Một công trình xây dựng khu đô thị mới tại Trung Quốc (Ảnh: The Diplomat)
Trang mạng The Diplomat trích dẫn các báo cáo của hãng tin Tân Hoa Xã và một mạng thông tin độc lập Thepaper.cn nhấn mạnh kế hoạch xây dựng các khu đô thị mới của Trung Quốc đang vượt khỏi tầm kiểm soát vì các tỉnh và thành phố đều lên kế hoạch phát triển khu đô thị mới.
Các khu đô thị mới sẽ cung cấp nhà ở cho khoảng 3,4 tỷ người, con số này vượt xa nhu cầu nhà ở thực tế của người dân Trung Quốc vì dân số nước này khoảng 1,4 tỷ người.
Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết, một cuộc khảo sát trên 156 thành phố cấp địa phương và 161 thành phố cấp trung ương tại 12 tỉnh thành cho thấy chính quyền nơi đây đã có kế hoạch xây dựng 55 khu đô thị mới, đặc biệt trong đó có một địa phương xây lên kế hoạch xây dựng 13 khu đô thị mới. Điều đáng nói là có đến 90% thành phố cấp địa phương đang xây dựng các khu đô thị mới.
Vấn đề mất kiểm soát trong việc phát triển các khu đô thị mới không phải là mới. Trước đó vào năm 2013, tờ Nhân dân Nhật báo cũng cảnh báo trào lưu xây dựng các thành phố mới với kỳ vọng là các khu đô thị mới sẽ được người dân đến sinh sống và lấp đầy. Thông thường các thành phố lớn sẽ hút các khu vực nhỏ xung quanh và phát triển rộng ra sau đó, nhưng ở Trung Quốc nhiều trường hợp các thành phố, khu đô thị lại phát triển quá khổ và không có người ở.
Hơn nữa, diện tích đất lấy ra để xây dựng các khu đô thị cũng gia tăng chóng mặt. Lấy đơn cử một tỉnh ở phía Tây Trung Quốc đề xuất xây dựng 3 khu đô thị và 5 thành phố mới, các công trình này choán diện tích gấp 7,8 lần diện tích lúc đầu. Trịnh Châu là thủ phủ của tỉnh Hà Nam, miền Trung của Trung Quốc có diện tích 132 km2, nhưng tỉnh này đề xuất phát triển quận đô thị có diện tích lên đến 150 km2.
Theo Tuân Hoa Xã, xu hướng phát triển các khu đô thị đang lan nhanh ra các tỉnh đến các thành phố địa phương có quy mô nhỏ hơn cùng với các dự án xây dựng đã đẩy giá nhà đất nơi đây tăng vọt. Zhou Yixing, giáo sư Đại học Bắc Kinh và là cố vấn Cục Kế hoạch phát triển đô thị Trung Quốc, cho biết phần lớn các nguồn lực và con người đều tập trung hầu hết ở các thành phố lớn và việc phát triển các khu đô thị trên đã không có sự kết hợp với các thành phố nhỏ hơn và tự phát. Nếu các thành phố lớn phát triển mà không kiểm soát tốt sẽ dẫn đến các hệ lụy như tắc nghẽn giao thông sẽ trở nên tồi tệ.
Dai Jifeng, phó giám đốc Viện giao thông đô thị trực thuộc Viện Hàn lâm Thiết kế và Kế hoạch đô thị cho hay, một cuộc khảo sát gần đây trên 288 thành phố địa phương tại Trung Quốc thì có tới 164 thành phố phải xây đường vành đai để giảm thiểu ùn tắc giao thông. Thậm chí, một vài thành phố ban đầu chưa có triển hệ thống giao thông, sau đó mới phải phát triển các đường vành đai. Vấn đề về nhu cầu giao thông thường không được quan tâm, theo ông Jifeng.
Shi Nan, phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà quy hoạch thành phố và quốc tế, còn chỉ ra rằng trước kia tăng trưởng kinh tế là tiêu chí để xây dựng các dự án phát triển các khu đô thị, nhưng giờ đây các khu đô thị đã phát triển quá nhanh và bằng mọi giá.
Phát biểu tại cuộc họp mới đây về Quy hoạch thành phố toàn quốc, vị chuyên gia này nhấn mạnh tới nhu cầu cấp thiết là phải nâng cao chất lượng quy hoạch các vùng đô thị-nông thôn để giải quyết bài toán phát triển đô thị. Quan trọng nhất là phải thay đổi cách tư duy về nhu cầu đô thị hiện nay.
Trong kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 13, quy hoạch đô thị ở Trung Quốc phải tính nhiều đến yếu tố môi trường, phải lấy con người làm trung tâm và phải được hệ thống tổ chức chính quyền thừa nhận các vấn đề xã hội. Ngoài ra, phương pháp xây dựng, mật độ và quy mô đô thị có sự thay đổi lớn trong bản kế hoạch lần này, theo chuyên gia Shi.
Li Tie, giám đốc Trung tâm phát triển đô thị trực thuộc Ủy ban đổi mới và Phát triển quốc gia, phát biểu với báo giới rằng việc phát triển đô thị phải diễn ra thông qua quá trình phát triển tự nhiên hơn là các quy hoạch nhân tạo.
Vũ Duy
Theo The Diplomat