TIN TỨC

fanpage

Thống kê truy cập

  • Online: 24
  • Hôm nay: 320
  • Tháng: 9022
  • Tổng truy cập: 5154286
Chi tiết bài viết

Trung Quốc nhất tiễn hạ song điêu - Thách thức vị thế tối cao của Mỹ: Động thái của ông Putin càng đổ thêm dầu vào lửa!

 

 

Nhiều khả năng, Trung Quốc đang xây dựng các liên minh sức mạnh mềm mới.

Trung Quốc 'nhất tiễn hạ song điêu' - Thách thức vị thế tối cao của Mỹ: Động thái của ông Putin càng đổ thêm dầu vào lửa!

Ảnh: Nikkei montage/AP

Và sức mạnh đó đến từ không gian - đấu trường thế kỷ 21!

Ở quỹ đạo...

Hơn 2 tuần sau khi phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu 12 chở theo 3 phi hành gia cập bến môn-đun lõi Thiên Hà vào ngày 17/6/2021 (bắt đầu cho công việc hoàn thiên Trạm Vũ trụ Trung Quốc Thiên Cung), Trung Quốc tiếp tục ghi dấu ấn quốc tế khi lần thứ hai trong lịch sử nước này có người đi bộ ngoài không gian.

Buổi đi bộ ngoài không gian thứ hai (bên ngoài mô-đun Thiên Hà ở độ cao 380 km) diễn ra vào lúc 20:10 ngày 3/7/2021. Phi hành gia chỉ huy Nie Haisheng và Tang Hongbo là hai người thực hiện sứ mệnh này với sự trợ giúp của một cánh tay robot khổng lồ.

Chuyến đi bộ ngoài không gian ngày 3/7/2021 là chuyến đi bộ thứ hai của Trung Quốc - gần 13 năm sau chuyến đi bộ kéo dài 22 phút của phi hành gia Zhai Zhigang trong sứ mệnh Thần Châu 7 vào tháng 9/2008.

Theo Cơ quan Không gian có người lái Trung Quốc (CMSA), để hoàn thành trạm vũ trụ Thiên Cung, các phi hành gia Trung Quốc sẽ còn phải thực hiện nhiều chuyến đi bộ như thế ngoài không gian để sửa chữa, lắp ghép và hoàn thiện Thiên Cung.

Trên sao Hỏa...

Trong khi đó, trên sao Hỏa, một tàu thám hiểm của Trung Quốc cũng đang khám phá Hành tinh Đỏ. Kể từ khi hạ cánh hồi tháng 5/2021, tàu thăm dò Chúc Dung đã bận rộn tìm kiếm manh mối về việc liệu sao Hỏa có từng hỗ trợ sự sống hay không. Vẫn chưa có câu trả lời. Cho đến nay, thành tích mới nhất mà tàu Chúc Dung đạt được là đi hơn 450 mét về phía nam trên bề mặt sao Hỏa.

Nhiều nhà phân tích vũ trụ chiến lược Mỹ nhận định, ngành công nghệ vũ trụ và khai phá không gian trong những thập niên đầu thế kỷ 21 của Trung Quốc đang 'lên như diều gặp gió'.

Trên thế giới, Trung Quốc là quốc gia thứ 2 hạ cánh và vận hành tàu thám hiểm trên Hành tinh Đỏ, sau Mỹ. 

ĐIÊN CUỒNG LÊN VŨ TRỤ

Tần suất thu được những thành tựu vũ trụ và tham vọng tiến vào không gian điên cuồng của Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) gợi nhớ đến thời Chiến tranh Lạnh (1946-1991), khi Moscow và Washington là những đối thủ siêu cường tranh giành nhau để đưa người đầu tiên lên không gian và hạ cánh xuống Mặt Trăng. 

Cuộc đua thời thế kỷ 20 ấy hạ nhiệt khi Neil Armstrong (phi hành gia NASA, Mỹ) đặt những bước chân đầu tiên của nhân loại trên Mặt Trăng năm 1969.

Nửa thế kỷ trôi qua, cuộc đua không gian nóng trở lại. Lần này, nó chứa ít hệ tư tưởng hơn. Thay vào đó là tham vọng kinh tế, tham vọng đứng đầu; và đông đúc hơn. 

