Theo hãng tin SCMP, dịch Covid-19 sẽ khiến hàng chục triệu người Trung Quốc mất việc làm, tạo áp lực lên hệ thống an sinh xã hội cũng như ảnh hưởng đến các chính sách của chính phủ.
Hiện vẫn chưa rõ chính quyền Bắc Kinh sẽ đối phó thế nào với làn sóng thất nghiệp được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử, nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo cấu trúc kinh tế giúp tạo việc làm như trong những cuộc khủng hoảng trước đây nay đã không còn hữu dụng.
Mặc dù Trung Quốc đã phần nào kiểm soát được dịch Covid-19 nhưng những tổn thương trong ngành dịch vụ cùng nhiều mảng kinh tế khác lại rất khó khôi phục. Số liệu chính thức của chính phủ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ mức kỷ lục 6,2% trong tháng 2 xuống chỉ còn 5,9% trong tháng 3/2020. Tuy nhiên số liệu này lại không tính đến phần lớn trong số 300 triệu lao động nhập cư từ các miền quê lên thành thị.
Nghiên cứu độc lập của hãng môi giới chứng khoán Ahongtai Securities cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc trên thực tế có thể đã đạt 20,5%, tương đương 70 triệu người. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế trưởng Liu Chenjie của công ty quản lý quỹ Upright Asset ước tính con số này phải lên đến 205 triệu người bởi nhiều lao động bị cho nghỉ ở nhà không lương vô thời hạn nhưng không được tính là bị sa thải.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Zhang Lin tại Bắc Kinh cho rằng làn sóng thất nghiệp mới này lớn hơn nhiều so với những cuộc khủng hoảng trước đây. Vào thập niên 1990, chỉ có khoảng 25 triệu lao động mất việc do các công ty quốc doanh cổ phần hóa và tái cấu trúc. Con số này cũng chỉ vào khoảng 20 triệu người trong cuộc khủng hoảng 2008 khi hàng loạt lao động nhập cư từ vùng quê mất việc.
Tuy nhiên, làn sóng mất việc hiện nay là vô cùng lớn và chưa thể có một thống kê chính xác do rất nhiều lao động mất việc làm nhưng chưa được ghi nhận. Tồi tệ hơn, chuyên gia Zhang cho biết khả năng tạo thêm việc làm mới từ nền kinh tế hiện nay là không đủ để hấp thụ làn sóng thất nghiệp này.
Vào thập niên 1990, dù các công ty quốc doanh cổ phần hóa nhưng làn sóng mở rộng của những doanh nghiệp tư nhân đã hấp thu phần nào người lao động mất việc. Trong khi đó vào năm 2008, dù nhiều lao động mảng xuất khẩu bị sa thải nhưng tốc độ đô thị hóa nhanh cùng sự phát triển của thị trường dịch vụ, công nghệ cũng lại hấp thu phần nào làn sóng mất việc này.
Hiện nay, tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm tốc, quá trình đô thị hóa cũng chậm lại trong khi mảng kinh tế tư nhân cũng gặp nhiều thách thức. Nền kinh tế số 2 thế giới hiện không có nhiều biện pháp để có thể hấp thu lượng lớn người lao động mất việc cao kỷ lục.
Thất nghiệp là mất tất cả
Kinh tế suy giảm 6,8% trong quý I cùng hàng loạt lao động mất việc đang là thách thức vô cùng lớn cho chính quyền Bắc Kinh hiện nay. Cùng với sự chuyển đổi của nền kinh tế, người lao động Trung Quốc ngày nay gần như phải tự lo cho bản thân mà chẳng thể nhờ cậy chính phủ mấy thông qua các chương trình an sinh xã hội. Khẩu hiệu "Không thu nhập cũng chẳng có trợ cấp nếu thất nghiệp" đã trở nên quá quen thuộc với giới lao động nước này.
Theo nhiều chuyên gia, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp không muốn thuê lao động bởi họ phải thanh toán tiền bảo hiểm kèm một số chi phí ăn ở theo luật định khác. Hệ quả là ngày càng nhiều lao động Trung Quốc khó kiếm được việc hoặc bị sa thải sau dịch.
Theo quy định, doanh nghiệp sẽ phải thanh toán khoản lệ phí tương đương 30% mức lương trả cho lao động, bao gồm trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm…, vốn là một gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay.
Bởi vậy, rất nhiều công ty hiện nay lách luật bằng cách không kê khai chính xác số tiền lương trả cho nhân viên hoặc sử dụng lao động bán thời gian. Tại vùng đồng bằng Châu Giang, nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất của Trung Quốc, lao động có thể dễ dàng tìm những việc trả lương theo ngày bởi chúng không cần bảo hiểm hay các khoản phí khác.
Thậm chí ngay cả khi có việc làm, người lao động cũng phải nộp bảo hiểm hơn 1 năm mới được thanh toán trợ cấp thất nghiệp, đi kèm với đó là vô số thủ tục rườm rà. Hệ quả là hàng triệu lao động Trung Quốc giờ đây thất nghiệp nhưng chẳng được trợ giúp an sinh xã hội.
Năm 2019, chỉ khoảng ¼ trong tổng số 205 triệu lao động Trung Quốc là có bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp. Nếu tính riêng những lao động nhập cư từ vùng nông thôn, con số này chỉ vào khoảng 17%. Thậm chí chính phủ đã phải ngừng cung cấp số liệu lao động nhập cư có bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2017.
Vào đầu tháng 3/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã phải cảnh báo ít nhất 2 triệu lao động nhập cư từ nông thôn có thu nhập thấp và làm việc bán thời gian sẽ bị đẩy trở lại tầng lớp nghèo đói do mất việc.
"Nhìn họ đi xin việc cứ như đang xem phim 'Những người khốn khổ' vậy. Đáng lẽ những lao động trẻ có thể hưởng thụ cuộc sống tại các vùng quê hơn là phải chịu cảnh đói khổ trên thành thị như thế này", một cụ ông 60 tuổi sống gần chợ lao động Majuqiao-Bắc Kinh ngậm ngùi nói.
Theo GenK