của Trung Quốc – tương tự như cách tiếp cận của họ đối với các con hổ kinh tế Đông Á khác.
Trong trường hợp của Trung Quốc, “sự cho phép” của Mỹ hiện đã bị rút lại. Mỹ đang hạn chế Trung Quốc tiếp cận một số công nghệ tiên tiến và đang tổ chức các đồng minh của mình để chống lại Bắc Kinh. Trong môi trường địa chính trị mới này, ông Tập thực sự cần phải tìm ra một “mô hình Trung Quốc” mới – khác biệt với mô hình Đông Á – nếu muốn sự trỗi dậy của Trung Quốc tiếp tục không bị gián đoạn.
Theo Nghiên Cứu Quốc Tế