[Khoảng 72 quốc gia trên toàn cầu có chương trình vũ trụ, trong đó có Ấn Độ, Brazil, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc và UAE - Tất nhiên, còn có cả Mỹ, Nga, Trung Quốc. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng đang hoạt động, trong khi Vương quốc Anh tự hào có nhiều công ty khởi nghiệp không gian tư nhân nhất, sau Mỹ].

(1) Không gian ngày nay cũng mang tính thương mại cao. 

Vào Chủ Nhật ngày 11/7/2021, tỷ phú Anh Sir Richard Branson đã bay tới rìa không gian (cụ thể ở độ cao 85 km) trong phi cơ vũ trụ trang bị tên lửa VSS Unity SpaceShipTwo do công ty của mình sản xuất. Chuyến bay kéo dài khoảng 3 phút này một phần phục vụ mục đích quảng bá ngành du lịch vũ trụ của Virgin Galactic. Virgin Galactic đến nay đã nhận khoảng 700 suất vé đặt trước của nhiều nhân vật trên thế giới. Mỗi vé giá 250.000 USD.

Ngày 20/7 tới đây, tỷ phú giàu nhất hành tinh Jeff Bezos cũng có chuyến bay tương tự đến rìa không gian (cụ thể ở độ cao 106 km) trên phương tiện phóng New Shepard, được chế tạo bởi công ty Blue Origin của chính Jeff Bezos.

(2) Các công ty vũ trụ tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc khám phá không gian.

Đơn cử, các tàu vũ trụ/tên lửa của công ty SpaceX do tỷ phú 'cuồng sao Hỏa' Elon Musk sáng lập đã thực hiện nhiều chuyến bay đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), và kể từ năm 2020, chúng đã vận chuyển người cũng như hàng hóa thường xuyên lên không gian. Dự kiến, vào cuối năm 2021, Elon Musk sẽ gửi phi hành đoàn toàn dân sự của mình vào quỹ đạo.

(3) Mặc dù mang tính thương mại, không gian vẫn phản ánh những căng thẳng trên Trái Đất. 

Thách thức lớn nhất đối với vị thế tối cao không gian của Mỹ không đến từ Nga - quốc gia thừa kế chương trình vũ trụ tiên phong rất thành công của Liên Xô (với việc phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik và đưa con người đầu tiên vào không gian) - mà đến từ Trung Quốc.

Năm 2011, Quốc hội Mỹ đã cấm các nhà khoa học Mỹ hợp tác với Bắc Kinh. Nguyên nhân và cũng là nỗi sợ hãi của Mỹ đến từ: Gián điệp khoa học. Mỹ rất kỵ việc Trung Quốc copy công nghệ không gian Mỹ rồi biến nó trở nên 'ngon lành' hơn trên đất Bắc Kinh.

Tên lửa đẩy là 'xương sống' của các chương trình không gian Mỹ-Trung. Ảnh trái: Trung Quốc sản xuất tên lửa Trường Chinh 5 - Ảnh phải: NASA sản xuất tên lửa đẩy hạng nặng SLS.

Biểu hiện của việc 'bất hợp tác' với Trung Quốc của Mỹ là các phi hành gia Trung Quốc bị cấm đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) - nơi Mỹ dang rộng vòng tay chào đón các phi hành gia đến từ 19 quốc gia trong 20 năm qua.

Trong bản đánh giá mối đe dọa hàng năm gửi hồi tháng 4/2021, văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) đã mô tả Trung Quốc là một "đối thủ cạnh tranh ngang hàng" đang thúc đẩy quyền lực toàn cầu. 

DNI cảnh báo: "Bắc Kinh đang tiến hành những thứ để phù hợp hoặc vượt quá khả năng của Mỹ trong không gian nhằm đạt được các lợi ích quân sự, kinh tế và uy tín mà Washington đã tích lũy được từ vai trò siêu cường không gian".

Chính quyền Tổng thống Biden nghi ngờ vệ tinh của Trung Quốc đang được sử dụng cho các mục đích phi dân sự. Theo DNI, quân đội Trung Quốc tích hợp dữ liệu do thám và dẫn đường trong các hệ thống chỉ huy và kiểm soát quân sự. Vệ tinh vốn có công dụng kép. Nó không giống sự khác biệt giữa máy bay chiến đấu F15 và máy bay chở khách 737.

Một khi Trung Quốc hoàn thành trạm vũ trụ Thiên Cung vào cuối năm 2022, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ mời các phi hành gia nước ngoài tham gia các sứ mệnh trên Thiên Cung, nhằm đạt mục đích: Xây dựng các liên minh sức mạnh mềm mới.

Bắc Kinh từng nói rằng sự quan tâm từ các nước khác là rất quan trọng. Và Trung Quốc đang muốn kéo sự quan tâm đó về phía mình, trong bối cảnh trạm ISS sắp già cỗi và nghỉ hưu.

THẾ GIỚI CHIA 2 PHE

Theo Alanna Krolikowski, một trợ lý giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri (Mỹ), quá trình "chia đôi" của cuộc thám hiểm không gian đang được tiến hành:

GIỮA 1 PHE MỚI NỔI LÀ CÁC QUỐC GIA DO TRUNG QUỐC & NGA LÃNH ĐẠO.

VÀ 1 BÊN LÀ CÁC NỀN DÂN CHỦ & CÁC QUỐC GIA 'CÙNG CHÍ HƯỚNG' VỚI MỸ

Nga có truyền thống hợp tác chặt chẽ với người Mỹ, ngay cả khi các mối quan hệ trên 'mặt đất' của họ không được tốt đẹp cho lắm (ý chỉ chính trị). Điện Kremlin là đối tác quan trọng trong việc quản lý và tiếp tế cho trạm ISS. Các phi hành gia Mỹ đã sử dụng tên lửa/tàu vũ trụ Soyuz của Nga để đến trạm ISS, cất cánh từ một sân bay vũ trụ ở Kazakhstan, sau khi chương trình Tàu con thoi của Mỹ bị loại bỏ dần. Nhưng kỷ nguyên này dường như sắp kết thúc khi các công ty tư nhân như SpaceX tiếp quản.

Nhưng lúc này, mối quan hệ Nga-Trung đang ngày càng thắt chặt. Moscow đang di chuyển gần hơn đến Bắc Kinh trong hợp tác không gian. Vào tháng 3/2021, Trung Quốc và Nga đã công bố kế hoạch đồng xây dựng một trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế. Thỏa thuận được đưa ra vào thời điểm chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin ngày càng bị cô lập và chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. 

Vào tháng 6/2021, ông Putin và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình đã gia hạn một hiệp ước hữu nghị không gian. Moscow đang kết thân với Bắc Kinh vào thời điểm lưỡng cực Mỹ-Trung đang gia tăng.

Trước đó, trong những năm 1950, Liên Xô đã cung cấp một loạt các hỗ trợ kỹ thuật cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, kể từ những năm 1990 trở đi, cơ sở vũ trụ của Nga đã trải qua một thời gian dài thiếu hụt và trì trệ. Trung Quốc hiện mang đến cho họ những cơ hội mới.

Các phe phái địa chính trị đối địch này đang chiến đấu trên một 'mặt trận' quen thuộc: Mặt Trăng - vệ tinh duy nhất và lớn nhất của Trái Đất.

Trung Quốc nhất tiễn hạ song điêu - Thách thức vị thế tối cao của Mỹ: Động thái của ông Putin càng đổ thêm dầu vào lửa! - Ảnh 3.

Phi hành gia Trung Quốc đi bộ ngoài không gian ngày 3/7/2021. Ảnh: Shutterstock/ File Photo

Vào năm 2019, tàu thám hiểm Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã hạ cánh thành công ở nửa tối của Mặt Trăng - sự kiện này đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu đổ bộ nửa tối Mặt Trăng, và là nước thứ 3 sau Mỹ, Liên Xô có tàu thám hiểm trên Mặt Trăng.

Bắc Kinh hiện đang lên kế hoạch cho một sứ mệnh tới cực nam của Mặt Trăng, để thiết lập một trạm nghiên cứu và một căn cứ có người ở trên vệ tinh này.

Trong khi đó, NASA của Mỹ cho biết họ sẽ đưa 2 phi hành gia (1 nam, 1 nữ) tái đổ bộ Mặt Trăng vào năm 2024. Cơ quan này cho biết: Việc trở lại Mặt Trăng - sau khi phi hành gia cuối cùng, chỉ huy Eugene Cernan, nói lời tạm biệt vệ tinh này vào tháng 12/1972 - sẽ là một bước khởi đầu cho “bước nhảy vọt khổng lồ” tiên quyết nhất của Mỹ: Đưa các phi hành gia lên sao Hỏa.

"Mỹ rất nhạy cảm về những gì xảy ra trong không gian".

Có thể dễ dàng nhận thấy việc Trung Quốc "điên cuồng" đua lên vũ trụ vừa để trả đũa Mỹ vì bị nước này "bỏ rơi" hồi thế kỷ 20 (không cho Trung Quốc tham gia trạm ISS) và tiếp tục bị Mỹ "cấm vận" trong hợp tác không gian thế kỷ 21 - Vừa là để Trung Quốc nắm lấy cơ hội soán ngôi dẫn đầu của Mỹ trong không gian và chinh phục vũ trụ. Phải chăng Trung Quốc đang "nhất tiễn hạ song điêu"?

Trợ lý giáo sư Alanna Krolikowski hoài nghi rằng Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia vũ trụ đứng đầu thế giới. 

Bà giải thích: "Những gì Trung Quốc đang làm là để trả đũa việc bị Mỹ cô lập trong những năm 1960 và 1970. Nhưng Trung Quốc đang "nhất tiễn hạ song điêu", bởi chẳng có lý do gì Bắc Kinh không muốn vượt Washington trên đấu trường mang tên không gian cả. 

Chính phủ Trung Quốc đã và đang có kế hoạch cho các chương trình hoặc sứ mệnh không gian trong mọi lĩnh vực chính, từ việc thám hiểm sao Hỏa, Mặt Trăng, xây dựng chùm vệ tinh quanh Trái Đất đến khám phá các tiểu hành tinh xa xôi. Không có một lĩnh vực hoạt động vũ trụ nào mà Trung Quốc không 'đụng vào'.

Tuy vậy, hầu hết các nhà quan sát cho rằng Mỹ sẽ vẫn là cường quốc không gian hàng đầu thế giới, nhờ vào khu vực tư nhân phát triển và sáng tạo. Chương trình nhà nước kiểu Liên Xô của Trung Quốc có vẻ kém linh hoạt hơn. Chưa kể, khi Trung Quốc không copy được của NASA, nước này lại quay sang copy công nghệ của công ty vũ trụ tư nhân Mỹ, cụ thể ở đây là SpaceX của Elon Musk.

Và hệ thống tên lửa đẩy Falcon chính là minh chứng cho điều đó. Người Trung Quốc còn dự định sản xuất tên lửa Trường Chinh 9 năm 2028 (có thể tái sử dụng) mạnh tương đương với tên lửa huyền thoại Saturn V - từng đưa Neil Armstrong và đồng đội lên Mặt Trăng năm 1969. 

[Đọc thêm các công nghệ Trung Quốc copy của Mỹ, tại đây]

Bất chấp thời gian biểu (kế hoạch không gian) đầy tham vọng và hàng tỷ đô la mà Bắc Kinh đã chi, vẫn chưa rõ khi nào một phi hành gia của nước nào sẽ quay trở lại Mặt Trăng. Có lẽ là những năm 2030? Họ sẽ là người Mỹ hay người Trung Quốc? Hay từ một quốc gia thứ ba?

Nhiều khả năng, người đó sẽ xuất hiện từ một tàu đổ bộ Mặt Trăng với logo SpaceX ở phía sau - một bước nhảy vọt khổng lồ không chỉ đối với nhân loại mà còn đối với hoạt động hiện thực hóa "thực dân hóa Mặt Trăng" và sau đó là sao Hỏa.

Bài viết sử dụng nguồn: The Guardian, Spacenews

Theo Pháp luật và Bạn đọc

Luật sư tư vấn miễn phí

Gọi ngay
0902818158- 0906834543
0906834543
0902818158

Tin pháp luật

CÁC ĐỐI TÁC

  • Nhà Đất Phúc An Khang
  • The Diplomat
  • The NewYork Review of Book
  • CogitAsia
  • Reuters
  • Viet Studies
  • The NewYork Times
  • TIME
  • Bloomberg Bussiness